Cố gắng liên tục

Trần Hữu Thăng 06/01/2020 19:16

Khi bàn về sự cố gắng liên tục, liên tục cố gắng của con người, một số tác giả cũng đề cập đến kỹ năng cần phát hiện ra cơ hội, nắm bắt cơ hội và nếu ai có tài thì tạo ra cơ hội.

Cố gắng liên tục

Theo cuốn “Thần thoại Hy Lạp” là bản đã được dịch ra tiếng Việt từ Đại Từ điển “Larousse junior de la Mythologie” với sự hỗ trợ xuất bản của Sứ quán Pháp tại Hà nội do Nhà xuất bản Nhã Nam ấn hành năm 2016, ở trang 11 có đoạn như sau: “Bởi khi thần Épiméthée tạo ra các con vật, thần đã ban cho chúng quá nhiều phẩm chất nên đến loài người thì không còn lại bao nhiêu”. Đây là một đoạn văn tai hại, đáng buồn vì theo “Thần thoại Hy Lạp” thì nếu con người được tạo ra sớm hơn sẽ có nhiều phẩm chất tốt hơn như: chăm chỉ, trung thành, hy sinh như loài ong, loài kiến và các loài vật mà nhà ngụ ngôn La Fontaine vẫn lấy ra làm gương giáo dục con người có phải tốt bao nhiêu. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng chẳng sao, chưa có thì ta rèn luyện, tu tập để trở nên có, mà như thế mới bền vững, mới chắc chắn là của mình, tự mình mà có. Chỉ có vấn đề đáng nói là ta phải cố gắng liên tục để tu dưỡng phẩm hạnh từ lúc là cậu học sinh lớp 1 cho đến khi là ông già, trong tay chỉ còn tấm vé một chiều (One way ticket). Phải cố gắng liên tục và liên tục cố gắng là như thế đấy.
Thi sĩ Scotland C. H. Mackay có vần thơ rất đáng quý sau đây ca ngợi sự nỗ lực, cố gắng: “Cái cố gắng nhỏ nhất/ Cũng chẳng mất đi đâu/ Mỗi gợn sóng nhỏ/ Trên đại dương sâu/ Cũng trợ giúp cho/ Ngọn triều lên xuống” (The smallest effort is not lost/ Each wavelet on the ocean tossed/ Aid in the ebb tide or the flow).

Cậu bé con đang tuổi ăn, tuổi chơi bị bắt buộc đi học lớp 1, học văn, học toán chán ngắt. Cách đây gần trăm năm đã có đoạn văn mô tả rất sinh động: “... Hễ sờ đến sách là y như buồn/ Bê a ba, bê á bá luôn luôn/ Thà rằng chạy nhảy trong vườn còn hơn/ Ai ơi nghĩ đến nguồn cơn/ Khi xưa còn bé, thật tiên trên trần”. Thôi thì người lớn đành dỗ dành, khuyên nhủ cậu học sinh bé con cố gắng, mỗi ngày một tí, có khi phải dọa, phải la. Cứ thế, cứ thế con người bé nhỏ đi vào khuôn vào phép, mỗi ngày một ít và lịch sử đã chứng kiến các cậu bé con lười học ngày nào ấy đã trở thành những công dân có ích, đóng góp cho xã hội ngày càng phát triển.

Các thầy giáo, cô giáo có vai trò rất quan trọng trong việc động viên, nâng đỡ các em nhỏ trong học tập. Có khi thầy giáo, cô giáo thấy các em học sinh đã ngáp ngủ trong lớp thì cho nghỉ học ra chơi. Cả lớp ra vườn trường, chợt thấy trên cành cao có đàn chim ríu rít. Nhìn kỹ thấy các con chim sâu tha từng cọng rơm, cái lá nhỏ để làm cái tổ chim xinh xắn trên cành cao. Cô giáo nhắc các em khi đang chăm chú nhìn chim con làm tổ bằng câu danh ngôn: “Cứ một chút, một chút, con chim nhỏ làm được tổ ấm của mình” (Petit à petit, l'oiseaux fait son nid). Các em nhỏ thích thú ngắm chim và nhẩm đi nhẩm lại để thuộc đến suốt đời cái điệp khúc “Petit à petit” (cứ một chút, một chút nữa). Thế rồi chim non sẽ lớn, các em học sinh sẽ lớn. Tất cả trông cậy vào thời gian. Cứ thế cố gắng một chút, cố gắng một chút nữa, từ từ, dần dần...

Thiên tài Y học của nhân loại, nhà bác học người Pháp Louis Pasteur (1822–1896) đã nêu cái cơ chế, cái cách của sự cố gắng nỗ lực bản thân là: “Lúc nào cũng phải hướng lên cao, lúc nào cũng phải chuyên cần học tập, luôn tìm mọi cách để tiến thủ” (Regarder en haut, apprendre au delà, chercher à s'élever toujours). Cuộc đời Pasteur và những học trò của ông đã chứng minh sự đúng đắn của nguyên tắc cố gắng, nỗ lực không ngừng đó bằng sự hình thành, sự có mặt của hàng trăm Viện Pasteur trong hệ thống Y học dự phòng trên toàn thế giới. Con người vĩ đại ấy chỉ nói một lời khiêm tốn khi thế giới ca ngợi ông: “Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm được” (J'ai fait ce que j'ai pu). Cao quý thay sự khiêm tốn, sự cần mẫn, sự chịu khó của bậc Thiên tài Y học.

Bậc thầy Joseph de Maistre (1753–1821, người Vương quốc Sardinia nói tiếng Pháp) đánh giá rất cao sự hy sinh, cố gắng trong cuộc đời khi ông viết: “Thế giới này sẽ thuộc về tay những ai biết chịu khổ, nỗ lực và hy sinh” (Le mond appatient à ceux qui savent prendre de peine, l'effort et sacrifice). Thật quá đúng, theo dòng đời tuôn chảy, có nhiều người thất bại, nhưng cũng có không ít người thành công.

Ba đức tính mà Maistre đã nêu ra rất cụ thể và chính xác, đó là chịu khổ, nỗ lực và hy sinh. Nhờ có ba đức tính cơ bản đó mà con người đã vượt qua mọi trở ngại của cuộc đời, tự mình vươn lên để trưởng thành.

Khi bàn về sự cố gắng liên tục, liên tục cố gắng của con người, một số tác giả cũng đề cập đến kỹ năng cần phát hiện ra cơ hội, nắm bắt cơ hội và nếu ai có tài thì tạo ra cơ hội.

Một ngạn ngữ cổ của người Scotland dạy rất cụ thể: “Chỉ nên làm cỏ khi có nắng” (Make hay while the sun shines). Nếu gặp trời mưa mà làm cỏ thì công sức bỏ ra coi như vô ích. Đây là nhắc nhở đến cái hợp lý, cái thích hợp, cái nắm bắt cơ hội trong công việc.

Cũng bàn về thời điểm hành động thích hợp khi cơ hội đã đến, tác giả Suetonius (La Mã, từ năm 98 đến năm 136 sau Công nguyên) nhắc nhở người đời chớ nên do dự, tranh luận, bàn cãi quá lâu sẽ hỏng việc. Ông viết: “Cơ hội có thể bị mất nếu chúng ta bàn cãi quá nhiều” (Nguyên văn chữ La tinh là: Deliberando saepe perit occasio). Việt Nam ta cũng có câu tương tự: “Nhiều thầy thối ma/ Lắm cha con khó lấy chồng”. Vì thế, đứng trước cơ hội, nếu có nhiều người bình luận, hỏi ý kiến nhiều người có khi chưa chắc đã là hay. Nhiều thầy cúng, nhiều gọi hồn, nhiều thầy bói đến nhà, ma lại càng hoạt động mạnh cũng nên! Con gái đã lớn, hỏi ý kiến nhiều bậc cha chú có khi thành gái ế cũng nên!

Bài học về cơ hội cũng thật đáng nêu ra trong quá trình cố gắng liên tục của một đời người.

Bài học về cơ hội đã được nhiều tác giả đề cập đến với nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng ý kiến của nhà triết học người Pháp Sébastien Chamfort (1741–1794) mới thật đáng nể làm sao: “Đừng cho rằng cơ hội sẽ gõ cửa nhà anh hai lần” (Do not suppose opportunity will knock twice at your door). Phải chớp ngay lấy cơ hội, phải tận dụng ngay cơ hội cũng là một kỹ năng, một thói quen cần có của những người quyết lập nghiệp, quyết vươn lên. Một tác giả khác cũng nêu một ý kiến tương tự: “Đừng đợi cái ngày mai và đừng bỏ cái hôm nay” cũng là mang cách suy nghĩ tích cực nêu trên.

Trở lại với cuốn “Thần thoại Hy Lạp” của Đại Từ điển Larousse nêu ở đầu bài viết, con người phải biết cám ơn Thần Épiméthée đã chỉ ban cho con người có ít phẩm chất để họ phải tự phấn đấu, phải tự nỗ lực, phải tự chăm chỉ, phải tự tu dưỡng suốt đời để tự vươn lên. Đó vừa là động lực, vừa là nghị lực, vừa là niềm tin mà chỉ có con người mới có được. Từ tuổi thanh thiếu niên tiến lên tuổi trưởng thành con người cố gắng liên tục, thành tựu đạt được cao hơn. Rồi tiến lên nữa, đến tuổi chín chắn hơn, nhiều kinh nghiệm trường đời hơn, con người lại liên tục cố gắng, liên tục đạt thành tựu cao hơn nữa. Một tác giả lớn ở phương Đông đã tổng kết rất sắc sảo và dễ hiểu: “Công phu năm 70 tuổi so với 60 tuổi kỹ càng hơn. Công phu năm 80 tuổi so với 70 tuổi kỹ càng hơn. Công phu năm 90 tuổi so với năm 80 tuổi kỹ càng hơn” (Thất thập tuế đích công phu giảo lục thập tuế mật dã. Bát thập tuế đích công phu giảo thất thập tuế mật dã. Cửu thập tuế đích công phu giảo bát thập tuế mật dã). Con người phải biết cám ơn Thần Épiméthée đã chỉ ban cho con người có ít phẩm chất để họ phải tự học lấy lòng can đảm để tự gánh vác, để tự chịu đựng như một nhà thơ đã chia sẻ: “Hai vai gánh nặng, đường đời thì xa”. Lòng can đảm đến với con người do việc được học, được thực tập từng bước một, một chút một trong cái bài học chung là “Cố gắng liên tục”. Xin chúc tất cả chúng ta bước vào công việc hàng ngày với lòng can đảm và như cách gọi của nữ văn hào người Anh George Eliot (1819–1880) là “Công việc của sự can đảm”. Trong danh ngôn để lại, bà đã viết: “Cần thiết biết bao để chúng ta bắt tay vào làm các công việc của sự can đảm” (Necessity does the work of courage).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cố gắng liên tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO