Thảm họa hàng không Indonesia: Tìm thấy thiết bị đầu tiên trong hộp đen

Linh Chi 02/11/2018 07:00

Các đội thợ lặn của Indonesia hôm 1/11 cho hay họ đã trục vớt được 1 chiếc hộp đen từ chuyến bay gặp nạn mang số hiệu JT610 của hãng Lion Air khiến 189 người trên khoang thiệt mạng.

Chiếc hộp đen này sẽ cung cấp chi tiết về nguyên nhân chuyến bay này bị mất liên lạc với đội ngũ mặt đất chỉ 13 phút sau khi cất cánh vào sáng hôm đầu tuần từ sân bay tại thủ đô Jakarta, trên đường tới thị trấn mỏ Pangkal Pinang. Thiết bị trên, được xác nhận là bộ ghi dữ liệu bay, sẽ được chuyển tới Ủy ban An toàn giao thông Indonesia.

Thiết bị này được trục vớt vào khoảng 10h15 sáng hôm 1/11 tại vùng biển ngoài khơi thành phố Tanjung Karawang, Tây Java - kênh truyền hình Kompas cho hay. Một số hình ảnh được phát trên kênh truyền hình này cho thấy thiết bị trên đã được chuyển lên một con tàu, sau đó được lưu giữ trong một chiếc hộp lớn màu trắng.

“Chúng tôi đã đào bới, và tìm thấy chiếc hộp đen” - một thợ lặn tên Hendra nói với kênh truyền hình Metro, sau khi lên tàu Baruna Jaya. Người này đã kể lại quá trình lặn dưới đáy biển và phát hiện ra thiết bị trên dưới lớp bùn đất ở đáy biển.

Dù có tên là “hộp đen” - gồm bộ thu dữ liệu chuyến bay và bộ ghi âm buồng lái - nhưng thiết bị này thực tế có màu da cam cùng nhiều dải màu phản quang, và tất cả các máy bay thương mại đều phải được trang bị nó. Bộ thu dữ liệu chuyến bay thu thập thông tin như tốc độ, độ cao và hướng bay và đủ dung lượng để lưu 25 giờ bay. Trong khi bộ ghi âm buồng lái theo dõi các đoạn hội thoại hoặc âm thanh khác trong buồng lái của phi công.

Theo giới chuyên gia hàng không, thiết bị hộp đen đã giúp lý giải tới 90% nguyên nhân của các vụ tai nạn máy bay trên thế giới.

Mỗi thiết bị thuộc hộp đen có trọng lượng từ 7-10 kg, có thể chịu được áp suất ở độ sâu 6.000 m dưới đáy biển, hoặc 1 giờ trong nhiệt độ 1.100 độ C. Để khiến thiết bị này dễ được phát hiện, người ta gắn với nó một bộ phát tín hiệu, có thể hoạt động liên tục trong vòng 1 tháng liền.

“Mọi dữ liệu về máy bay - động cơ, các trang thiết bị - đều được ghi lại trong hộp đen” - chuyên gia phân tích hàng không Dudi Sudibyo nói với AFP - “Nếu có điều gì bất thường, như vấn đề kỹ thuật, hộp đen cũng sẽ ghi lại”.

Người ta có thể phải mất tới 3 tuần lễ mới có thể tải hết dữ liệu từ hộp đen và có khi mất tới 6 tháng để phân tích lượng dữ liệu đó - theo ông Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, cho hay.

Ngoài ra, một thiết bị lặn không người lái cũng phát hiện ra một vật thể lớn được cho là phần thân của máy bay JT610. Một đội thợ lặn đã hoạt động từ 5h sáng ngày 1/11 để lập bản đồ khu vực này, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.

Giới chức Indonesia hôm 1/11 cũng công bố danh tính cơ trưởng là Bhavye Suneja - mang quốc tịch Ấn Độ, người đã làm việc cho Hãng Lion Air suốt 7 năm qua. Theo tuyên bố của Lion Air, ông Suneja cùng cơ phó của mình là Harvino có kinh nghiệm tổng cộng 11.000 giờ bay và thường xuyên được kiểm tra y tế, sức khỏe, tâm lý và chất gây nghiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảm họa hàng không Indonesia: Tìm thấy thiết bị đầu tiên trong hộp đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO