Tinh giản biên chế: Đừng trông chờ vào sự tự nguyện

Nguyên Khánh 08/12/2017 09:00

Bộ Nội vụ đang dự thảo lấy ý kiến cho nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Theo dự thảo nghị định sẽ có thêm 6 nhóm đối tượng vào diện tinh giản, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tinh giản biên chế mà trông chờ vào sự tự nguyện thì kết quả sẽ vẫn là con số âm.

Tinh giản biên chế: Đừng trông chờ vào sự tự nguyện

Việc thực hiện tinh giản biên chế vẫn còn không ít khó khăn (ảnh minh họa).

6 đối tượng thuộc diện phải tinh giản biên chế bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án vị trí việc làm cần đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn hoặc phải chuyển sang vị trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế năng lực hoàn thành công việc được giao, có thể bố trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Cán bộ, công chức, viên chức có phân loại đánh giá xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm tinh giản biên chế và cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng đánh giá khó có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ do năng lực hạn chế, đồng thời cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức bộ máy thôi giữ chức vụ lãnh đạo, có thời gian công tác còn dưới 03 năm, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động, luân chuyển sang công tác tại các hội được giao biên chế và NSNN hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoặc do giảm số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Góp ý vào dự thảo, ông Mai Đức ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình cho rằng: Dự thảo không có gì thay đổi nhiều, do đó khó tinh giản biên chế. Chẳng hạn, cho thêm một số đối tượng vào diện tinh giản nhưng lại tạo điều kiện cho cá nhân tự nguyện, cơ quan sử dụng lao động đồng ý mới tinh giản thì không thể nào tinh giản có hiệu quả được.

Vì vậy, nếu thấy hoặc nhận xét không hoàn thành nhiệm vụ, trình độ chuyên môn không đúng vị trí việc làm nên năng lực hạn chế thì cơ quan sử dụng lao động cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế cá nhân đó và không đợi cá nhân đó tự nguyện!

Nhiều ý kiến đề nghị, cần xác định rõ hơn về đối tượng tinh giản biên chế, có tính khả thi hơn, phân biệt rạch ròi giữa việc cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế với việc bị bắt buộc. Đối tượng tinh giản cần sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên.

Đặc biệt cần đưa ra những chính sách cụ thể và ưu đãi hơn cho các đối tượng thụ hưởng chính sách tinh giản biên chế nhằm khuyến khích những người tự nguyện ra khỏi biên chế.

Đồng thời việc tinh giản biên chế cần được xác định là việc làm thường xuyên, không nên tính theo định kỳ, cần có ra, có vào hợp lý nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tổ chức.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị định số 108 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công việc, không thể bố trí sắp xếp công tác khác.

Các quy định tại Nghị định số 108 cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ.

Kết quả thực hiện tinh giản biên chế tính đến ngày 15/10/2017 là 30.012 người (trong đó, năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; 10 tháng đầu năm 2017 là 12.311 người).

Tuy nhiên, ông Thăng thừa nhận, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, Nghị định 108/NĐ-CP chưa tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết tinh giản biên chế…

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP là cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản biên chế: Đừng trông chờ vào sự tự nguyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO