Bàn thờ gia tiên người Việt Nam Bộ

Nguyễn Thanh Lợi 02/05/2019 18:13

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất phát từ cội nguồn ý thức của dân tộc, nó được biểu hiện với những sắc thái đa dạng trên những tọa độ lịch sử - văn hóa khác nhau, nhưng đều có một lực hướng tâm: sự tri ơn nguồn cội và cố kết dòng họ.

Bàn thờ gia tiên người Việt Nam Bộ

Bàn thờ một gia đình giàu có ở TP Hồ Chí (Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi).

Ở Nam Bộ mỗi gia đình người Việt dù nghèo hay giàu đều lập nơi thờ tổ tiên. Nhà nghèo thì lập nơi thờ đơn sơ, nhà khá giả thì có phòng thờ riêng, còn nhà giàu có thể xây một nhà thờ riêng.

Theo Sơn Nam trong sách Thuần phong mỹ tục Việt Nam, thì ngày xưa ở Nam Bộ bàn thờ ông bà gọi là giường thờ. Đó là cái giường cha mẹ thường nằm để thờ ngay giữa nhà. Phía trước giường thờ đặt tủ thờ. Cái giường thờ do nhu cầu thu hẹp, dần được thay thế bằng cái bàn thấp, đặt sát vách, bày thức ăn khi làm đám giỗ. Trước giường thờ là cái tủ thờ hay bàn thờ khá cao che khuất. Hồi cuối thế kỷ XIX, “bàn thờ” có 4 chân, cao hơn cái giường thờ.

Từ thập niên 1930, xuất hiện tủ thờ, được thiết kế gọn gàng, mô phỏng từ kiểu tủ Pháp vào thời vua Louis XVI. Nhiều gia đình đã sử dụng tủ thờ thay cho giường thờ, bàn thờ. Dòng tủ thờ danh tiếng do thợ Gò Công (Mỹ Tho) ở ấp Ông Non đóng, có mặt tiền bít kín bằng tấm ván to hình hột xoài uốn cong, chạm trổ hai hàng chuỗi khít nhau, tượng trưng cho hình hai cánh cửa. Bên trong tủ thờ để đồ thờ tự như nhang đèn, hoa quả, bình tách, chai rượu quý, các loại giấy tờ hành chánh, hộ tịch, di cảo điền thổ, gia phả... Những gia đình giàu có mua tủ kính lớn để làm tủ thờ, sau này là các tủ búp phê, trên đặt di ảnh ông bà, cha mẹ…

Những ngôi nhà rộng rãi, bàn thờ có hai cấp: bên trong là bàn cơm thấp, dọn cỗ cúng và để các di vật kỷ niệm của người đã khuất như quả, tráp, gậy, nón… Bên ngoài là tủ thờ hoặc ghế thờ nơi để đồ tự khí như lư, đỉnh, chân đèn, dĩa, chò, bình hoa, chung trà, tô nước… (Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan, Hướng Thu Hương, Hỏi đáp về tập tục tín ngưỡng và lễ thức theo vòng đời người xưa & nay).

Thông thường bàn thờ gia tiên trong một gia đình, theo hướng từ bên ngoài nhìn vào: tủ thờ, trên tủ thờ có đặt 1 bát hương, bộ lư đồng (1 đỉnh xông trầm, 2 chân đèn), nhà giàu thì bộ lư và chân đèn to; bình bông (bên phải), chò đĩa trái cây (bên trái) theo quy tắc “đông bình tây quả”, 3 chung nước cúng.Bàn nghi đặt bài vị, di ảnh người quá vãng và là nơi đặt mâm cơm khi cúng. Tấm vách ngăn có cũng được, không có cũng được. Ngày xưa những nhà nghèo ở nông thôn trên bàn thờ cũng chỉ có “tấm vách”, thậm chí làm bằng tấm bồ, di ảnh và bát nhang được đặt trên tấm ván.

Với những nhà có 3 gian: ở giữa thờ Phật, thần thánh hoặc trang thờ Cao Đài... Bên trái thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Bên phải thờ ông bà cha mẹ quá vãng. Gian giữa thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Bên trái thờ ông bà cha mẹ quá vãng. Với những nhà gia đình có truyền thống làm thầy pháp thì thờ Cao Huyền Cố Tổ (hoặc Cao Huyền Thất Tổ). Còn lại các gia đình bình thường thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Có gia đình thờ Cửu Huyền Thất Tổ ở trên cùng, dưới là thứ bậc dòng họ. Tran thờ Phật tổ, Quan Âm, Quan Công để thấp hơn, bên phải. Hoặc ở những ngôi nhà cổ có tran thờ Quan Công trên cao, bên trái bàn thờ gia tiên.

Bàn thờ gia tiên người Việt Nam Bộ - 1

Hàng chữ “Đức lưu phương” trên bức tranh kiếng. (Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi).

Trong việc thờ cúng tổ tiên ngày xưa còn có tục "Ngũ đại mai thần chủ". Người chủ nhà thờ 4 đời trở lên (đời cha, ông nội, ông cố và ông sơ). Khi đời thứ 5 lên thì bài bị đời đầu tiên sẽ được đem chôn cất hoặc hóa (đốt). Ở Nam Bộ, bàn thờ gia tiên thường chỉ thờ 2-3 đời.

Trên bàn thờ truyền thống thường có gắn tranh sơn thủy, tranh thủy mặc, vẽ trên chất liệu gỗ, kiếng hoặc trực tiếp trên tường. Ở giữa là bức tranh kiếng với những chữ như “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”. Nội dung các bức tranh này là phong cảnh đồng quê, nhà cửa, sông nước, mây núi, ghe thuyền... kèm theo hai bên là những đôi câu đối thể hiện ước vọng của con cháu mong cho người chết ở thế giới bên kia có cuộc sống sung túc, ấm no. Phía trên và ở trước bàn thờ là bức hoành phi với những dòng chữ như: “Đức lưu phương”, “Quang thế trạch”, “Lan quế đằng phương”, “Tử tôn vị phát”, “Vi thiện tối lạc”, “Đạo lý tối đại”... Hai bên hoành phi treo đôi câu đối có nội dung ca tụng công đức tổ tiên hoặc thể hiện lòng biết ơn của con cháu như “Tổ tông công đức thiên niên thạnh / Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”, “Phụ nghĩa sinh thành sơn nhạc trọng / Mẫu ân cúc dục hải hà thâm” (theo Phí Thành Phát, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh).

Trước đây trên bàn thờ gia tiên thường thờ người quá vãng bằng bài vị viết bằng chữ Hán, về sau họa hình người mất bằng tranh truyền thần trắng đen, rồi tranh màu, tranh gối, tranh kiếng, đến khi có máy ảnh thì có ảnh trắng đen, rồi ảnh màu.

Trong nhà nếu có hai bàn thờ, thì một bàn thờ cha mẹ chồng, một bàn thờ cha mẹ vợ; hoặc một bàn thờ cha mẹ, một bàn thờ ông bà. Nếu là ba bàn thờ, thì gồm bàn thờ cha mẹ, bàn thờ ông bà và bàn thờ tổ tiên. Trường hợp chỉ có một bàn thờ thì thờ chung cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Cách sắp xếp bàn thờ cũng theo nguyên tắc đặc biệt: cha mẹ gần nhất nên việc thờ cúng quan trọng hơn ông bà, nên bàn thờ cha mẹ phải đặt giữa nhà hay vị trí quan trọng là phía bên trái (phía gốc cây đòn dông). Còn bàn thờ ông bà đặt bên phải (phía ngọn cây đòn dông), nhìn từ trong nhà ra (Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan, Hướng Thu Hương, Hỏi đáp về tập tục tín ngưỡng và lễ thức theo vòng đời người xưa & nay)

Ngày nay để giản tiện, cha mẹ ruột và cha mẹ vợ, ông bà nội và ông bà ngoại, anh em... đều được để chung một bàn thờ.

Vị trí nam nữ của những người đã khuất trên bàn thờ quy định theo kiểu “nam tả nữ hữu” (từ bên trong nhìn ra), nhưng đôi khi một số gia đình do không hiểu nên cũng sắp lộn xộn. Tuy nhiên thứ bậc trên dưới giữa các thế hệ thì phải luôn luôn bảo đảm.

Bàn thờ gia tiên người Việt Nam Bộ - 2

Bàn thờ trong một ngôi nhà cổ (Bình Dương). (Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi).

Nếu là nhà 3 gian thì gian giữa ở trên có tran thờ thần, ngay phía dưới là bàn Cửu Huyền thất tổ, hai bên phải trái là bàn thờ gia tiên. Tuy nhiên hiện nay bàn thờ gia tiên sắp đặt khá lôn xộn, vì số lượng di ảnh khá nhiều. Nhà người Hoa lâu đời thì thờ tương tự người Việt. Người Hoa hiện nay cũng thờ tổ tiên chung với Phật luôn.

Các gia đình người Bắc di cư vào Nam sau năm 1975, việc bố trí ảnh thờ cũng theo thứ bậc, nhiều gia đình để ảnh Bác Hồ ở vị trí cao nhất. Hoặc ở những vùng kháng chiến như Hóc Môn, Củ Chi (TPHCM) một số gia đình cũng treo ảnh Bác Hồ trong nhà. Tùy theo tôn giáo, mà bàn thờ gia tiên còn kết hợp thờ Phật, Chúa, thánh… Các vị này bao giờ cũng đặt trên cùng, ở vị trí trang trọng nhất.

Bàn thờ gia tiên ở Nam Bộ là sản phẩm của một quá trình lịch sử - văn hóa trong tập tục thờ cúng tổ tiên trên vùng đất phương Nam. Nó vừa kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong thực hành tín ngưỡng nơi vùng đất mới. Đó là sự hòa quyện những giá trị cốt lõi và tích hợp thêm những yếu tố mới phù hợp trong niềm ngưỡng vọng hướng về cội nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn thờ gia tiên người Việt Nam Bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO