Chuyện ít được biết tới về quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với học giả Phạm Quỳnh: Một mối thân tình

* Trích thư của nhà văn Sơn Tùng gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên 06/04/2017 09:05

Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm ở Pháp.... Đó không phải là người xấu!”- Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Cụ Vũ Đình Huỳnh ở số 5 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cụ xuất thân trong gia đình Thiên Chúa giáo yêu nước; là nhà trí thức yêu nước dấn thân trong các phong trào đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, bị tù qua Hỏa Lò, ngục Sơn La… Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945, cụ Nguyễn Lương Bằng đưa cụ Vũ Đình Huỳnh đến giới thiệu với Cụ Hồ ở nhà sàn làng Kim Lung, tên mới là Tân Trào. Cụ Hồ “kết” ngay cụ Vũ Đình Huỳnh là tâm phúc.

Tổng khởi nghĩa – Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Cụ Hồ về Hà Nội tại “Đại bản doanh” 48 Hàng Ngang, ngày 25/8/1945. Cụ Hồ sở cầu ngay cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư cho Chủ tịch nước từ việc “cầu hiền” để lập Chính phủ Lâm thời; Đặc phái viên của Hồ Chủ tịch đến Phát Diệm, “thuyết khách” Giám mục Lê Hữu Từ và về Yến Mô Ninh Bình – mời Linh mục Phạm Bá Trực rồi đến Liên Bạt, Hà Đông kính trao thư Hồ Chủ tịch với cựu Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, xuống Thái Bình chuyển giao nhiệm vụ cho đồng chí Ba Ngọ, cựu chính trị phạm ở Thái Bình nay là phái viên của Hồ Chủ tịch mời cụ Vi Văn Định, cựu Tổng đốc Thái Bình ra gánh vác việc nước. Cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư – tâm phúc của Bác Hồ cho tới cuối 1953…

Ghi theo lời Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Bác Hồ rời Tân Trào, Tuyên Quang Việt Bắc. Ngày 22/8/1945. Ngày 25/8/1945, Người về nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội lúc thành phố lên đèn.

Ngày 26/8, Người triệu tập và điều hành phiên họp đầu tiên thường vụ Trung ương Đảng tại đây; Quyết định lớn: Thiết lập Chính thể Dân chủ Cộng hòa, các thành viên Chính phủ Lâm thời thật tiêu biểu của dân tộc, của nhân dân; phải có Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và thế giới với một cuộc mít tinh lớn hàng mấy chục vạn ở Thủ đô Hà Nội. Chính phủ ra mắt nhân dân và ngày ra mắt của Chính phủ cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính phủ Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đến làm việc tại Bắc Bộ Phủ, ở số 12 phố Ngô Quyền. Một phái đoàn Trung ương – ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu, ông Cù Huy Cận đã vào Huế dự lễ vua Bảo Đại thoái vị. Hôm phái đoàn lên đường rồi, Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội, như chợt nhớ Người nói với ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng – Tổng Chỉ huy quân đội – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Giản, Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam và Vũ Đình Huỳnh: “Chú Bằng (Nguyễn Lương Bằng), chú Liệu (Trần Huy Liệu), chú Cận (Cù Huy Cận) vô Huế rồi mình mới nhớ ra thì đã trễ, giờ chú Nam (Hoàng Hữu Nam) hoặc xem có ai thay được chú Nam vô Huế gặp cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời cụ”…

Hai hôm sau, ông Hoàng Hữu Nam đến báo cáo với Hồ Chủ tịch; “ông Phạm Quỳnh đã bị bắt, hai người con gái của ông ở Hà Nội, gặp tôi thổ lộ việc nầy…” Hồ Chủ tịch để điếu thuốc đang hút dở xuống gạt tàn, nói lửng: “Bất tất nhiên!” (Không nhất thiết phải như thế, có thể ra cách khác được). Người hỏi ngay ông Hoàng Hữu Nam: “Hai chị ấy tên là gì?”

Ông Hoàng Hữu Nam trình bày:

- Dạ… Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức, thưa Bác.

- Chú mời hai chị em cô ấy gặp tôi, chú Tư (Vũ Đình Huỳnh) sẽ sắp xếp ngày giờ gặp…

Ông Hoàng Hữu Nam tươi cười kể lại với Bác là chị Giá, chị Thức bày tỏ xin được gặp Cụ Hồ nhưng chẳng dám hứa chắc vào lúc nào…

Sau buổi làm việc này, ông Vũ Đình Huỳnh trao đổi với ông Hoàng Hữu Nam, Hồ Chủ tịch sẽ tiếp “thân nhân cụ Phạm” vào cuối buổi sáng ngày 31/8, tại phòng khách Bắc Bộ Phủ.

Ngày 31/8, buổi sáng Hồ Chủ tịch rà xét lần cuối bản thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức Ngày lễ Tuyên ngôn Độc Lập 2/9/1945 và bốn người nữa đến báo cáo với Hồ Chủ tịch về công việc chuẩn bị cho ngày lễ…

Đến 10h30, ông Hoàng Hữu Nam báo với ông Vũ Đình Huỳnh: “Đã mời thân nhân cụ Phạm đến, đang ở phòng khách…”

Cụ Vũ Đình Huỳnh khi kể lại với tôi sự việc này, cụ nói trầm trầm như tâm sự: “Tôi nghe danh ông Phạm Quỳnh từ một bỉnh bút, Chủ nhiệm, Chủ bút báo Nam Phong và Tổng Thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức. Có đôi lần nhìn thấy ông khăn xếp, áo the, kính trắng, đi từ trụ sở Nam Phong, phố Hàng Da qua Hàng Bông đến trụ sở Khai Trí Tiến Đức, phố Hàng Trống, bên hồ Hoàn Kiếm. Tôi có biết chị Phạm Thị Giá, vợ anh Tôn Thất Bình, dạy Pháp văn Trường Thăng Long, cùng với cụ Phó bảng Bùi Kỷ dạy Hán văn, Giáo sư Hoàng Minh Giám dạy Pháp văn, Giáo sư Đặng Thai Mai dạy Pháp văn, Giáo sư Võ Nguyên Giáp dạy văn - sử - địa, Giáo sư Vũ Đình Hòe dạy văn, anh Nguyễn Xiển dạy toán - lý… Còn chị Phạm Thị Thức là vợ bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, cùng quê Nam Định, tôi lại còn thân thuộc nữa. Cho nên, cái phút giây tháp tùng Hồ Chủ tịch đến phòng khách tiếp chị Giá, chị Thức, tôi bùi ngùi thấy hai chị rụt rè, sợ sệt; chỉ một thoáng, hai chị xúc động mạnh trước cử chỉ Hồ Chủ tịch cầm tay hai chị thân tình, an ủi và mời ngồi vào ghế đối diện với Người. Người nói:

- Tôi ở chiến khu Việt Bắc mới về Hà Nội, nghe tin chẳng lành với cụ nhà, ở Huế…

Hồ Chủ tịch ngừng giây lát, rồi tiếp:

- Trong lúc cuộc khởi nghĩa bùng nổ, khó tránh được sự lầm lẫn. Rất tiếc khi ấy tôi đang trên đường về Hà Nội (ngày 22-8-1945 Hồ Chủ tịch rời Tân Trào, Tuyên Quang).

Chị Phạm Thị Giá trình bày sự việc cha bị bắt trong lúc đang làm việc tại nhà riêng. Chị Phạm Thị Thức hai tay nâng phong thư lên Bác, Người nhận và chuyển sang tay cho tôi, dặn “Chú chuyển sang Bộ Nội vụ”.

Bác thân mật hỏi han hai chị em về tình hình gia đình ở trong Huế, ở Hà Nội và tham gia công việc chính quyền đoàn thể… Người dặn: “Những việc hai cháu vừa đề đạt, hai cháu sẽ trực tiếp gặp ông Hoàng Hữu Nam, Bộ Nội vụ nhá…”. Đồng chí Bảy (Luật sư Phan Mỹ), Đổng lý Văn phòng vào thỉnh thị Chủ tịch… Người đưa tay cầm chặt bàn tay chị Giá, chị Thức: “Hai chị em về nhá, tôi có việc khẩn”…

*

Sau khi thoái vị, Cựu Hoàng Bảo Đại – Vĩnh Thụy nhận lời mời của Hồ Chủ tịch ra Hà Nội ngày 4/9/1945. Ngay hôm sau, ngày 5/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghênh tiếp Cựu Hoàng Bảo Đại – Vĩnh Thụy tại Bắc Bộ Phủ từ 8h đến 9h. Và ngày 10/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23/SL cử ông Vĩnh Thụy làm Cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp theo, các vị cựu Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, cựu Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, cựu Tổng đốc Vi Văn Định, cựu Tổng đốc Hồ Đắc Điểm ứng đáp lời mời Hồ Chủ tịch ra gánh vác việc nước. Trong thời khắc này, ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế, đến nhà số 8 phố Lê Thái Tổ bên hồ Gươm gặp Bác Hồ. Từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Bác ở nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, một nhà tư sản yêu nước, danh nho. Bác viết Tuyên ngôn Độc lập tại đây. Sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9, Bác về nhà số 8 phố Lê Thái Tổ, hàng ngày đến Bắc Bộ phủ làm việc.

Ông Vũ Đình Huỳnh kể:

- Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên – Huế Tôn Quang Phiệt đến Bắc Bộ Phủ, đồng chí thường trực văn phòng đưa khách vào phòng đợi rồi đến báo với tôi. Tôn Quang Phiệt, một danh sĩ tôi nghe tiếng từ lâu, nay mới gặp lần đầu. Hai chúng tôi tay bắt mặt mừng… Anh xin được gặp Ông Cụ, nhiều vấn đề phải thưa ngay với Cụ. Tôi hẹn anh Tôn Quang Phiệt, hiện giờ Ông Cụ đang bàn công việc khẩn, tướng Lư Hán đến Hà Nội rồi. Sáng mai Ông Cụ hội đàm với Lư Hán… Tôi vào phòng họp, báo với Bác: Ông Tôn Quang Phiệt trong Huế ra, đang ở phòng khách, xin Bác cho gặp chiều hôm nay, có được không? Lúc nói đến ông Tôn Quang Phiệt, Bác và anh Võ Nguyên Giáp đều biểu lộ sự vui mừng tái ngộ. Bác nói: “Ông Tôn Quang Phiệt là chỗ quen biết. Ngày còn nhỏ tôi theo cha lên Võ Liệt, Nguyệt Bổng, huyện Thanh Chương để học, Tôn Quang Phiệt bấy giờ độ 4, 5 tuổi. Chú Tư hẹn với chú Phiệt đúng 16 giờ gặp nhau ở “Bát Phố” (số 8 phố Lê Thái Tổ - tiếng lóng, mật hiệu)”. Chiều hôm ấy, Hồ Chủ tịch làm việc với ông Tôn Quang Phiệt tại đây. Chính trong buổi làm việc này, ông Tôn Quang Phiệt báo với Hồ Chủ tịch: “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử mất rồi!”. Bác thu hai cánh tay vào sát ngực tựa lên mặt bàn, lặng ngắt một lúc… Người duỗi hai tay ra mặt bàn: “Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm ở Pháp... Đó không phải là người xấu!”.

***

Hồ Chủ tịch, Thượng khách thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ 31/5 đến 20/9/1946. Ông Vũ Đình Huỳnh tháp tùng Hồ Chủ tịch. Ông Vũ Đình Huỳnh vừa nói, vừa mở tập: “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch bốn tháng sang Pháp – Đ.h viết” là sở cứ: … “Pháp không chịu công nhận Việt Nam độc lập, mở chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ từ 23/9/1945 đang lan rộng ra Nam Trung Bộ mà lại mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thượng khách thăm chính thức nước Pháp, đó là điều chưa từng có trong lịch sử. Còn kỳ lạ hơn, sau lễ đón nghi thức nguyên thủ quốc gia tại phi trường Le Bourget ngày 22/6/1946, Hồ Chủ tịch về nhà khách chính phủ Royal Monceau. Tại đây, liên tiếp các chính khách, các nhà văn hóa danh tiếng, các tướng lĩnh, các văn nghệ sĩ, báo giới, các đảng lớn ở Pháp… đến chào Hồ Chủ tịch.

Người đến chào Hồ Chủ tịch đầu tiên là Đại tướng Juin, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp. Rồi Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Moutet, Bộ trưởng Justin Godart, nhà kiến trúc sư danh tiếng Francis Jourdain, giáo sư nghị viện Privet CTS Paillet, tướng Petit, Chủ tịch báo giới Cộng hòa Pháp Bayet, trạng sư Nordman, văn sĩ Bloch, bà Cotton lãnh tụ phụ nữ Dân chủ. Điều lạ là, Đảng Cộng hòa bình dân (MRP- đảng của Thủ tướng Bidault) do ông Schuman Chủ tịch đảng dẫn đầu đoàn, ông Francisque Gay – Bộ trưởng, ông Michelet – Bộ trưởng, ông Collin - ủy viên trung ương, ông Gortais - ủy viên trung ương, ông Debey - ủy viên trung ương, ông Ammury - ủy viên trung ương, ông Terrenoir – ủy viên trung ương, ông Max André- trưởng đoàn đại biểu Pháp, Hội nghị Việt Pháp tại Fontainebleau. Kế đến là đoàn Đảng Xã hội Pháp đến chào Hồ Chủ tịch gồm có bà Morty Capgras, ông Moutet – Bộ trưởng, ông Philip-Bộ trưởng, ông Luyssy nghị viên, ông Rosenfeld -Viện sĩ, ông Boutbrien - bác sĩ và các ủy viên trung ương Roux, Stble, Dechezelles… Hồ Chủ tịch từng sinh hoạt trong Đảng Xã hội… các vị vui chuyện với Người suốt 8 giờ tối đến 2 giờ sáng… Đoàn Đảng Cộng sản Pháp: Hai ông bà Cachin, Thorez Phó Chủ tịch chính phủ, bà Braun Phó chủ tịch Quốc hội, bà Jeannette Vemersche nghị viên, bà Vaillant Couturier nghị viên, Duclos Phó Chủ tịch Quốc hội, Marty ủy viên trung ương, Mauvais ủy viên trung ương, Billoux Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tillon Bộ trưởng Bộ quân khí…

Một đoàn văn sĩ, thi sĩ lừng danh thế giới đến chào Hồ Chủ tịch: Triolet, Aragon, Richard Bloch, Boene, Moussinac, Masson, Séghers, Pierre Emmanuel. Ông bà Joliot Curie hai nhà bác học thế giới đến chào Hồ Chủ tịch rất thân tình, đàm đạo gần hai tiếng đồng hồ. Về sau, hai nhà bác học Joliot Curie còn gặp Hồ Chủ tịch mấy lần… Lại… không thể tưởng tượng nổi, nhà danh họa Picasso gặp Hồ Chủ tịch ôm choàng lấy nhau hồi lâu! Vừa hàn huyên Picasso vừa ký họa chân dung Hồ Chủ tịch. Bức chân dung lịch sử ấy người giao cho tôi cất giữ. Hơn hai mươi năm sau tôi gặp họa, bị khám nhà nên không còn nữa…

Đến như cựu Toàn quyền Đông Dương hai lần A.Saraut cùng với con rể là Thượng sứ Sainteny đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và ôm chặt lấy Nguyễn Ái Quốc năm xưa trước quan khách trong bữa tiệc long trọng!

Trước ngày khai mạc hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau, Hồ Chủ tịch gặp mặt tất cả phái đoàn: ông Phan Anh, ông Bửu Hội, ông Hoàng Minh Giám, ông Nguyễn Văn Huyên, ông Trịnh Văn Bính, ông Dương Bạch Mai, ông Nguyễn Mạnh Hà, ông Tạ Quang Bửu, ông Đặng Phúc Thông, ông Huỳnh Thiện Lộc, ông Chu Bá Phượng, ông Hoàng Văn Đức. Trưởng đoàn là ông Phạm Văn Đồng. Lúc các thành viên đoàn Việt Nam vào đủ trong phòng, Hồ Chủ tịch nói với ông Phạm Văn Đồng, có ông Đỗ Đình Thiện và tôi (Vũ Đình Huỳnh): “Lúc này còn cụ Phạm Quỳnh thì…” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Người im lặng. Ông Đồng đáp lời: “Bất tất nhiên, Bác đã nói rồi mà!…” Mà cũng chỉ có Bác Hồ! Sau khi ở Pháp về, ngày 4-12-1945, trong phiên họp Chính phủ Người đề nghị trợ cấp hằng tháng cho hai bà Thành Thái, Duy Tân mỗi bà 500 đồng Đông Dương…”

***

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đến thăm và trò chuyện với nhà văn Sơn Tùng (14/12/2008).

Cụ Đào Nhật Vinh, ở số 13 phố Nguyễn An Ninh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Quê ở Trực Ninh, Nam Định.

Năm 1913, cụ Đào Nhật Vinh cùng làm việc trên tàu viễn dương với Văn Ba – Nguyễn Tất Thành từ Le Havre, hải cảng ở Bắc Pháp quốc. Hành trình từ Đông qua Âu – Á – Phi – Mỹ, tận Argentine tới Terre de Fen. Đào Nhật Vinh có vốn chữ Nho, chưa biết chữ quốc ngữ: “Anh Văn Ba dạy chữ quốc ngữ cho Đào Nhật Vinh và mấy anh em thủy thủ”… Năm 1919, ông Đào Nhật Vinh không làm việc trên tàu viễn dương nữa, đến thành phố Bordeaux lập gia đình, mở hàng ăn và vẫn thân giao với Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Paris cho tới năm 1923 khi Nguyễn Ái Quốc bí mật qua nước Nga Xôviết.

Mùa hè 1946, Hồ Chủ tịch là thượng khách thăm nước Pháp, ở lại Paris gần 4 tháng để “cứu vãn hòa bình” – Cụ Đào Nhật Vinh ngày ấy là “Việt kiều yêu nước”. Với tình cố cựu, cụ được gần gũi Bác trong thời gian này. Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ bị trục xuất về Sài Gòn.

Năm 1975, ngày 30 tháng 4, Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi (nhà văn Sơn Tùng – BTV) vào cố đô Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Sa Đéc, Cao Lãnh…. để sưu tầm tư liệu Bác Hồ ngay từ tháng 5/1975. Nhờ nhà văn Lê Hương (một cơ sở cách mạng ở Sài Gòn) đưa tôi tới 53C Cao Thắng, Quận 3, gặp Giáo sư Hồ Tường Vân, con gái nhà chí sĩ Hồ Tá Bang, sáng lập viên công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh, Phan Thiết do Duy Tân Hội chủ xướng. Nhờ đây, tôi gặp được cụ Đào Nhật Vinh ở nhà số 13 phố Nguyễn An Ninh, gần chợ Bến Thành. Cụ đang ở tuổi 80 mà rất minh mẫn, với bộ nhớ nhiều tầng, có hệ thống và mạch lạc. Sau những ngày làm việc với cụ, cụ tặng lại tôi những kỷ vật về Bác Hồ với cụ ngày còn ở nước ngoài. Đầu năm 1976, cụ ra Hà Nội thăm cố hương, vào lăng viếng Bác Hồ.

Cụ Đào Nhật Vinh bồi hồi kể:

“Năm 1919, tôi rời đại dương, lên cạn sinh sống ở Bordeaux, nhưng tháng nào tôi cũng về Paris gặp anh Nguyễn Ái Quốc và thăm cụ Nghè Ta (Phan Châu Trinh) và cụ Nghè Tây (Phan Văn Trường) và anh em thủy thủ đã lên cạn làm ăn. Từ sau ngày Nguyễn Ái Quốc đưa “8 yêu sách của Người An Nam” đến Hội nghị Hòa Bình Versaills, anh em thợ thuyền, lính thợ và các giới khác đến số 6 Villa des Gobelins với niềm ngưỡng vọng “Ngũ Hổ” – Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền.

Giữa năm 1921 đến giữa năm 1923, “điểm hẹn” Nguyễn Ái Quốc ở số 3 Marché des Patriaches. Mỗi kỳ báo Le Paria in ra, tôi đến gặp anh Nguyễn nhận báo đưa về Bordeaux phát hành. Bà con người Việt mình nhận Le Paria đưa tiền rất hời để ủng hộ báo. Sôi động nhất, tháng 3/1922, vua Khải Định đến Paris và phái bộ dự “Hội Chợ thuộc địa” ở Marseille. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài chế giễu Vua Khải Định đăng trên các báo Le Paria, Le Journal du Peuple, L’ Humanité… Những bài gây xôn xao nhất “Les lamentations de Trưng Trắc” (Lời than vãn của Bà Trưng Trắc) đăng trên tờ L’ Humanité số ra ngày 24/6/1922; “Les civilisateurs” số 22, 6/1922 và bài “Hygiene mental” trên báo Joarnal du Peunple ; “La Haine dé races” (Hận thù chủng tộc)…. Nguyễn Ái Quốc còn sáng tác vở kịch “Con Rồng Tre” chưa in trên báo, mới công diễn một lần ở Club du Fanbourg mà tiếng vang rộng lớn trong Việt kiều. Đặc biệt, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh nhục mạ Nhà vua Khải Định bằng “Thư Thất Điều”, chữ Nho. Cụ Phan Văn Trường chuyển sang chữ Pháp, ông Nguyễn chuyển sang quốc ngữ…

Thời gian này, nhà đương cục Pháp theo dõi, kiểm soát gắt gao người Việt và bắt làm “thẻ cá nhân”. Cụ Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Ái Quốc “được” A. Sarraut mời đến Bộ Thuộc địa “nhắc nhở”… Họ theo dõi chặt chẽ cụ Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Ái Quốc không chỉ ở Paris mà cả ở hải cảng Marseille. “Hội chợ thuộc địa” mở cửa từ đầu tháng 4/1922, công việc chuẩn bị cho Hội chợ từ tháng giêng. Cụ Phan Châu Trinh đến Marseille, ở tại nhà ông thợ ảnh Tạ Văn Cần, vợ đầm. Ông Nguyễn Ái Quốc có hôm cùng ở với cụ Phan tại nhà ông Cần, có hôm ở nơi khác và về Paris lo liệu công việc báo Le Paria… Một nhóm anh em thợ thuyền, thủy thủ chúng tôi được nhận vào phục dịch Hội chợ như anh Phan Hiếu Kính, anh Nguyễn Minh Quang, anh Vũ Văn Long… Cho nên chúng tôi được đến gần các vị trong phái bộ tháp tùng Nhà vua, như quan tuần phủ Cao Bằng Vi Văn Định, ông Phạm Quỳnh, Tổng Thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức, ông Nguyễn Văn Vĩnh, một bỉnh bút lừng danh Đồng Văn Nhật báo, Đông Dương tạp chí Notre Journal, Notre Revue…

Ông đã từng dự cuộc đấu xảo Marsrille 1906. Ông Vĩnh, ông Quỳnh quen biết nhau từ Trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907, cụ Cử Can là Hiệu trưởng. Cho nên ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh mấy lần đến nhà ông Tạ Văn Cần đàm đạo với cụ Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Tôi được làm chân điếu đóm của các cụ. Có một cuộc đàm dạo, ông Bạch Thái Toàn cùng dự với bốn cụ. Bạch Thái Toàn là con trai cụ Bạch Thái Bưởi. Lúc khởi đầu trên sông nước của tôi là “bồi tàu” Trưng Trắc của Công ty Bạch Thái Bưởi. Chính vì vậy mà tôi được thân quen với ông Bạch Thái Toàn. Ông Toàn là Thư ký “Hội Thân ái” mà Nguyễn Ái Quốc là một trong những người lập Hội. Nhờ ông Bạch Thái Toàn mà tôi biết được chút ít lai lịch của các cụ.

Đầu tháng 7/1922, tôi không còn nhớ chính xác là ngày nào, tôi trong Hội chợ cùng với anh bạn đi ra phố thấy đằng phía trước ông Nguyễn Ái Quốc cùng ông Phạm Quỳnh đang sóng bước. Chốc chốc ghé đầu vào nhau có lẽ đang nói thầm… Tôi và anh bạn quay trở lại… Chiều hôm ấy, tôi về nhà ông Tạ Văn Cần, gặp Cụ Phan và ông Nguyễn đang ở đây. Ông Nguyễn dặn nhỏ với tôi: Thứ năm tuần tới, ngày 13/7, Vinh đến “Cụ Nghè Đông Ngạc” nhé. Đến sơm sớm, đó… Tức là tôi đến số 6 Villa des Gobelins, cụ nghè Đông Ngạc là Tiến sĩ Luật khoa Phan Văn Trường. Cách nói lóng này chỉ một số trong nhóm chúng tôi biết. Tôi đến sớm để làm “bữa cơm Bắc, thết khách Bắc”. Tôi vừa làm bếp vừa tự hỏi – Không biết vị khách quí nào đến mà cụ Nghè Tây (Phan Văn Trường) và Nguyễn Ái Quốc thết đãi, cụ Phan Châu Trinh bị cảm mạo nên không về Paris được. Hơn 8h thấy ông Phạm Quỳnh tới. Ông Nguyễn Ái Quốc đợi ở cửa và đưa dẫn ông Phạm Quỳnh vào phòng. Tôi đem khay trà lên phòng mời khách. Chỉ có ba vị trong phòng thôi. Và ba vị đàm đạo tới 11h, tôi cũng vừa sửa soạn xong bữa, mất công nhiều là món lòng lợn, rau thơm gia vị tầm cho ra được các thứ ấy không dễ. Có thịt gà luộc, canh chua, cá rán, thiếu rau muống luộc, cà pháo, tương bần. Tôi được dự đồng bàn, đồng bữa với ba vị và hầu chuyện. Trong bữa ăn các vị không nói chuyện thời cuộc mà nói nhiều về phong hóa của nước nhà, tục lệ từng miền - và giữa bữa ăn tôi được ông Phạm Quỳnh khen:

- Bữa cơm Việt món nào cũng ngon, đượm vị hương quen. Nhất là, món lòng lợn, đặc biệt là món dồi.

Cụ Phan Văn Trường, ông Nguyễn Ái Quốc gật gù, tương đắc. Tôi chợt nhớ đến câu ca dao nói về món lòng lợn, buột miệng luôn:

“Nhìn mặt mà đặt hình dong
Con lợn có béo, miếng lòng mới ngon”.
Đủ tim, gan, cổ hũ, ruột non
Mà dồi lại dở chẳng ngon cỗ lòng”.

Cụ Phan vốn ít cười, đã phì cười. Ông Phạm nâng ly rượu lên nhìn tôi tươi cười và ông Nguyễn cùng nâng ly rượu rồi cụ Phan cũng nâng ly chúc mừng. Ông Phạm Quỳnh nghiêm trang nói:

- Anh Đào Nhật Vinh đã hàng chục năm xông pha khắp chân trời, đáy biển nào Á, Âu, Phi, Mỹ mà hồn quê, quốc túy không phải mờ. Chúc mừng anh!

Ông Nguyễn Ái Quốc tập Kiều:

- Đồng bàn, đồng bát, đồng bang

Hồn quê theo áng mây ngàn cố hương.

Anh Đào Nhật Vinh một đầu bếp ngoại hạng mà lại mở quán ăn bình dân…

Sau bữa cơm đầm ấm tôi bái biệt cụ Phan Văn Trường, ông Nguyễn Ái Quốc, ông Phạm Quỳnh rồi trở lại hải cảng Marseille.

Hà Nội – Chiếu Văn 8/12/2008 (12/11- Mậu Tý)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ít được biết tới về quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với học giả Phạm Quỳnh: Một mối thân tình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO