Tinh giản chương trình giáo dục phổ thông: Theo hướng thiết thực hơn

Minh Quang 20/10/2017 08:05

Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, việc dạy và học trong các nhà trường tới đây sẽ được điều chỉnh theo hướng tinh giản. Do đó sẽ có sự đổi mới về phương pháp dạy và học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra và đánh giá học sinh.

Việc phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Đánh giá học sinh từ nhiều góc độ

Theo tinh thần văn bản số 4612 của Bộ GD&ĐT vừa ban hành, việc dạy và học trong các nhà trường phổ thông sẽ tiếp tục tinh giản những nội dung không thiết thực, tăng sự chủ động cho nhà trường, tích cực đưa thêm cách kiểm tra đánh giá bám sát định hướng “phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh”.

Trước đó, tháng 9/2011, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường.

Lần này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong SGK hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Một nội dung khác được nhấn mạnh là tăng cường phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học…

Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá là một yêu cầu quan trọng tiếp tục được nhắc lại, như việc thực hiện các thông tư 30 (cũ), thông tư 22 ở bậc Tiểu học, thông tư số 58 đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT; thông tư số 26 đánh giá, xếp loại học sinh theo học chương trình GDTX.

Việc đánh giá học sinh được thực hiện thường xuyên bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS và THPT).

Kiến thức thiết thực với người học

Từ triết lý tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo, tới đây chương trình môn Toán phổ thông mới sẽ được thiết kế để tăng khả năng giải quyết vấn đề của người học. Vấn đề này đã từng được đưa ra tại Hội thảo Toán học không xa cách do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức cách đây ít lâu tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tại đây, GS Đỗ Đức Thái - chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã chia sẻ những thay đổi của môn học này. Theo đó, thay đổi lớn nhất của giáo dục Toán học trong chương trình mới là hướng đến sự mưu sinh của mỗi con người. Với đích đến đó và dựa trên 4 triết lý là tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo, nội dung môn Toán được xây dựng để tăng tính sáng tạo, tăng năng lực và khả năng giải quyết vấn đề của người học lên. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất trong khởi nghiệp, gắn với mọi công việc tương lai của mỗi người.

Cụ thể là môn Toán sẽ tinh giản nhiều kiến thức không cần thiết. Theo GS Thái, lẽ ra Toán học lâu nay phải là môn gần gũi, là phương tiện để con người ứng dụng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thường ngày, nhưng lâu nay chương trình hiện hành quá nặng, nên vô tình đã đẩy giáo dục Toán học phổ thông đi xa thực tế… Cùng với đó, chương trình hiện hành được xây dựng theo tiến trình logic của phát triển Toán học, có xu hướng dồn từ lớp trên xuống lớp dưới mà lẽ ra cần ngược lại. Môn Toán ở chương trình mới do đó được xây dựng theo nguyên tắc kiến thức của lớp 1 sẽ đẩy lên lớp 2-3 và tiếp tục như thế cho đến lớp 11 lên 12. Nội dung nào đến lớp 12 hết chỗ thì có nghĩa nó vượt khỏi chương trình phổ thông.

Ông chia sẻ: Chúng ta không thể đem khoa học Toán học ép vào nhà trường phổ thông. GS Thái thừa nhận tâm lý học gì thi nấy là thứ đã và sẽ nghiền nát mọi cuộc cải cách giáo dục. Việc chuyển thi Toán từ tự luận sang trắc nghiệm hiện nay chỉ là thay đổi về kỹ thuật, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Do đó chủ biên chương trình môn Toán kỳ vọng sẽ tìm được cách thi phù hợp với đích đến mới và nhu cầu xã hội của môn học này.

Cùng với đó, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được công bố, bậc Tiểu học sẽ có các môn học tự chọn, bậc THCS, các môn học đều tích hợp nội dung hướng nghiệp. Còn cấp THPT sẽ giảm nhiều môn học bắt buộc so với hiện nay. Theo đó học sinh THPT có thể học môn tự chọn tại trường khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản chương trình giáo dục phổ thông: Theo hướng thiết thực hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO