Tình hình mới, không thể giữ tư duy cũ

H.HƯƠNG (ghi) 13/03/2022 07:51

Tình trạng tự phát trong sản xuất, xuất khẩu nông sản dẫn tới hiện tượng “được mùa mất giá” và rất bị động ở khâu tổ chức đầu ra, khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng. Phần lớn quan điểm đều cho rằng phải chuyển hướng từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Ông Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã trao đổi với phóng viên về các bước đi để đẩy mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Ông Phan Văn Chinh.

PV: Bộ Công thương đã nhiều lần khuyến cáo chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Tuy nhiên theo phản ánh nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận chính ngạch?

Ông Phan Văn Chinh: Vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó cần thời gian.

Ví dụ, về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc, xưa nay bà con, doanh nghiệp vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như chợ huyện, cứ làm, thu hoạch rồi mang lên đó mới bán, rất bị động.

Chúng ta đã có Nghị định 14/ NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới nhưng dường như không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ, thưa ông?

- Về ngoại thương với Trung Quốc, có 2 hình thức buôn bán: Thứ nhất là chính ngạch theo thông lệ quốc tế và tiểu ngạch; thứ hai là trao đổi cư dân, chợ biên giới. Cơ sở hướng dẫn, chúng ta có Nghị định 14/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, có những điểm ưu tiên, nhưng bộc lộ ra điểm yếu, đó là xuất khẩu không ổn định.

Khi Trung Quốc gần đây áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì doanh nghiệp gặp khó ngay. Do đó chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn.

Một là phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường. Ví dụ một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải tỏa.

Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật làm thế nào cho triển khai thủ tục nhanh hơn. Về kho bãi trung chuyển ở các địa phương, bây giờ đã cải thiện so với 5 năm trước. Các tỉnh quan tâm, mở ra nhiều khu vực trung chuyển chứa hàng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó sự phát triển logistics cảng biển không tương xứng tăng trưởng, xuất khẩu tăng 15-17%, logistics chỉ tăng khoảng 4-5 %... Vận tải cũng cần đa dạng hóa, như hiện nay, vận tải hàng hóa đường sắt vẫn còn ít.

Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO, tham gia các hiệp định RCEP, FTA ASEAN-Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc hiệp định. Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để phần nào đẩy nhanh các thủ tục kiểm tra hàng hóa tại các cửa khẩu, giảm thời gian để hàng hóa giảm thiểu tỷ lệ bị hư hỏng về lâu dài Việt Nam cần xây dựng các kho trung chuyển. Ý kiến của ông?

- Lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó giao hàng là cần thiết. Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại, đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn…

Cách làm như hiện nay đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt lấy, không đạt trả về thì tốn kém, mất chủ động giao hàng. Nên cần có các khu trung chuyển đa năng là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay.

Việc truyền thông các chính sách về nhập khẩu nông sản của nước bạn một cách kịp thời cũng là biện pháp quan trọng. Chúng ta dường như khá bị động trong cả vấn đề này thưa ông?

- Bộ NNPTNT cũng như Bộ Công thương hết sức coi trọng công tác truyền thông chính sách về nhập khẩu nông sản cho bà con. Đặc biệt, Bộ Công thương phát hành rất nhiều sách giới thiệu về giao thương, xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong những sách này, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, tiêu chuẩn hàng hóa, những đạo luật, pháp lệnh của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng.

Ví dụ như việc thông tin về các Lệnh 248, 249, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT đã triển khai rất sớm. Có một thực tế, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương tối nhiều nên nhận thức về tầm quan trọng cũng như đội ngũ cán bộ nắm bắt vấn đề này còn hạn chế.

Tuy nhiên, dù thế nào thì thông tin là vô tận, doanh nghiệp luôn luôn cần thông tin. Chúng tôi nghĩ vai trò hiệp hội trong lĩnh vực này là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, từ công tác tham vấn chính sách đến tuyên truyền.

Chúng tôi nghĩ hiện nay, Thương vụ ở Trung Quốc cũng thường xuyên thông tin. Khi có thông tin, chúng tôi trao đổi ngay với Bộ NNPTNT, chuyển cho địa phương để thông báo. Và ngay trên website của Bộ Công thương, hàng tuần, 10 ngày, chúng tôi có bản tin nông sản và bất cứ cơ quan, doanh nghiệp, địa phương nào có nhu cầu về thông tin chúng tôi đều cung cấp.

Từ khi xảy ra tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Xin ông cho biết rõ thêm về các giải pháp đã triển khai?

-Trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước đây, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”. Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.

Từ khi xảy ra vấn đề này, liên bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này, như chúng ta thấy Thủ tướng đã có điện đàm với phía Trung Quốc, Bộ Công thương, NNPTNT cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.

Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 ngàn xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13/13 cửa khẩu.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình hình mới, không thể giữ tư duy cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO