Cử tri mong không còn 'nợ xấu' niềm tin

Mai Loan 02/06/2017 09:05

Cử tri và Nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư các dự án thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa kịp thời.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Nhật Bắc).

1. Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 3, khi Chính phủ trình QH Nghị quyết về xử lý nợ xấu rất nhiều ĐBQH đã tham góp thêm ý kiến với mục đích nhìn thẳng vào sự thật và tìm ra hướng đi tốt nhất để giải quyết vấn đề quan trọng này.

Thực ra đã từng có một Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được kết quả bước đầu, giữ vững an toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn; năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp. Chính phủ cũng đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Và, Chính phủ cũng đang làm việc hết sức mình để ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thiện phương án cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng. Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn - Điều này đã được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói trong báo cáo đọc trước QH tại phiên khai mạc sáng 22/5.

Kết quả của giai đoạn trước trong việc xử lý nợ xấu như thế nào? Báo cáo của Chính phủ hôm 22/5 cho biết: Trong giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm gần 44%. Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.

Bàn về vấn đề này, ĐBQH (TP Hồ Chí Minh) Trương Trọng Nghĩa tỏ ra rất băn khoăn về việc dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung vào chương trình khá gấp gáp. Ông Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn: “Vừa rồi vấn đề nợ xấu gây bất ổn lớn cho xã hội, đã có những quyết định gây tranh cãi về việc chủ trương đã hợp lý chưa, tính hết cái giá phải trả hay chưa? Có dư luận cho rằng Nghị quyết này có thể giúp một số người thoát khỏi trách nhiệm trong những sai phạm vừa rồi, khiến ngân sách nhà nước phải lãnh mấy chục ngàn tỷ đồng nợ xấu. Làm sao để cử tri và nhân dân tin tưởng là Nghị quyết này không nhằm hoặc không vô tình để lọt, không xử lý những sai phạm đó”. ĐB Nghĩa cũng đề nghị cân nhắc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này dưới hình thức Nghị quyết mà không phải là luật (có tính phổ quát hơn).

Ở góc độ khác, ĐBQH (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Quyết Tâm lại cho rằng, “Cốt lõi là nội hàm của Nghị quyết như thế nào?”. Còn ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tuy đồng ý với ĐB Quyết Tâm về tính cần thiết phải ban hành Nghị quyết nhưng cần có biện pháp mang tính chất quyết liệt hơn, không chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự thông thường.

Như vậy là ngay trên Nghị trường QH cũng có khá nhiều những ý kiến khác nhau về vấn đề xử lý nợ xấu. Tựu trung lại thì ĐBQH nào cũng mong phải xử lý triệt để vấn đề này vì như thế cử tri mới an tâm và không có “nợ xấu” về niềm tin.

Hiểu được tâm tư của ĐBQH và cử tri, Chính phủ cam kết sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

2. Một vấn đề kinh tế khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm đó là câu chuyện của 12 dự án thua lỗ kéo dài. Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa; đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy thép tại Lào Cai.

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31-12-2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng.

Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng. Câu hỏi về trách nhiệm của Chính phủ và QH trong việc quản lý “đồng tiền bát gạo” của dân đã từng được ĐBQH nêu lên tại hội trường và chắc chắn sẽ vẫn còn nhận được sự quan tâm nữa. Bởi, ĐBQH nói tiếng nói của Nhân dân; mà Nhân dân thì tỏ ra khá bức xúc về những dự án như vậy.

Theo như Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Nói tóm lại, Chính phủ đã có những phương án cụ thể để giải quyết bài toán hóc búa về “di sản” mà các dự án nghìn tỉ đem lại. Đây cũng là một đòi hỏi bức thiết của cử tri và nhân dân mà tại các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước họ đã nhiều lần đề cập. Nó cũng chứng tỏ chúng ta đã làm nhưng chưa đạt kết quả mong muốn nên Nhân dân sốt ruột.

Sự sốt ruột của cử tri được thể hiện trong báo cáo tập hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3 do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trình bày.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dù công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua có nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được kết luận và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậ̣u quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư các dự án thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa kịp thời.

Cũng vì sốt ruột về sự chưa kịp thời ấy, cử tri và Nhân dân đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí và Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố giác, khen thưởng kịp thời người đấu tranh chống tham nhũng.

3. Cũng tại kỳ họp thứ 3 này khi nói đến công tác xây dựng luật và pháp lệnh, nhiều ĐBQH đã cho rằng: Nếu làm luật theo cách ĐBQH tham gia sửa từng chữ là rất khó. Vì thế, các cơ quan làm luật cần xin ý kiến chuyên gia góp ý thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra trình QH, chứ đừng để ĐBQH phải ”sút cân vì đọc luật”- ĐBQH (tỉnh Thái Nguyên) Hoàng Văn Hùng hài hước nói.

Nhiều ĐBQH đặt dấu hỏi về trình độ, về thời gian, về sự nể nang của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra hay là do ”một kế hoạch ăn đong” đang làm khó QH? Nói chung là còn bất cập và để giải quyết bất cập ấy không có cách nào khác ngoài việc, QH là cơ quan thẩm tra luật còn Chính phủ là nơi xây dựng luật cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, gắn bó hơn, trao đổi thường xuyên hơn. Chỉ khi ấy, luật xây dựng nên mới đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử tri mong không còn 'nợ xấu' niềm tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO