Biển Đông một thời khắc bi hùng

Phạm Quang Đẩu 07/09/2017 08:35

Trong ngõ 301, phố Ngô Gia Tự, quận Hải An, thành phố Hải Phòng có một sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu, tóc bạc trắng còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Ông tên là Thẩm Hồng Lăng, 72 tuổi. Giống như nhiều cựu chiến binh khác, giờ ông sống vui cùng con cháu và luôn quan tâm gần gũi các thanh, thiếu niên xung quanh. Đến ngày Thương binh liệt sĩ(27/7) hàng năm, ông thường kể cho thế hệ trẻ nghe câu chuyện chiến đấu của đồng đội “Tầu không số”; về thời khắc bi hùng trên biển Đông của chính trị viên tầu 645: anh


Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu(1932-1972).

Trong thư mục lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam “Đoàn tầu không số”; “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” gắn với trang sử vô cùng anh dũng, vẻ vang của một đơn vị đặc biệt thuộc Quân chủng Hải quân thời chống Mỹ. Đó là Lữ đoàn 125 thân yêu của tôi, gồm những tầu vận tải, bên ngoài không ghi số hiệu, nhưng mỗi tầu có bí số riêng, như: 43, 56, 164, 235…Lữ đoàn ngày đó chuyên làm nhiệm vụ chở vũ khí, khí tài cho chiến trường Nam Bộ. Tầu không số được nguỵ trang như tầu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân, trang bị phương tiện hàng hải ngoài la bàn và máy đo tốc độ bằng chân vịt có thêm ống nhòm, máy vô tuyến điện sóng ngắn 108 liên hệ với trung tâm bằng tín hiệu mooc và đèn pin để bắt tín hiệu với đất liền khi tầu gần vào bến. Mỗi tầu còn được cài đặt sẵn những khối bộc phá lớn ở hầm tầu, phòng khi bị địch phát hiện không còn đường thoát, để bảo đảm bí mật tuyệt đối, lâu dài con đường vận chuyển trên biển thì cho nổ tung.

Chuyến tầu không số đầu tiên của thuyền trưởng Nguyễn Bất xuất phát đêm 30 tết năm 1960 từ một lạch nhỏ ở miền Trung, đến vùng biển tỉnh Quảng Nam bất ngờ đụng địch, hầu hết chiến sĩ đã hy sinh. Chuyến thứ hai do thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy, xuất phát ngày 18-4-1962 tại lạch Trung Kiên, sau gần một tháng lênh đênh trên biển đã cặp bến Vàm Lũ, Cà Mau an toàn, chính thức khai thông Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong vòng 10 năm sau những chuyến đầu tiên ấy, có hàng trăm lượt tầu không số liên tục đi làm nhiệm vụ, vận chuyển được hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược cho chiến trường. Trong số đó cũng có một số trường hợp đụng địch, cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra, cuối cùng người chiến sĩ tầu không số hiên ngang lựa chọn phương án “nổ tung”, không để phương tiện và hàng rơi vào tay giặc.

Trên vỏ tầu không có tên, không số, song tầu của chúng tôi ra khơi mang bí số 645. Đến thời điểm đầu năm 1972 tầu 645 đã thực hiện được 13 chuyến vận tải vũ khí, đạn dược cho chiến trường thành công. Chuyến “định mệnh” thứ 14 chở hàng cho Quân khu 9 không hiểu sao ngay từ đầu đã bị trục trặc. Hai lần nhổ neo đụng tầu địch phải quay lại. Lần thứ ba, xuất hành ngày 12/4/1972 lúc đầu trót lọt, đến vùng biển quốc tế, xuôi xuống phía biển Philippin, vòng qua Indonesia, Malaysia. Đi được 11 ngày đêm đến vịnh Thái Lan, cách đảo Phú Quốc chừng 60 hải lý, định đêm hôm đó sẽ cặp bến. Buổi chiều, khi tầu đang hướng về phía đảo Phú Quốc, chúng tôi nhận được bức điện báo ngắn khẩn cấp từ Bộ Tổng tham mưu: “Bến động”…

Tôi phải kể đôi nét về những thành viên của chuyến “định mệnh” này. Tầu có 22 cán bộ, chiến sĩ. Thuyền trưởng Lê Hà quê ở miền Nam, ra Bắc năm 1961 được cử đi học sĩ quan hải quân, năm 1963 trở lại chiến trường, làm thuyền trưởng tầu không số. Chính trị viên, trung uý Nguyễn Văn Hiệu, anh cả của đơn vị, lúc đó vừa tròn 40 tuổi. Anh Hiệu quê Quảng Nam, có vợ, hai con ở phường Máy Tơ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Anh dáng cao to, đẹp trai tính tình hiền lành vui vẻ được mọi người rất mến. Cánh thuỷ thủ chúng tôi thì đều tuổi mới ngoài đôi mươi, được tuyển chọn kỹ từ các đơn vị hải quân ở miền Bắc, mỗi lần ra khơi là xác định “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

“Bến động”- đó là mật báo về tình hình nguy cấp sắp gặp phải, cấp trên yêu cầu tầu quay mũi ngay, chạy ra vùng biển quốc tế. Lúc đó chúng tôi suy nghĩ, chỉ khoảng nửa đêm hoặc chậm lắm gần sáng là có thể vào bến, phải quay trở lại là điều không ai muốn. Chỉ huy tầu hội ý nhanh, vì sự an toàn, bí mật của bến nhận hàng mà phải nhổ neo quay ngược ra vịnh Thái Lan. Khoảng 19 giờ, đã thấy một chiến hạm địch đang đuổi theo. Chúng rọi đèn pha sáng rực, đánh tín hiệu hỏi từ đâu đến và đi đâu? Chúng tôi trả lời: “Từ Trung Quốc xuống, bị lạc”. Địch phát tín hiệu khẩn cấp: dừng tầu! Chúng tôi lập tức tăng tốc hướng ra biển Đông nhằm thoát khỏi tầm pháo của chúng. Tầu địch bám theo. Phát hiện phía ngoài khơi có thêm 3 tầu địch nữa, vậy là tầu 645 bé nhỏ của chúng tôi đang bị kẹp giữa vòng vây. Địch phát loa gọi hàng và bắn một loạt đạn uy hiếp phía mũi tầu. Chúng tôi vẫn cố tăng tốc và trò mèo vờn chuột kéo dài đến rạng sáng ngày hôm sau. Khu vực biển chúng tôi đang bị truy đuổi gần về phía đuôi của đảo Phú Quốc được phù sa bồi đắp, lại đang lúc nước ròng có thể lội xuống được. Chi uỷ cùng chỉ huy tầu hội ý chớp nhoáng, ra quyết định khắc nghiệt nhất: nổ tầu! Tất cả nhảy xuống biển, chỉ để một người ở lại điểm hoả khối thuốc nổ và thoát ra sau. Người nhận trách nhiệm sau cùng đó không ai khác, là người anh cả của tầu chúng tôi.

Trong giây phút định mệnh ấy, tôi chợt thấy trên gương mặt vuông vức của chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu toát ra vẻ bình tĩnh, cương nghị lạ thường. Anh bắt tay từng người với ánh mắt trìu mến thay cho lời từ biệt. Chúng tôi lập tức nổ loạt súng liên thanh vào chiếc tầu chiến gần nhất. Một quả đạn pháo lớn của địch nã thẳng vào phía buồng lái làm 6 thuỷ thủ hy sinh tại chỗ và tầu mất lái. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu yêu cầu thuyền trưởng Lê Hà và số anh em còn lại nhảy xuống biển ngay. Anh phát tín hiệu để kìm chân địch và tranh thủ huỷ hết tài liệu. Con tầu mất lái chạy vòng tròn. Mười sáu người chúng tôi nhẩy xuống nước, cố thoát ra xa khu vực tầu 645 đang mắc kẹt giữa vòng vây, nhưng mấy anh em bị thương không thể dìu đi nhanh hơn được. Bỗng nghe tiếng tiếng chính trị viên trên tàu hét to: “Khẩn trương! Hãy báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!” Chúng tôi hiểu, chính trị viên đã cố ý dừng thêm ít phút thời điểm điểm hoả trái bộc phá, bởi nếu nổ ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng anh em đang bơi chưa xa tầu được là bao. Rồi giây phút bi tráng cũng phải đến. Sau lưng chúng tôi bỗng bùng lên cột lửa cùng tiếng nổ vang dội, một luồng bão kéo theo ngọn sóng cực mạnh hất chúng tôi về phía rừng đước. Sau thời điểm tầu 645 nổ tung và chìm không lâu, tất cả chúng tôi đều bị địch bắt, đưa về giam giữ, tra khảo tại trại tù binh Phú Quốc. Hiệp định Pa-ri về Việt Nam ký cuối năm 1972, đến tháng 3/1973 chúng tôi được trao trả tù binh.

Sau ngày nước nhà thống nhất, thuyền trưởng Lê Hà trở về quê hương ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tầu), các anh em khác cũng đều về quê, tôi thì ở Hải Phòng cách nhà người anh cả của đơn vị không xa. Năm 1976, Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hàng năm đến ngày 24/4, ngày tầu 645 chìm, cũng tức là ngày giỗ của anh, chúng tôi đều tụ tập đến nhà anh ở phường Máy Tơ để thắp nén nhang tưởng nhớ. Trong tâm khảm chúng tôi còn in rõ nét khoảnh khắc bi hùng ngày ấy trên biển Đông, lúc anh cố đợi chúng tôi ra xa vùng nguy hiểm và lúc anh điểm hoả cùng con tầu hoà vào lòng biển khơi.

37 năm sau ngày chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu hy sinh, một điều kỳ diệu khác thường đã xảy đến. Được sự giúp đỡ tận tình của chỉ huy Quân chủng Hải quân, của chính quyền, nhân dân địa phương, của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, cùng khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) đứng đầu là Tổng giám đốc Vũ Thế Khanh, đã tìm thấy hài cốt của ông tại một bãi cát phía chóp đuôi đảo Phú Quốc. Và ngày 29/4/2009 nhân dân Hải Phòng đã trang trọng rước hài cốt của ông về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố.

Giờ đã 45 năm anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu anh dũng hy sinh, chúng tôi những cựu binh của con tầu không số năm xưa lại đến nhà ông ở phường Máy Tơ để thắp nén hương tưởng nhớ, thời khắc bi hùng ấy trên biển Đông không bao giờ phai nhòa trong tâm trí các thế hệ hôm nay, mai sau!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biển Đông một thời khắc bi hùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO