Dậy sóng trước ngày đi

Khánh Vy 06/09/2017 09:10

Ngay trong ngày đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) làm lễ xuất quân tham dự Sea Games 29, đường đua xanh đã “dậy sóng” khiến dư luận nổ ra những tranh cãi trong việc thi đấu nội bộ tuyển chọn Vận động viên (VĐV) ở cự ly 1500 m. Những tuyên bố của người trong cuộc, những tranh cãi từ dư luận liên tiếp đến khiến tinh thần của các VĐV không ít bị ảnh hưởng trước thềm sân chơi lớn.


VĐV Lâm Quang Nhật.

Có công bằng?

Giới thể thao trong nước nói chung và bơi lội nói riêng đang nóng lên bởi cuộc chiến ở đội tuyển bơi lội, hay nói đúng hơn là nội dung 1500 m nam giữa 3 tay bơi Lâm Quang Nhật, Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Kim Sơn. Mọi chuyện trở nên nóng bởi chỉ ngay sát ngày đoàn TTVN lên đường dự Sea Games 29 thì ban huấn luyện (BHL) đội tuyển bơi Việt Nam đã lấy lý do tạo sự cạnh tranh công bằng và hướng đến huy chương nên đề xuất tổ chức thi “tay 3” để chọn 2 VĐV có thành tích tốt nhất và đã khiến những tranh cãi, lùm xùm xảy ra...

Sở dĩ có cuộc kiểm tra là bởi ở nội dung này, Việt Nam đang sở hữu 3 tay bơi rất mạnh là Lê Quang Nhật, Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Kim Sơn ở nội dung 1500m. Trong đó, Quang Nhật là người từng 2 lần liên tiếp giành HCV SEA Games 27 và 28, đồng thời thành tích 15’31”03 của anh đang là kỷ lục SEA Games. Riêng Huy Hoàng là người mới “lật đổ” Quang Nhật ở nội dung này tại giải bơi VĐQG 2016 để đoạt HCV và thành tích 15’30”11 của Huy Hoàng đã phá kỷ lục SEA Games lẫn KLQG mà tay bơi đàn anh đang nắm giữ. Còn tay bơi trẻ Kim Sơn mới đây đã khiến giới chuyên môn bất ngờ khi về đích nội dung 1500m tại giải vô địch thế giới sau 15’29”90, thông số này đã phá KLQG của người đồng đội Huy Hoàng. Do điều lệ thi đấu SEA Games chỉ cho đăng ký mỗi nội dung 2 tuyển thủ của mỗi nước, khiến BHL nảy ra việc chọn lựa ra gương mặt tốt nhất để tranh vàng ở đại hội tới.

Vấn đề là 2 cái tên là Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng đều là những VĐV được đầu tư trọng điểm trong suốt thời gian qua để hướng đến thành tích huy chương và được đoàn TTVN đăng ký vào danh sách sơ bộ tại nội dung 1500m. Trong khi đó, Kim Sơn mới chỉ gây bất ngờ đạt thành tích cao ở giải vô địch thế giới diễn ra tại Hungary vào cuối tháng 7. Bởi vậy, nên việc bổ sung Kim Sơn và phương án thi đấu “tay bo” để lựa chọn 2 trong 3 VĐV được đưa ra, dẫn đến những tranh cãi và việc Quang Nhật từ chối thi đấu, chấp nhận không tham dự SEA Games do thấy vô lý, không công bằng.

Việc được tính toán điểm rơi phong độ cho Sea Games nhưng giờ phải thi đấu giành vé khiến những VĐV như Lâm Quang Nhật không thể bằng lòng. Tất nhiên, ngay sau khi nhận thông tin phải đấu nội bộ, Lâm Quang Nhật đã lập tức phản ứng quyết liệt và không tham dự cuộc kiểm tra này. Lý do bởi Quang Nhật vừa trở lại Việt Nam sau 1 tháng luyện tập nặng ở Trung Quốc hồi đầu tháng 8 nên cần có thời gian phục hồi và điều chỉnh phong độ. Hơn nữa, điểm rơi của VĐV này được điều chỉnh vào SEA Games, chứ không phải là cuộc tranh tài nội bộ kiểu “phát sinh” như vậy. “Tôi vừa trở về sau chuyến tập huấn tại Côn Minh (Trung Quốc) và đang có tâm trạng hứng khởi vì quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29, nơi tôi đề cao quyết tâm giành HC vàng thứ ba liên tiếp, diễn ra rất tích cực. Chính vì vậy, khi nhận được yêu cầu thi đấu nội bộ vào thời điểm cận kề SEA Games, tôi cảm thấy bất ngờ”, Lâm Quang nhật chia sẻ.

Đến đúng giai đoạn quan trọng nhất phải thi đấu nội bộ để xem mình có được đi Sea Games hay không quả là điều khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi liệu công bằng hay bất công với VĐV? Nhiều người cũng cảm thấy thiếu thuyết phục bởi theo họ thành tích “ngoài kế hoạch” của Kim Sơn liệu có xứng đáng để từ đó coi đây là cột mốc bắt buộc để so sánh, thậm chí là kể cả vì mục tiêu thành tích ở SEA Games? Đó là những lo lắng hoàn toàn hợp lý bởi việc thay đổi, lựa chọn VĐV sau một quá trình dài chuẩn bị và diễn ra ngay trước giải đấu sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Việc phải “quyết đấu” với nhau để giành vé sẽ gây nên xáo trộn và mất đoàn kết trong thành phần nội bộ ĐTQG. Cùng với đó, cả quá trình ăn tập dài hạn, bài bản với điểm rơi phong độ được dồn cả vào lúc thi đấu chính thức chứ không phải trước giải sẽ khiến các HLV, VĐV sẽ không tập luyện tạo điểm rơi cho giải chính mà sẽ tập luyện tạo điểm rơi vào trước giải để “giành vé”. Như vậy, thành tích tại của toàn đội tại giải đấu chính thức chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời nó cũng tạo tiền lệ xấu khi một VĐV có thành tích đột xuất vào giờ chót sẽ được ưu tiên và nhất là sẽ tạo sự lãng phí cho công tác chuẩn bị của HLV, của VĐV và của cả địa phương khi đã có kế hoạch chuẩn bị trong suốt thời gian dài.

Đứng dưới góc nhìn từ nhiều HLV cũng như của nhiều VĐV đỉnh cao thì đều cho rằng bản lĩnh khi ra thi đấu để giữ được thành tích như khi tập luyện không phải là điều đơn giản. Theo đó, có nhiều trường hợp khi thi đấu kiểm tra cho những kết quả tốt nhưng khi họ được cho ra một sân đấu lớn thật sự thì tâm lý thi đấu lại hoàn toàn khác và nhiều trường hợp “bị ngợp” đã tự đánh mất mình. Cùng với đó, chỉ có những HLV luôn theo sát VĐV mới là những người nắm rõ nhất năng lực của VĐV và có thể đưa ra những ý kiến rất quan trọng ở thời điểm này. Chỉ có họ mới thấy rõ nhất quá trình tập luyện cũng như nội tại của từng VĐV để có những đề xuất, những chọn lựa đúng nhất và việc thi đấu kiểm tra nội bộ là điều không phải sẽ đưa kết quả hoàn toàn chính xác như mọi người nghĩ.

Sóng đã tạm yên

Thực tế việc thi đấu kiểm tra thành tích nội bộ trước thềm những giải đấu ở các đội tuyển thể thao là chuyện rất bình thường, thậm chí là tuyển chọn để lấy ra những gương mặt tốt nhất để thi đấu một nội dung nào đó, nhằm có thể mang về kết quả tốt nhất cũng là chuyện thường xuyên diễn ra của các đội tuyển thể thao. Đích thân Phó tổng cục trưởng TCTT và là trưởng đoàn TTVN tại Sea Games 29 Nguyễn Đức Phấn đã cho biết “thi đấu để tuyển chọn VĐV là điều bất khả kháng. Chúng ta luôn mong VĐV của mình được thi đấu theo đúng sở trường, phong độ và nội dung của họ”.

Ngay cả chính Lâm Quang Nhật cũng cho rằng “Việc kiểm tra nội bộ là bình thường ở Việt Nam cũng như thế giới. Nhưng sự việc diễn ra trước thềm SEA Games chỉ 10 ngày và tôi chỉ nhận được thông báo trước vài ngày. Đó là điều bất thường. Không HLV hay VĐV nào có thể chuẩn bị. Thi đấu đỉnh cao, không thể nói điều chỉnh một cái là được ngay. Nếu có kế hoạch đấu nội bộ cần được thông báo trước sáu tháng đến một năm để các đội tính điểm rơi phong độ. Khi đó, thi đấu nội bộ cũng không sao”.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng việc kiểm tra là cần thiết nhưng không nên tổ chức vội vàng, không có kế hoạch gì, gây ảnh hưởng đến đến phong độ và tâm lý của VĐV khi mà SEA Games đã cận kề.

Cùng với đó cũng đã nảy sinh những nghi hoặc về chuyện “quân anh, quân tôi” sau sự việc này. Nhiều người đều biết Kim Sơn từng là VĐV của TPHCM nhưng sau vụ kiện cáo ầm ĩ của Phương Trâm với thể thao TPHCM 2 năm về trước nổ ra nên gia đình Kim Sơn cũng đấu tranh quyết liệt đòi ra đi, với lý do là đi du học. Sau khi được tự do, VĐV này đầu quân cho An Giang và nhạy cảm ở chỗ, HLV Đặng Anh Tuấn của An Giang cũng là người trực tiếp huấn luyện Kim Sơn ở ĐTQG. Bởi vậy, việc 3 VĐV được tập luyện, quản lý bởi những chuyên gia khác nhau nên lúc này lại nổ ra việc thi đấu nội bộ khiến không tránh khỏi việc liên tưởng đến đấu đá quyền lợi ở bộ môn này và đó mới thực sự là điều đáng lo cho bộ môn này.

Những tranh cãi lùm xùm quanh vụ việc này cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết khi Lâm Quang Nhật vẫn có tên thi đấu ở nội dung sở trường của mình tại Sea Games 29. Theo đó, sau khi BHL báo cáo và có đề xuất, quyết định cuối cùng được đưa ra và Quang Nhật cùng Huy Hoàng vẫn dự SEA Games 29 như kế hoạch còn kình ngư Kim Sơn sẽ đăng ký nội dung khác.

Tuy nhiên, sau những ý kiến trái chiều liên quan đến đội tuyển bơi, ông Phấn cũng cho biết Đoàn TTVN sẽ có những điều cần rút kinh nghiệm sau vụ việc của bơi lội lần này. Theo đó, Tổng cục cũng như bộ môn cần phải tôn trọng ý kiến chuyên môn, những VĐV trọng điểm phải tính toán rất kỹ trước khi có bất cứ quyết định gì liên quan đến họ. Và đặc biệt cần rút kinh nghiệm trong việc đưa ra những định lượng cụ thể trong việc tuyển chọn VĐV đi tham dự các kì tranh tài thể thao để sau này không có VĐV rơi vào tình cảnh trớ trêu như trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dậy sóng trước ngày đi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO