Chuyện xưa, có vậy

Nguyễn Minh Hoa 09/03/2020 14:09

Tết xong, hết nồm ẩm, nắng mới nhen lên đôi người đi chợ đã hỏi quả thanh trà. Người kĩ tính, thích ăn ngon, ưng vị thanh chua thường thì không chọn quả sấu mà lại chọn quả thanh trà cho những món ăn cần vị chua.

Chuyện xưa, có vậy

Quả thanh trà chua ngon là thế nhưng ngay cả người trong làng không phải ai cũng biết. Vì cây thanh trà chẳng thấy nhà nào mới trồng mà thường thì là những cổ thụ, người xóm trong, người bên bãi hay người mãi tận xã khác, làng xa mang về chợ bán, có người lại mang đi mãi tận chợ tổng để bán cho được giá. Thanh trà có lẽ cùng họ với muỗm và xoài, vì thân cành, cho đến lá đều có hình dạng giống, nhất là cấu tạo quả. Quả chùm, quả đơn xanh chắc rồi chín vàng. Xứ Bắc, mùa thanh trà thường vào độ giao mùa Xuân Hạ, mùa đến nhanh, được mùa cũng chỉ khoảng 2 tuần, nếu mất mùa chỉ lác đác đôi người xách 1 làn hay bê 1 rổ đi bán ở chợ phiên.

Nói là giống xoài và muỗm là thế, nhưng thanh trà cũng rất khác 2 người họ hàng kia. Bởi, thanh trà qủa nhỏ, không dẹt mà tròn, dạng hình trứng, khi chín vàng bóng và mọng. Quả thanh trà vừa đẹp lại thơm, không ít người thấy là phải ngắm, phải đặt trong lòng tay để nhìn cho đã vẻ đẹp và sự duyên dáng của 1 hay 1 chùm thanh trà.

Hoa thanh trà như thế nào không mấy người để ý, chỉ khi rổ thanh trà theo bà cụ ra chợ phiên mọi người mới nhắc nhớ tới mùa. Có người bán thanh trà theo túm, buộc sợi rơm nếp, 10 quả một, người lại bán theo cân lạng. Chợ chưa vãn thì rổ thanh trà đã hết, bà cụ đã khoác cái rổ không lên vai đi ăn quà rồi mới mua gì thì mua. Thường thì những mặt hàng theo vụ thế này một năm nhiều thì dăm bữa, nếu không chỉ đôi ba lần, nên người bán thường chọn vị trí của năm trước, ghé tạm. Người nào nhớ món hàng thì cứ đến mùa sẽ lại thấy, lại mua. Những người bán hàng xung quanh cũng không vì lí do gì mà bắt chẹt hay đuổi để mất tình mà dọn chỗ cho họ bán nhoáng nhoàng. Và người nhờ cũng thường biết ý, nhặt ngay túm quả thanh trà ngon biếu người cho ngồi nhờ, chả gì bằng của nhà trồng được. Cách của chợ làng, chợ quê, mọi người vẫn thường giao đãi là thế, giản dị và có tình.

Thanh trà xứ Bắc chua, nhưng là chua thơm và thanh, chứ không gắt, nước trong chứ không đục, quả xanh, quả hanh vàng đều chua cả. Quả chín mọng, thịt thơm, nhưng vẫn chua chỉ có đám trẻ mới dám ăn, chứ người cao niên nhìn đã thấy ứa nước miếng như khế, như sấu. Mùa thanh trà cũng là khi đã có sấm, có mưa, rau muống đã vươn dài sau cả chuỗi dài ngày mùa Đông, mùa Xuân rét mướt. Rau muống luộc, nước mắm ớt đã sẵn sàng, nước canh chua không phải sấu xanh đục, không phải quả me cạo vỏ rồi vẫn trát mà là đôi quả thanh trà, hanh vàng, chua dịu. Canh ấy ăn với cà pháo đầu mùa muối xổi thật không gì bằng. Quãng thời gian qua nào là Tết, là hội, là thượng thọ hay đám cưới… mâm cao cỗ đầy, những bát và đĩa kín mâm sao mà ngán, chỉ thấy nhớ cơm nhà, ăn thế này vừa chắc dạ lại khỏe người. Có mỗi dăm quả thanh trà nhỏ mà câu chuyện đưa đến tận làng xa, thì ra bà cụ làng ấy đã không còn,vào mùa là cô con dâu cả đem sang chợ làng này bán. Bố ngập ngừng mãi rồi kể:

Xưa ông nhà mình, cũng đã băng đồng xuống làng xã ấy chọn vợ. Bà cụ chính là người ông phải lòng. Đã nhờ người đánh tiếng, nhà bên ấy cũng đã thuận. Nhưng, cụ nhà bên ấy có mình bà, lại kén người gửi rể. Nhà ngói ri, cửa bức bàn, sân trước, vườn sau, cây thanh trà cổ thụ chiếm cả góc vườn… Ông nhà mình cũng lại con một, cửa nhà này cũng không bỏ được, thế là duyên không thành. Cụ bên ấy kén rể làng. Ngày cưới bà, ông đánh trâu đi cày sớm, tối chẳng buồn về. Cụ bà nhà mình bảo lo lắm, nhỡ có sự gì… Mãi nhá nhem ông về, không ăn cơm mà tắm rửa đi ngủ sớm. Ông buồn đến 3 năm, bà bên ấy sinh con đầu lòng yên phận, ông mới chịu nghe lời cụ, đồng ý nhờ người đánh tiếng với gia đình bà nhà mình. Chuyện xưa, có vậy mà ông đâm không ưa quả thanh trà, cứ như vì cây thanh trà này mà ông lỡ duyên đầu. Có lần bà đi chợ, thấy hoa quả đầu mùa, bà mua về nấu riêu, cả bữa ông không đụng đũa. Mỗi cụ bà hiểu ra, phải dặn con dâu từ giờ không có mua đằng quả này. Chẳng biết bà bên ấy nghĩ gì, chứ như ông bên này quả là nặng tình…

Thế hệ ông bà đã thành người thiên cổ, cây thanh trà làng ấy vẫn đến mùa kết trái, chuyện xưa, có vậy mà cháu con vẫn thấy nghẹn ngào. Tình yêu, duyên phận, với ai, thời nào cũng phải 9 phần ông tơ bà nguyệt quyết. Những chùm thanh trà chín vàng vẫn lấp ló trong tán lá xanh bao mùa, không biết ở nơi xa thăm thẳm, nếu có gặp lại, ông nội tôi có còn giận bà làng bên ấy, có còn nhắc cây thanh trà vườn sau nhà bà?

Mùa thanh trà trước mùa sấu, là khi nắng mới nhen, là khi bưởi vụ trước đã vãn quả, hoa quả mùa Hè cũng chưa nhiều, đám thanh tân xưa vẫn thường kiếm đôi chục thanh trà gọt ăn rồi rúc rích chuyện. Chuyện về đám con trai cùng học, đám đã học xong cùng làng, người vừa nhập ngũ, người xin hoãn. Thanh trà chua ngọt khiến mấy chị trung niên đang nghén cũng lân la. Mê cái thứ quả đẹp lại thơm từ vỏ đến thịt, ăn miếng nào nhớ miếng ấy, thơm hơn xoài mà ngọt cũng hơn xoài nhiều, vị ngọt thanh trong vị chua dịu khiến thanh trà có hương vị thật đặc biệt. Đôi khi người gọt thấy cái hột vàng tươi mà phải ngậm dăm phút cho đỡ tiếc.

Bẵng đi, điện về làng, sấu cũng nhiều, ùn ùn về chợ mỗi mùa, người ta mua sấu về cất ngăn đá tử lạnh ăn quanh năm. Không ít người bận rộn mà quên đi thanh Trà, nhưng người kĩ tính, nhớ cái vị ngon thơm, thanh chua của thanh trà thì không thể bỏ được, mà vẫn ngóng. Thanh trà vẫn tíu tít chợ quê, ai mua được mớ thanh trà thì vui từ chợ về nhà. Về ngắt lá, rửa sạch, chia phàn cho các con, các cháu làm quà. Chẳng gì bằng thứ quà quê này. Thanh trà nấu canh chua với thịt bằm không gì ngon bằng. Chưa đầy lạng thịt nạc bằm với đôi ba quả thanh trà, hành, mùi tàu thái nhỏ, quả cà chua đỏ điểm màu,la được bát canh ngon, nhất lại thêm quả cà muối nữa thì cả 2, 3 bát cơm chỉ muốn ăn canh, chứ không thể ăn khan mà ngồi nhìn bát canh nóng, thơm phức kia được. Thanh trà chua, nhưng đặc biệt nấu ngon nhất là với thịt nạc bằm, bát cơm thổi xuê, ăn với thứ canh này thì chẳng cần món mặn, món xào cũng xong bữa và thấy hài lòng.

Xưa, thanh trà lên phố, người thị thành nhớ lắm, những gánh hàng rong, hay người trong chợ vẫn bán từng rổ nhỏ mỗi độ mùa về. Rồi cũng tại dăm cân sấu cất trong ngăn đá tủ lạnh rất tiện lợi và sự bận rộn khiến cánh chị em quên khuấy đi quả thanh trà. Cánh trẻ vô tâm về thành phố cũng không phải ai cũng để tâm nên chuyện về một vị quả chua gọi là gia vị cũng dần bị nhãng quên đi.

Nhưng người nhớ thì rất nhớ, nỗi nhớ mang từ quê nhà lên thành phố. Tôi thì nhớ cả cái sự trách cứ của ông nội ngày xưa với bà lão xã dưới. Thế nên, Tết xong là tôi ngóng thanh trà. Tôi dặn chỉ bán hàng rằng có thì báo em, dặn rồi chưa đủ, tôi vẫn hóng những người quê mang thanh trà về phố, đôi khi tôi mua thêm một túi làm quà, hay mua về cất thêm vào tủ nhà mình, chẳng hẳn lo ăn hết mà là muốn hỏi chuyện về thanh trà trong quê.

Năm ngoái, chị ấy tần ngần mãi mới kể, mất mùa nên quả bé tí thế này đây, em lấy hết, chị bán rẻ cho. Năm nào nhà chị cũng có khoản lo cho cháu đóng học kì 2 từ thanh trà, mà năm nay kém quá. Thì ra, không phải thanh trà trong làng đã hết, người ta không thấy “kinh tế” nên chặt bỏ như có người đã nói. Thanh trà vẫn được vun trồng và có vị trí trong lòng chủ nhân cũng như khách mua.

Rồi tôi ngỡ ngàng thấy thanh trà trong sạp hoa quả. Đó là hoa trái từ miền Nam ra, loại thanh trà ngọt to, mọng, ngọt lừ, ăn cũng sướng miệng. Nhưng để yêu, đến mức ngóng chờ vẫn là thứ quả nhỏ, chín vàng, căng mọng hình trứng, thơm phưng phức, có nhựa dính tay của xứ Bắc. Thanh trà đã khiến tôi nhìn vào vô định đón lối xưa cũ trở về và tôi đã hiểu ra rằng chẳng có gì mất đi cả, khi trong ta biết nhớ, kiếm tìm và cất giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện xưa, có vậy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO