Đấu tranh chống tham nhũng: Làm sao cho mạnh mẽ, hiệu quả?

Hoàng Mai 24/09/2019 14:38

Chính từ thực tế ấy, lâu nay, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí. Và xây dựng Đảng, đẩy mạnh giáo dục cán bộ, đảng viên luôn được song hành cùng với chống tham nhũng, lãng phí. Nhưng, nhìn vào kết quả công tác phòng chống tham nhũng, không khó để nhận thấy: tuy rằng đã có chuyển biến nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Đấu tranh chống tham nhũng: Làm sao cho mạnh mẽ, hiệu quả?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chủ trì cuộc họp. (Ảnh TTXVN).

1. Ngày 6/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban, cho ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị và các dự thảo Báo cáo khác. Điều đáng lưu ý là trong phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Báo cáo Chính trị phải là một văn kiện có tính tổng kết thực tiễn cao, không chỉ đánh giá 5 năm mà phải nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, bám sát các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đã nêu và đối chiếu với Cương lĩnh 2011. “Việc đánh giá phải mang tính tổng kết, xem nhiệm kỳ này dấu ấn nổi bật là gì? Tồn tại, hạn chế là gì? Phải cô đọng, sát thực tế, tập trung vào những nét lớn, không theo lối mòn. Ví dụ: Kinh tế có liên tục tăng trưởng và ổn định không? Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có mạnh mẽ, hiệu quả có rõ rệt không? Tại sao lòng dân ủng hộ như thế? Cả hệ thống chính trị vào cuộc có đồng bộ, nhịp nhàng không? Công tác quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia nhiệm kỳ này có tốt không? Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế có tốt không? Chúng ta đã sánh vai cùng bạn bè năm châu như mong ước của Bác Hồ kính yêu hay chưa? Nhìn lại nhiệm kỳ này, đoàn kết thống nhất nội bộ rất tốt, lòng dân tin tưởng” -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Nhấn mạnh đến nội dung về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu câu hỏi: Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng Đảng có mạnh mẽ, hiệu quả có rõ rệt không?
Đây là điều mà nhân dân thật sự cũng rất quan tâm và mong muốn được biết. Và, mới đây, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, Báo cáo của Chính phủ về công tác này trong năm 2019 có nói rõ: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã thụ lý điều tra 10 vụ, 50 bị can; trong đó khởi tố mới 2 vụ, 24 bị can; án cũ chuyển sang 8 vụ, 26 bị can (tài sản thiệt hại 29,3 tỷ đồng, tài sản thu hồi 20,86 tỷ đồng); kết luận điều tra 8 vụ, 46 bị can; hiện đang điều tra 2 vụ, 4 bị can; trong đó, có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được điều tra, xử lý, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo.

Kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được nêu trong Báo cáo của Chính phủ cụ thể như sau: Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng (bằng số vụ và tăng 4,7% số đối tượng so với năm 2018); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (giảm 28,3% số vụ); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ).

Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 420 vụ án, 876 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018); án kỳ trước chuyển sang 206 vụ, 389 bị can (thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069 m2 đất; thu hồi 615.06 tỷ đồng và 11.867 m2 đất; kê biên trên 795 tỷ đồng). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can; tạm đình chỉ điều tra 12 vụ, 31 bị can; đình chỉ điều tra 5 vụ; 4 bị can; xử lý khác (thay đổi tội danh, chuyển vụ án, hủy quyết định khởi tố) 3 vụ, 5 bị can; hiện đang điều tra 183 vụ, 353 bị can.

Đồng thời, cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc khởi tố mới 240 vụ/ 558 bị can về tội tham nhũng (tăng 9 vụ/ 112 bị can), trong đó:

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/ 16 bị can, chiếm 5% tổng số án (giảm 5 vụ/ 6 bị can). Tội phạm chủ yếu tập trung vào các tội: “Tham ô tài sản” 98 vụ/ 117 bị can, chiếm 31,3 % tổng số án; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” 52 vụ/ 194 bị can (chiếm 16,6%); “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” 44 vụ/ 71 bị can (chiếm 14%); “Nhận hối lộ” 16 vụ/ 29 bị can, chiếm 5,1% tổng số án…

Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ với 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 402 bị cáo; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ là 103 bị cáo. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.

2. Nhìn vào số liệu thống kê, có thể thấy công tác phòng chống tham nhũng vẫn đang được đẩy mạnh. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra. Điển hình như: Vụ án Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM - và đồng phạm bị khởi tố điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP HCM; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...”; vụ án Lê Tấn Hùng và đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG); vụ án Đinh Ngọc Hệ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng - về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty cổ phần Licogi 13, 164 Khuất Duy Tiến, Hà Nội; vụ án Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thuộc Tổng Công ty thép Việt Nam - cùng 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 224 và 219 BLHS, xảy ra tại TISCO, gây hậu quả thiệt hại cho TISCO khoảng 827,253 tỷ đồng (là khoản lãi TISCO phải trả do dự án dở dang, chậm tiến độ từ năm 2011 đến nay).

Qua các vụ án, vụ việc có thể thấy, rõ ràng đã có sự câu kết giữa khối công ty của Nhà nước và công ty tư nhân với các cán bộ trong hệ thống, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo của bộ, ngành, địa phương. Nó cho thấy rõ những cú bắt tay “ma thuật” để hóa phép đất vàng, tài sản của Nhà nước vào tay tư nhân.

Không nói đâu xa, trong vụ Mobifone mua AVG, theo như kết luận của cơ quan điều tra, sau khi phi vụ thành công, phía AVG đã lại quả cho các “công bộc của dân” số tiền lên tới 6,2 triệu đô la - một số tiền mà bất cứ một nhà khoa học, trí thức giỏi, chân chính nào cống hiến suốt đời có lẽ cũng khó nhận được số thù lao khủng đến thế.

3. Chính từ thực tế ấy, lâu nay, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí. Và xây dựng Đảng, đẩy mạnh giáo dục cán bộ, đảng viên luôn được song hành cùng với chống tham nhũng, lãng phí. Nhưng, nhìn vào kết quả công tác phòng chống tham nhũng, không khó để nhận thấy: tuy rằng đã có chuyển biến nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Điều này sẽ đặt ra trách nhiệm nặng nề của những năm cuối nhiệm kỳ khóa XII và khóa XIII: Phải đồng thời kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí gắn với công tác xây dựng Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu tranh chống tham nhũng: Làm sao cho mạnh mẽ, hiệu quả?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO