Diễn văn tại Đại học Havarrd của Aleksandr Solzhenitsyn 40 năm trước: Hoàng hôn Tây phương

Phan Tuấn 18/07/2018 14:00

Aleksandr Solzhenitsyn (11/12/1908 - 3/8/2008), giải Nobel văn chương năm 1970 được đánh giá như một nhà văn phức tạp trong nhân sinh quan nghệ thuật và những quan điểm chính trị. Là người Nga, từng tham gia chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), có những tác phẩm văn học được đánh giá cao nhưng năm 1974 đã rời bỏ tổ quốc và sang sống lưu vong ở Mỹ.

Tháng 6/1978, Solzhenitsyn đã có một bài phát biểu tại Đại học Harvard với tựa đề “Một thế giới chia rẽ”. Phương Tây lúc đó trông đợi ở ông những trầm trồ về thể chế của mình. Tuy nhiên, những cảm nhận của Solzhenitsyn trong bài phát biểu này đã như một gáo nước lạnh đổ lên đầu họ.

Diễn văn tại Đại học Havarrd của Aleksandr Solzhenitsyn 40 năm trước: Hoàng hôn Tây phương

Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn.

Trong bài viết trên tờ báo điện tử khá phổ biến ở Mỹ American Thinker mới đây, Herbert London, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược London (London Center for Policy Research), cho rằng, ngay từ thời điểm đó, Aleksandr Solzhenitsyn đã nhìn ra được những biểu hiện báo hiệu cho sự suy sụp của xã hội Tây phương mà ngày nay, đang bộc lộ ngày một rõ hơn.

Herbert London viết: “Tháng 6-1978, Aleksandr Solzhenitsyn đã có một bài phát biểu tại Đại học Harvard với tựa đề “Một thế giới chia rẽ”.

Bài phát biểu này nói về sự xuất hiện của “những thế giới khác nhau”, bao gồm cả xã hội phương Tây của chúng ta.

Ở một bên của sự chia rẽ đó là quyền tự do, với dục vọng bất tận theo đuổi quá trình tích tụ hàng hóa vật chất và được đánh giá cao hơn tất cả những thứ khác.

Ở giữa đẳng thức này là con người, không phải chịu sự chi phối của bất cứ một sức mạnh nào. Rốt cuộc là một tình trạng nghèo đói về đạo đức trong những tìm kiếm ý nghĩa…”

BỨC TRANH MẦU XÁM

Sau ba năm sống ở phương Tây, Aleksandr Solzhenisyn đã kịp nhìn ra nhiều điều bất thường trong mô hình mà trước đó có thể ông đã tưởng là hoàn thiện. Và trong bài phát biểu ở Đại học Harvard, ông đã bắt bệnh xã hội phương Tây hiện đại:

Suy sụp lòng can đảm – đó có lẽ là điều nổi bật nhất, dễ nhìn thấy ở phương Tây hiện nay ngay cả đối với cái nhìn ngoài cuộc.

Thế giới Tây phương đã đánh mất lòng can đảm xã hội, ở cấp độ chung và thậm chí ở riêng biệt từng quốc gia, từng chính phủ, từng chính đảng, và chắc chắn là ở cả tổ chức Liên Hiệp Quốc.

"Sự suy sụp lòng can đảm này đặc biệt hiện rõ ràng trong các tầng lớp cầm quyền và trí tuệ chủ đạo và tạo ra cảm giác rằng, toàn bộ xã hội đã đánh mất lòng can đảm.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều cá nhân can đảm, nhưng họ không phải là lực lượng đang dẫn dắt đời sống xã hội.

Các nhà điều hành chính trị và trí tuệ bộc lộ sự suy sụp đó, sự thiếu ý chí, bối rối trong hành động, lời nói, và thậm chí cả trong những lý giải mang tính quỵ lụy về việc, tại sao phương thức hành động, đặt sự hèn nhát và yếm thế vào nền móng chính sách quốc gia, lại thực tế, hữu lý và xứng đáng trên bất kỳ tầm cao trí tuệ và thậm chí cả đạo đức nào.

Sự suy sụp lòng can đảm này, ở đôi chỗ gần như đã đạt đến sự thiếu vắng hoàn toàn khởi nguyên nam tính, lại bất ngờ bộc lộ một cách đặc biệt trớ trêu trong những bùng nổ đột xuất sự táo tợn và không khoan nhượng của chính những nhà điều hành đó, khi họ chống lại các chính phủ yếu, hoặc những nước yếu không được ai hỗ trợ, những xu thế bị lên án mà không thể nào phản kháng được.

Nhưng họ lại cứng họng và buông xuôi khi phải chống lại những chính phủ hùng mạnh, những thế lực đe dọa, những kẻ xâm lược và chống lại Quốc tế khủng bố…”

Và ông đặt câu hỏi: “Liệu có phải đó là một lời nhắc nhở rằng, sự suy sụp của lòng là dấu hiệu đầu tiên dẫn tới kết thúc?”.

Tiếp theo, Solzhenisyn lý giải:

“Khi bắt đầu hình thành các quốc gia phương Tây hiện đại, đã xuất hiện nguyên tắc: chính phủ phải phục vụ con người, và con người sống trên trái đất này là để được có tự do và phấn đấu cho hạnh phúc (hãy đọc Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ chẳng hạn).

Và rốt cuộc thì trong những thập niên gần đây, tiến bộ kỹ thuật và xã hội đã cho phép thực hiện những điều chờ đợi: một nhà nước của phúc lợi toàn dân. Mỗi một công dân đã nhận được sự tự do mong muốn và những sản phẩm có số lượng và chất lượng thừa đủ để về mặt lý thuyết, đảm bảo hạnh phúc cho mình - trong cách hiểu biết giảm tải đã được hình thành trong chính những những thập kỷ đó.

(Chỉ có một chi tiết tâm lý bị bỏ sót: đó là mong muốn thường xuyên được có nhiều hơn và tốt hơn, và cuộc đấu tranh căng thẳng vì việc đó đã in đậm trên nhiều mặt Tây phương bằng sự lo lắng và thậm chí bức bối, dù những biểu hiện đó thường được cố gắng che giấu kỹ càng. Chính cuộc đua tranh sôi động căng thẳng đó đã xâm chiếm toàn bộ ý nghĩ của nhân loại và hoàn toàn không mở ra sự phát triển tinh thần tự do).

Đã tạo ra sự phụ thuộc của con người vào nhiều hình thức áp đặt từ nhà nước, đã đảm bảo cho đại đa số mức độ tiện nghi mà các thế hệ cha ông không thể nào hình dung ra được, đã xuất hiện điều kiện giáo dục lớp trẻ trong những tín điều đó, mời gọi và chuẩn bị họ cho sự phát đạt thể chất, hạnh phúc, sở hữu đồ vật, tiền của, những trò giải trí, một sự tự do hưởng lạc gần như vô tận – và giờ đây làm gì còn ai muốn rời bỏ những thứ đó và sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống quý giá của mình để bảo vệ phúc lợi chung, và đặc biệt trong tình huống sương khói mù khơi là khi cần phải bảo vệ an ninh của dân tộc mình ở một đất nước hiện thời còn là xa xôi?

Ngay cả sinh học cũng biết rõ rằng, thói quen sống cơm no ấm cật không tạo ra ưu thế cho một sinh vật. Bây giờ thì trong đời sống của xã hội Tây phương, sự phát đạt đang che giấu mặt nạ hủy hoại của nó.

Thích ứng với các mục tiêu của mình, xã hội Tây phương đã chọn hình thức tồn tại thuận tiện nhất đối với nó, mà tôi sẽ gọi là hình thức pháp lý.

Ranh giới quyền và cái đúng của con người (rất rộng rãi) được xác định bởi hệ thống các điều luật. Trong trạng thái, chuyển động, vận động pháp lý này, người Tây phương đã thâu nhận được kỹ năng lớn và sức chịu đựng tuyệt vời.

(Tuy nhiên, những điều luật phức tạp đến mức một người bình thường sẽ không thể động chân động tay gì được nếu thiếu sự giúp đỡ của chuyên gia.)

Bất kỳ một cuộc xung đột nào cũng đều được giải quyết theo luật - và đây là hình thức giải quyết cao nhất. Nếu một người đúng đắn về pháp lý, thì không cần tới gì cao hơn nữa.

Từ đó về sau, không ai có thể chỉ ra cho anh ta thấy sự chưa đầy đủ của lẽ phải và buộc phải tự kiềm chế, từ bỏ các quyền của mình, yêu cầu một sự hy sinh nào đấy, một sự mạo hiểm vô tư nào đấy – bởi làm thế sẽ trông rất chi là phi lý.

Không thể nào thấy một sự tự kiềm chế một cách tự nguyện: ai cũng muốn được phần hơn, cho tới khi các khuôn khổ pháp lý bắt đầu rạn vỡ…”

Là một nhà văn, Solzhenisyn đã khẳng định:

“… Rất tệ hại là một xã hội không có những cái cân pháp lý không thiên vị. Nhưng một xã hội mà không có cái cân gì khác ngoài cái cân pháp lý thì cũng không xứng đáng với con người.

Một xã hội chỉ dựa trên cơ sở của luật pháp mà không cao hơn nó, thì cũng khó sử dụng được tầm cao những năng lực của con người.

Luật pháp quá lạnh lẽo và hình thức để có thể tác động tới xã hội một cách đắc lợi. Khi toàn bộ cuộc sống tràn ngập bởi các quan hệ pháp lý, - thì sẽ xuất hiện một bầu không khí của sự tầm thường tâm cảm, làm chết đi những hưng phấn tốt nhất của con người.

Trước các thử thách của cùng một thế kỷ đầy tính đe dọa, sẽ không thể nào trụ lại được chỉ bằng những công cụ pháp lý…”

Theo Solzhenisyn, tự do là một khái niệm cao cả và hay ho, nhưng không thể có điều tốt đẹp từ một tâm thế tự do vô nguyên tắc.

Ông viết:

“Trong xã hội phương Tây ngày nay đã mở ra tình trạng thiếu cân bằng giữa tự do cho những việc tốt và tự do cho các việc xấu. Và mỗi nhà hoạt động quốc gia khi muốn thực hiện một công việc sáng tạo lớn cho đất nước của mình, thì đều buộc phải dịch chuyển bằng những bước đi thận trọng, thậm chí, nhút nhát, liên tục bị lóa mắt bởi hàng ngàn nhà phê bình nhanh nhẩu đoảng (và vô trách nhiệm), báo chí và quốc hội luôn giật tay áo ông ta.

Ông ta cần phải chứng minh sự hoàn hảo và tính hợp lý cao của mỗi bước đi. Về bản chất, không thể nào xuất hiện được một gương mặt kiệt xuất, vĩ đại, với những biện pháp bất ngờ và phi thường - anh ta sẽ bị hàng chục cú ngáng ngay từ đầu đoạn đường đi.

Vì vậy, dưới vỏ bọc hạn chế dân chủ sẽ nổi trội lên sự tầm thường.

Sự phá hoại quyền lực hành chính ở đâu cũng dễ có được và rất thoải mái, và mọi chính quyền của các nước phương Tây đều đã bị suy yếu mạnh.

Việc bảo vệ các quyền của cá nhân được đẩy đến cùng cực, khiến cho chính xã hội trở nên không được bảo vệ khỏi một số cá nhân nào đó...

Và đã đến lúc ở phương Tây cần bảo vệ không phải chỉ là quyền của các cá nhân mà là cả trách nhiệm của họ.

Ngược lại, sự tự do phá hoại, tự do vô trách nhiệm đã được mở rộng vô biên. Xã hội hóa ra rất ít được bảo vệ trước vực thẳm trong những sự suy đồi của con người, ví dụ như sự lạm dụng tự do trong tệ nạn bạo lực đạo đức chống lại tuổi trẻ, như phim ảnh khiêu dâm, tình trạng phạm tội hay lên đồng quỷ sứ.

Tất cả đều rơi vào cõi tự do và được cân bằng về mặt lý thuyết tương tự như sự tự do của tuổi trẻ không tiếp nhận chúng. Vì vậy, đời sống pháp lý không thể tự bảo vệ mình khỏi bị cái ác ăn mòn…”

Solzhenisyn nhấn mạnh:

“Có thể nói gì về những mênh mông đen tối của tội phạm trực tiếp? Bề rộng của khung pháp lý (đặc biệt là khung pháp lý ở Mỹ) khuyến khích không chỉ sự tự do của cá nhân, mà còn cả một số dạng tội ác của nó, mang đến cho thủ phạm cơ hội không bị trừng phạt hoặc nhận được sự nương tay không thích đáng - với sự hỗ trợ của hàng ngàn người bảo vệ xã hội. Nếu ở đâu đó chính quyền thực hiện triệt tiêu nghiêm ngặt chủ nghĩa khủng bố, thì công chúng ngay lập tức cáo buộc họ rằng họ đã vi phạm các quyền dân sự của những tên kẻ cướp.

Có rất nhiều ví dụ tương tự.

Tất cả quá trình nghiêng mình của tự do về phía tà ác đó đã được tạo ra dần dần, nhưng cơ sở khởi nguyên cho nó rõ ràng được đặt theo quan điểm nhân văn chủ nghĩa rằng, con người, chủ nhân của thế giới này, “tri sơ bản thiện”, tất cả các thói hư tật xấu trong cuộc sống đến chỉ vì các hệ thống xã hội không chuẩn xác và cần phải được sửa chữa…”

Cũng chính Solzhenisyn đã nêu thẳng ra những căn bệnh trầm kha ngự trị trong đời sống báo chí ở phương Tây. Ông phân tích:

“Tất nhiên là báo chí (tôi sẽ tiếp tục sử dụng từ này để nói bao gồm tất cả các phương tiện truyền thông) được sử dụng quyền tự do rộng rãi nhất. Nhưng sử dụng như thế nào?

Một lần nữa: chỉ cần không vượt qua khuôn khổ pháp lý, nhưng lại không có bất kỳ trách nhiệm đạo đức thực sự cho sự bóp méo, thay đổi tỷ lệ. Trách nhiệm nào ở nhà báo và tờ báo trước công chúng là các độc giả hoặc trước lịch sử?

Nếu như họ bằng những thông tin không chính xác hoặc kết luận không chuẩn xác đã đưa dư luận xã hội đi theo con đường sai quấy, thậm chí góp phần làm nên những lầm lẫn tầm cỡ quốc gia, - đã từng có bất kỳ một trường hợp hối cải nào của nhà báo này hay tờ báo chưa?

Chưa, vì điều đó sẽ làm giảm lượng phát hành.

Trong trường hợp như vậy, nhà nước có thể bị mất mát, nhưng nhà báo luôn được tai qua nạn khỏi. Có nhiều khả năng anh ta sẽ viết với sự tự tin mới những điều trái ngược với cái cũ.

Sự cần thiết phải cung cấp thông tin có thẩm quyền ngay lập tức đã làm đầy khoảng trống bằng những phỏng đoán, khi thu thập những tin đồn và giả định, mà sau đó sẽ không bao giờ bị bác bỏ và sẽ lắng đọng lại trong bộ nhớ của quần chúng.

Biết bao nhiêu những nhận định vội vàng, thiếu thận trọng, chưa chín muồi, lầm lạc được tung ra hàng ngày, làm u tối bộ não của độc giả và đóng băng lại!

Báo chí có khả năng và ngụy tạo dư luận xã hội và gò uốn nó một cách biến thái. Lúc thì tạo ra ánh hào quang siêu nhân cho những kẻ khủng bố, lúc thì tiết lộ ngay cả những bí mật quốc phòng của đất nước, lúc thì thô bạo can thiệp vào đời tư của những người nổi tiếng theo phương châm: “mọi người đều có quyền biết mọi thứ”.

(Một phương châm sai lầm của một thế kỷ sai lầm: cao hơn thế nhiều là cái quyền “không biết” đã bị mất của con người, không nhồi nhét vào tâm hồn thần thánh của họ những đồn đại, đàm tiếu, những trò dớ dẫn vô công rồi nghề). Con người của sự lao động sáng tạo chân chính và một đời sống đầy ý nghĩa không cần dòng chảy thông tin nặng nề thừa thãi này.)

Hời hợt và vội vàng – căn bệnh tâm thần của thế kỷ XX – đã hiện hình rõ nét nhất trên báo chí. Báo chí được chống chỉ định để đi vào chiều sâu của vấn đề, việc đó không có trong bản chất của báo chí mà nó chỉ tạo ra những cách quy chụp gây sốc…”

Diễn văn tại Đại học Havarrd của Aleksandr Solzhenitsyn 40 năm trước: Hoàng hôn Tây phương - 1

Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn khi còn sống.

CÓ TẬT GIẬT MÌNH

Trong bài viết đã dẫn trên báo điện tử American Thinker, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược London, Herbert London, viết:

“Sau bài phát biểu của Solzhenitsyn, báo chí phương Tây đã buộc tội ông đánh “mất thăng bằng” và đại diện cho “tinh thần chia rẽ”. Ông tưởng rằng ở Mỹ có thể nghĩ gì nói nấy nhưng cái gọi là nền dân chủ đó lại chỉ muốn ông ngưỡng mộ nó. Nhưng ông đã không làm thế. Và “quyền lực thứ tư” ở phương Tây đã kêu lên: “Người khổng lồ này không thích chúng ta.”

Solzhenitsyn có đúng không?..”

Theo Herbert London, sau bốn mươi năm, nhìn vào thực tế, thì có thể thấy rằng, tại Havard, “Solzhenitsyn đã tỏ ra thận trọng quá mức, nếu nhìn từ việc các điều kiện văn hóa đã được sắp đặt thế nào trong bốn thập kỷ qua. Hoa Kỳ bị chìm đắm vào giành giật các mục tiêu vật chất.

Công việc này đã thăng hoa đến mức thoát ra khỏi những truyền thống nhân văn hợp lý. Sức mạnh tối thượng mà Solzhenitsyn từng nói tới, đã bị suy thoái hoàn toàn.

Nếu trước đây có tới 90% dân số trên trái đất tin vào Thiên Chúa thì bây giờ chỉ còn khoảng 70% tín đồ. Và xu thế suy giảm này vẫn sẽ tiếo tục được duy trì….”

Thực tế là những căn bệnh mà Solzhenitsyn đã chỉ ra trong xã hội phương Tây giờ đây đã trở nên trầm kha hơn. Herbert London nhận định:

“Xu thế đó đang diễn ra kèm theo sự phá giá của nền văn hóa đã từ bỏ các hạn chế về đạo đức.

Tôi đã rất kinh ngạc khi thấy Robert De Niro tại Lễ trao giải Tony đã nói đến Tổng thống Hoa Kỳ bằng một cách thô lỗ nhất. Mà đấy cũng chính là De Niro, người từng nhận Giải thưởng Tự do của Tổng thống, một giải thưởng được coi là có uy tín nhất trong nước.

Tôi đã bối rối khi giải thưởng Pulitzer đã được trao cho ca sĩ hát nhạc rap Kendrick Lamar, người luôn luôn đặt tay vào khóa quần của mình trong các tiết mục biểu diễn.

Và tôi phải thừa nhận rằng việc trao giải Nobel văn chương cho Bob Dylan là một sự sụp đổ hoàn toàn các tiêu chuẩn đạo đức, bởi vì nhiều tinh tú văn học của thế kỷ XX cũng đã không được vinh dự này. Chúng ta đã suy đồi đến mức đấy!

Solzhenitsyn hiểu rằng, nếu chủ nghĩa nhân văn thế chỗ của Chúa, thì bất kỳ ý tưởng nào nảy sinh trong đầu con người cũng đều có thể thành hiện thực. Khẩu vị, phong cách, lòng tốt, sự tôn trọng - tất cả những thứ này đều phải tuân theo sự tự do và tâm trạng của cá nhân. Rốt cuộc là: “Nếu thấy khoái như thế thì cứ làm điều đó.”

Đã bị lạc lối ngay cả các nhà thờ, hiện đang dành cho các điều kiện xã hội nhiều thời gian hơn là cho những giáo lý tôn giáo.

Không, xã hội phương Tây đã không thất bại, ít nhất là ở thời điểm này thì chưa. Nhưng khi nói đến việc xây dựng sự bảo vệ cảm xúc cách sống của chúng ta thì các lập luận lại trở nên dung tục và tầm thường.

Tất nhiên, vẫn vang lên những lời nói về tự do và đức khoan dung, nhưng còn những nguyên tắc cơ bản thì sao?

Chúng ta đang ở chỗ nào trên “quảng trường thành phố”, và chúng ta có thái độ thế nào đối với sự hội nhập tôn giáo vào nền tảng của nước Mỹ?

Tại sao các nhà chức trách Italia lại phải che kín những tác phẩm nghệ thuật có từ nhiều thế kỷ trước trong thời gian diễn ra chuyến thăm của các quan chức cấp cao từ Iran?

Chẳng lẽ chúng ta không cần phải tự hào về những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời được tạo ra bởi văn hóa của chúng ta?

Và tại sao chúng ta nên nghĩ rằng văn hóa của chúng ta có thể xúc phạm văn hóa tôn giáo của một quốc gia khác? Chẳng lẽ họ không xúc phạm chúng ta sao?

Những hành trình xu thế đôi khi bị đảo ngược, nhưng nếu chúng ta dịch chuyển từ ngày hôm nay đến một tương lai xa xôi, chúng ta sẽ hiểu rằng, phương Tây, với thuyết tương đối ẩn giấu của mình, có thể bị rủi ro và mất đi ảnh hưởng toàn cầu. Một xã hội không tự tin về ý tưởng và ý nghĩa của mình làm sao có thể cạnh tranh với một nền văn hóa cuồng tín luôn biết đích xác những gì nó muốn đạt được?

Tôi sẽ không kịch liệt bảo vệ “Hoàng hôn Châu Âu” của Oswald Spengler, vì sự suy giảm dần dần đang có mặt trong mọi kẽ nứt và khe nứt của đời sống văn hóa chúng ta.

Các trường đại học tổng hợp cũng đang kiên trì tinh thần chính thống của suy thoái. Những đầu người phát ngôn trên các chương trình trò chuyện trên truyền hình luôn lặp đi lặp lại những lời dung tục mà chúng ta đã từng nghe nhiều lần. Và sự thật đang bị phá hủy bởi niềm tin hậu hiện đại rằng, quan trọng hơn tất cả là những cảm xúc sâu xa nhất từ ​​tiềm thức.

Vâng, điều quan trọng là để cho người Mỹ đọc Spengler nếu như họ có đọc gì đó; nhưng ngày nay, điều quan trọng hơn là xóa bộ lọc văn hóa.

Hãy nhìn vào nước Mỹ và phương Tây một cách khách quan. Bạn thấy gì? Và tại sao bạn thấy điều đó?”

Theo cách suy nghĩ này, buổi hoàng hôn của nền văn minh phương Tây không còn là điều diệu vợi mà đang ngày một hiện rõ dần hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn văn tại Đại học Havarrd của Aleksandr Solzhenitsyn 40 năm trước: Hoàng hôn Tây phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO