Để có một đời sống không đóng hộp

Hoài Nam 06/08/2019 09:34

“Phải biết mình là ai chứ” - câu này xuất hiện trong hoàn cảnh nào, từ bao giờ không rõ, nhưng nó đã trở thành một khẩu ngữ rất phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Để có một đời sống không đóng hộp

Câu khẩu ngữ đẫm vị bỡn cợt này nêu ra chính xác một yêu cầu về nhận thức/ tự nhận thức, một yêu cầu về ứng xử đầy khôn ngoan. Biết mình là ai, người ta có thể đạt thành công tối đa với một mức đầu tư tối thiểu, hoặc ít ra, tránh được những tổn thất không đáng có. Không biết mình là ai, khỏi phải nói, hàng loạt chuyện rắc rối có thể xảy đến.

Chẳng phải đến bây giờ cái yêu cầu “phải biết mình là ai” mới được đặt ra. Từ xa xưa, trong “Đạo đức kinh” của người Trung Hoa đã có câu: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh” (Kẻ biết người được gọi là trí, kẻ tự biết mình được gọi là minh). Binh pháp (cũng của người Trung Hoa nốt) có thêm câu: “Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng” (Biết người biết ta trăm trận trăm thắng). Yêu cầu là như vậy, nhưng thực hiện được yêu cầu đến đâu lại là một chuyện khác. Vì cả trăm ngàn nguyên nhân khác nhau mà chủ thể của hành vi nhận thức/ tự nhận thức - đó có thể là một cá nhân, một nhóm xã hội, một tổ chức hội đoàn, hoặc thậm chí một cộng đồng quốc gia dân tộc - đôi khi (nếu không muốn nói là rất thường khi) không biết mình là ai. Ngày xưa, các bậc khai quốc công thần, sau khi đã giúp rập hoàng đế lên ngôi, thường ông nào chạy thì sống, ông nào ở lại thì chết vì quá tin vào tấm lòng đồng cam cộng khổ cũng như sự trân trọng tình nghĩa huynh đệ của đấng con trời...

Chuyện xưa là vậy, chuyện nay thế nào? Thì đấy, trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cách đây vài năm, có mấy vị đạo diễn ở Đài truyền hình kia cũng lăm le chộp lấy cái vinh dự này làm đồ trang sức, nên mới đưa vào hồ sơ cả một mớ phim tài liệu được giải của Liên hoan truyền hình toàn quốc, gửi đi. Các vị quên mất rằng, về bản chất, đó là tác phẩm báo chí chứ không phải tác phẩm nghệ thuật, rằng các vị là nhà báo chứ không phải nghệ sĩ, nhà báo về mảng văn nghệ thì cũng vẫn là nhà báo mà thôi. Thế nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự không biết mình là ai.

Ví dụ về chuyện không biết mình là ai ở cấp ngoài/ vượt qua cá nhân thì càng nhiều, nhưng chỉ xin được nói hai chuyện. Thứ nhất, hãy thử nhìn một lượt các tổ chức hội đoàn, các cơ quan ban sở thuộc đủ các ngành: ở đâu cũng thấy đơn vị thi đua, ở đâu cũng là tiên tiến xuất sắc (đến mức người ta phải tự nhủ rằng anh nào không được mấy cái danh hiệu này chắc phải thuộc hàng thú quý hiếm có tên trong sách đỏ). Nếu tình hình tốt đẹp thế, vậy hà cớ gì báo chí hàng ngày cứ khủng bố người đọc bằng cách trưng ra hàng lô collection các thua lỗ, yếu kém, sai sót, vi phạm, thảm họa, v.v... trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học, thể thao, văn hóa nghệ thuật...? Báo chí “tố điêu” chăng, hay là các cơ quan nọ, do không biết mình là ai nên đã liều mình như chẳng có, bằng mọi giá xin cho mình những danh hiệu tiên tiến xuất sắc kia? Thứ hai, hãy nhìn vào một đất nước có xuất phát điểm là một nền sản xuất cực kỳ lạc hậu thấp kém, sau hàng vài chục năm mới đạt ngưỡng GDP là 1.000 USD/ người/ năm, thế mà nhà trường vẫn ra rả dạy trẻ con rằng “đất nước ta rừng vàng biển bạc”, thì chẳng là không biết mình là ai đó sao? Điều nguy hại của sự không biết mình là ai này, về sau thế nào không nói trước được, nhưng nhãn tiền đã có thể thấy ngay một hiện tượng mà các quốc gia phát triển nhất trên thế giới hiện nay không anh nào dám chơi: sẵn rừng ấy biển ấy và đủ các tài nguyên khác, cứ việc xắn ra hút lên mà bán cho nước ngoài theo kiểu nguyên liệu thô, lúc nào tài nguyên cạn kiệt sẽ tính tiếp!

Biết mình là ai, không bàn cãi gì nữa, đó là một năng lực chỉ có ở những đầu óc sắc bén, tỉnh táo, không rơi vào mê lú, không bị huyễn hoặc hoặc tự huyễn. Biết mình là ai cũng tức là biết người khác là ai (cái này làm tiền đề cho cái kia, hãy nhớ tới một ý của K. Marx khi ông nói nhìn vào người khác như nhìn vào tấm gương để nhận ra chính mình). Cổ sử Việt Nam, tốt lành thay, đầy rẫy những tấm gương biết mình là ai rất sáng giá, rất đáng cho kẻ hậu sinh phải học tập. Lê Thái Tổ là một ví dụ. Ngay sau cuộc kháng Minh và trước khi xuống tay với những đệ nhất công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo... - ông đã “chỉ đạo” Nguyễn Trãi thảo ra hai bản văn cực kỳ quan trọng: “Bình Ngô đại cáo” và “Biểu cầu phong”. “Bình Ngô đại cáo” - áng thiên cổ hùng văn của nước Nam - trên một phương diện nào đó, là bản luận tội quân xâm lược nhà Minh thật đanh thép. Và, người “đứng tên” trong bài cáo (Lê Thái Tổ) coi các tướng Minh như Trần Trí, Sơn Thọ, Lý An, Phương Chính, Liễu Thăng, Mộc Thạch, Vương Thông v.v... đến hoàng đế Tuyên Tông nhà Minh cũng “không là cái đinh gì”: “Thằng nhãi con Tuyên Đức”. Thế nhưng, trong “Biểu cầu phong” dâng lên “thằng nhãi con” ấy thì lời lẽ lại nhu: “Cúi nghĩ hoàng đế bệ hạ là bậc thánh thần văn võ, trí tuệ thông minh, đức hiếu sinh đây đó thấm đều, lòng nhất thị xa gần không khác”... Giọng điệu của bài biểu là giọng điệu nhận tội và năn nỉ xin tha tội: “...tất xá cho thần tội lỗi như núi gò, tất tha cho thần hình phạt bằng phủ việt, để cho thần được giữ đất cõi Nam, nộp cống cửa khuyết. Như thế thì không những là may mắn cho một mình thần, mà cả nước thần, không ai là không vui mừng nhảy nhót, cảm đội nhân đức của bệ hạ”... (Phan Huy Chú. “Lịch triều hiến chương loại chí”, bản dịch của Viện Sử học. NXB Giáo Dục, 2008. Tập II, trang 544). Không có gì khó hiểu trong chuyện này cả! “Bình Ngô đại cáo” là ta viết cho ta, tất phải đanh thép hào sảng cho nức lòng dân lính cả nước. “Biểu cầu phong” là ta viết cho địch, tất phải nhún mình khép nép để xoa dịu nỗi đau thua trận của một đế quốc thực ra mạnh hơn ta gấp trăm lần. Biết ứng phó một cách mềm dẻo hợp lý, Lê Thái Tổ đã tạo những tiền đề quan trọng để kể từ năm Đinh Mùi 1427, nước ta có tới hơn 350 năm không xảy ra can qua với ông láng giềng phương Bắc đầy tham vọng bá quyền (xin lưu ý: đây là khoảng thời gian hòa bình kỷ lục trong lịch sử Việt Nam).

Hoàng đế Gia Long của nhà Nguyễn là một ví dụ khác. Ai cũng biết ông vua này đã phải khổ sở điêu đứng đến thế nào trong thời gian đầu của cuộc chiến với Tây Sơn. Quân đội của ông mạnh dần lên, quân bình được, rồi chiếm ưu thắng trước quân đội Tây Sơn là nhờ vào rất nhiều nguồn lực, trong đó không thể không kể đến sự giúp sức của những người châu Âu, mà giáo sĩ thừa sai - Cha Cả Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) là người có công lớn nhất. Quan hệ giữa Gia Long và Pigneau không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhưng ở thời điểm nào thì ông vua Việt Nam cũng cho thấy ông rất biết mình là ai và mình cần phải làm gì với vị cố đạo Tây dương mắt xanh mũi lõ làm cầu nối Gia Long với phương Tây để mua tàu thuyền, vũ khí, tuyển mộ các cố vấn quân sự, thậm chí xin cầu viện quân đội Pháp (riêng kế hoạch này không thành). Bởi thế mà Pigneau rất được trọng thị (Gia Long từng dặn Hoàng tử Cảnh: “Thầy còn là bậc trên cả ta là cha của con”), việc truyền đức tin Thiên Chúa của ông ta cũng vô cùng thuận lợi. Thế nhưng, Hiệp ước Versailles mà Pigneau đại diện Gia Long ký với chính phủ Pháp chỉ có giá trị của một tờ giấy lộn. Khi đã biết quá rõ rằng sức mạnh thực sự của mình nằm ở sự giúp rập của đám văn thần võ tướng da vàng (người Việt, người Chăm, người Kh’me, người Minh Hương), Gia Long đòi xem xét lại vấn đề tự do truyền đạo với Pigneau, thậm chí còn bắt một viên quan theo đạo Thiên Chúa phải lạy bàn thờ các tiên vương với một câu hăm dọa “Ngươi có muốn ta gửi ngươi sang Xiêm cho Phật vương bắt lạy Phật không?”. Hài hước nhất là chuyện xảy ra khi Pigneau qua đời (1799). Để thể hiện sự tiếc thương, triều đình Gia Định đã tổ chức một tang lễ thật trọng thể, nhưng không phải kiểu tang lễ cho một giáo sĩ Thiên Chúa. “Với những trống và kèn, quân nhạc Việt Nam và Campuchia, pháo hoa và pháo thăng thiên của đoàn hộ tống gồm 12.000 quân và 120 voi đưa Bi Nhu quận công về nơi yên nghỉ cuối cùng, với những cỗ tam sinh và rượu thịt ê hề đưa lên cúng Thái tử Thái phó, triều đình Gia Định quả đã giáng một đòn nặng vào nghi lễ Thiên Chúa giáo. Không lạ gì mà sau khi làm lễ cầu hồn và hạ huyệt xong, các giáo sỹ đều lập tức rút lui với một tâm trạng buồn rầu mà bất lực” (Cao Tự Thanh. “Nho giáo ở Gia Định”, Cty Saigon Media và NXB Văn hóa Sài Gòn, trang 121). Không hề có chuyện Gia Long nhầm lẫn: trong con mắt Gia Long, Pigneau là một “kẻ sĩ” nước ngoài đã tự nguyện làm bề tôi và có công với bản triều, và chỉ vậy thôi, ở đây không tồn tại một Pigneau - chính khách Thiên Chúa giáo.

“Phải biết mình là ai chứ”. Nói thì dễ, nhưng làm được thì không dễ chút nào. Mặt khác, nói gì thì nói, đến một lúc nào đó, khi trong đời sống người ta sẽ không còn chế giễu hoặc nhắc nhở nhau rằng “phải biết mình là ai chứ”, chắc hẳn đó sẽ là một thứ đời sống đóng hộp mất rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để có một đời sống không đóng hộp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO