Cây đa La Tiến - Nhân chứng lịch sử

Ghi chép của Lê Hồng Thiện 27/02/2017 10:10

Hai bên bờ sông Luộc, nhà ngói mọc san sát. Đường về chợ Xuôi, đường sang Thái Bình qua quốc lộ 39A rộng hơn xưa, trải nhựa phẳng. Tôi dừng lại để ngắm cầu Triều Dương. Cây cầu làm đổi mới cả một vùng quê. Sự đi lại, giao lưu giữa Hưng Yên – Thái Bình – Hà Nội qua đây thêm tấp nập, sầm uất, không còn cảnh bên đợi bên chờ. Từ bên này đi tiếp 10km nữa là đến xã Nguyên Hòa (Phù Cừ), nơi có cây đa La Tiến. Cây đa ở ngoài đê hàng năm, bên lở bên bồi mà cây đa vẫn nguyên vẹn, bão to, gió lớn không hề

Cây đa La Tiến, như một cụ già trăm tuổi, một nhân chứng lịch sử. Rễ đa rủ xuống. Chỉ khác các cụ già trăm tuổi râu tóc bạc phơ, còn cây đa càng già thì rễ cây càng đen đậm buông thả xuống mặt đất, tạo dáng vững chãi cho cây để đứng làm nhân chứng về tội ác của quân Pháp cho các thế hệ mai sau.

Tôi ngắm nhìn cây đa, khi đến gần, khi lùi xa. Tôi đâu chiêm ngưỡng cách tạo dáng, thế đứng, thế ngồi của cây mà đến để xem: bao nhiêu đầu đạn Pháp giết hại dân ta nay còn găm trên cây hồi tạm chiếm (1949-1954) bốt Quỳnh Lang cũng khét tiếng giết người man rợ của thực dân Pháp và lính ngụy nên ở đây có câu:

Thái Bình có bốt Quỳnh Lang
Có lò cắt tiết có hang chôn người

Bến đò La Tiến, qua sông Luộc sang Thái Bình. Cuối năm 1949, giặc Pháp từ Hải Phòng lên đánh chiếm Hưng Yên, chúng cắm đất bên cây đa để xây bốt.
Giặc ở bốt La Tiến khét tiếng tàn ác, trong hồi kí của anh hùng Lê Văn Nổ, người trực tiếp đánh bốt La Tiến kể lại:

“Cùng với bốt Đởm ở Ân Thi, bốt La Tiến như một con quái vật hung ác nhất, tàn bạo nhất, man rợ nhất, gây nhiều tội ác cho nhân dân ở miền nam Hưng Yên. Ở Phù Cừ đi đến đâu tôi cũng nghe những lời bà con căm uất, nghẹn ngào, đau đớn khi nhắc đến: bến đò La Tiến, cây đa La Tiến, bốt La Tiến, khúc sông La Tiến, cống La Tiến. Không một làng nào ở vùng này không có người bị bọn Pháp, bọn ngụy ở bốt La Tiến tàn sát, giết hại… Vào năm 1950 – 1951 sếp bốt La Tiến là một thằng Tây cụt chân, hắn có một thói quen là trước mỗi bữa ăn, hắn lôi cổ một người tù hoặc một người phu ra bắn. Bắn xong hắn vứt xác xuống sông, rồi vào ngửa cổ tu rượu, cười xằng xặc…”. Vẫn theo hồi kí của anh Nổ:

… “Trời rét, chúng bắt dân các làng xung quanh bốt đi phu, lội xuống sông Luộc mò đá đắp kè. Bất kì đàn ông hay đàn bà đều phải cởi truồng mà lội, có người đã chết chết chìm dưới lòng sông vì cóng chân cóng tay không lên nổi. Có người lặn sâu không lên chúng quăng đá làm sứt đầu mẻ trán, gãy tay, gãy chân hoặc lia súng bắn chết, máu cuộn lên đỏ ngầu cả một khúc sông… Chúng còn dùng dao kéo cắt gân người treo lên cây đa hoặc xiên tay vào dây thép tiếp hàng xâu người rồi lùa xuống sông Luộc”.

Nghe bà con kể mà thấy rợn người, người kể và người nghe đều không cầm được nước mắt. Từ năm 1950 -1954, thực dân Pháp đã giết chết 1.145 đồng bào, cán bộ chiến sĩ yêu nước. Tính bình quân mỗi năm chúng giết trên 300 người. Tính cả vùng Tiên Lữ, Phù Cừ (Hưng Yên), Thanh Miện (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình) thì chúng giết trên 4000 người. Trong đó có hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ. Chừng ấy năm, chúng giết trên 4000 người, mà cái bốt La Tiến có hơn một trăm tên lính cả ngụy lẫn Pháp. Vậy là mỗi tên đao phủ trong bốt này giết tới 40 mạng người! Nhiều cách giết người tàn bạo dã man: mổ bụng, treo cổ lên ngọn đa, cắt tiết, ném vào lửa, đào hố chôn người, cho trâu bò kéo, bừa qua. Trong một gia đình chị Dinh có 7 người thì cả 7 người bị chúng mang ra gốc đa bắn chết. Chị Khang một thiếu nữ tuổi dậy thì xinh đẹp, mới tham gia hoạt động quân báo cho bộ đội quân khu Tả Ngạn, bị giặc bắt, chúng dùng cực hình tra tấn, chị kiên quyết không khai nửa lời. Chúng lôi vào bốt hãm hiếp, rồi dùng dao, kéo xẻo thịt giết chết.

Cách đây hơn mười năm, tôi đến thăm người nhà điều trị tại bệnh viện Ấp Dâu, tình cờ gặp một bệnh nhân tên Vàng, quê ở La Tiến, điều trị cùng phòng. Bà Vàng cho biết, đầu tháng 7/2005, dân địa phương đào đất lấp tổ mối phát hiện ra 10 hài cốt bị giặc giết hại bên chân bốt La Tiến. còn chị Tước người làng La Tiến lấy chồng ở Cao Xá, Lam Sơn, TP Hưng Yên kể rằng: “Bố đi du kích, bị địch phát hiện, nửa đêm chúng vào nhà vây bắt, chúng dùng dao găm đâm nát mặt cụ tại nhà rồi chúng đem xác vứt trôi sông”.

Bốt La Tiến là một vị trí quan trọng trong chiến tuyến quân sự của giặc Pháp chiếm đóng dọc sông Luộc, phối hợp với vị trí bốt Quỳnh Lang bên kia Thái Bình. Từ nơi đây chúng sẽ “cắt” liên lạc của ta ra vùng tự do khu 4. Quân khu Tả Ngạn chỉ thị cho trung đoàn 42, 50 phải diệt bằng được bốt La Tiến. Ngày 29/1/1954, tức chỉ còn một ngày nữa là sang tết Giáp Ngọ (1954), ta mở cuộc tấn công vào bốt La Tiến để trả thù cho đồng bào, chiến sĩ, đánh xong bốt để cho đồng bào ta ăn tết chiến thắng ”.

Rạng sáng 31/1/1954, sau 20 phút chiến đấu ác liệt, bốt La Tiến đã tan tành. Vị trí cố thủ cuối cùng đã ăn quả bộc phá nặng 10kg của đồng chí Lê Văn Nổ, với chiến công này đồng chí Nổ trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang. Đồng chí Lê Văn Nổ là bộ đội trung đoàn 42 Tả Ngạn sông Hồng. Cuối năm 1980, trước khi nghỉ hưu đồng chí là trưởng ban quân sự thị xã Hải Dương.

Một ngày cuối tháng 11/1995, tại phố Hiến, thị xã Hưng Yên, trung đoàn 42 đã làm lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập trung đoàn. Anh hùng Lê Văn Nổ không thể về dự vì lí do sức khỏe, nhưng con trai người anh hùng ấy đã có mặt. Ban chỉ huy trung đoàn 42 tạo điều kiện đưa người con trai anh hùng Lê Văn Nổ trở lại thăm cây đa La Tiến, nơi mà trước đây cha anh - bằng trái bộc phá 10kg, đã lật đổ tan tành căn hầm cố thủ kiên cố của địch.

Cây đa La Tiến bây giờ tính từ ngọn chỉ cao hơn 10m. Người ta bảo nó găm nhiều đạn trên mình, nhựa chảy như máu chảy, nên tàn tật không lớn, cành không to được. Nhưng lá thì bốn mùa xanh tốt tỏa tán rộng hơn bất cứ cây đa nào bằng tuổi nó. Phải chăng máu của đồng bào, chiến sĩ ta, cộng với chất đất thắm đượm phù sa màu mỡ của sông Luộc đã nuôi dưỡng cây đa lá xanh rộng tán, làm chứng tích căm thù và chiến thắng? Cạnh cây đa đã dựng bia căm thù năm 1961.

Trên mỗi miền đất nước ta, làng xã nào mà chả có cây đa thường đứng bên đình tạo cảnh quan cho di tích lịch sử văn hóa. Đã có cây đa Tân Trào (Tuyên Quang), nơi đại hội quốc dân đầu tiên nhà nước Việt Nam, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Nay trên mảnh đất Hưng Yên có cây đa La Tiến đáng nhớ bởi hai dấu tích: căm thù - chiến thắng và đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào 24/3/2016 vừa qua. Thật tự hào về cây đa La Tiến nhưng nó cũng nhắc ta sẽ không thể nào quên những tội ác của thực dân Pháp với đồng bào ta!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây đa La Tiến - Nhân chứng lịch sử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO