Của che còn một chút này...

Vũ Lâm 16/04/2019 18:12

Tôi phát hiện ra những bộ trang phục “hở hang gợi cảm” luôn gắn với hình tròn. Cái vòng tròn thiếu nét luôn gợi ý cho con mắt người ta “điền nốt”. Còn những bộ trang phục nghiêm túc luôn vuông và kín. Những chỗ khoét thủng trên quần áo với mục đích khiêu khích cũng không mấy khi dùng hình vuông...

Của che còn một chút này...

Ông thầy giáo của tôi, là một nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, từng đi Trung Quốc làm chuyên gia tư vấn lịch sử cho một bộ phim “cúng cụ” về chuyện Lý Công Uẩn dời đô. Khi đang ở nước ngoài, thầy viết email về kể cho tôi nhiều chuyện. Tôi nhớ nhất một câu chuyện thầy kể lại như thế này: về phục trang nữ nông dân Việt Nam ngày xưa, nói đến cái yếm của các bà các cô, giải thích mãi thợ may không hiểu, thầy tôi bèn liều mạng cắt một cái yếm từ một vuông vải trước mặt, cô thợ may người Trung Quốc cười rúc rích nói: “Ôi thế này thì nom dâm quá”. Và cô ta cũng thích thú mặc thử luôn...

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cánh yếm của các cô các bà lao động ngày trước nó vốn không phải là một thứ sinh ra với mục đích “khoe khoang, khiêu khích” như những “phụ tùng” bây giờ. Đó vốn chỉ là một thứ áo ngực, mặc cho mát và để tiện lao động. Thời xưa vải hiếm và đắt, thời tiết ở ta lại nắng nóng. Tới tận đầu thế kỷ 19, đàn ông hầu hết thường cởi trần, ra đồng đóng khố, có công việc lễ lạt mới khăn đóng áo dài, quần thụng, đàn bà thì cái váy đen, mặc yếm ra đồng cấy hái, đến khi hội hè đình đám thì khoác thêm áo cánh, mớ bảy, mớ ba. Nhìn ảnh cũ chụp lúc hiện thực tự nhiên, các bà các cô mặc yếm nâu, yếm đen, hở trần vai, lưng, sườn, dầm mưa giãi nắng nên da họ trở nên đen đủi thô mộc, trông rất là thương. Chứ đâu có được như những người da cớm nắng trắng bóc, ngực “thây lẩy” mà mặc yếm thì đúng là “gây sự” cho cánh đàn ông quá rồi. Như mấy anh thợ ảnh thời nay bắt người mẫu mặc yếm như thuở xưa đứng ngồi nằm vặn vẹo, đặt tên ảnh là “dáng xưa” mới là... “thực dâm”!

Bây giờ nhiều người (nhất là người có tuổi) hay kêu, cánh trẻ bây giờ ra đường ăn mặc hở hang lố lăng quá. Cánh trẻ ở đây ý là chỉ nhắm vào các thiếu nữ, còn bọn con trai ăn mặc hở hang ai để ý. Chưa dám bàn chuyện vẻ đẹp nude trong nhiếp ảnh, mỹ thuật; chuyện “Váy em ngắn đến mini/ Ngẫm thơ tứ tuyệt có khi còn dài” trong văn chương... Ở đây, tôi chỉ xin bàn một chút về cái chuyện “hở hang” khi ra đường, nguyên tắc thế nào là đẹp, là không đẹp

Nếu lấy “cực âm” về sự ăn mặc kín đáo khi ra đường, thì phụ nữ Hồi giáo Arập phải chiếm ở đầu mút cực âm. Còn “cực dương” thì chắc chắn là phụ nữ ở cái “thế giới tự do” là Mỹ. Một bang nọ ở nước Mỹ có luật: khi ra tắm ở bãi tắm nude cấm phụ nữ để trần... đầu vú, để tránh “khiêu khích”! Nghĩa là có thể khỏa thân 99,9%, riêng “công tư đầu ti” thì phải... che lại!

Ở giữa hai cực âm - dương về ăn mặc ấy, thì có những cách ăn mặc chẳng hở tí nào mà vẫn khiêu khích thậm tệ. Ví dụ như cái áo dài tân thời, chỉ hở ra một tý cái khoảng “nầm” (tức là eo bụng bên sườn, nếu như thợ may rọc tà hơi quá tay), chứ còn thì kín mít từ đầu đến chân đấy chứ, có hở tay hở đùi như cái áo “xường xám” đâu? Thế mà khách tây đến đây ngẩn tò te khen gái Việt mặc áo dài “gợi cảm” hết chỗ nói! Hoặc như quần bò áo phông bó, là trang phục thanh niên phổ biến ở cả thế giới. Tôi đọc một câu nói vui của một nhà văn lớn, rằng nếu ông tóm được cái tay nào phát minh ra cái quần bò bó sát cho phụ nữ, thì ông sẽ lấy cái quần bò đó treo cổ cái tay ấy lên, bởi tội nó làm phụ nữ mặc vào cứ “lồi” hết cả ra, nhỏ thì thành to, to thì thành... đại, làm cánh đàn ông bị điên mắt hết cả!

Muốn ăn mặc “tiết kiệm vải”, phải có nguyên tắc thì mới có thể coi được. Đó là một nghệ thuật hẳn hoi. Nguyên tắc đầu tiên là “tốt đẹp phô ra”. Người đẹp thì mặc kín cũng đẹp, phong phanh một chút lại càng đẹp. Tây Thi đau dạ dày nhăn nhó càng đẹp, Đông Thi bắt chước nhăn nhó thì cả làng chạy mất dép. Nhà thơ dân gian nuôi chó nổi tiếng Bảo Sinh có câu vừa cười cợt vừa thích thú, “lẩy” thơ Nguyễn Bính như thế này: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi/ Bây giờ quần trễ, rốn lồi/ Khổ tôi khổ cả bố tôi đang Thiền”... Một cô đi đường quần trễ rốn lồi thì làm khổ vài người, chứ còn một ngôi sao ăn mặc hở hang thì làm khổ cả vạn người. Chẳng thế mà ở Tây sinh ra một ngành nhiếp ảnh của các paparazi (thợ săn ảnh) là chuyên đi chụp lén “sao hở”.

Nguyên tắc thứ hai thì giống như “binh pháp” vậy, gọi là “bảy thực ba hư”. Ăn mặc thì cũng phải “bảy kín, ba hở” mới đẹp. Những “điểm hở” theo phân tích trang phục, thì tựu trung ai cũng biết, nó gắn với những “cơ quan sinh nở” tiềm năng. Đó là ngực, là eo bụng, là “bàn tọa”, là đùi vế, những bộ phận dễ “hút mắt” đám đông (cái đám đông ở đây chủ yếu là đàn ông). Chứ còn cái mặt người ta, xấu cũng như đẹp, phơi trần ra cả ngày có ai trách cứ gì đâu? Hic. Cái chính là liều lượng của cái nguyên tắc “bảy thực ba hư” đó trên mỗi bộ trang phục, “xẻ ngực, rọc eo, xén vế” thế nào cho nó đừng đến mức “váy minni dài 22 phân cả cạp”...

Nguyên tắc thứ ba tối quan trọng, đó là yếu tố không gian – thời gian, ánh sáng và hơi nước. Tôi được dự một cuộc sơ loại người đẹp thi hoa hậu báo Tiền phong vào giữa buổi sáng cách đây 15 năm, ngoài màn áo dài ra, còn có màn áo tắm đi bộ trong phòng, giữa ánh sáng chói chang ban ngày. Trời ơi, xem mới biết là ban tổ chức “thâm” thật. Đẹp xấu phơi ra hết. Sau đó đám thí sinh vào chung kết ra biển thi và chụp ảnh, quay phim để lên đài lên báo. Ảnh những người đẹp có dính tý nước vào nó khác hẳn, đẹp mẩy lên, mờ ảo long lanh ngay...

Cách đây vài chục năm, thời mà “văn hóa đạo đức xã hội chủ nghĩa” còn đang lên ngôi, thì tất cả những gì “hở hang khoe của”, gợi tình... đều bị quy cho là “văn hóa tư bản đồi trụy”. Họa sĩ cao niên Thẩm Đức Tụ có kể với tôi một chuyện hồi ông còn là sinh viên, vẽ một bức tranh tên là “Thiếu nữ đọc báo Nhân dân”. Cô gái mặc quần satanh đen như tất cả phụ nữ thời ấy, riêng gấu quần và cạp trong có lấp loáng mầu đỏ (là những thiếu nữ làm điệu một tý). Vẽ xong tranh, ông bị chi đoàn trường mời lên phê bình.

Thế nhưng sau đổi mới đến giờ, tình hình mở cửa ảnh hưởng rất nhanh đến các loại hình văn hóa cũng như ăn mặc. Cái chuyện ăn mặc “mát mẻ” ra đường nó cũng bớt khắt khe dần cùng với sự thay đổi và phát triển của đất nước thì phải. Cứ nhìn trang phục của phụ nữ (nhất là các thiếu nữ) thì thấy dấu ấn của thời đại được thay đổi rất rõ rệt. Hay nói ngược lại là có thể đếm bước chân thời đại qua trang phục phụ nữ (chứ không phải trang phục đàn ông)

Người phát mình ra bộ quần áo tắm hai mảnh đã lấy tên hòn đảo xảy ra vụ thử bom nguyên tử để đặt tên cho loại phục trang nữ ít vải nhất này là Bikini – và bikini đúng là quả bom nguyên tử trong trang phục nữ. “Của che còn một chút này” là thế.

Tôi phát hiện ra những bộ trang phục “hở hang gợi cảm” luôn gắn với hình tròn. Cái vòng tròn thiếu nét luôn gợi ý cho con mắt người ta “điền nốt”. Còn những bộ trang phục nghiêm túc luôn vuông và kín. Những chỗ khoét thủng trên quần áo với mục đích khiêu khích cũng không mấy khi dùng hình vuông...

Để tạm kết cái đề tài hấp dẫn không bao giờ có hồi kết trong một bài viết ngắn này, tôi xin kể một câu chuyện có thật – tạm gọi là “hở với thuần phong mỹ tục”. Có một nước châu Phi giao lưu nghệ thuật biểu diễn (trong đó có múa) với Bungari, tất cả các vũ công nữ Phi đều mặc váy lông chim thưa xòe ra và để lộ ngực trần nhảy rất bốc, nói chung là khán giả hoan hô nhiệt liệt. Cán bộ của Bộ Văn hóa Bungari chướng mắt, gửi công văn yêu cầu sang Bộ Văn hóa của nước châu Phi kia, yêu cầu nữ vũ công Phi sang Bun biểu diễn phải che ngực lại bởi nó không phù hợp với “thuần phong mỹ tục”. Bộ Văn hóa ở nước châu Phi kia gửi công văn phản hồi rằng, nhảy múa mà để ngực trần là “thuần phong mỹ tục” của nước chúng tôi. Nếu như các bạn yêu cầu nữ vũ công của chúng tôi phải che ngực lại cho hợp với thuần phong mỹ tục của các bạn, thì chúng tôi yêu cầu nữ vũ công của các bạn khi sang đây cũng phải lộ ngực cho hợp với “thuần phong mỹ tục châu Phi”...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Của che còn một chút này...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO