Âm nhạc Hà Nội - Càng nghe càng mê càng thấm

Việt Quỳnh 26/10/2019 09:05

Nguyễn Quang Long sinh năm 1976 tại Bắc Ninh, được biết đến từ những chiếu Xẩm, hát Văn, Ca trù tổ chức từ nhà hát đến dưới mái đình của một góc phố cổ hay góc chợ Đồng Xuân - Hà Nội, cũng là tác giả của nhiều bài viết nghiên cứu về hát Xẩm, Ca trù, hát Văn cùng các thể loại âm nhạc dân gian khác.

Âm nhạc Hà Nội - Càng nghe càng mê càng thấm

1. Khi bước chân vào Nhạc viện, tôi chọn ngành thanh nhạc và hát nhạc trữ tình, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã chuyển sang lý luận và gắn bó với âm nhạc truyền thống. Tôi xác định ngay mình theo lĩnh vực âm nhạc truyền thống dân tộc vì nhận thấy lĩnh vực này đang còn đang rất cần có thêm nhiều người tham gia. Việc tôi chọn nghiên cứu âm nhạc của mảnh đất thiêng ngàn năm tuổi này có lẽ phần vì con người tôi thuộc về nó, phần vì chính nơi đây đã chọn tôi.

Âm nhạc truyền thống mà tôi chọn là Kinh Bắc quê tôi, với Quan họ, dàn nhạc trong lễ hội truyền thống ở vùng này. Với âm nhạc Hà Nội, mãi tới khi tôi về công tác tại NXB Âm nhạc, được tiếp xúc với kho tư liệu xuất bản phẩm âm nhạc, rất nhiều trong đó thuộc các bậc nghệ nhân kỳ tài của Hà Nội, càng nghe càng mê, càng thấm và muốn tìm hiểu nó một cách nghiêm túc. Năm 2005 trong một cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Thao Giang, tôi quyết định cùng với ông và những nghệ sĩ lớn tuổi tham gia nghiên cứu, phục hồi, làm thức dậy những câu hát xẩm, hát văn, ca trù, dân ca Hà Tây cũ rồi cả nghệ thuật dân gian có liên quan đến âm nhạc của Hà Nội như Rối nước…

2. Khi nghe những giai điệu ca từ về âm nhạc Hà Nội xưa, từ ca trù, đến hát xẩm, cảm giác đan xen lẫn lộn, vừa thấy trân quý, vừa thấy yêu lại cả thấy thương nữa. Nghì thoáng qua chỉ là những câu hát góp vui cho đời, nhưng càng thưởng thức nhiều, càng tìm hiểu, càng đi sâu vào thì càng thấy đó là cả một kho tàng tri thức nghệ thuật truyền thống vô cùng quý giá mà cha ông ta đã gây dựng nên. Ẩn vào mỗi tiếng đàn, nhịp phách, mỗi cung bậc bổng trầm là những thông điệp mà cha ông ta gửi gắm.

Quan điểm nghiên cứu của tôi là không đi quá sâu vào lý thuyết mà nghiên cứu ứng dụng thành quả trực tiếp vào đời sống. Tôi góp sức nhỏ bé của mình làm hồi sinh lại những giai điệu âm nhạc vốn là một phần của phố phường và tìm một không gian cụ thể ở đúng giữa phố phường Hà Nội. Chính khu phố chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân là gợi ý của tôi đề xuất tới các thầy của mình. Bây giờ, dù chúng tôi đã không còn xuất hiện, sân khấu ấy vẫn diễn ra hàng tuần ở chân tượng đài Hà Nội mùa đông năm 1946, ngay cổng chợ Đồng Xuân. Chúng tôi mở thêm một sân khấu khác ở khu di tích Tượng đài Vua Lê Thái Tổ nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa thuộc khu phố đi bộ Hồ Gươm. Chúng tôi dành nhiều thời gian đi khắp các phố cổ trong nội thành và làng ven Hà Nội để tìm kiếm các nghệ nhân, tìm hiểu về các nghệ thuật như Hát văn với cụ nghệ nhân Hoàng Trọng Kha và một vài gương mặt nổi bật; Trống quân ở Thanh Oai, Ca trù ở làng Ngãi Cầu thuộc huyện Hoài Đức, Ca trù Lỗ Khê ở Đông Anh… Tôi đã trực tiếp đề xuất số hóa khu tư liệu, từ đó tái bản các đĩa CD ca trù của NSND Quách Thị Hồ và rất nhiều giọng ca tiếng đàn lừng danh một thời như nghệ nhân đàn đáy Đinh Khắc Ban, nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc… và còn chủ động thực hiện dự án Ca trù Thăng Long bao gồm một cuốn sách nhỏ và bộ đĩa DVD giới thiệu các nhóm ca trù nổi bật của Hà Nội trong giai đoạn đầu những năm 2000.

3. Nói chung là chưa bao giờ hết khó khăn nhưng thật may, đến giờ chúng tôi vẫn tồn tại và được mọi người yêu mến. Bằng uy tín cá nhân, chúng tôi kêu gọi sự đồng hành của các nghệ sĩ có uy tín, khuyến khích các nghệ sĩ trẻ tham gia tìm hiểu, học hát xẩm và tạo điều kiện cho họ cùng trình diễn với chúng tôi và sẵn sàng bỏ tiền túi trong các sự kiện vượt quá khả năng tài chính của nhóm…

4. Nếu nói ngắn gọn nhất thì tôi dùng 2 từ: tinh tế và đa lớp. Tinh tế bởi các nghệ thuật hầu như đều xuất hiện ở nhiều địa phương khắp vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ mà Hà Nội là trung tâm. Chẳng hạn như Ca trù vốn là dòng âm nhạc thính phòng, có thể coi là mang tính bác học, phải những bậc học cao hiểu rộng mới có thể hiểu và “chơi” nó một cách hiệu quả. Chúng ta thấy là các giáo phường nổi tiếng nhất, những ca nương, kép đàn danh tiếng nhất, những tác giả của các bài Ca trù danh tiếng nhất hầu hết đều ở Hà Nội, gắn bó với Hà Nội. Hay chính Hà Nội đã sáng tạo mới dựa trên cơ sở đã có sẵn từ trong dân gian một làn điệu để phục vụ cho người nghe ở Hà Nội, làn điệu ấy bây giờ rất phổ biến với tên gọi Xẩm Tàu điện, không quá hài hước, không quá ồn ào, cũng không quá bi ai như những điệu/ bài xẩm khác, mà mang tính trữ tình, nhẹ nhàng ẩn chứa sự dí dỏm. Đặc biệt là hát văn, các nghệ nhân Hà Nội xưa rất nghiêm ngặt trong việc chọn làn điệu và tính chất âm nhạc cho mỗi bản văn cụ thể, các bản văn viết về Hà Nội tuyệt nhiên không được dùng âm hưởng điệu xá ở miền ngược; đồng thời phải tinh tế, không quá ồn ào.

Ước mong lớn nhất của tôi là có thật nhiều khán giả đến với âm nhạc truyền thống một cách tự nguyện, có thật nhiều sân chơi âm nhạc truyền thống Hà Nội, các nghệ sĩ theo đuổi sự nghiệp âm nhạc truyền thống có mức thu nhập ổn định, có cuộc sống thoải mái đủ để họ hoàn toàn có thể chuyên tâm với âm nhạc truyền thống và có những sáng tạo tiếp nối cho mạch nguồn từ trong quá khứ này để trao truyền lại cho tương lai… Tuy nhiên điều này vẫn mới chỉ là ước mơ. Âm nhạc truyền thống cần có sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần bằng những chính sách, những hỗ trợ đúng nghĩa từ Nhà nước và các tổ chức xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Âm nhạc Hà Nội - Càng nghe càng mê càng thấm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO