Tình bạn của ba người Hà Nội gốc

Phạm Quang Đẩu 31/10/2020 10:00

Thêm hai tuổi nữa là cụ giáo Nguyễn Bá Đạm tròn bách tuế. Hiện cụ sống ở phố Giáp Nhất (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Đây vốn là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Cụ Nguyễn Bá Đạm và bức chân dung do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ (ảnh chụp năm 2009)

Hiện giờ thì mấy làng cổ đã được đô thị hoá cả, nhà cụ giáo lùi sâu phía trong mặt phố, sót lại mảnh vườn nhỏ, trước sân là hàng rào ô rô, bụi dâm bụt, hàng cau… phảng phất chút gì còn lại của ngôi nhà vườn của vùng ngoại thành thuần nông xưa.

Vài năm trước, tôi đã đến Nhà hát Lớn Hà Nội dự lễ trao giải Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa cùng Quỹ Bùi Xuân Phái. Hôm đó ban tổ chức đã đặc cách đặt một cái ghế tựa trên sân khấu để cụ giáo Nguyễn Bá Đạm 96 tuổi ngồi nhận bó hoa tươi cùng bảng vàng, cụ được vinh danh là nhà giáo, nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu có những cống hiến thầm lặng trọn đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội.

Giờ cụ giáo đã thêm hai tuổi nữa, đến thăm tại nhà riêng tôi thấy cụ giáo hầu như không thể tự mình rời khỏi cái gường gỗ kê ở góc buồng khách cạnh cửa ra vào. Căn buồng thì vẫn như trước, không bầy biện tiện nghi gì nhiều, ngoài cái tủ gỗ và bộ bàn ghế cũ, trên tường treo thêm tấm bằng vinh danh bên cạnh bức chân dung cụ do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ cách nay đã hơn nửa thế kỷ. Đứa cháu giúp việc nói nhỏ vào tai cụ, mắt chợt hướng ra cửa và cụ khẽ khàng bảo cháu đỡ ngồi dậy. Rồi cụ nhìn tôi nở một nụ cười hiền hậu, giọng nói của cụ tuy đã yếu song còn rõ âm sắc. Đã mấy năm gặp lại cụ còn nhận ra tôi, chứng tỏ cụ còn minh mẫn. Rồi cụ với tay lên đầu giường lấy ra một cái hộp gỗ nhỏ, chủ ý đưa tôi xem lại tờ báo có bức ảnh tôi chụp cụ cùng bức chân dung do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ. Thì ra cái hộp gỗ mòn sờn để đầu giường là nơi lưu giữ những kỷ vật về tình bạn của “bộ ba Hà thành” một thuở.

Khởi đầu của “bộ ba” cách nay đã 58 năm. Hôm đó thầy giáo dạy sử Nguyễn Bá Đạm tình cờ gặp một người dáng cao gày, đôi mắt tinh anh và nụ cười hiền lành tại nhà một người bạn dạy học cùng Trường PTTH Phan Đình Phùng ở phố Cửa Bắc (Hà Nội). Người đó là họa sĩ Bùi Xuân Phái. Vừa gặp mà như duyên tiền định, hai người đã tâm đầu ý hợp, từ đó luôn qua lại thăm hỏi nhau. Những lúc trà dư tửu hậu, thì phút chốc anh giáo biến thành người mẫu. Mà là một người mẫu “xịn”. Anh có dáng cao to vâm vác của một lực điền. Khuôn mặt anh đôn hậu, vuông vức, mái tóc dày, gò má cao, lông mày đậm, sống mũi thẳng - rõ là vẻ ngoài của một đấng mày râu đích thực. Khi Bùi hoạ sĩ nổi hứng, không cần chuẩn bị trước gặp thứ giấy gì vẽ nấy, một mảnh bìa nhỏ, bên rìa của tờ báo cũ, vỏ bao thuốc lá, nắp hộp mứt…bàn tay tài hoa cứ quyệt lên đó vài ba nét cũng thành tranh, mà hầu hết đều đẹp, đều sống động. Có tới 242 bức chân dung khác nhau về “người mẫu” Nguyễn Bá Đạm và theo năm tháng các bức đó đã vào bộ sưu tập của nhiều người, phiêu dạt trên thị trường chuyển nhượng tranh trong nước và quốc tế.

Tại tư gia nhà sưu tầm tranh Đức Minh, tháng 4/1975: Họa sĩ Nguyễn Sáng ở giữa, vẽ chân dung ông Nguyễn Bá Đạm, người đội mũ vải ngồi ở dìa phải. Họa sĩ Bùi Xuân Phái ngồi trước đang ngoái lại xem tranh.

Chẳng hạn ở Hà Nội, ông Bổng 93 Hàng Buồm có tới 42 bức; ông cà phê Lâm, ông Trần Thịnh điện ảnh mỗi người có cả chục bức… Ngày đó chưa có thói quen bán tranh, họ đến nhà ông giáo Đạm chơi, thấy tranh đẹp là xin không mang về. Giờ cụ chỉ còn giữ lại cho mình một bức tranh đang treo trong nhà, tranh mầu nước trên giấy bìa các tông, khổ vuông 45x45 cm. Cụ kể là, có nhà sưu tập tranh Bùi Xuân Phái đến nài nỉ, trả bức này mấy nghìn “đô”, cụ nhất quyết lắc đầu, bán thế nào được lưu bút cuối cùng của tình bạn! Ngày đó những họa sĩ cùng hội cùng thuyền với Bùi Xuân Phái như: Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân, Trọng Niết… cũng mê người mẫu Nguyễn Bá Đạm, đã vẽ cụ khá nhiều lần, có cả bức do Sáng-Phái cùng vẽ, người phác thảo chì, người quyệt màu.

Thế rồi chỉ một thời gian ngắn sau buổi đầu gặp nhau lần ấy ở trường Phan Đình Phùng, qua Bùi Xuân Phái, anh giáo Đạm còn có thêm người một bạn nữa, vốn đã thân thiết với hoạ sĩ từ nhiều năm trước, đó là nhà văn Nguyễn Tuân. “Bộ ba Hà thành” ra đời. Gặp nhau tình cờ mà thành thân thiết, gắn bó nhiều năm và điều tình cờ nữa, họ đều là người Hà Nội gốc. Nhà văn Nguyễn Tuân sinh ra ở phố Hàng Bạc, cũng cùng quê làng Kẻ Mọc với anh giáo Đạm; còn Bùi họa sĩ quê Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức (Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội) và từ nhiều năm nay mấy thế hệ gia đình họa sĩ sống ở 87 phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm. Tình bạn của họ lâu bền trước hết bởi sự đồng cảm văn hóa của tình yêu chân-thiện-mỹ. Nhà văn Nguyễn Tuân sinh năm 1910, hơn hai bạn tới cả chục tuổi, nhưng ông rất trân trọng vẫn gọi hai người bạn vong niên ấy là bác, là cụ. Ngày nay cụ giáo còn giữ nhiều lưu bút của nhà văn đã khuất. Một lá thư nhà văn viết: “Bác Đạm. Cứ định lên chơi bác nhiều lần nhưng chân đau đi bộ xa cũng có điều ngại lười. Nhiều lần nổi cao hứng muốn lên trao đổi văn hoá với bác mà cũng đành chịu…”.

Cuối thư tái bút: “Tin cứ nhắn cho anh bạn BXPhái của chúng ta”. Hoặc: “Bác xuống phố thì mời tạt tới tôi. Có cái này đẹp đẽ sẽ đưa bác xem…” Như giải thích của cụ Đạm,“cái này đẹp đẽ” ấy là một chai rượu Whisky Macallan do người bạn bên Pháp mới gửi tặng, nhà văn muốn khui ra để hai anh bạn vàng cùng thưởng thức. Còn việc nhà văn muốn “trao đổi văn hóa”, đó là muốn bàn luận cùng Nguyễn Bá Đạm về một đồng tiền xu cổ mà nhà văn vô tình có được (cụ Nguyễn Bá Đạm từ lâu đã nổi tiếng là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”, đã sưu tập được bộ tiền đồng quý hiếm của nhiều triều đại và thú chơi đó rất được tác giả “Vang bóng một thời” tán thưởng).

Nhà văn Nguyễn Tuân qua đời ngày 28/7/1987. Vài tháng sau đến lượt họa sĩ Bùi Xuân Phái đổ bệnh và vào giữa năm 1988 bệnh tình ngày càng nặng, những ngày cuối cùng ông không nói được, giao tiếp toàn bằng bút đàm. Hiện trong hộp gỗ lưu trữ kỷ vật của cụ giáo Đạm có những thứ mà chỉ người trong cuộc mới biết, ẩn giấu trong đó bao nỗi niềm cảm động. Đó là mẩu giấy bút đàm của hoạ sĩ: “Tôi giờ không nói được. Ho cũng không ra tiếng”; là tấm ảnh chân dung cuối cùng họa sĩ tặng bạn trước lúc đi xa, mặt sau ảnh ghi: “Thân tặng cụ Đạm một tấm ảnh rất xưa. HN 11/5/88”.

Bộ ba Hà thành giờ chỉ còn trong hoài niệm mỗi ngày của cụ giáo làng cổ Nguyễn Bá Đạm. Và người duy nhất còn lại trên cõi đời này của “bộ ba” từ lâu đã nén nỗi buồn thương trong những tháng năm vắng bóng bạn hiền, lấy việc làng, việc xã hội làm vui. Cứ 5 năm một lần, 5 làng cổ vùng Kẻ Mọc mở chung một hội. Cụ giáo cao niên nhất làng luôn được bà con tín nhiệm bầu là trưởng ban lễ hội, như năm 2015, đến lượt Giáp Nhất đăng cai, cụ giáo sắm vai chủ lễ rất trang trọng, chu toàn. Giờ tuổi đã ngót bách tuế, cụ giáo đi lại gặp nhiều khó khăn, tuy cụ vẫn ước muốn có mặt mỗi dịp lễ hội để được trò chuyện vui vẻ với dân làng cùng bạn bè xa gần...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình bạn của ba người Hà Nội gốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO