Bánh chưng Hà Nội những năm 2000...

Ngữ Thiên 03/02/2020 09:37

Bánh chưng xưa là “bánh thiêng”, tượng trưng cho đất mẹ phì nhiêu nuôi dưỡng con người. Bánh chưng nay đã trở thành một loại hàng hóa, lưu thông theo luật cung - cầu. Nhưng người ta mua nó một cách trân trọng. Bánh chưng vẫn sống trong lòng cuộc sống hiện đại như những giá trị khác của văn hóa truyền thống - trường tồn nhưng đã (phải) biến đổi, thích nghi...

Bánh chưng Hà Nội những năm 2000...

Bánh chưng ngày này năm xưa...

Đã bao đời nay, bánh chưng thiêng liêng trong truyền thống ngày Tết. Những ngày cuối năm, mọi nhà đều bận rộn lo chuẩn bị đón Tết. Trẻ con thì thấp thỏm, háo hức trước cả tháng. Những năm xưa, nhà nào cũng luộc bánh chưng. Nồi bánh chưng Tết là mối quan tâm lớn của mọi người, mọi nhà. Ai cũng mong nồi bánh Tết nhà mình thật dền, thật ngon. Người ta vui vẻ hỏi thăm nhau năm nay gói bao nhiêu bánh chưng. Và người ta khen nhau “Ăn Tết to” vì gói được nhiều bánh chưng... Sau ngày Ông công Ông táo là mọi nhà tíu tít chuẩn bị cho nồi bánh chưng. Gạo và đỗ xanh phải chuẩn bị từ trước. Đến ngày 25 - 27 tháng chạp phải lo mua cho được lá dong tươi, xanh mượt và rộng lá. Rồi còn lo rửa lá, đãi đậu, ngâm gạo, ướp thịt để gói bánh, lo chuẩn bị củi lửa, chuẩn bị nồi to vừa cỡ... Cả nhà cùng lo gói bánh, luộc bánh. Hàng trăm việc không tên nhưng mỗi người một việc. Mọi người cùng bận rộn trong một không khí say say, náo nức thật khó tả mà người ta vẫn gọi là không khí Tết, đúng hơn phải gọi là không khí chờ đón Tết. Ngày 29 Tết được coi là ngày luộc bánh chưng để đến ngày cuối của năm có bánh cúng giao thừa, không sớm quá cũng không thể quá muộn…

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã lớn lên trong không khí Tết như thế, phong vị Tết như thế. Thế hệ chúng tôi sinh ra giữa lúc chiến tranh, tuổi thơ đi qua thời bao cấp, khi đã biết mong Tết đến thì chẳng còn thấy cây nêu và câu đối đỏ nữa, thịt mỡ và dưa hành ngày đó cũng ít thôi, đó cũng không phải là món trẻ con thích. Chỉ còn lại tràng pháo và bánh chưng xanh luôn luôn là nỗi mong chờ khắc khoải từ khi thấy bố mẹ thay lốc lịch mới trên tường. Chúng tôi cũng đã được nếm những nỗi vất vả khi phải chờ đợi xếp hàng mua gạo nếp bán theo sổ, định xuất mỗi người chỉ được một cân và cũng chỉ bán vào dịp Tết. Những ngày thiếu thốn vất vả đó càng làm cho người ta quý những ngày Tết hơn vì đó thực sự là những ngày nghỉ ngơi sau cả năm vất vả. Người ta cũng trân trọng miếng bánh chưng xanh hơn vì nó như một phần thưởng cho cả năm lao động. Những trông mong chờ đợi, suýt xoa vì cái lạnh ngoài trời nhưng má hồng lên vì được sưởi ấm bên nồi bánh, được hít hà mùi bánh đang tỏa nghi ngút, hồi hộp chờ giây phút được vớt bánh... của lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy mới ấm áp, thú vị làm sao.

Bánh chưng như một biểu tượng của Tết Việt Nam. Chỉ một câu đối, tả nhưng gợi, là đủ nói lên cả phong vị Tết xưa:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Thời hiện đại, có người “chê” câu đối này, “phán” rằng: Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng - thuộc về vật chất, nên xếp cùng với nhau. Cây nêu, tràng pháo, câu đối - thuộc về tinh thần, nên xếp với nhau để vật chất “đối” với tinh thần cho câu đối “chỉnh” hơn (! ?). Nhưng than ôi khi đọc câu đã “xếp lại” theo ý của nhà duy lý máy móc chỉ thấy tẻ nhạt, vô hồn, “trơ” và ngang phè phè. Phải “vận” thuyết âm dương - ngũ hành vào ẩm thực để đọc câu đối này mới thấy sự tài tình của dân gian. Trong vế “ứng”: Thịt mỡ, Dưa hành - thuộc / tượng trưng cho vật chất, thuộc Âm. Câu đối đỏ - thuộc / mang tải những giá trị tinh thần, thuộc Dương. Ở vế “đối”: Cây nêu, Tràng pháo - chuyển tâm thế nghinh tân, vui mừng, thăng phát, thuộc Dương. Bánh chưng - mang ý cầu no ấm, đậm đà, đằm thắm, thuộc Âm. Trên vế “ứng” có 2 Âm, 1 Dương, đối chan chát với vế “đối” chứa 2 Dương, 1 Âm. Mỗi vế và cả câu đều chứa đựng mối cân bằng âm - dương và một nhịp điệu thăng - giáng, thú vị, tài tình.

Chúng ta chỉ còn biết cảm phục tiền nhân…
... và Bánh chưng ngày hôm nay

Từ khi bỏ bao cấp và chế độ tem phiếu, bánh chưng xuất hiện thường xuyên hơn trong đời sống xã hội đang “làm quen” dần với kinh tế thị trường. Thoạt tiên ở các đám cưới, sau đó là ở các lễ lạt cỗ bàn khác khi người ta muốn thay đĩa bánh chưng cho đĩa xôi đã quá quen thuộc. Đó là chưa kể đến những hàng bánh chưng rán mà người ta dần quen như một thứ quà sáng ngon và lành, thường nhật trong ngày đông đất bắc. Nay thì có thể dễ dàng gặp bánh chưng ở các chợ, muốn ăn lúc nào cũng có, muốn mua bao nhiêu cũng được, nếu mua nhiều chỉ cần gọi điện thoại đặt trước, nếu muốn còn được mang đến tận nơi. Công nghệ hiện đại cũng đã cho phép hút chân không để bảo quản và mang những chiếc bánh chưng thơm thảo đến những phương trời xa.

Tết đến, nhu cầu bánh chưng tăng vọt. Nhà nào cũng cần có một (vài) cặp bánh để đón Tết. Nhưng bây giờ không phải gia đình nào cũng có thể tự luộc bánh chưng cho mình. Diện tích ở ngày càng chật chội, bếp gas hay bếp từ không thể nấu một nồi bánh chưng to tướng. Công việc bận rộn đến sát phút giao thừa cũng làm cho nhiều người chẳng còn thời gian để gói bánh, luộc bánh. Nhu cầu ăn bánh chưng Tết ở mỗi nhà bây giờ cũng giảm đi nhiều so với ngày xưa. Trẻ con bây giờ ít đứa thích ăn bánh chưng, không như chúng tôi ngày trước thường ăn ngốn ngấu, có khi hai ba miếng một lúc. Chúng đã có những nỗi mong chờ khác. Người lớn cũng ít ăn bánh chưng vì đã có nhiều đồ ăn thức uống, vì sợ trọng lượng dư thừa của bản thân trội lên quá nhiều. Mỗi nhà chỉ cần vài cặp bánh chưng để cúng và đem biếu. Biện pháp giải quyết tốt nhất là đi mua. Công việc gói và luộc bánh chưng Tết bây giờ đã chuyển một phần sang tay những bà nội trợ chung, lo nồi bánh chưng cho nhiều nhà một lúc. Số gia đình tự luộc bánh chưng ở Hà Nội ngày càng ít đi cũng là điều dễ hiểu vì họ đã yên tâm rằng: Không (tự) làm được thì (có thể) mua...

Từ ngày 20 tháng chạp, trên nhiều con phố ở Hà Nội có thể gặp những tấm biển ghi: Nhận gói bánh chưng, Dịch vụ bánh chưng, thậm chí ngắn gọn hơn: Bánh chưng... Những người đảm nhiệm dịch vụ bánh chưng là các bà, các chị đã gói bánh, luộc bánh hàng chục năm, có nhiều kinh nghiệm và tín nhiệm. Khách hàng chủ yếu là người quen đưa nhau đến. Nhà đặt năm chiếc, nhà mua mười chiếc tùy theo nhu cầu. Đại đa số là những người có thu nhập khá nhưng không có nhiều thời gian. Giá cả do người mua và người bán cùng quyết định, chất lượng phụ thuộc vào lòng tin... Công việc gói bánh chưng Tết chỉ dồn dập chừng hơn mười ngày và thu nhập cũng phần nào bù đắp được nỗi vất vả của bà.

Việc gói bánh chưng Tết ở Hà Nội đang dần chuyên nghiệp hóa. Không biết đến khi nào thì nó được công nghiệp hóa để những bà nội trợ không còn phải róc lá, ngâm gạo, đãi đậu, gói bánh bằng tay, đỡ phải ngồi trông lửa cho nồi bánh đun bằng củi hoặc than... Nỗi lo lắng của cụ Nguyễn Tuân rằng sau này “phở hộp” sẽ làm mất đi vị “phở” nay đã dần hiện diện. Với nỗi niềm của một người đau đáu với những giá trị văn hóa ẩm thực cổ truyền, cụ Nguyễn lo là phải quá. Nhưng cũng có thể lạc quan mà thấy rằng bây giờ phở hộp, bún hộp, mỳ hộp đã tràn ngập các siêu thị nhưng chẳng ai nói chúng có thể “mon men” so sánh được với các hàng phở Hà Nội, phở Nam Định hay bất cứ “dòng” phở nóng nào khác... Chẳng biết “bánh chưng hộp” có xuất hiện ở thời hậu công nghiệp hay không? Chúng sẽ ra sao, có thay được những chiếc bánh handmade - gói tay không ? Nhưng dù có thế nào thì tôi vẫn tin rằng trong cuộc sống hiện đại đang quay cuồng với vận tốc chóng mặt mà ít người gói và luộc bánh chưng vào dịp Tết, cho dù người ta ít ăn bánh chưng hơn, cho dù bánh chưng những năm 2000 đã có những nét khác với bánh chưng thời trước nhưng Bánh chưng vẫn thiêng liêng và thân thuộc trong tâm thức người Việt. Sau những lượt lá bánh vẫn ẩn chứa tấm lòng hiếu thảo đã đi vào cổ tích của Lang Liêu với vua Hùng, vẫn ẩn chứa cả vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan mà người xưa muốn “gói” cả lại truyền cho con cháu. Chúng ta trân trọng mang hành trang văn hóa đó trong thiên niên kỷ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bánh chưng Hà Nội những năm 2000...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO