Bóng đá Việt: Giữ bóng đá sạch

Thanh Hà 28/04/2019 09:05

Những thành công liên tiếp của bóng đá nước nhà trong hơn 1 năm qua ở mọi cấp độ đội tuyển đã khiến NHM hơn lúc nào hết yêu mến, cổ vũ cho bóng đá nước nhà. Ngọn lửa đam mê trái bóng đã được các cầu thủ trẻ từ lứa U23 truyền đi và lan tỏa với đầy hy vọng vào thành công tiếp theo sẽ đến. Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở của bóng đá Việt là giữ gìn hình ảnh bóng đá sạch, bóng đá đẹp lại trở nên cấp bách sau nhiều biểu hiện ở các giải bóng đá trong nước thời gian qua.

Bóng đá Việt: Giữ bóng đá sạch

Từ những dấu hiệu buồn

Những gì diễn ra tại giải U19 Quốc gia 2019, Cúp Quốc gia 2019 và ngay cả ở sân chơi AFC Cup trong thời gian qua đã dấy lên rất nhiều nghi án tiêu cực trong giới chuyên môn cũng như trong lòng CĐV bóng đá nước nhà.

Nếu như bóng đá trẻ đã tạo được nhiều dấu ấn, đem lại sự thăng hoa, tin tưởng cho NHM trong hơn 1 năm qua thì sau trận đấu giữa U19 Hà Nội và U19 Phú Yên ở giải U19 Quốc tế 2019, những âu lo đã xuất hiện ngay từ lứa trẻ kế cận. Tại giải U19 Quốc gia 2019, VFF đã đăng tải thông báo phản ánh và cảnh báo về việc thi đấu thiếu tích cực của đội U19 Phú Yên trong thời gian cuối trận đấu. Trong thông báo thậm chí nêu rõ: “Căn cứ vào tư liệu chuyên môn, ghi nhận và phản ánh của đại diện BTC về việc thi đấu thiếu tích cực của đội U19 Phú Yên trong thời gian cuối trận đấu gặp đội U19 Hà Nội ngày 9-3…”. Những gì diễn ra khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không tình trạng bán độ của các cầu thủ U19 Phú Yên, và nếu có thì ban tổ chức có dám công bố thông tin này? Cụ thể, ở trận đấu với U19 Hà Nội diễn ra hôm 9/3, U19 Phú Yên đã để thua 0-1. Điều đáng nói ở đây là thủ môn Hoàng Trung Phong của U19 Phú Yên bất ngờ mắc sai lầm, tạo điều kiện để Trần Xuân Đức ghi bàn ở phút 82, mở tỷ số 1-0. Đáng chú ý, trong 10 phút cuối trận, U19 Phú Yên không dâng cao để tìm bàn gỡ mà chuyền qua lại bên phần sân nhà. Hành động của các cầu thủ U19 Phú Yên khiến khán giả trên sân Pleiku hết sức bất bình bởi trong hơn 80 phút trước đó, đội bóng này thi đấu hết sức chặt chẽ để ngăn chặn các pha tấn công của U19 Hà Nội. Giám sát trận đấu sau đó cũng đã có báo cáo tường tận đến BTC giải và VFF về diễn biến trận đấu. HLV U19 Phú Yên Phạm Minh Tuấn sau đó lý giải đội bóng của mình không đủ lực để tấn công tiếp và chỉ cầm cự cho xong trận đấu do nhiều cầu thủ bị chuột rút. Cách chơi như thể muốn thua 0-1 và những thông tin cảnh báo cùng dữ liệu được cung cấp, BTC đặt ra nghi ngờ có vấn đề trong cách chơi của U19 Phú Yên.

Ngay sau vụ việc này, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, hiện VFF cùng với C02 (Bộ Công an) tiếp tục phối hợp xác minh thông tin. Đến nay chưa có kết luận cụ thể nào về việc điều tra các đội bóng có biểu hiện thi đấu thiếu tích cực có dính đến tiêu cực hay không. Trước đó ông Lê Hoài Anh đã khẳng định: “Không chỉ có trận đấu của U19 Phú Yên, một số trận đấu khác của vòng loại U19 Quốc gia có hiện tượng một số đội thi đấu thiếu tích cực. Chúng tôi đã nhận được những cảnh báo về việc sắp xếp, toan tính ngoài chuyên môn. Do vậy, sau khi chúng tôi xem trận U19 Phú Yên – U19 Hà Nội, từ phút 82, đội Phú Yên có biểu hiện thi đấu thiếu tích cực”.

Các cầu thủ U19 mới chỉ ở độ tuổi 17, 18 còn rất trẻ và nhận thức về bóng đá mới chỉ bắt đầu. Giải U19 Quốc gia 2019 đã hạ màn với việc bóng đá Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế ở tuyến trẻ. Nếu sự việc các đội bóng dính nghi án tiêu cực được lôi ra ánh sáng, đó sẽ là cú sốc lớn cho bóng đá Việt Nam.

Nghi án tiêu cực tiếp tục đến chỉ 3 ngày sau, khi thủ môn Tấn Trường của CLB Bình Dương sai lầm khó hiểu tại AFC Cup. Theo đó, phút 27, trọng tài biên căng cờ báo một cầu thủ của CLB Ceres Negros (Philippines) việt vị trong lúc bóng vẫn được chuyền vào trong và trong tầm kiểm soát của thủ môn Tấn Trường, trọng tài chính Yusuke Araki không cắt còi và được hiểu là cho chủ nhà Bình Dương hưởng lợi thế. Thủ môn Tấn Trường sau khi bắt được bóng đã thả bóng xuống sân và đứng chơi, tạo điều kiện để Maranon dễ dàng đưa bóng vào lưới trống ghi bàn thắng. Nhiều người đã bình luận hoài nghi lỗi sai đó không đơn thuần chỉ là chuyên môn. Thật khó chấp nhận một thủ môn dạn dày kinh nghiệm lại để thua ngớ ngẩn và thiếu hiểu biết về luật như thế. Chính vì vậy, những ý nghĩ tiêu cực nhắm Tấn Trường từng gắn với rất nhiều tình huống bị nghi ngờ tiêu cực như thế, từ cấp độ CLB đến đội tuyển U23 lẫn ĐTQG cũng rất nhiều. Ngay sau sai lầm của Tấn Trường, lãnh đạo CLB Bình Dương đã quyết định không sử dụng thủ môn này cho đến hết giai đoạn một của V-League, Cup quốc gia và AFC Cup.

Sau khi thủ môn Tấn Trường có pha bắt bóng “lạ”, tới lượt đội trưởng CLB Cần Thơ Nguyễn Văn Quân thực hiện cú đá phản lưới nhà đẹp đến... ngỡ ngàng trong trận đấu thuộc khuôn khổ cúp quốc gia 2019. Pha đá phản đó khiến không ít người liên tưởng tới pha đá phản lưới nhà nổi tiếng một thời của Lã Xuân Thắng. Pha phản lưới nhà Cần Thơ trong trận đấu với Bình Phước ở Cúp Quốc gia 2019 khiến tất cả những ai có mặt trên sân phải ngơ ngác và được người trong giới ví von là hành động có thể đá bể “nồi cơm” của rất nhiều đồng nghiệp. Mặc dù sau đó, Nguyễn Văn Quân một mực khẳng định anh không tiêu cực và biện minh rằng đó chỉ là lỗi kỹ thuật. Điều đó tất nhiên không đảm bảo cầu thủ của đội Cần Thơ trong sạch, nhưng cũng khó mà chứng minh được rằng anh ta cố ý đá về lưới nhà. Nguyễn Văn Quân sau đó bị Ban Kỷ luật VFF ra án phạt 20 triệu đồng, cấm thi đấu hết lượt đi giải hạng Nhất 2019. Bản án được số đông dư luận và giới hâm mộ ủng hộ cho dù vẫn có những đòi hỏi về bằng chứng xác thực đối với câu hỏi Văn Quân có tiêu cực hay không. Trước đó, CLB Cần Thơ cũng tiến hành kỷ luật nội bộ Văn Quân bằng hình thức tước băng thủ quân, cấm thi đấu 3 trận.

Tuyên chiến với tiêu cực

Trước những biểu hiện hàng loạt vấn đề gây nghi ngờ đã xảy ra, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã cho rằng “một trong những mục tiêu của bóng đá không chỉ mang lại giá trị về thể thao mà còn chống lại các biểu hiện tiêu cực như lạm dụng thuốc, bạo lực sân cỏ... Những biểu hiện như vậy đi ngược lại tôn chỉ của bóng đá và mang lại dư luận không hay về bóng đá trẻ hiện nay. Những cầu thủ trẻ là tương lai của bóng đá Việt Nam, việc ngăn chặn họ khỏi những yếu tố ngoài chuyên môn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý bóng đá cùng các đơn vị chức năng để các em tránh xa những vấn đề tiêu cực”. Trong khi đó, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF cho rằng VPF luôn đề ra các biện pháp để hạn chế những hiện tượng tiêu cực như vụ cầu thủ Cần Thơ đá phản lưới nhà. Và án phạt nghiêm khắc mà Ban kỷ luật VFF vừa đưa ra sẽ có tính răn đe, giáo dục để các cầu thủ chung tay cùng BTC giải xây dựng một nền bóng đá sạch, đẹp.

Một trong những lý do khiến bóng đá Việt Nam lâu nay gặp khó khăn trong việc vận động nguồn tài trợ là tình trạng tiêu cực, nghi ngờ về dấu hiệu dàn xếp tỉ số, “bán độ” giữa các đội bóng. VPF trong các mùa giải vừa qua đã phải rất nỗ lực để có thể thuyết phục doanh nghiệp đồng hành cùng bóng đá Việt Nam. Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú, mỗi cuộc đàm phán đều rất cam go. Không nói đâu xa, giải hạng Nhất 2019 mới đây cũng rất vất vả mới có nhà tài trợ mới. Tại buổi lễ VPF ra mắt nhà tài trợ mới của V.League 2019, đại diện nhà tài trợ nói rằng, họ muốn bóng đá là món ăn tinh thần, giàu cảm xúc, sống động trong năm 2019, giống như không khí mà bóng đá Việt Nam đã có trong năm 2018. Mặc dù là hợp đồng dài hạn nhưng trong hợp đồng ký kết cũng có những điều khoản chấm dứt hợp đồng. Đơn vị tài trợ cũng cho biết, họ sẽ tự chấm dứt hợp đồng nếu V.League xảy ra tiêu cực, những vấn đề nổi cộm không thể kiểm soát được. Nhà tài trợ luôn luôn mong muốn mình được nhắc tên tới trong một giải đấu, môi trường bóng đá sạch và đó là điều mà VFF, VPF càng phải làm quyết liệt hơn tại những giải quốc nội, “dấu hiệu tiêu cực” hay “thiếu tích cực” mà những người tổ chức đã chỉ ra cần phải được ngăn ngừa và có chế tài xử lý mạnh hơn nữa.

Những nhà lãnh đạo và tổ chức bóng đá trong nước đều đã lên tiếng mạnh mẽ trước những biểu hiện đầy nghi ngờ vừa qua. Hành động và phát ngôn của Ban kỷ luật VFF cũng như BTC giải cho thấy nỗ lực loại bỏ mầm mống tiêu cực, làm trong sạch hình ảnh bóng đá Việt Nam. Dù chưa có kết luận chính xác việc có tiêu cực hay không, nhưng nó xảy ra ở thời điểm bóng đá Việt đang tìm được chỗ đứng trở lại trong lòng người hâm mộ và luôn luôn tôn vinh những hành động, nghĩa cử, hình ảnh đẹp của làng bóng, khiến nhiều người suy ngẫm và quan ngại cho tính minh bạch của bóng đá nước nhà. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang đạt được nhiều thành tựu, dần lấy lại niềm tin từ người hâm mộ, những hành vi gây ảnh hưởng tới hình ảnh của bóng đá cần bị xử lý thích đáng bởi những giải đấu như V-League, cúp quốc gia… Nếu đánh mất niềm tin bởi những nghi án tiêu cực sẽ rất khó có thể lấy lại được và ngọn lửa cuồng nhiệt mà bóng đá Việt mới tạo dựng nên sẽ không đủ làm yên lòng nơi NHM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng đá Việt: Giữ bóng đá sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO