Cải tổ - vùng mắt bão

Hồ Quang Lợi 30/11/2017 09:10

Cải tổ là một cuộc cách mạng chứ không phải là việc bôi sơn lại mặt tiền. Cải tổ đã làm vỡ tung ra một lúc nhiều vấn đề lớn chất chứa từ lâu trong lòng xã hội Xô viết mà đến hôm nay đất nước này dường như chưa được chuẩn bị kỹ và đầy đủ để đón nhận và giải quyết chúng một cách chủ động.


Kệ trống không trong cửa hàng bán thịt tại Moscow (năm 1990). (Ảnh: alamy.com).

Mười một năm rồi, mùa thu 1990, tôi mới có dịp trở lại Matxcơva. Rời khỏi sân bay Seremechevo 2 náo động và lắm bụi bặm đời thường xung quanh những kiện hành lý bề bộn của người lao động Việt Nam với cách làm việc đôi khi không bình thường của một số nhân viên Liên Xô, ngẩng đầu lên, tôi như bị hút vào một không gian bao la, thoáng đãng dưới một bầu trời xanh bát ngát. Nhìn bên ngoài, Matxcơva vẫn vậy với vẻ đẹp quyến rũ của nó. Nhưng đằng sau cảnh sắc thanh bình đó, thành phố lớn này đang chứa đựng biết bao nhiêu vấn đề phức tạp và nóng bỏng, tạo thành những dòng xoáy khốc liệt, những mạch ngầm dữ dội.

5 năm đã trôi qua, công cuộc cải tổ đã làm chấn động hết thảy mọi lĩnh vực của đời sống đất nước. Một số thành tích ban đầu đã đạt được ghi nhận. Nhưng tình hình đã không diễn ra như đúng dự tính ban đầu của những nhà thiết kế công cuộc cải tổ. Nó phức tạp và nguy hiểm gấp bội phần. Cải tổ là một cuộc cách mạng chứ không phải là việc bôi sơn lại mặt tiền. Cải tổ đã làm vỡ tung ra một lúc nhiều vấn đề lớn chất chứa từ lâu trong lòng xã hội Xô viết mà đến hôm nay đất nước này dường như chưa được chuẩn bị kỹ và đầy đủ để đón nhận và giải quyết chúng một cách chủ động. Ngay cái dân chủ công khai mà cải tổ đã đem lại, như M.X. Goocbachốp khẳng định thì đất nước Xô viết cũng chưa học được cách để sử dụng nó. Và người ta cảm thấy có hiện tượng “hiệu ứng” theo hướng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết, cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã tạo nên một màu sắc không sáng sủa trong bức tranh toàn cảnh của công cuộc cải tổ. Nếu không đến Liên Xô, khó có thể hình dung nổi sự khan hiếm hàng hóa lại căng thẳng đến như vậy. Chai rượu, gói thuốc lá rồi đến ổ bánh mì đã trở thành đòi hỏi bức xúc của cuộc sống thường ngày, buộc người ta phải kiên trì đứng xếp hàng thậm chí là trước những quầy trống rỗng chờ hàng về. Tháng 8-1990 vừa qua, nạn khan hiếm thuốc lá đột ngột diễn ra làm cho 70 triệu người Xô viết nghiện thuốc có lúc mất bình tĩnh. Tôi đến thăm Xô viết tối cao nước Cộng hòa Belarut đúng vào lúc trước cửa ra vào của tòa nhà uy nghiêm có một đám đông đang vây quanh một đại biểu Xô viết đòi phải có thuốc lá bán.

Nạn thiếu thuốc lá chưa qua, thì nạn thiếu bánh mì ập đến làm cho Moscow và một số thành phố khác sôi lên. Kết quả điều tra 153 cửa hiệu bán bánh mì ngày 4/9/1990 cho biết: 58 cửa hiệu không có bánh mì trắng, 66 cửa hiệu không có bánh mì đen, nhiều cửa hiệu không có loại bánh mì nào. Một ngày Moscow cần 2.600 tấn bánh mì, nhưng chỉ được cung cấp 1.200 tấn. Hiện nay mỗi năm Liên Xô phải nhập tới 40% nhu cầu về ngũ cốc. Những ngày ở Matxcơva, tôi đã được đọc bài báo “Lúa mì từ bên kia đại dương” đăng trên báo “Tin tức”.

Theo bài báo, trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu của thế giới vượt 80 triệu tấn, chiếm 30,4% xuất khẩu lúa mì của thế giới. Lúa mì Nga đã được nhập vào nhiều nước trong đó có nước Pháp. Thế mà năm 1990, Liên Xô đã phải đăng ký hiệp định nhập lúa mì của Pháp. Nhưng nạn khan hiếm bánh mì hiện nay không phải là do thiếu bột, mà chỉ vì các lò bánh mì không hoạt động, hoặc hoạt động không hết công suất. Một số đơn vị quân đội đã được huy động vào làm việc ngay trong các lò bánh mì. Tình trạng khan hiếm bánh mì này lại diễn ra vào lúc Liên Xô đang đạt một vụ mùa bội thu chưa từng thấy (300 triệu tấn).

Cải tổ đã trao cho các cơ sở quyền tự chủ, nhưng đây đó lại thường xuyên diễn ra tình trạng vô chính phủ. Đã và đang nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp trong việc điều hành guồng máy quản lí kinh tế của đất nước. Trò chuyện với những người có trách nhiệm cũng như những người dân bình thường, tôi nhận thấy sự xót xa của họ khi nói đến thiệt hại lớn trong việc thu hoạch vụ mùa bội thu vừa qua. Lúa mì chín rũ ngoài đồng, nhưng nhiều nơi không có đủ người để thu hoạch, mặc dù đã huy động cả lực lượng quân đội và sinh viên.

Thu hoạch xong rồi lương thực lại không kịp chuyển vào kho, hoặc bị mục nát do hệ thống kho xuống cấp. Đó là chưa nói đến hàng nghìn toa tàu chở lương thực đã bị ách lại hàng chục ngày trời tại một nhà ga ở Gruzia ở đây đang diễn ra một cuộc “chiến tranh đường ray” khi những người biểu tình thuộc các tổ chức như “Liên đoàn Henxinhki”, “Hội thánh Eli” dựng chướng ngại vật ngăn cản các đoàn tàu buộc chính phủ phải chấp nhận những yêu sách của họ. Cuộc “chiến tranh đường ray” này đã gây thiệt hại lên tới hàng chục triệu rúp.

Nạn khan hiếm còn lan sang xúc xích, xà phòng, bột, diêm và cả muối. Chính sách cải cách giá cả với việc tăng giá, giảm trợ cấp của Nhà nước, áp dụng một số cơ chế thị trường tự do được công bố vào đầu mùa hè năm nay đã gây cho người mua tâm lý hoang mang. Và thế là người ta kéo nhau đi mua sạch những loại hàng mà họ cho rằng sắp tới sẽ rất hiếm. Người ta nói rằng, từ khi các xí nghiệp được phép giữ lại tiền lãi thay vì phải nộp cho Nhà nước, đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực. Để tăng thêm tiền lãi, các giám đốc nhà máy, bắt đầu nâng giá các sản phẩm mới mà chúng chỉ được sửa đổi đôi chút ít so với sản phẩm cũ. Giá thành tăng thường che giấu sự giảm sản lượng, do đó tình trạng khan hiếm càng trở nên gay gắt hơn.

Trong khi đó, các giám đốc lại trả lương cao hơn, cao quá cả số tiền lãi đã tăng lên, có nơi cho tăng thu nhập gấp 5 lần so với trước đây. Việc này đã làm tăng thêm 25 tỷ rúp tiền thu nhập mỗi năm mà không sản xuất được gì thêm cho người tiêu dùng. Đã xuất hiện một sự chênh lệch không nhỏ giữa cung và cầu, giữa tiền và hàng. Năm 1985 sự thiếu hụt ngân sách chỉ mới 18 tỷ rúp, năm 1989 đã tăng lên 120 tỷ rúp (khoảng 19,3 tỷ đô la chiếm 13% tổng sản phẩm quốc dân Liên Xô). Chính phủ buộc phải bù lại sự thiếu hụt này bằng biện pháp bất đắc dĩ nhất là in thêm tiền: năm 1988, số lượng phát hành giấy bạc tăng gấp 3 lần so với lượng trung bình từ năm 1980 đến năm 1985. Hậu quả là lạm phát tăng vọt 15% theo giá chính thức và 100% theo giá chợ đen.

Tình trạng lạm phát đã làm dôi ra một khoản tiền khoảng 450 tỷ rúp, mà lại không có hàng hóa để tiêu số tiền đó. Đã xuất hiện bóng dáng một nền kinh tế đổi chác. Sự đổ vỡ ở hệ thống phân phối lưu thông đã lan sang hệ thống sản xuất. Các hợp đồng giao hàng giữa các đơn vị và các vùng bị vi phạm. Người ta ước tính rằng tổng số sản phẩm quốc dân đã sụt xuống khoảng 10% năm, nghiêm trọng như thời kỳ đại đình đốn ở Mỹ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã trở thành một cơn xoáy dữ dội trong lòng cải tổ. “Cải tổ đã thức tỉnh nhân dân” - M.X. Goocbachốp đã nói như vậy. Nhưng cải tổ đã cho thấy rằng cùng một lúc cải tạo tất cả mọi lĩnh vực của đời sống của một quốc gia rộng lớn với gần ba trăm triệu dân là một công việc cực kỳ phức tạp. Có một thực tế là cơ chế cũ đã mất hiệu lực nhưng hệ thống cơ chế mới lại chưa hình thành và hoạt động một cách đồng bộ. Trong lúc đó, như ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã đánh giá, một số biện pháp nóng vội đã không tránh khỏi sai lầm, trong đó có chủ trương cấm rượu nhằm thắt chặt kỷ luật lao động, không những không có hiệu quả, mà còn gây thiệt hại về kinh tế hơn 10 tỷ rúp tiền thu rượu vodka.

Tôi thăm Liên Xô đúng vào thời điểm đang diễn ra sự lựa chọn nan giải giữa hai phương án chuyển nền kinh tế Liên Xô sang kinh tế thị trường. Hy vọng và lo âu lẫn lộn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải tổ - vùng mắt bão

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO