30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh: Kỷ niệm không quên

NSND Doãn Châu 24/08/2018 16:00

Đồng nghiệp và tôi còn nể anh ở chỗ: Ngay từ những ngày đó, Vũ đã nhìn ra trước được những điều cần phải đổi thay của cơ chế quan liêu bao cấp, những điều mà mãi sau này đất nước hôm nay mới thực hiện được. Các tác phẩm của anh mang tính dự báo rất cao khi mà ở đất nước ta, những hiện tượng đi đầu trong cải tổ lề lối làm ăn như của ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc vẫn chỉ là hiện tượng cực hiếm… Lưu Quang Vũ vẫn lao vào như một “hiệp sĩ” với một niềm khát khao cháy bỏng  góp phần đấu tranh cho chân lý,

30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh: Kỷ niệm không quên

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.

Trong kịch bản “Nếu anh không đốt lửa”, anh đã từng cho nhân vật của mình ra tuyên ngôn như sau: “Nếu tôi không đốt lửa, nếu anh không đốt lửa, nếu chúng ta không đốt lửa thì làm sao đẩy lùi được bóng tối!”

Vũ đấu tranh không phải để phá phách, để lật bỏ mà chỉ có một mục đích là xây dựng và phê phán những lề lối, những lực cản tiêu cực của xã hội. Chính vì động cơ trong sáng đó mà Lưu Quang Vũ không ngần ngại bước vào những vấn đề xã hội mà ngày nay ta gọi là “nhạy cảm” để bóc tách, để phê phán, lên án và đấu tranh thẳng thắn với một thái độ không khoan nhượng…

Nhưng cũng không phải Vũ viết hay ngay từ những ngày đầu.

Nếu tôi không nhầm thì kịch bản Vũ viết đầu tiên là vở chèo “Trời xanh mái phố” theo đơn đặt hàng của Đoàn Chèo Hà Nội và sau khi dàn dựng được đổi tên thành “Người con gái trở về”. Vì còn thiếu kinh nghiệm nên kịch bản này còn khái niệm, sơ lược, thiếu tính hành động và chưa thật hấp dẫn nên kết quả ra đời cũng hạn chế. Nhưng dù sao, đối với Vũ thì cũng là một sự khởi đầu đáng ghi nhận.

Và cũng vào những tháng năm đó, Nhà hát Tuổi Trẻ vừa được thành lập với sự trở về của một đạo diễn vừa tốt nghiệp ở Liên Xô, đang khao khát làm việc và sáng tạo, đó là đạo diễn Phạm Thị Thành, người sau này thành Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và là NSND.

Phạm Thị Thành là một con người năng động và có khả năng tập hợp, phát hiện các tài năng để tạo nên những thành quả tốt đẹp cho một sân khấu trẻ trung, tươi mới. Và tất nhiên, Lưu Quang Vũ đã lọt vào “mắt xanh” của nữ đạo diễn tài ba này và được chị đặt hàng ngay với kịch bản viết về anh hùng Lý Tự Trọng với tên vở là “Sống mãi tuổi 17” cùng với sự góp sức của nhà lão thành cách mạng Đào Duy Kỳ.

Khi đó, tôi còn là người “song nghệ” nghĩa là vừa diễn, vừa thiết kế sân khấu. Tôi được phân công đóng vai bạn của Lý Tự Trọng trong khi đó Lê Hùng đóng vai Lý Tự Trọng. Vở diễn còn có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi danh: Song Kim, Tuệ Minh , Thùy Chi, Lê Chức, Tú Mai…

Lưu Quang Vũ cùng chúng tôi làm việc hăng say và cuối cùng, tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980, vở diễn đã đạt Huy chương Vàng.

Một sự khởi đầu vô cùng tốt đẹp cho Lưu Quang Vũ để lấy đà cho những cú nhảy “ngoạn mục” tiếp theo trong sự nghiệp sáng tác của anh.

Tiếp theo là kịch bản “T15 về đâu” do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng. Vở diễn sơ lược, cấu trúc chưa thật hợp lý, câu chuyện cũng chưa hay và các nhân vật cũng chưa có sức hấp dẫn lắm nên vở diễn sớm thất bại và được anh em đồng nghiệp tặng cho cái tên rất “kêu”: T15 về kho!

Nhưng Vũ không nản chí. Là người sâu sắc, thông minh nên anh nhanh chóng nắm bắt dược những cái thiếu hụt, những yếu tố cần bổ sung về nghề biên kịch để rút kinh nghiệm và quan trọng nữa là: Anh là người khiêm tốn, chịu lắng nghe những lời góp ý chân thành của mọi người để làm tốt hơn cho mình, cho tác phẩm của mình để ngày càng có tính thuyết phục và hấp dẫn với công chúng.

Sau này, nhiều đồng nghiệp cũng như đông đảo công chúng hay dùng từ “hiện tượng” khi nói về Lưu Quang Vũ bởi vì Vũ ở vào trường hợp là một nhà văn, một kịch tác gia lớn nhưng lại chưa hề qua một trường lớp nào về chuyên môn Ngữ văn! Đó mới là lạ! Và còn lạ nữa là Vũ đã đạt tới mức một nhà phê bình của Pháp là Christian Hoche đã phải thốt lên: “Lưu Quang Vũ chính là Molière của Việt Nam!” (trên báo Express ngày 13/2/1988).

Thế rồi, qua những lần tiếp xúc, qua những lời đồn thổi ngợi khen của cánh sân khấu, Vũ lại lọt vào “mắt xanh” của một đạo diễn bậc thày nữa của sân khấu mà bậc thày này lại rất giỏi về phép biên kịch cũng như các thủ pháp “siêu hạng” của đạo diễn, diễn viên... cùng một lý luận vô cùng sắc bén về sân khấu dân tộc…

Đó là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Gần ông Nghi, Vũ may mắn học hỏi và trưởng thành lên rất nhiều về tất cả các kiến thức sân khấu cũng như văn học. Vũ xin với ông Nghi cho kiến tập những buổi ông dàn kịch để tìm hiểu thêm về các kiến thức thuộc lĩnh vực biên kịch, đạo diễn, diễn viên… và đó cũng là những kiến thức quý báu để Vũ sử dụng, phát huy hết trong những tác phẩm của mình sau này.

Đúng lúc đang khao khát làm việc cùng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi như vậy thì ông Hoàng Quân Tạo - Đoàn trưởng Đoàn Kịch nói Hà Nội mời ông Nghi dàn dựng vở “Cô gái đội mũ nồi xám” của Vũ. Mơ ước của Vũ đã thành sự thật!

Về phần mình, nhận kịch bản từ tay Lưu Quang Vũ, ông Nghi rất ngạc nhiên, tâm đắc và không ngần ngại tuyên bố luôn rằng: “Vũ chính là một phát hiện mới của sân khấu” mặc dù kịch bản “Cô gái đội mũ nồi xám” bước đầu cũng còn phải chỉnh sửa nhiều.

Ông Nghi đã cùng Vũ làm việc ngày đêm với một niềm say mê đặc biệt.

Là học trò của ông Nghi nên tôi rất hiểu người thày của mình.

Ông Nghi là người khó tính trong nghệ thuật đến mức cực đoan nhưng chính sự khó tính đó đã tạo nên một Nguyễn Đình Nghi tài ba và sâu sắc đến độ tinh tế đáng khâm phục, kính nể.

Một trong những đòi hỏi khắt khe của ông là: làm nghệ thuật, về nội dung phải luôn nghĩ tới tác động của nó tới xã hội đương thời (bất cứ đề tài, chủ đề nào…) và về hình thức thì phải luôn nghĩ tới các thủ pháp, các hình thức chuyển tải mới lạ! Mỗi một vở diễn phải mang một dung dạng khác nhau, một “kiểu” khác nhau! Cấm kỵ nhất là đi theo lối mòn hoặc sao chép thủ pháp của người khác .

Đó mới thực là điều khó!

Nhưng ông bảo: Khó mà làm được mới hay!

Lần đầu tiên, Vũ được cộng tác với ông Nghi vở “Cô gái đội mũ nồi xám”, yêu cầu của ông Nghi cũng không nằm ngoài những đòi hỏi khắt khe trên nhưng chính những đòi hỏi đó lại khiến cho Vũ trưởng thành lên rất nhiều.

Từ cốt lõi câu chuyện đến cấu trúc màn lớp, từ tính cách nhân vật đến ngôn ngữ sử dụng, thậm chí đến dấu chấm, dấu phẩy… trong kịch bản cũng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi bàn bạc kỹ càng cùng Vũ để đi đến hoàn chỉnh.

Tôi đã làm việc với nhiều đạo diễn nên tôi biết rất nhiều cách dàn dựng và mối quan hệ giữa đạo diễn và tác giả. Nhiều ông đạo diễn chỉ muốn tác giả “biến đi” trong lúc họ dàn kịch.

Nhưng ông Nghi thì lại khác. Trong lúc ông dàn kịch, ông luôn muốn có Vũ bên cạnh để chỉnh sửa và thật hạnh phúc khi Vũ cảm thấy mình là một tác giả trẻ, mới vào nghề mà lại được một đạo diễn lớn tôn trọng, yêu quý đến vậy cho nên Vũ lại càng phấn khởi và hết lòng, hết sức cho vở diễn.

Vở kịch “Cô gái đội mũ nồi xám” ra đời đã thành công mỹ mãn về mặt nghệ thuật nhưng cũng rất vất vả khâu duyệt vở vì bên cạnh những lời khen ngợi thì cũng không ít sự “đánh phá” về nội dung vở kịch, thậm chí còn có cả ý kiến quy chụp rất buồn cười: Tại sao không phải là cô gái đội mũ nồi “đỏ” mà cứ phải là mũ nồi “xám”, tác giả có ẩn ý gì ở đây? (!)

Bộ Văn hóa thì thông qua và xếp vào tiết mục phục vụ Đại hội Đảng nhưng Ban Tuyên giáo Thành ủy lại đề nghị phải sửa 20 điểm rồi mới cho ra vở…

Ông Nghi cùng Vũ phải đôn đáo chạy đi, chạy lại để giải trình, thuyết phục những ý tưởng tốt đẹp của mình với các cấp xét duyệt để vở diễn được ra đời, vậy mà phải tới lúc một vị lãnh đạo cấp cao thông qua thì vở diễn mới chính thức được công diễn!

Kết cục, với cái tâm trong sáng và tài năng của tác giả, đạo diễn cùng tập thể nghệ sĩ biểu diễn của Đoàn Kịch nói Hà Nội, vở diễn đã thành công rực rỡ đồng thời đưa Lưu Quang Vũ thành một kịch tác gia sáng bừng từ đây.

Đúng lúc này thì một sự biến lớn xảy ra với gia đình Vũ: Người cha thân yêu, ông Lưu Quang Thuận, một tác giả chèo nổi tiếng, đã đột ngột ra đi trước giờ mở màn vở kịch “Người đốt đền” tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội với nỗi đau đớn, bàng hoàng của cả gia đình Vũ.

Ông Thuận ra đi không kịp trăng trối gì ngoài để lại trên bàn một bản thảo vở Chèo “Nàng Sita” còn đang dang dở…

Gạt nước mắt khóc cha, Lưu Quang Vũ lao vào viết tiếp vở Chèo “Nàng SiTa” của cha và được sự tiếp sức của vị Đạo diễn tài ba Doãn Hoàng Giang, họ đã làm nên một chiến công vang dội trong làng sân khấu, làm nức lòng khán giả yêu Chèo cả nước, gây chấn động sân khấu Thủ đô trong suốt một thời gian dài.

Quả thật, vở chèo “Nàng Sita” là một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử sân khấu chèo nói riêng và nghệ thuật sân khấu nói chung với hàng trăm suất diễn, với một lượng khán giả “khổng lồ” mà ngày nay, các nhà hát, các đoàn hát trong cả nước có nằm mơ cũng không thể nào có được. Sáng sáng, dòng người xếp hàng mua vé dài dằng dặc từ rạp Đại Nam ra tận phố Hòa Mã. Trông cảnh đó mà chúng tôi, những người làm nghệ thuật rạo rực, sung sướng không sao tả nổi…

Sau đó, vở “Nàng Sita” còn được rất nhiều đoàn cải lương, ca kịch… trong cả nước dàn dựng và đều thu được kết quả tuyệt vời.

Tôi còn nhớ, ngày đó chúng tôi đã rất thân nhau mà vất vả lắm, Vũ mới có được một đôi vé để chúng tôi đi xem “Nàng Sita”.
Sau thắng lợi của “Sống mãi tuổi 17”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Nàng Sita”, Lưu Quang Vũ bắt đầu bước vào một giai đoạn sáng tác với mật độ dầy đặc đến chóng mặt cùng rất nhiều ý tưởng táo bạo, những dự định cách tân sân khấu mới lạ… mà ai trông thấy cũng phải vừa thèm, vừa sợ.
Thèm vì có nhiều người cả cuộc đời chỉ mong một lần có vở diễn được chọn, được dàn dựng mà cũng chẳng được. Sợ vì không biết với khối lượng đơn đặt hàng kịch bản nhiều như vậy thì Vũ lấy đâu ra thời gian và sức khỏe để sáng tác?
Tôi chẳng có lúc nào thấy Vũ nghỉ ngơi.
Chúng tôi vẫn gắn bó và thường xuyên gặp gỡ với nhau nhưng ngay cả những lúc đó tôi cũng cảm thấy đầu óc Vũ luôn để đi đâu, như người mất hồn và chắc là trong óc Vũ chỉ toàn hiện lên một Thế giới của những câu chuyện và nhân vật kịch mà nếu chỉ lơi ra một chút là nó biến mất ngay!
Rất nhiều lần ngồi cà phê hay chè chén cùng nhau, tôi chợt thấy Vũ xé ra một mẩu giấy báo hoặc rút ra một cái vỏ hộp diêm rồi ghi ghi chép chép và tôi hiểu ngay trong đầu Vũ ở khoảnh khắc đó đã hoàn thành một dự định, một ý tưởng cho một tác phẩm, một bố cục, một chi tiết sáng tạo nhân vật mới nào đó…

Với đầy ắp nhũng tư liệu thu được từ đời sống sinh động hàng ngày, cũng có thể giải thích được vì sao chỉ một thời gian ngắn, Vũ đã cho ra đời khối lượng tác phẩm lớn đến như vậy!

Vũ không phải là “tác giả phòng kính”, có nghĩa là ngồi nhà rồi bịa ra kịch bản. Suốt ngày, sau những giờ ngồi viết đến mờ mắt, Vũ lại la cà tới các xóm chợ, đầu bến cuối xe, vỉa hè đường phố… để quan sát các mẫu người trong xã hội, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của quần chúng lao động đủ loại thành phần. Cho nên trong kịch của anh, các nhân vật đều sống động, chân thật như cuộc đời vậy!

Khán giả đi xem kịch của Vũ đều bắt gặp các nhân vật của anh như ở đâu đó trong họ, trong đời sống thường ngày.

Tôi cảm thấy bộ óc lúc đó của Vũ như một kho tư liệu khổng lồ với muôn vàn tín hiệu của cuộc sống mà từ đó, Vũ ngấu nghiến, tranh thủ khai thác để cho ra đời hàng loạt tác phẩm đầy tính hiện thực sâu sắc, hấp dẫn và sinh động.

Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật tuồng chèo, cải lương, dân ca… trong cả nước đều mê Lưu Quang Vũ và cái tên của anh có một sức hút ghê gớm với giới nghệ thuật và công chúng cả nước. Các đoàn muốn dựng vở của Vũ, các đạo diễn muốn dàn dựng kịch Vũ, các diễn viên muốn diễn các vai kịch của Vũ và những nhà thiết kế sân khấu cũng muốn được thể hiện Sân khấu những vở của Vũ.

Vũ cũng vui và lại càng có động lực để chỉ trong khoảng hơn năm năm (từ 1979 đến 1985) Vũ đã cho ra đời hàng chục kịch bản rất có chất lượng và được dàn dựng thành công tại nhiều đoàn hát. Và ở Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, công chúng đã chứng kiến một loạt Huy chương vàng dành cho các vở diễn với tên tác giả là Lưu Quang Vũ. Đó là: “Tôi và chúng ta”, “Người tốt nhà số 5”, “Nguồn sáng trong đời”…

Tôi muốn để đôi dòng để nói về hai tác phẩm rất hay của Lưu Quang Vũ được công chúng trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Đó là “Nguồn sáng trong đời” và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp 1985, vở diễn “Nguồn sáng trong đời” của Vũ do đoàn kịch nói Hà Bắc tham gia biểu diễn đã giành Huy chương vàng với số điểm tuyệt đối dành cho vở diễn, đạo diễn, họa sĩ và diễn viên… và hoàn toàn có sức thuyết phục mọi thành phần tham gia Hội diễn. Thắng lợi này cũng phải kể đến công lao của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã giúp Vũ tận tình để “Nguồn sáng trong đời” thực sự đã trở thành một nguồn sáng thực sự vừa trong trẻo vừa ấm áp tình người đến vậy!

Cũng thật may mắn cho tôi khi tôi đã được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi chọn làm họa sĩ thiết kế sân khấu cho vở này và quả thực sự hấp dẫn của kịch bản cùng những ý đồ quá hay của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã chắp cánh cho tôi để có được một bộ phác thảo hoàn chỉnh, mới lạ và mang tính sáng tạo cao. Với bộ thiết kế này, tôi cũng vinh dự được nhận tấm Huy chương vàng.

Ngày tôi cầm trên tay tấm Huy chương, tôi rất cảm động khi NSND Lương Đống trong Ban Giám khảo đã nhận xét: Bộ thiết kế của tôi rất hoàn chỉnh và nếu có nhận xét khiếm khuyết thì cũng chỉ là “những hạt bụi trên long bào chiến thắng”!

Còn đoàn kịch Hà Bắc lúc đó từ một đoàn diễn không hề có tên tuổi đã đứng cạnh các “bậc đàn anh” như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ…

Về tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, thì hầu hết các chuyên gia sân khấu và bạn nghề đều đánh giá đây là tác phẩm xuất sắc và có tầm nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch nói trên không còn ở phạm vi một tác phẩm thông thường mà nó đã vượt lên và mang tính triết học sâu sắc về cuộc sống và con người dựa trên các cặp phạm trù triết học: Hình thức và nội dung, cái tốt đẹp và cái xấu xa…

Vở diễn cũng phải duyệt lên, duyệt xuống và đáng buồn là trên một tờ báo lớn của Hà Nội người ta còn giật tít rất kêu: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Một vở diễn thiếu cánh bay!”

Chỉ đến khi một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi xem khen ngợi và nhận định vở diễn có nhiều điều tích cực và bổ ích cho thời kỳ đổi mới thì vở diễn mới chính thức được công diễn rộng rãi.

Đáng tiếc, khi vở diễn xuất ngoại đi Hội diễn các nước xã hội chủ nghĩa 1990 tại Moskva thì Vũ đã không còn nữa để thấy thành quả rực rỡ của mình trên sàn diễn quốc tế.

Và cũng vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Nhà hát Kịch Việt Nam đã biểu diễn thành công rực rỡ khắp Miền Tây Hoa kỳ năm 1998.

Sau Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1985, uy tín của Vũ ngày càng lên cao và số đơn đặt hàng không thể kể hết đến mức nhiều lúc Vũ phải đi trốn như trốn nợ! Tốc độ làm việc của Vũ thật phi thường vì chỉ trong khoảng thời gian có ba năm trời (từ 1985 đến 1988) Vũ đã hoàn thành hơn 30 kịch bản lớn nhỏ và hầu hết được dàn dựng. Đó là một “serie” kịch bản đủ các thể loại: kịch lịch sử, kịch thần thoại, chính kịch tâm lý, kịch giả tưởng, hài kịch, bi kịch… mà ở đây, chúng ta có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu: “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Bệnh sĩ”, “Chết cho điều chưa có”, “Điều không thể mất”, “Tin ở hoa hồng”, “Đất sống của người”, “Đôi dòng sữa mẹ”, “Ông không phải là bố tôi”, “Ông vua hóa hổ”, “Hai ngàn ngày oan trái”, “Hẹn ngày trở lại”, “Quyền được hạnh phúc”, “Ai là thủ phạm”, “Đường bay”, “Người trong cõi nhớ”, “Chuyện tình Đam San”, “Đôi đũa kim giao”, “Cây ngọc lan của Huyền”, “Dạ khúc tình yêu”, “Ngôi sao màu lá xanh”, “Bên sông Thu Bồn”, “Vách đá nóng bỏng”, “Ngọc Hân công chúa”…

Cho đến hôm nay, sau 30 năm Vũ ra đi, nhìn lại những gì Vũ đã tâm huyết, đã rút ruột ra cho những tác phẩm của mình, tôi lại càng cảm phục và yêu quý Vũ bội phần vì hiểu được rằng: Vũ yêu quý đất nước này vô cùng. Yêu từ thiên nhiên núi rừng hùng vĩ tới biển bờ bao la bát ngát... cho tới vị mặn của muối, vị đắng của măng rừng, cho đến những bờ cây, bụi cỏ ven đường… Rồi những mùi vị của hương cây bếp lửa, mùi khói lam chiều trên những mái dạ…

Thậm chí, có lần Vũ nói với tôi ngay cả mùi “phân bò” cũng làm Vũ rung động nhớ thương da diết một vùng quê nào đó!...

Thực ra, cuộc đời của Vũ gặp không ít những khó khăn, trắc trở, thậm chí có lúc rất bế tắc. Nhưng trong kịch của Vũ, ta không thấy anh vì đau khổ, vì túng bấn, lo phiền mà trút vào tác phẩm giống như nhiều nhà văn khác.

Mà hầu hết các tác phẩm của Vũ ở bất cứ đề tài nào khi đề cập tới những hiện tượng xấu, những con người xấu của xã hội, những nhân vật phản diện cần lên án và phê phán thì người xem đều thấy ở đó toát lên tấm lòng vị tha và nhân hậu đến cảm phục.

Vũ thường tâm sự với tôi: Trong vở diễn, điều quan trọng nhất là hiệu quả của điều ta cần nói chứ không phải là ta thích nói thì nói cho hả mà hiệu quả lại không có thì nói nhiều cũng bằng không!

Ta phê phán cái xấu nhưng hãy phê phán bằng Tiếng cười để vĩnh biệt quá khứ !

Và luôn nhớ rằng: Trong cuộc đời này còn trăm ngàn người tốt với những việc làm và những nghĩa cử cao đẹp mà ta cần nêu gương!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh: Kỷ niệm không quên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO