Đẹp vì dâng hiến

Linh Vân 26/12/2019 14:47

Văn hào Pháp Victor Hugo đã nói một câu tuyệt vời về phụ nữ, đại ý rằng, ta thích ngắm những ngôi sao bởi hai lẽ: trước tiên là bởi nó sáng, thứ đến là, nó dường như luôn ở quá tầm nhận thức của ta.

Đẹp vì dâng hiến

Nhưng ở cạnh ta lại là thứ tuyệt diệu, sáng tỏ hơn và cũng huyền bí hơn những vì sao nếu nhìn ở góc độ trên: đó là người phụ nữ. Phải vì thế chăng nên bao nhiêu thi nhân đã làm thơ về phụ nữ? Và rất lạ là, những bài thơ hay nhất về phụ nữ không bao giờ là ca ngợi thuần túy, mà là nói lên được những góc độ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, đến mức "sáng nắng chiều mưa" trong tính cách đàn bà. Nhưng dù muốn thế nào thì một người phụ nữ đích thực với tất cả những gì thiên phú cũng cần lấy sự hy sinh, dâng hiến làm đức hạnh lớn nhất của mình.

Nhìn từ góc độ này, bỗng nhiên tôi lại nhớ tới một bài thơ văn xuôi của nhà thơ cộng sản Litva, Eduardas Mejelaitis (1919 - 1997). Mejelaitis đã trải qua một cuộc sống sôi động và thành đạt dù bây giờ trong bầu không khí chính trị mới ở vùng Pribaltik, tên tuổi của ông dường như đã bị cố tình quên lãng. Thơ ông giàu tính chính trị, nhưng lại rất đậm đà nhân tình thế thái. Đặc biệt, khi viết về phụ nữ, ông đã dựng nên được một cách sinh động những gương mặt khác nhau trong cùng một ý trung nhân và đã liên tưởng tới những bức họa đẹp nhất trong kho tàng hội họa của nhân loại để làm "vật chứng" cho những suy diễn thi ca của mình.

Với Mejelaitis, phụ nữ trước hết là gì? Đây là bức chân dung thứ nhất mà ông nghĩ về người phụ nữ, có liên tưởng tới những bức họa của họa sĩ người Đức Albrecht Durer (1471-1528):

Dưới gốc cây xanh em đứng khỏa thân, chỉ che một chiếc lá nhỏ của các pho tượng cổ, thon thả tựa con cá trắng, những ngón tay dài tuyệt vời xinh xắn như cành cây nâng quả táo hệt một quả cầu nho nhỏ, cuộn dây vàng tròn trặn như thể mời tự nó bện ra sợi chỉ sinh tồn. Hạnh phúc thay chế dựng và sáng tạo! Đầu tiên nó bé tý bé teo giống hạt anh túc, nhưng lại tròn như trái táo. Còn trái táo tựa thế giới mới tròn trặn làm sao! Và tự hạt giống vô cùng nhỏ bé, chỉ bắt đầu cuốn mình thành cuộn, quả cầu bằng trái táo lớn dần lên làm nên thế giới, giống cuộn chỉ trong tay em, vĩ đại như quả địa cầu.

Em đứng vậy trong tranh Durer, trần tục, giản đơn, tội lỗi...

Còn đây là bức chân dung thứ hai, lấy cảm hứng từ danh họa Italia thời Phục Hưng, Santi Raffaello (1483-1520):

Vòm trời xanh sáng tươi rạng rỡ. Giữa mỏng mảnh những sắc mầu sâu thẳm của sự trắng trong không sao phân nghĩa nổi, với đôi mắt biếc bao ước mơ em dừng lại nâng đứa trẻ trên tay để nó có thể nhìn thấu con đường dẫn tới cánh rừng trong màn sương ngời tỏa. Còn trên gương mặt em ngự trị Thanh bình và ân nghĩa, hai người bạn đường của em và của bất kỳ người phụ nữ nào luôn sẵn sàng chịu khổ đau và chờ đợi khi đứa trẻ nói với mình, nói với mình trước hết cái từ sắp được sinh ra. Làm sao người phụ nữ có thể không tự hào với hạt giống nàng đã tạo nên. Mỗi người mẹ trên đời tặng cho thế giới tuổi thơ trong cơn đau đớn của mình giống như mặt trời trong buổi bình minh tặng cho thế giới tia nắng đầu tiên - đứa con thứ nhất của ngày mới trên trái đất. Chỉ những ai có thể đoán biết hạt cát trên tay nặng nhẹ ra sao mới có đủ khả năng cảm nhận trọng lượng hành tinh. Và người mẹ nâng đứa con trên tay đã đỡ trái đất này như vậy. Và chỉ nhờ thế nàng mới hóa thiêng liêng.

Đó là em xuất hiện trong nét vẽ Raffaello, đều tay mang trái đất và hạt giống...

Bức chân dung thứ ba, huyễn hoặc như Mona Liza:

Tự làn môi hé mở nụ cười mát rợi của em trườn tới cùng anh, nụ cười quý báu như tia nắng mặt trời xuyên qua những đám mây dông xuống sưởi ấm trái tim anh, trái tim tựa Trái đất tí hon và trong lòng trái tim dần trở nên ấm áp, những hạt giống bị lãng quên giữa những lo âu vật chất dần phát triển. Tự làn môi em nụ cười quý báu bướng bỉnh lao ra như cánh én tung bay tự cái tổ yên lành dưới mái nhà. Én dang rộng cánh, xông vào cuộc tiễu trừ muỗi tép, xua đi những ý nghĩ nhỏ nhen.

Em tựa Mona Liza, cười chế nhạo những yếu điểm của đàn ông các anh vậy đó...."

Và cuối cùng, bức chân dung mỡ màng mà thanh khiết của tranh Renoir (họa sĩ Pháp, 1841-1919):

Buổi sớm, sau bức màn sa cực kỳ mỏng mảnh của sương mù, anh chợt trông thấy một thần Vệ nữ mới. Bất động và nhợt nhạt, mới đây nàng còn là cẩm thạch nhưng nữ thần giờ đã bị hạ bệ và nàng thực sự trở thành người phụ nữ trong căn phòng xanh nhạt. Lãng quên sự bất động muôn đời, cẩm thạch hóa tấm thân nõn nà dịu mát ngát mùi tử đinh hương trong sớm mùa xuân. Gương mặt trầm ngâm tươi sáng, đôi môi hé nở thành hoa, vồng ngực căng tròn hơi thở, đôi cánh tay dang rộng và sắc tuyết biếc màu băng của thân hình em - anh thèm được so sánh với loài chim trắng trên hồ mang cái tên Thiên Nga, loài chim khoác lên mình màn sương bờ bến của vẻ đẹp siêu phàm, không trần thế và muôn đời cần thiết cho anh.

Em ở trong tranh Renoir - vừa trần thế vừa siêu nhiên đến vậy, với đàn ông các anh là biểu tượng cho những đường nét tuyệt vời...
Hiện lên trong con mắt nhìn của thi sĩ như những hình ảnh khác nhau nhưng người phụ nữ đích thực lại rất nhất quán trong tình cảm của mình: Chung thủy ở thời nào cũng là đức hạnh đáng quý của nàng. Và vì thế, Mejelaitis đã kết thúc bài thơ văn xuôi của mình (mà tôi đã bỏ khá nhiều công dịch ra từ bản tiếng Nga) như sau:

Và em thực sự như thế,cả ở giữa đời, cả ở trong mơ.
Trong những vật khác nhau, em đâu là ai khác.
Em luôn luôn là một.
Nhưng em liên tục đổi thay.
Em thanh cao, siêu nhiên, thiêng liêng, trần tục...

Chỉ như thế anh mới cần mới không thể thiếu em!

Thế là phải, phụ nữ được kính trọng vì có thể rất khác nhau nhưng lại nhất quán, lãng mạn nhưng chung thủy. Có lẽ, chúng ta không cần phải bình thêm câu nào nữa!..

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẹp vì dâng hiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO