Trung Quốc và những vũ khí lợi hại trong thương chiến

Linh Chi 11/08/2019 08:05

Một khi Trung Quốc bán tháo lượng trái phiếu kho bạc Mỹ, giá của nó sẽ sụp đổ, khiến cho tỷ lệ lãi suất tăng mạnh và chi phí vay mượn ở Mỹ tăng đột biến. Nhưng có nhiều lý do để Trung Quốc không sử dụng đến thứ vũ khí này.

Trung Quốc và những vũ khí lợi hại trong thương chiến

Vũ khí 1,1 nghìn tỷ USD

Hơn một tuần qua, thương chiến Mỹ - Trung bất ngờ tăng nhiệt. Bắc Kinh hạ giá đồng nhân dân tệ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế đối với gần như tất cả lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ còn gán danh “nước thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc, càng khiến căng thẳng gia tăng. Trung Quốc từng tuyên bố họ luôn sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết và họ sẵn có một thứ vũ khí mạnh mẽ ngay dưới tay áo: Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ. Trên lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây ra tình trạng hoảng loạn trên các thị trường trái phiếu bằng cách bán tháo một số trong 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ. Một khi Trung Quốc bán tháo lượng trái phiếu này, giá của nó sẽ sụp đổ, khiến cho tỷ lệ lãi suất tăng mạnh và chi phí vay mượn ở Mỹ tăng đột biến.

Nhưng có nhiều lý do để Trung Quốc không sử dụng đến thứ vũ khí này. Đầu tiên, nó không mang lại hiệu quả như họ mong muốn. Thứ hai, hành động này có thể gây ra tác động ngược lên nền kinh tế của họ. “Nó chắc chắn không phải công cụ sẵn có hiệu quả nhất” - Brad Setser, chuyên gia phân tích thuộc Hội đồng Đối ngoại và là cựu kinh tế gia thuộc Bộ Tài chính Mỹ, nhận định.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu Trung Quốc thực sự muốn tung đòn chí mạng với Mỹ, họ có thể hạ giá trái phiếu kho bạc Mỹ bằng cách bán tháo chúng ra thị trường và hành động này sẽ khiến tỷ lệ lãi suất tăng. Do tỷ lệ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được xem như thước đo lòng tin người tiêu dùng và doanh nghiệp; các khoản nợ doanh nghiệp, các khoản vay thế chấp sẽ tăng, hãm phanh đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ. Đồng USD cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

“Con dao hai lưỡi”

Nhưng trên thực tế, động thái như vậy tiềm ẩn rủi ro rất lớn và không phù hợp với chiến lược hiện tại của Trung Quốc - Michael Hirson, chuyên gia phân tích thuộc Eurasia Group, nhận định. “Rõ ràng là tình trạng căng thẳng đang dần gia tăng, nhưng tôi nghĩ rằng mục đích chính của Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại là chịu đựng sức ép từ ông Trump. Có thể nghĩ về nó như kiểu “kiên nhẫn là trên hết”. Và theo quan điểm như trên, việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ là phản tác dụng.

Nếu Bắc Kinh bán tháo một lượng trái phiếu Mỹ mà họ sở hữu, lượng còn lại mà họ nắm giữ cũng giảm giá. Bắc Kinh cần có kho trái phiếu Mỹ để bảo vệ đồng tiền của họ. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ cố gắng thiết kế một đợt giảm giá đồng nhân dân tệ trong những tháng tới đây, nhằm giảm bớt chút sức ép cho nền kinh tế mà không tạo nên làn sóng “chảy máu” nguồn vốn.

Một lý do khác: Việc bán tháo trái phiếu của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đối với các thị trường trái phiếu và chứng khoán của họ. “Họ cần có nguồn vốn từ nước ngoài để che chắn cho đồng nhân dân tệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại, - ông Hirson nói. - Nếu Trung Quốc vũ khí hóa trái phiếu Mỹ, họ sẽ gửi đi một thông điệp rất đáng báo động tới các nhà đầu tư trên toàn thế giới”.

Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ có thực sự gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ? Ông Setser tỏ ra hoài nghi về điều này: “Ngay khi việc bán tháo trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ, Fed chắc chắn sẽ hành động”.

Trong một bản báo cáo trình Quốc hội năm 2012, Bộ Ngoại giao Mỹ từng chỉ ra rằng Fed “hoàn toàn đủ khả năng” để mua lại hết lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc bơm ra thị trường, nhằm giảm thiểu hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ. Thêm vào đó, Trung Quốc có rất ít thứ thay thế cho trái phiếu Mỹ để gửi gắm nguồn ngoại tệ lên tới 3,1 nghìn tỷ USD của họ. Trái phiếu chính phủ Đức và Nhật Bản cũng là một lựa chọn, nhưng lãi suất cao nhất chỉ là 0%. Lãi suất 1,63% với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rõ ràng tốt hơn nhiều so với âm 0,59% của Đức.

Đất hiếm càng hiếm

Trong tuần qua, Hiệp hội Đất hiếm Trung Quốc (ACREI) cũng lên tiếng cảnh báo rằng họ sẵn sàng ngừng xuất khẩu đất hiếm trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ. ACREI đã nhóm họp vào ngày 7/8, chỉ vài hôm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tấn công Bắc Kinh bằng thuế quan mới nhằm vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc muốn nhập khẩu vào Mỹ.

Nhóm các công ty tham gia vào ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc cho rằng họ sẵn sàng “vũ khí hóa” các yếu tố có thể góp phần làm thay đổi cuộc chiến giữa Mỹ với Trung Quốc. Một tuyên bố cho thấy Hiệp hội này có thể đưa đất hiếm ra làm đòn tấn công tiếp theo đối với chính quyền ông Donald Trump.

Khả năng Bắc Kinh lựa chọn đất hiếm làm chiến lược tiếp theo của mình là rất cao. Ngay trong tình huống căng thẳng trước cuộc đối thoại của phái đoàn đàm phán Trung Quốc sang Mỹ hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một cơ sở đất hiếm ở Giang Tây. Truyền thông Trung Quốc sau đó đã bày tỏ một khả năng sẵn sàng cho lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã phải lên tiếng lo ngại về khả năng hạn chế nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ là một trong những chiến lược của Bắc Kinh để trả đũa các đòn thương mại.

CNN cho rằng, đất hiếm sẽ là một đòn tấn công trong 4 khả năng Trung Quốc có thể trả lời Mỹ khi Washington chính thức áp đặt thuế quan hàng hóa lên Trung Quốc vào ngày 1/9 tới.

Áp thuế ngược

Ngoài đất hiếm, Trung Quốc cũng có thể đánh thuế lại hàng hóa Mỹ nhưng cán cân thương mại chênh lệch quá lớn. Nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ Trung Quốc chỉ trị giá 120 tỷ USD, khác biệt quá lớn so với mức 540 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cũng có thể gây khó khăn cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) hồi đầu tháng 6 đã tổ chức cuộc họp với đại diện hàng loạt công ty công nghệ Mỹ và phương Tây, trong đó có một số nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới. Đại diện của Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp - Công nghệ thông tin Trung Quốc cũng tham gia cuộc họp. Các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo những công ty Mỹ và phương Tây trên sẽ “đối mặt với hậu quả nghiêm trọng” nếu tuân thủ lệnh cấm bán linh kiện và công nghệ Mỹ cho các doanh nghiệp Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.

Một khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ có tác động tương đương với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể tiếp tục nới lỏng các biện pháp khác mạnh mẽ hơn cho giới đầu tư nước ngoài để thu hút họ ở lại Trung Quốc.

Một biện pháp nữa của Trung Quốc có thể sử dụng để tấn công Mỹ là hạ giá đồng nhân dân tệ. Tổng thống Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã hạ thấp giá trị đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Đồng nhân dân tệ không giao dịch tự do như các tiền tệ cơ bản khác, thay vào đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thiết lập một biên độ dao động tăng hoặc giảm trong phạm vi 2% theo mỗi ngày.

Hôm 1/8, đồng tiền Trung Quốc tiếp tục giảm so với đồng USD hiện đang ở mức thấp nhất trong năm 2019. Đồng tiền Trung Quốc yếu hơn làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, giúp giảm bớt các tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ, gia tăng sức cạnh tranh với hàng hóa của Mỹ trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc và những vũ khí lợi hại trong thương chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO