Đề tài và chủ đề tác phẩm văn chương

Đinh Quang Tốn 29/12/2017 11:00

Đề tài không mới thì suy nghĩ và tình cảm phải mới. Mà muốn có suy nghĩ và tình cảm mới thì trước hết phải chân thật. Cái thật của mọi người sẽ không ai giống ai, do vậy nó đơm thành những hoa trái khác nhau. Sự giả dối hay làm xiếc ở đây tất sẽ cho những hoa trái dị dạng.

Đề tài và chủ đề tác phẩm văn chương

(Minh họa: J.W).

1. Không có đề tài cũ

Đề tài chỉ là phạm vi sự vật, khung cảnh mà từ đó nhà thơ nhà văn tạo dựng nên tác phẩm để thể hiện suy nghĩ và tình cảm của mình. Cùng một đề tài nhiều nhà thơ nhà văn hết thế hệ này đến thế hệ khác khai thác mà không cạn, không cũ. Cũ hay mới là ở suy nghĩ, ở tâm hồn của người sáng tạo. Người có tài là biết làm mới đề tài, nhìn sự vật bằng cách riêng của mình, nên sự vật hiện tượng hiện lên khác hẳn với nó vốn có và đã có trước đó.

Ví dụ, trăng là đề tài của các thi sĩ từ xưa và sẽ là đề tài của thi sĩ muôn đời. Trăng của Lý Bạch là Hoa gian nhất hồ tửu/ Độc chước vô tương thân/ Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân (Vườn hoa một bình rượu – Mình ta không người thân – Nâng cốc mời trăng sáng – Với bóng thành ba người). Đúng là cảnh dưới trăng độc đáo của thi tiên. Mấy trăm năm sau, thi nhân tiêu biểu của đời Tống là Tô Đông Pha trong một bài phú, trăng lại hiện lên hoàn toàn khác, không đơn độc lạnh lẽo mà tràn trề sông núi: ở đời, vật nào có chủ ấy chiếm giữ. Chỉ có ngọn gió mát trên sông và ánh trăng sáng đầu núi là của kho vô tận, lấy không ai cầm, dùng không bao giờ cạn. Đó là thú vui muôn đời của bác và của tôi. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều vầng trăng khác nhau trong thơ. Khi Người ở trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Khi Người ở chiến khu Việt Bắc, thì trăng viên mãn tràn đầy của đêm khuya giữa núi rừng tự do: Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa và Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. Trăng của thi sĩ Tố Hữu trong đêm hòa bình ở Hà Nội thì đẹp như mặt ngọc của người: Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư/ Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người...

Đấy là chỉ nói về trăng thôi, chứ đề tài nào cũng thế. Chùa Hương có cả một tập thơ của các thi sĩ. Yên Tử thì có người đã xuất bản hẳn một tập thơ dày đến mấy trăm bài. Đề tài tình yêu thì các thi sĩ cổ kim Đông Tây đều không ngớt thể hiện và để lại rất nhiều bài thơ nổi tiếng. Họ vừa là tình nhân vừa là thi nhân: Aragông (Pháp), Nêruđa (Chi Lê), A.Puskin (Nga), Baicơn (Anh), Xuân Diệu (Việt Nam)... Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng từ cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972-1973 với chùm thơ của người lính trẻ ngọt ngào và rung động trước con đường ra mặt trận. Cái gì cũng đẹp, cái gì cũng lạ bởi một tâm hồn lạc quan yêu đời với những tiếng nhạc la, tiếng ve kim. Mấy chục năm sau, anh lại viết về tình yêu với một tứ thơ lạ Chờ đợi mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới qua rồi, câu thơ đầy bâng khuâng, xao xuyến và nhung nhớ!
Thế là, dưới con mắt của các thi sĩ thì chẳng có sự vật, sự việc nào cũ cả. Nên các nhà thơ nhà văn đừng sợ mình là người đi sau.

Đi sau vẫn còn chỗ. Chỗ là do các nhà thơ nhà văn tự tìm, tự xếp. Lâu đài văn chương rộng vô cùng, không bao giờ chật, luôn luôn mở rộng cửa đón chào. Có điều, ở đấy đều là thứ hàng chưa ai có, với sắc đẹp hương thơm được mọi người tôn thờ. Chứ những thứ ba lăng nhăng ở chợ trời thì làm sao mà vào được.
Đề tài không mới thì suy nghĩ và tình cảm phải mới. Mà muốn có suy nghĩ và tình cảm mới thì trước hết phải chân thật. Cái thật của mọi người sẽ không ai giống ai, do vậy nó đơm thành những hoa trái khác nhau. Sự giả dối hay làm xiếc ở đây tất sẽ cho những hoa trái dị dạng. Dẫu mọi người cứ xúm vào tung hô là hoa trái lạ, nhưng dưới ánh mặt trời thì nó sẽ hiện nguyên hình méo mó và khuyết tật. Với ánh sáng mặt trời thì có gì mà giấu được, chứ có phải lờ mờ dưới ánh huỳnh quang hay ánh sáng ma chơi đâu.

2. Chủ đề và giá trị văn chương

Đến nay, vấn đề chủ đề của tác phẩm và giá trị văn chương của tác phẩm đó đã được thống nhất, là nó có rất ít tác động. Trong lịch sử văn chương dân tộc, những chủ đề lớn như chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa nhân đạo đã tạo nên những kiệt tác văn chương như: Những thiên cổ hùng văn thời Lý -Trần - Lê, hay Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều… thì giá trị của những tác phẩm này được dệt nên bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn tầm cao tư tưởng, độ sâu sắc tình cảm và vẻ đẹp nghệ thuật là chính. Chủ đề chỉ có tính chất hỗ trợ. Thực ra ngay trong những chủ đề lớn này cũng đã có nhiều tác phẩm chết yểu. Có thể chết yểu về sự non nớt của tính tư tưởng, có thể chết yểu vì độ nông cạn, sự nhợt nhạt tình cảm; nhiều nhất là chết yểu bởi độ chưa chín về nghệ thuật.

Tiến sĩ Henry Kítxingiơ, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, người chịu trách nhiệm chính về việc đàm phán của phía Mỹ để ký hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh Việt Nam năm 1973, thăm bảo tàng lịch sử Việt Nam, khi đọc bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, đã nói: “Đây là điều 1, chương I của Hiệp định Pari”… Tức là khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Thì không có nghĩa là toàn bộ giá trị của bài thơ “Thần” chỉ ở tầm tư tưởng. Mà độ sâu của chủ nghĩa yêu nước, giá trị nghệ thuật cao của thể thơ tứ tuyệt đã dệt nên thiên cổ hùng văn này. “Những bài thơ đánh giặc” của Chế lan Viên thời kỳ chống Mỹ cứu nước, không chỉ có giá trị về tư tưởng, tình cảm của tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, mà còn bởi hình tượng nghệ thuật đẹp, mới lạ: “Thời đại mới rồi Đinh Bộ Lĩnh ơi/ Không thể đuổi giặc bằng cờ lau được/ Cũng không thể như cha ông xưa cắm cọc Bạch Đằng/ Những kẻ cướp, tay trăm lần vấy máu/ Lại nhẹ nhàng đổ bộ lên trăng”.

Chinh phụ ngâm là một tác phẩm lạ lùng trong lịch sử văn chương Việt Nam. Một dân tộc có lịch sử bốn nghìn năm truyền thống hào hùng đánh giặc giữ nước, lại chấp nhận “một bài ca phản chiến” như là một kiệt tác viết về chiến tranh (tất nhiên, là viết về những cuộc chiến tranh phi nghĩa khác) mới thấy tầm vóc của con người Việt Nam lớn chừng nào! Nhưng để dân tộc chấp nhận điều ấy, thì phải thấy do nghệ thuật cao siêu mà tác phẩm đã đạt tới với các câu thơ lung linh như những viên ngọc kỳ lạ: “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi theo/ Chinh phu tử sĩ bao người/ Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”. Tạo được sự rùng rợn khi nghĩ về chiến địa. Hay sự tận cùng của nỗi buồn ly biệt: “Cùng nhìn lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”…

Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tác phẩm lạ lùng. Đấy là những bài thơ có chủ đề vụn vặt, là nỗi buồn ở trong tù: gãi ghẻ, ngồi cầu tiêu, mất gậy, rụng răng… mà lại lay động hồn người. Tất nhiên, nó là sự kết hợp giữa tận cùng thân phận con người và vẻ đẹp nghệ thuật của thơ tứ tuyệt sánh ngang những “Đường thi tuyệt tác” như đánh giá của nhà thơ lớn hiện đại Trung Quốc Quách Mạt Nhược. Thế mới thấy oan cho các bạn trẻ một thời bị phê phán về những nỗi đau buồn vụn vặt trong thơ. Mà thực sự chỉ tại trời không cho họ tài năng để biến những nỗi buồn vụn vặt ấy thành ngọc được.

Như vậy, giá trị của tác phẩm văn chương không mấy phụ thuộc về chủ đề, mà phụ thuộc vào tài năng là chính. Mà tài năng ấy có thể lại sinh ra bất ngờ từ những tư tưởng và tình cảm, mà nhiều người vẫn gọi là những tác phẩm “trời cho”. Nhưng tôi tin không có khi nào “trời cho” một cách vô tình cả. Đó là những cái phi lý nhỏ được sinh ra từ những điều có lý lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề tài và chủ đề tác phẩm văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO