Danh nho Tinh Thiều: Người thiết kế triều đình Lý Nam Đế

Phùng Văn Khai 14/08/2019 09:16

Khi tham mưu đề xuất để đại binh đánh thẳng sang Hợp Phố, quân sư Tinh Thiều cùng các tướng của Lý Bí đã có sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật quân sự, cách tổ chức hành quân tiến đánh nơi đất giặc, khả năng vượt trội về phương tiện kỹ thuật như voi ngựa, thuyền bè.

Danh nho Tinh Thiều: Người thiết kế triều đình Lý Nam Đế

Lịch sử đã chỉ ra rằng, một cuộc khởi nghĩa thành công không chỉ ở các tướng soái có sức mạnh trăm người không địch nổi, tay không vật trâu đánh hổ, mà nhất định phải có những người mưu lược hoạch định kế sách tiến thủ lâu dài. Những vị quân sư này, ở cuộc khởi nghĩa nào cũng có. Chỉ có điều, với các triều đại phong kiến xa xưa, nhất là ở các thời điểm lập quốc, các sử gia đương thời và sau này thường ít ghi chép về công lao của các mưu thần, đó cũng là vấn đề hậu sinh phải tường minh. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến danh nho Tinh Thiều - một trong những trụ cột của Lý Bí đã sớm có mặt từ buổi đầu cuộc khởi nghĩa, ba lần tham dự và bày mưu đánh bại giặc Lương, bản thân tử chiến tại cửa thành sông Tô Lịch.

Trước khi hi sinh, năm 544, chính danh nho Tinh Thiều cùng với hai lão tướng Phạm Tu và Triệu Túc đã đạo diễn để Lý Bí lên ngôi xưng là Lý Nam Đế lập nước Vạn Xuân với mong muốn xã tắc của người phương Nam truyền đến muôn đời, đối xứng với các hoàng đế phương Bắc. Ông còn tham mưu để lập ra hai ban Văn -Võ (ông đứng đầu ban Văn với chức Thái sư) với hệ thống quan viên rất quy củ. Lại xin phong cho Triệu Túc làm Thái phó, một trong ba chức quan đứng đầu triều (Thái sư, Thái phó, Thái úy). Đây chứng tỏ là một viễn kiến sâu sắc về công việc triều chính vốn còn khá lạ lẫm với các tù trưởng, quan lại phụ thuộc của Giao Châu lúc đó khi phải xử lý công việc với sự áp đặt của phong kiến phương Bắc.

Đại Việt sử ký toàn thư tuy chép khá sơ sài về triều đại Lý Nam Đế, đặc biệt là các trụ cột triều đình như: Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc… nhưng những chiến công của các trụ cột này đã vang vào chính sử và không thể phai mờ. Ngay như Lương sử cũng đã chép về việc binh tướng của Lý Bí đã sang tận đất Hợp Phố phương Bắc phá tan quân lương của các tướng Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng khiến chúng kinh hãi phải lúng túng mất thời gian dài mới huy động được trở lại binh lực để tiến đánh nước ta. Mưu kế tiên phát chế nhân, vào thẳng đất địch đánh địch, thọc sâu vào sào huyệt giặc trước nay chưa từng có. Đây không chỉ khẳng định sự dũng cảm của các võ tướng mà còn là bản lĩnh thâm hậu của mưu thần.

Sinh thời, danh nho Tinh Thiều từng sang tận kinh đô Kiến Khang của nhà Lương ứng thí. Mặc dầu rất tài giỏi, vượt qua nhiều vòng thi sát hạch chữ nghĩa gắt gao, song xét thân thế của ông, các quan lại triều Lương chỉ cho ông chức Quảng Dương môn lang (chức lính canh cổng thành) khiến Tinh Thiều nổi giận bỏ về Giao Châu. Từ những ngày đó, Tinh Thiều đã hiểu sâu sắc rằng, không bao giờ có lẽ công bằng ở đám quan lại phương Bắc. Lũ này không chỉ mù quáng nhất nhất theo lệnh vua của chúng mà đôi lúc còn bảo hoàng hơn vua. Điều này giải thích tại sao, các triều đại phong kiến phương Bắc luôn luôn nối tiếp nhau sụp đổ chính bởi sự cố chấp, bảo thủ, thiển cận, không chịu sử dụng hiền tài.

Ngược lại với triều chính phương Bắc, ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, Lý Bí - khi ấy còn là Giám quân quận Cửu Đức - đã biết đặt việc chiêu mộ hiền tài là việc sống còn của cuộc khởi nghĩa. Lý Bí không chỉ khoan hòa rộng lượng mà còn có bụng đãi ngộ người hiền, đặt người hiền là cái gốc của nước. Bởi vậy ông mới sớm có được những người tài giỏi như lão tướng Phạm Tu đem quân bản bộ của vùng đất Quang Liệt về theo; lại được tù trưởng đất Chu Diên - hai cha con Triệu Túc, Triệu Quang Phục - đem binh lương thuyền bè vô số đến giúp rập; lại được trạng vật Phùng Thanh Hòa, người nổi tiếng vùng An Hoa Trang đem trai tráng thóc gạo phục vụ dưới cờ. Với sức người sức của theo về như vậy, trí tuệ và cơ mưu của danh nho Tinh Thiều quả như càng được phát tiết và thành tựu.

Khi tham mưu đề xuất để đại binh đánh thẳng sang Hợp Phố, quân sư Tinh Thiều cùng các tướng của Lý Bí đã có sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật quân sự, cách tổ chức hành quân tiến đánh nơi đất giặc, khả năng vượt trội về phương tiện kỹ thuật như voi ngựa, thuyền bè. Nước ta thuở ấy, binh tướng vốn rất giỏi thủy chiến và khả năng đội thủy quân của Lý Bí theo đường sông đường biển tiến đánh bán đảo Hợp Phố chắc chắn đã xảy ra. Đạo quân trên bộ chỉ là kỳ binh mà thôi. Đánh vào đất giặc biết dùng chính binh và kỳ binh chỉ có được ở những quân sư xuất sắc. Danh nho Tinh Thiều là một người như vậy. Ông đã góp phần làm rạng danh lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Vừa mới chiếm được thành Long Biên, lập tức tiến hành đánh phủ đầu quân Lương ở Hợp Phố, bỗng thình lình vua Lâm Ấp phản bội lời ước đem đại binh xuống cướp phá vùng biên viễn Hoan Châu, Ái Châu. Trước tình hình đó, Bộ tham mưu - đặc biệt là quân sư Tinh Thiều - đã đề xuất phương án giao đại quân cho Phạm Tu nam chinh dẹp loạn. Lão tướng Phạm Tu cũng là bậc kỳ tài quân sự bấy giờ. Mặc dầu tuổi gần bảy mươi, song sức vóc và mưu lược của vị lão tướng vẫn khiến quân thù khiếp sợ. Không phụ lòng tin cậy của Lý Bí và quân sư, lão tướng Phạm Tu đã đại thắng, yên ổn dải đất biên cương phía Nam. Chính điều này đã gia tăng thực lực và uy tín của nghĩa quân Lý Bí, làm nền tảng để danh nho Tinh Thiều đề xuất việc thành lập triều đình, dựng ngôi nước, tính kế lâu dài.

Năm 544, tháng Giêng, được sự giúp rập của các trụ cột, Lý Bí lên ngôi xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức. Trong cuộc lên ngôi này, công lớn thiết kế triều chính là danh nho Tinh Thiều. Từng sang tận kinh đô Kiến Khang của nhà Lương, nghiên cứu kỹ hệ thống quan lại, thiết chế triều chính, phẩm phục hàm cấp, Tinh Thiều có một quan điểm chính tắc trong tiến trình dựng nước. Dứt khoát người phương Nam phải làm chủ ngôi vị ở phương Nam. Nhà nước Vạn Xuân với các châu quận trải dài hàng trăm dặm vừa có cương vực lãnh thổ vừa có lòng dân hướng về thì việc cần phải có thiết chế triều chính – một sự tiến bộ vượt bậc lúc bấy giờ. Việc hình thành thiết chế hai ban Văn -Võ với sự đứng đầu của các trọng thần Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc là hết sức xứng đáng. Việc phong hai tướng trẻ có công trong cuộc đánh đuổi giặc Lương là Tả tướng Triệu Quang Phục và Hữu tướng Phùng Thanh Hòa không chỉ là tầm nhìn xa mà còn là sự kế tục hài hòa của các thế hệ trong việc vận hành triều chính. Khi đó, các vị trọng thần bao gồm cả đức vua Lý Nam Đế đều đã luống tuổi, việc chuẩn bị đội ngũ kế cận là hết sức cần thiết. Sau này, các nhà nghiên cứu đều thống nhất: Nếu không sớm phong tước vị cho các tướng trẻ, việc nước việc quân sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Quả đúng như dự liệu, sau này, khi lui binh về động Khuất Lão, trong lúc lâm chung, Lý Nam Đế đã giao toàn bộ binh quyền cho vị tướng trẻ Triệu Quang Phục. Còn Hữu tướng Phùng Thanh Hòa, ông vâng mệnh vua về vùng An Hoa Trang tuyển mộ binh lương chẳng may bạo bệnh mất sớm, đây là một tiếc nuối lớn lao của lịch sử. Với tài đức của Phùng Thanh Hòa, được phong Hữu tướng quân khi mới ngoài 20 tuổi, nếu không mất sớm, chắc chắn ông không phụ ơn vua lộc nước, sẽ có những đóng góp xuất sắc cho công cuộc đánh đuổi giặc Lương, giữ gìn nền độc lập dân tộc mà cha anh đã tốn máu xương để giành lấy.

Khi ổn định triều chính nhà nước Vạn Xuân, Thái sư Tinh Thiều hiểu sâu sắc rằng sẽ phải đối đầu với không chỉ đạo quân hùm sói của phương Bắc mà là cả hệ tư tưởng của chúng chuyên đi đàn áp, áp đặt các thiết chế chính trị với người phương Nam. Chúng ngàn đời chỉ coi các vùng đất An Nam là châu quận của chúng, phải nộp tô thuế cho chúng, phải quỳ lạy vua chúa của chúng. Trong công cuộc tự chủ đầy khó khăn gian khổ, Lý Bí lên ngôi Đế chính là cái tát nảy lửa vào triều đình phong kiến phương Bắc lúc bấy giờ. Xác định việc lập nước Vạn Xuân, xây chùa Trấn Quốc, nối nền quốc thống từ thuở các vua Hùng dựng nước, Lý Nam Đế và các bậc đại thần đã xác định rõ ràng: Phải chiến đấu đến cùng với người phương Bắc. Đây là ý thức dân tộc rất mãnh liệt thể hiện tinh thần quật cường của người phương Nam vốn khao khát tự chủ và độc lập dân tộc. Đây cũng là điểm mấu chốt của mâu thuẫn giữa người phương Bắc và người phương Nam, là nguồn cơn của các cuộc chiến tranh trước, trong và sau triều đại Lý Nam Đế.

Biết trước sự thể như vậy, Thái sư Tinh Thiều một lòng một dạ đem hết trí tuệ và niềm tin của mình tham mưu giúp vua giúp nước. Dã tâm của Lương Vũ Đế, dã tâm của Dương Phiêu, đặc biệt là Trần Bá Tiên là sẵn sàng đánh đổi tất cả để cướp nước người, áp đặt sự đô hộ phi lý, tàn sát các dân tộc khác, những tội danh kim cổ bất dung. Khi đại binh của gian hùng Trần Bá Tiên sang đánh nước ta, không quản thân mình là quan văn, Thái sư Tinh Thiều luôn có mặt ở đầu chiến tuyến và đã hi sinh lẫm liệt ở cửa thành sông Tô Lịch cùng các lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc. Tấm gương hi sinh vì đất nước đó còn tỏa rạng khí phách của bậc danh nho tới hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Danh nho Tinh Thiều: Người thiết kế triều đình Lý Nam Đế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO