Chuyện của Xẩm

Nguyễn Quang Long 27/07/2019 09:15

Hà Nội một ngày nắng tháng Bảy, nhóm Xẩm Hà Thành ra mắt album đầu tay của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Không quá đông người nhưng thật ấm cúng. Xẩm cũng vậy, từ khi hồi sinh tới giờ chưa lúc nào quá ồn ào nhưng cũng chưa bao giờ ngọn lửa hồi sinh giảm nhiệt huyết.

Chuyện của Xẩm

20 năm, 1 album

Không phải khiêm tốn, bởi khiêm tốn quá có khi là một trở ngại cho người làm nghệ thuật, nhưng phải mất hơn 20 năm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc gắn với những câu xẩm, Mai Tuyết Hoa mới phát hành album đầu tiên với chỉ vẻn vẹn có 8 bài. Lý giải về điều này, cả tôi và Mai Tuyết Hoa đều có chung quan điểm, càng đi, đi càng sâu càng thấy mình nhỏ bé, thấy sự hiểu biết của mình vẫn mỏng, so với cả một biển lớn tri thức dân gian ẩn chứa trong xẩm mà các cụ đã để lại. Không làm cũng sẽ là không phải với tổ nghề, không phải với các bậc tiền nhân, song làm thì phải có cũ, có mới, có chút gì đó mang tính đóng góp chứ không thể chỉ có những câu xẩm đã rất huy hoàng ở thời quá vãng.

Ở trong buổi vui giới thiệu album Xẩm - Mai Tuyết Hoa Vol.1, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã nói một câu rất trúng với lối nghĩ của chúng tôi, rằng cái gì sinh ra cũng có nguồn có cơ của nó, tất cả đều xuất phát từ nhu cầu xã hội, mỗi một thời điểm sẽ nảy sinh ra một nghệ thuật phù hợp, và xẩm là của ngày hôm qua, anh không mong xẩm sẽ là một cái gì đó lớn lao của ngày hôm nay, nhưng anh tin xẩm sẽ vẫn là một trong nhiều thành tố khác góp phần tạo nên diện mạo của đời sống văn nghệ hôm nay. Có lẽ anh nhìn thấy những điều này ở chúng tôi, mà yêu quý và sẵn sàng đồng hành cùng những lúc chúng tôi cần. Nhưng hơn hết, từ chính trong suy nghĩ ấy chúng tôi đã dựa vào để tự tin thử nghiệm những giá trị mới, ấy là những bài xẩm như “Bốn mùa hoa Hà Nội”, hay đẩy mạnh việc chọn thơ và lồng điệu để trở thành những bài xẩm quen như “Tương tư”. Cả hai kiểu làm ấy đều hội tụ vào trong album, bên cạnh những câu xẩm cổ.
8 câu xẩm trải dài từ cổ truyền, từ những phục hồi trong giai đoạn cả tôi và Mai Tuyết Hoa cùng chung sức với các thầy phục hồi xẩm, cả khi tôi cùng Mai Tuyết Hoa tách ra để thực hiện những hoài bão riêng. Mai Tuyết Hoa thì đã phần nào yên lòng khi trong album đầu tay này, câu xẩm thập ân “Công cha ngãi mẹ sinh thành” mà chị được người thầy của mình - cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - truyền dạy đã nằm trong đó một cách tự tin. Điều này nghe có vẻ hơi vô lý nhưng thực sự chúng tôi luôn rất cân nhắc, bởi đã là nghệ sĩ thì bên cạnh giọng hát, tiếng đàn còn phải có những giá trị sáng tạo riêng mang dấu ấn cá nhân, chứ tuyệt đối không thể là phiên bản của những người thầy, cho dù phiên bản đó có hoàn hảo đến đâu. Mà trong dân gian, điều này có vẻ hay gặp.

Sự đón nhận của công chúng cả trong và ngoài nước cho album khiến chúng tôi thêm tự tin. Cũng trong năm nay, sẽ có thêm ít nhất 2 album, một của chung nhóm Xẩm Hà Thành, và một album riêng với những sáng tạo của tôi. Chúng tôi muốn 2019 này sẽ là một năm đáng nhớ. Bởi vì, nó cũng ghi dấu 10 năm nhóm Xẩm Hà Thành được thành lập.

Chia xa

Chẳng ai biết được rằng nhóm Xẩm Hà Thành được thành lập là một trong những quyết định ở thế “cực chẳng đã”. Ấy là những tháng ngày cả Mai Tuyết Hoa, tôi và sau đó có thêm Khương Cường luôn sát cánh, đồng hành cùng những bậc tiền bối là những nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ tài danh của lứa trước để cùng nhau, mỗi người góp thêm một sức nhỏ vào trong công cuộc lớn đầy khó khăn lúc ấy là hồi sinh một nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc của dân tộc đang như ngọn đèn vừa sắp cạn dầu lại đứng trước gió.
Sau quá nhiều nỗ lực cả về tâm sức và sự đóng góp về tài năng, về tiền bạc thì xẩm đã bắt đầu được biết đến qua album “Xẩm Hà Nội”, hồi sinh trên đường phố Hà Nội bằng một chiếu xẩm dân gian mang tên Hà Thành 36 phố phường, bây giờ vẫn còn hiện hữu ở trước cửa chợ Đồng Xuân. Nhưng thời điểm ấy không hiểu sao, sau những thành quả thì những nghệ sĩ bậc thầy cứ dần xa hơn với nhóm để trở về với những hoạt động nghệ thuật của họ trước đó. Và rồi đến Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, sau cùng là tôi cũng quyết định như vậy.

Với những người trẻ, thì chia xa là cơ hội để bứt phá, tôi, Mai Tuyết Hoa và Khương Cường quyết định thành lập nhóm Xẩm Hà Thành. Nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch và chị cả Thanh Ngoan vẫn tiếp tục đồng hành trên cương vị một thành viên danh dự với chúng tôi, tham gia mọi hoạt động, có những đóng góp trong định hướng phát triển. Và Xẩm Hà Thành dần được biết đến, dần có thêm những tác phẩm mới, dần có thêm công chúng, có thêm những nghệ sĩ muốn gắn bó. Cho tới thời điểm này, tôi nghĩ là tất cả đều do cái duyên. Duyên dẫn chúng tôi hội tụ về một nhóm, duyên đưa chúng tôi rời xa nhóm chính đúng thời điểm ấy để thành lập ra một sáng tạo mới.

Chuyện của Xẩm - 1

“Võ” xẩm, “tình” xẩm!

Nếu nghiên cứu và phục hồi hát xẩm chỉ với tư cách một nhà nghiên cứu, với các kỹ năng của một nghiên cứu viên hay một chuyên gia về âm nhạc thì dù có thông tường đến đâu, tôi tin vẫn sẽ khó thành công. Có chăng thì cũng chỉ là những thành quả nhãn tiền có thể nhìn thấy. Với xẩm, bên cạnh những kiến thức chuyên môn âm nhạc thì phương pháp của chúng tôi chính là tình.

Có nghệ nhân xẩm hầu hết đều muốn giấu đi quá khứ của mình, cho nên việc để họ xuất hiện thì cần phải làm tốt những hoạt động cho xẩm thật tưng bừng. Và cũng vì thế, chúng tôi luôn chú trọng đến truyền thông, thông qua đó, chúng tôi đón nhận được thêm nghệ nhân hát xẩm Hà Thành Nguyễn Văn Gia. Ông là người khiếm thị, từng đi hát ở khắp nơi, có giai đoạn được học và hát cùng thầy mình là cụ Nguyễn Văn Nguyên được mệnh danh là Trùm xẩm Hà Nội, ở khu vực Bờ Hồ. Rồi thì lưu lạc khắp các nơi, các chốn từ 36 phố phường cho đến ngoại thành Hà Nội, rồi cả xứ Đoài lên tới tận Sơn Tây. Qua nhiều lần tới thăm nhà ông ở làng Phú Đô, chúng tôi có thêm được nhiều thông tin lý thú về xẩm ở Hà Nội.

Hay như Mai Tuyết Hoa gắn với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Không đơn giản là thầy trò, mà trong suốt giai đoạn hàng chục năm cuối đời của nghệ nhân, cùng các đồng nghiệp, Mai Tuyết Hoa gần như quán xuyến, lo lắng mọi mặt cho nghệ nhân. Tiếng là học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhưng muốn học được từ bà cũng phải “có võ”. Không phải những bài tập tăng dần yêu cầu theo từng buổi, mà trò phải biết gợi lên để thầy chia sẻ bằng cách đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc, hát một câu hát, đánh một giai điệu, gõ một tiết tấu và hỏi xem nó thế nào, đã đúng chưa, đôi khi cố tình làm sai để khai thác những thông tin. Hay để khai thác được nguồn bài phong phú của nghệ nhân, đôi khi phải tạo môi trường. Chẳng hạn, đi cùng nghệ nhân ra chợ, sẽ có bài nghệ nhân tức hứng về chợ. Đi lên chùa, nghệ nhân sẽ chợt nhớ ra một bài về chùa. Và đó là cách hữu hiệu nhất.

Cũng qua những tâm tư, nguyện vọng của nghệ nhân Hà Thị Cầu làm động lực cho nhóm Xẩm Hà Thành tổ chức được đêm nhạc mang tên Xẩm Hà Thành vào tháng 1 năm 2011 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Buổi đó có sự xuất hiện của “thần xẩm” Hà Thị Cầu với một sáng tác của chính nghệ nhân, bài “Theo Đảng trọn đời”. Không lâu sau đó, nghệ nhân ốm và tháng 3-2013 nghệ nhân trở về với tổ nghề. Thật may mắn, chúng tôi đã kịp tôn vinh nghệ nhân mà cả Mai Tuyết Hoa và tôi đều gọi bằng tiếng “bu” thân thương.

Và rồi, cũng từ sự chia xa của bu Cầu, chị Mận con gái bu, người mà biết bao năm chúng tôi liên tục nhắc phải học hát xẩm mỗi khi trở về thăm bu nhất định không chịu nghe. Có lẽ khi ở một mình, nhớ bu quá, nhớ tiếng hát xẩm quá, gọi điện cho chúng tôi bảo đã học được hát xẩm rồi, thuộc nhiều bài rồi, và hay đi hát rồi. Mai Tuyết Hoa và tôi lại quyết tâm tổ chức đêm nhạc có cái tên là “Xẩm và Đời” tháng 1-2016 cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội có sự tham gia của chị Mận, vẫn hát bài mà bu hát tại nơi này tròn 5 năm trước. Chúng tôi muốn tri ân bu Cầu vì biết chắc, ở nơi nào đó xa xôi, bu, và cả cụ Chánh Trương Mậu - chồng bu, bố chị Mận - sẽ rất vui vì điều này.
Một tương lai đang mở

Giờ đây chị Mận đã có thể kiếm được một phần kinh phí nhất định từ việc hát xẩm, địa phương các cấp ở Ninh Bình cũng dành những ưu ái cho gia đình nghệ nhân Hà Thị Cầu. Một số bạn trẻ yêu xẩm từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… vẫn tiếp tục tìm về gia đình bu Cầu để báo lên bu những câu hát xẩm.

Về phía Xẩm Hà Thành, tôi và Mai Tuyết Hoa cùng Phạm Đình Dũng và những nghệ sĩ đồng hành vẫn tràn trề nhiệt huyết đồng hành cùng xẩm, sáng tạo thêm những giá trị mới cho nghệ thuật hát xẩm. Chông gai còn nhiều lắm, nhưng cuộc sống là thế, vẫn phải lạc quan bước tiếp!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện của Xẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO