Chuyện hay nhà họ Đỗ

Trần Quốc Toàn 07/01/2019 19:04

Trong nhà họ Đỗ, liên quan tới văn học nghệ thuật không chỉ nghệ sĩ Đỗ Huân. Chị gái của ông, bà Đỗ Thị Bính, với sắc đẹp trời cho của mình, trở thành một trong “tứ đại mỹ nhân” thời Hà Nội thơ mới 1930-1945, khiến nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp “choáng” sau cú sét ái tình và ông đã lấy nàng Đỗ Thị Bính làm nguyên mẫu cho nàng thơ trong bài Chùa Hương!

Chuyện hay nhà họ Đỗ

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Huân.

1. Sinh năm 1918, Đỗ Huân là con trai một gia đình khá giả ở Hà Nội. Cha ông – cụ Đỗ Lợi (1893-1961) một tư sản dân tộc từng là chủ tịch tuần lễ vàng ủng hộ cách mạng năm 1946 ở khu vực Văn Miếu và chính cụ đóng góp nhiều chục vàng cây. Sau 1954 trong những đợt cải tạo công thương nghiệp, cụ đã hiến 18 ngôi nhà cho Chính phủ.

Là con nhà giàu, nhưng Đỗ Huân không công tử bột! Từ năm 13 tuổi ông đã bắt đầu cầm máy lao động nghệ thuật và suốt từ khi ấy cho tới ngày từ trần 23/3/2000 đã say mê lao động sáng tạo để có một sự nghiệp nghệ thuật. Đỗ Huân có ảnh triển lãm ở Hà Nội từ 1939 khi mới 21 tuổi, ở Singapore, Hồng Kông, Pháp, Ấn Độ các năm 1950, 1951, 1952 sau đó là bức Đường làng mùa thu, giải danh dự quốc tế ở Budapest, Hungary, 1958; bức Nguồn vui, huy chương Vàng triển lãm ảnh quốc tế ở Berlin 1962; bức Đôi bạn chiến đấu giải nhất cuộc thi ảnh báo Thời Mới Liên Xô năm 1976; một giải nhất khác là bức Hướng đi lên tham gia cuộc thi ảnh đẹp hồ Gươm, Hà Nội 1980 và cho tới khi đã là một nghệ sĩ lão thành, ông vẫn bấm máy để đoạt giải FUJI FILM Nhật Bản vào năm 1985...

Nhân vật trung tâm trong tập ảnh Việt Nam xưa và nay – 72 ảnh đẹp chọn từ hàng nghìn tác phẩm của nghệ sĩ Đỗ Huân là người lao động. Từ một cậu bé cưỡi trâu lững thững về làng trong bóng chiều, tới những cô bé hối hả tới trường trong sương sớm, từ người đàn ông gò lưng kéo xe ba gác trong phố cổ Hà Nội chật chội, tới người phụ nữ chống sào đẩy thuyền trong vịnh Bái Tử Long mênh mông… ai cũng đang sống trong công việc của mình.

Đỗ Huân dụng công trong các góc máy để nhân vật nào cũng trở nên khiêm nhường trong lao động ở một thời mà ai cũng thuộc nằm lòng khẩu hiệu “lao động là vinh quang”!

Anh thợ hàn trong bức Hào quang. Đỗ Huân đã để anh nép vào góc trái khuôn hình, lại để anh hướng lưng vào ống kính, giấu mặt đi, nhường chỗ dễ nhìn nhất trong bức hình cho màu lửa hồ quang đầu que hàn, nhưng chính vừng lửa hừng hực này lại tạo ra sức tương phản tối sáng để vóc dáng người thợ kia, hiện lên lừng lững như tạc, như khắc! Trong quá trình hướng ống kính săn đuổi vẻ đẹp khiêm nhường của người lao động, có khi Đỗ Huân để mỗi cá nhân con người cần lao lẫn vào một tập thể, tập thể li ti người kia chỉ nhẹ như dải mây vắt hờ lưng núi hùng vĩ (bức Xẻ núi). Nhưng ngay cả khi để cá nhân người lao động choán hết khuôn hình, Đỗ Huân cũng chọn những khuôn mặt khiêm nhường nhất để bấm máy và nhờ vậy bức Chân dung Bùi Xuân Phái của Đỗ Huân trở thành một trong những chân dung đẹp nhất của họa sĩ bậc thầy này! Danh họa Phố Phái hiền như một lãn ông hưu trí vừa bước ra từ lối xưa ba mươi sáu phố của mình!

Cùng với gia đình mình, Đỗ Huân sống ở thời kì bất thường bậc nhất của lịch sử dân tộc, một đời nghệ sĩ của ông gắn liền với ba bốn cuộc chiến tranh mà các đế quốc và bành trướng lớn nhỏ gây ra. Vì thế như một trí thức dấn thân, ống kính Đỗ Huân còn hướng tới những khoảnh khắc đẹp của cuộc chiến bảo vệ đất nước. Từ một góc phục kích kín đáo ngay trong lòng Hà Nội còn bị thực dân Pháp tạm chiếm, ông bấm máy ghi lại giây phút xuất thần, một Gavroche Hà thành kiễng chân tham gia chín năm kháng chiến bằng cách “Xé khẩu hiệu địch” (Hà Nội, 1949). Nắng sớm Hà Nội tham gia trận du kích chiến với cậu bé chiến sĩ bằng cách thuận theo luật tối sáng của kĩ thuật nhiếp ảnh đặng mà bóc trần tại chỗ chữ thể chế Bảo Đại đang bong tróc nhỡn tiền. Bức ảnh cuồn cuộn tiết tấu, nhịp điệu ánh sáng theo hướng chỉ tay của nhân vật, tạo hứng khởi nghệ thuật theo đường chéo của tấm hình, để chiều sâu ý tứ của tác phẩm vượt thoát khỏi khung hình mà tìm tới con tim và khối óc của người thưởng thức, tạo cho chúng ta khoái cảm nghệ thuật!

Cũng hướng tới những hình ảnh sẽ thành dấu ấn lịch sử, Đỗ Huân còn Hầm trú ẩn bên hồ Gươm ghi lại một trưa nắng của những ngày không lực Hoa Kì đang tìm cơ hội bỏ bom và “mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời”, cùng cây xanh và những ống thở bê tông cốt thép của hầm trú ẩn, giang tay bảo vệ hai đứa bé! Chỉ hai đứa thôi mà tứ bề nghiêm trang trực chiến; Còn Lớp học thời chiến âm trong lòng đất, nơi các trang sách – tri thức nhân loại, được bảo vệ chỉ bằng các sợi tóc xanh, các sợi rơm vàng biết kết lại với nhau. Và trời cao qua cửa sổ lớp học, chứng kiến góc chiến cuộc rất căn cơ này!

Chuyện hay nhà họ Đỗ - 1

Tác phẩm “Khu phố Hàng Bạc” của NSNA Đỗ Huân.

2. Trong nhà họ Đỗ, liên quan tới văn học nghệ thuật không chỉ nghệ sĩ Đỗ Huân. Chị gái của ông, bà Đỗ Thị Bính, với sắc đẹp trời cho của mình, trở thành một trong “tứ đại mỹ nhân” thời Hà Nội thơ mới 1930-1945, khiến nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp “choáng” sau cú sét ái tình và ông đã lấy nàng Đỗ Thị Bính làm nguyên mẫu cho nàng thơ trong bài Chùa Hương! Chuyện rằng những năm ấy, cô Bính có thói quen ra vườn nhà phố Hàng Đẫy, tưới cây tầm xuân và thường ngồi đọc sách ở chiếc ghế mây trong vườn. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp vì mê cô Bính nên luôn mượn cớ đi qua ngôi nhà ấy để ngắm nhìn người đẹp. Tuần nào cũng như tuần nào. Những lần người đẹp chưa xuất hiện bên vườn hoa, ông phải đợi cho đến lúc nhìn thấy cô và phải đứng ngắm cô một lúc mới chịu đi. Khi ấy, họ chỉ trao nhau cái nhìn âm thầm rồi kẻ ở người đi. Bao nhiêu vẻ đẹp của cô Bính, nhà thơ tình si đưa cả vào thơ mình “Khăn nhỏ, đuôi gà cao / Em đeo giải yếm đào / Quần lĩnh, áo the mới / Tay cầm nón quai thao…”.

Nếu Nguyễn Nhược Pháp không mất sớm có lẽ họ đã là cặp bạn đời hoàn hảo. Thật bất hạnh, năm 1938, nhà thơ trẻ tài năng Nguyễn Nhược Pháp tạ thế ở tuổi 24 vì bệnh lao. Nhưng cuộc tình ấy thì còn mãi trong tập Ngày xưa, nguyên mẫu Đỗ Thị Bính, cũng đã kịp góp những nét đẹp công dung ngôn hạnh của mình vào dấu ấn văn chương này. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra và người đẹp Đỗ Thị Bính đã yên bề gia thất, bà theo chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang sống những ngày cả nước chung một chiến hào! Tiểu thư đài các Hà thành làm đủ các loại bánh đặc trưng của Hà Nội, bánh quấn thừng, bánh xốp, bánh gối… để bán trong những phiên chợ quê. Bà cũng trồng rau, nuôi gà, làm nước mắm như ai… Đặc biệt trong những ngày kháng chiến ấy, bà còn được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em trai của họa sĩ Bùi Xuân Phái) dạy cho cách tiêm thuốc kilofooc để đối phó với bệnh sốt rét. Bà Đỗ Thị Bính đã cứu sống cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này. Cô người mẫu văn học đã thành “bà tiên kháng chiến” theo cách gọi của người vùng Sơn Dương Tuyên Quang thời 9 năm ấy.

Nhà họ Đỗ còn một đóng góp rất đáng kể trong việc “làm giàu” cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Con trai nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Huân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Huy (1955-2017) là người chuyên chụp các danh tác hội họa đủ các loại, sơn dầu, sơn mài, điêu khắc… của Việt Nam, giúp Bảo tàng Mỹ thuật có tư liệu khoa học và có ảnh nghệ thuật để cất giữ, tuyên truyền, quảng bá, để làm công tác ngoại giao. Giới mỹ thuật thời trước và sau Đổi Mới, không họa sĩ nào không biết đến Đỗ Huy. Các triển lãm lớn nhỏ, các bộ sưu tập, những sáng tác mới muốn chụp lại để xuất bản, các cuốn sách mỹ thuật quan trọng của thời gian trước “mở cửa”… hầu hết do Đỗ Huy chụp. Về tay nghề của nghệ sĩ Đỗ Huy, ông Lê Vượng cháu ruột của họa sĩ Lê Phổ, một trong 6 người đầu tiên xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng với Giám đốc – Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung nói với báo chí: “Trong việc chụp tranh, nhất là tranh sơn mài, tôi chỉ tin tôi và tin Đỗ Huy”.

Không chỉ góp phần giữ tranh Việt bằng các cú bấm máy cha truyền con nối, nhà họ Đỗ còn có công và có duyên giữ bức Em Thúy, một bảo vật quốc gia. Nhà báo Đỗ Quốc Anh, con trai cả của nghệ sĩ Đỗ Huân, nguyên Tổng biên tập tạp chí Thế Giới Mới kể với chúng tôi: “Họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ tranh này năm 1943, cha tôi mua Em Thúy sau khi bức vẽ được triển lãm. Vào năm Nhật đảo chính Pháp, nhà tôi phải tản cư khỏi Hà Nội, biệt thự phố hàng Đẫy nhà tôi (nay là phố Nguyễn Thái Học) bị quân Nhật chiếm dụng làm nơi ở cho các sĩ quan. Sách trong thư viện nhà bị tẩm xăng đốt. Riêng bức Em Thúy, chúng bỏ quên trên tường. Sau 1954 ông Lê Vượng bên bảo tàng vì thân với cha tôi, cứ hay hỏi mượn đem đi triển lãm, ba tôi thấy phiền phức quá đề nghị hiến tặng. Nhân đề nghị này Bảo tàng xin mua lại với giá 300 đồng, bằng mấy tháng lương của một cán bộ hạng trung. Nghĩ cũng may cho Em Thúy. Theo tôi biết, sau khi về bảo tàng, nhà nước ta đã mời chuyên gia phục chế Caroline Fry người Úc, tiến hành phục chế ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, để bức tranh mãi là bảo vật quốc gia, là một trong những tác phẩm tranh chân dung chất liệu sơn dầu xuất sắc nhất thời cận đại của hội họa Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện hay nhà họ Đỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO