Tin vào người trẻ

Ngọc Anh 12/09/2015 09:45

Hi vọng là rồi đây, sau những cuộc gặp gỡ đối thoại, những khó khăn vướng mắc từ 2 phía sẽ dần được tháo gỡ như lời hứa của Thủ tướng là sẽ “tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà khoa học, nhất là khoa học trẻ sáng tạo, đóng góp thiết thực cho đất nước”.

Các nhà khoa học trẻ được Nhà nước tạo điều kiện tự chủ
cao nhất trong hoạt động nghiên cứu. Ảnh : Hoàng Long.

Phát biểu trong cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với 67 nhà khoa học trẻ sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nói rất thẳng thắn: “Chúng ta cũng nhận thấy, một cách trung thực và khách quan, rằng khoa học và công nghệ nước ta vẫn chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội”. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân là tuổi trung bình của cán bộ khoa học đầu ngành ở một số lĩnh vực ở mức cao. Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng cho rằng: Đã đến lúc đặt niềm tin vào các nhà khoa học trẻ.

Cũng chính Bộ trưởng Nguyễn Quân đã đưa ra nhận xét: Chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ còn chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp h​óa - hiện đại h​óa, đặc biệt thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư, các cán bộ khoa học có trình độ quốc tế. Và điều này, theo người lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, làm hạn chế tầm chiến lược, khả năng dự báo cũng như năng lực giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở quy mô quốc gia, dẫn đến kết quả là Việt Nam chưa có nhiều công trình khoa học đạt trình độ quốc tế, chất lượng cao, hiệu quả lớn.

Quả là có việc trong rất nhiều lĩnh vực, thói quen dựa dẫm hoặc vì nể vào cây đa cây đề đang làm hạn chế sự phát triển của các nhà khoa học trẻ. Ở rất nhiều lĩnh vực người ta đang thấy sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận. Đây không phải là dự báo mà là hiện thực mà ngành khoa học nước nhà đã và đang phải đối mặt.

Có một sự thật trong nhiều năm qua là rất nhiều nhà khoa học trẻ nước ta đã chỉ thành công, tạo được uy tín và chỗ đứng của mình khi nghiên cứu khoa học ở nước ngoài hoặc làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Họ đã không thể hoặc không tìm được một điều kiện phát triển tương tự trong các cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước.

Mặc dù, về mặt chủ trương, thậm chí là có rất nhiều chính sách đã ra đời để trọng dụng các nhà khoa học trẻ. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, cũng như Nghị định 40 của Chính phủ đã tạo ra các cơ chế thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ. Họ là 1 trong 3 đối tượng được trọng dụng và ưu đãi trong hoạt động khoa học công nghệ, họ sẽ được hưởng các cơ chế chính sách phù hợp và được Nhà nước tạo điều kiện tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu.

Đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi Chính phủ thành lập Quỹ Phát triển khoa học công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), các nhà khoa học trẻ đã có thể tự nộp hồ sơ đăng kí để được giao đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp nhà nước. Điều mà nếu theo như thông thường đề tài nghiên cứu vẫn được phân bổ hoặc giao về các cơ quan nghiên cứu thì cơ hội hầu như không tới được các nhà nghiên cứu trẻ. Bởi vì thường là các nhà khoa học đầu ngành, có tiếng, có danh vị sẽ thực hiện chủ trì các đề tài này. Những người nghiên cứu trẻ tuổi cùng lắm chỉ có “chân” rất phụ trong nhóm nghiên cứu.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, với việc ra đời Quỹ NAFOSTED, trong 5 năm vừa qua, khoảng 70% đề tài nghiên cứu được công bố quốc tế (chiếm 25% trong tổng số đề tài công bố quốc tế có nguồn gốc từ Việt Nam) là do các nhà khoa học trẻ chủ trì đề tài, họ đủ sức và xứng đáng để làm chủ nhiệm các đề tài cấp nhà nước trong nghiên cứu cơ bản.

Tuy nhiên, về cơ bản việc trọng dụng người tài hay tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ phát triển không phải là việc dễ, có rất nhiều vướng mắc, bất cập luôn luôn là lực cản cho động lực phát triển của khoa học - công nghệ. Trong đó, tài chính chỉ là một vấn đề, việc tạo nguồn lực và động lực luôn luôn quan trọng.

Hơn nữa, cơ chế chính sách là một phía, phía còn lại được quyết định bởi chính các nhà khoa học trẻ. Họ phải là những người tự khẳng định được chỗ đứng, tự tạo ra ra được niềm tin, nói như Bộ trưởng Nguyễn Quân là họ phải “dũng cảm hơn, mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời phải tự tin hơn trong việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn một buổi sáng để lắng nghe tâm tư nguyện vọng từ 67 nhà khoa học trẻ tiêu biểu. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và thiết thực từ các nhà khoa học trẻ.

Hi vọng là rồi đây, sau những cuộc gặp gỡ đối thoại, những khó khăn vướng mắc từ 2 phía sẽ dần được tháo gỡ như lời hứa của Thủ tướng là sẽ “tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà khoa học, nhất là khoa học trẻ sáng tạo, đóng góp thiết thực cho đất nước”. Về phần mình, các nhà khoa học trẻ sẽ tận dụng được cơ hội, khẳng định được sự đóng góp tốt nhất của họ cho đất nước để niềm tin được đặt vào họ là niềm tin đúng chỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin vào người trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO