'Đậm' và 'nhạt' trong 'Kiều'

Hoài Nam 02/02/2020 09:29

Thế giới nhân vật trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vốn đã được mổ xẻ suốt gần hai thế kỷ nay, bằng đủ các công cụ phẫu tích sẵn có của nhân gian. Tôi thì muốn đề xuất cách phân loại của riêng mình về cái thế giới nhân vật bàn mãi không hết chuyện này: Truyện Kiều có hai loại người, “đậm” và “nhạt”.

'Đậm' và 'nhạt' trong 'Kiều'

Tranh “Kiều báo ân báo oán” của họa sĩ Phạm Quang Vinh.

Một cách hoàn toàn chủ quan, tôi hiểu nhân vật “đậm” là nhân vật được khắc họa có vóc có vạc; từ hình hài diện mạo đến tính cách, hành động và số phận của họ đều là những đường nét nổi bật lên trên nền hoàn cảnh chung bình thường. Còn nhân vật “nhạt” thì ngược lại, họ dễ bị chìm đi, bị tan ra trong những đường nét nhạt nhòa, phôi pha của những tính cách nhạt nhẽo và những số phận bình thường đến tầm thường. Tiện hơn cả, tôi sẽ xem xét cặp nhân vật “đậm - nhạt”: Kim Trọng-Từ Hải. Có dịp, sẽ xin được đề cập tiếp cặp nhân vật Thúy Kiều - Thúy Vân.

Nếu như Thúy Kiều là một nữ nhân vật “đậm”, thì Từ Hải là một nam nhân vật “đậm”. Ngay ở phần giới thiệu, Nguyễn Du đã phác hoạ Từ Hải bằng những nét mạnh mẽ, thô hào, đầy chất hảo hán:

Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh,
non sông một chèo.

Tuy nhiên, ấn tượng về cái “đậm” của Từ Hải chính là ở chỗ, chàng là con người của những quyết định, và luôn được hoặc mất ở mức cao nhất bởi những quyết định. Ngay lần đầu tiên gặp Kiều ở lầu xanh, Từ Hải đã quyết định: “Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”. Thế rồi, khi đang nồng nàn hạnh phúc bên người đẹp, chàng bỗng quyết định “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” - xông pha gió bụi chiến trường để lập nên sự nghiệp. Trước khi ra đi, chàng đã nói với Kiều như phát thệ:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng loa rợp đất, bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Chàng hứa sao thì làm được vậy. Và thế là Kiều đã “một bước lên bà”. Và thế là ơn trả oán đền cho bõ bao phen tủi nhục mà nàng phải chịu đựng. Tất cả là nhờ vào những quyết định của Từ Hải. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất ở Từ Hải là ở chỗ, cái đích chót cùng cho sự quyết định của chàng lại chỉ có vậy: làm vui lòng người đẹp, được thả sức xưng hùng xưng bá ở cõi biên thùy. Hết. Nhiều người đã chỉ ra bản chất nông dân khởi nghĩa trong con người Từ Hải, rằng đây không phải hành động mang tính cách mạng gì cả, nó chỉ đơn giản là một cuộc nổi loạn. Điều đó đúng. Nhưng cần phải nói thêm, đó là cuộc nổi loạn không mang cao vọng đế vương, không đi đến cùng của quyết tâm “được làm vua, thua làm giặc”. Bởi thế mà khi Kiều ngon ngọt rỉ rả khuyên ra hàng triều đình thì “thế công Từ mới trở ra thế hàng”. Bởi thế mà Truyện Kiều mới có một cái chết kinh thiên động địa:

Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng
Trơ như đá, vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.

Y học hiện đại có thể “chẩn đoán” rằng Từ Hải chết vì đứt mạch máu não hoặc bị nhồi máu cơ tim. Dù sao đi chăng nữa, đó là cái chết vì một quyết định sai lầm mang tính tất yếu. Bản thân tính chất “kỳ” của cái chết này đã giống như một nét sổ đẫm mực vạch trên trang giấy cuộc đời Từ Hải, làm nên dấu ấn của một nhân vật “đậm” trong Truyện Kiều bất hủ.

Ở Từ Hải, những quyết định làm nên nhân vật “đậm”, thì ở Kim Trọng, những dự định làm nên một nhân vật “nhạt”. Kim Trọng không phải là kiểu người hành động, trái lại, chàng chỉ là kiểu người của những chuẩn bị hành động mà thôi. Trong tình yêu, chàng Kim không hề thiếu sự đam mê, nhưng chàng lại không đủ táo bạo để biến đam mê thành hành động cụ thể nhằm đạt tới đích. Vì “phải lòng” Kiều sau lần gặp mặt đầu tiên, chàng đã “tiếp cận” đối tượng bằng cách “lấy điều du học hỏi thuê” ngôi nhà ngay sau nhà họ Vương, đã kiên nhẫn chờ thời cơ suốt hai tháng ròng. Nhưng cũng chỉ đến thế. “Tấc gang nguồn khoá động phong/ Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”. Trận đấu đã đi vào bế tắc. Có thể vì bế tắc mà chàng sẽ nản chí bỏ đi. Cũng có thể chàng sẽ cứ suốt đời chờ đợi như vậy, nếu không có chuyện:

Cách tường phải buổi êm trời
Dưới đào, dường có bóng người thướt tha
Buông cầm, xốc áo vội ra
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh
Lần theo tường gấm dạo quanh
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa

Cơn cớ gì mà chiếc thoa vàng lại nằm ở trên cành đào, nếu như không phải vì Kiều sốt ruột khi thấy anh chàng si tình chẳng biết làm gì khác ngoài chờ và chờ, nên đành phải thò một đầu dây cho chàng nắm lấy? Sau này, như ta sẽ thấy, chàng Kim tỏ ra vô cùng hoạt khẩu và là tác giả của những câu tỏ tình đáng đưa vào giáo khoa thư, nhưng suy cho cùng, người phá vỡ “sinh tử huyền môn quan” không phải là chàng. Đích thực thì Kim là người bị động.

Khi nhà họ Vương gặp họa, Kim Trọng vì về Liêu Dương chịu tang chú nên đã không cứu được người yêu, cái đó có thể đổ tại số trời. Chàng đã vật mình than khóc đau đớn, đã luôn nhớ tới Kiều suốt mười lăm năm sống bên Vân, cái đó có thể ghi nhận một tấm lòng chung tình. Nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở đó. Quyết định cất công đi tìm Kiều là điều mà ta không hề thấy tác giả nói tới ở Kim Trọng. Ngay cả tới khi nghe được tin tức về Kiều từ lại già họ Đô và Thúc Sinh, thì chàng Kim cũng chỉ:

Rắp mong treo ấn từ quan
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha
Dấn mình trong áng can qua
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu
Bóng chim tăm cá biết đâu mà nhìn!

Luôn luôn là dự định, những dự định có thể rất dễ khiến cho lòng người phải cảm động, song nó cứ lơ lửng đó, không chịu tự triển khai, không chịu tự thực hiện, và xu thế của nó là luôn đầu hàng trớc những khó khăn thách thức mà thực tại đặt ra. Bảo rằng đi tìm Thúy Kiều trong một biển người náo loạn là bóng chim tăm cá? Thì cũng đúng. Nhưng khả năng thành công của việc tìm kiếm này và khả năng thành công của việc Từ Hải thực hiện lời hứa đem mười vạn tinh binh trở về đón Kiều, đằng nào khó hơn? Vấn đề là Từ đã làm, còn Kim thì mới chỉ định làm mà thôi…

Và phần nào đó, vì sự trù trừ bất quyết đeo bám cả đời này mà chàng có một cái kết khá... tréo ngoe: có hai vợ, nhưng người mà chàng thực sự yêu thương thì chỉ có thể để chia sẻ những thú vui tinh thần như đánh cờ, uống rượu, thưởng hoa, ngâm thơ; việc sinh con nối dõi thuộc về người còn lại.

Thế chẳng lạ lắm ru?

Phiếm luận về các nhân vật “đậm - nhạt” trong Truyện Kiều, thực ra cũng là nói tới hai loại người cơ bản của đời sống ở mọi nơi mọi lúc. Nhân vật “đậm” là mẫu người ít ra đã có sự ý thức về mình như là một cá nhân đơn trị. Họ dám sống trung thực với suy nghĩ và tình cảm của mình và dám chịu trách nhiệm đến cùng vì điều đó. Họ dám vượt qua những cấm kỵ mà xã hội đặt ra để được là chính mình, và bởi thế, trên nền đời sống bình thường, cuộc đời họ luôn là những bất thường: những cuộc ra đi, những nứt gãy, những vụt loé và vụt tắt, những chuyển tiếp giữa các cực hạn, những chông chênh giữa được và mất... Còn nhân vật “nhạt” thì đó là mẫu người yên ổn với phận vị vốn có của mình, họ ý thức về mình thông qua những bậc thang giá trị mà xã hội đã thừa nhận một cách vững chắc. Những vui hay buồn, tuyệt vọng hay hạnh phúc, hoài bão hay khát vọng của họ không bao giờ vượt quá khuôn khổ quy định. Bởi thế mà đời họ ít biến động, ít xê dịch, nhưng cũng chính vì vậy mà đó là những cuộc đời ít sự gắn bó và niềm say mê với đời. Nói như Nguyễn Tuân, đó là những con người “mờ mờ, nhạt nhạt, xam xám” thuộc về một mẫu số chung tầm thường. Đơn giản, tôi coi mẫu người này là cơm, rất cần nhưng chưa đủ cho cuộc sống. Phần thiếu hụt ấy phải tìm ở mẫu người “đậm”, đó là thứ rượu khiến cho người ta thấy cái gì là sự thăng hoa, sự thú vị trong nếp quen đến nhàm tẻ của tồn tại nhân sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Đậm' và 'nhạt' trong 'Kiều'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO