Đọc gì?

Cẩm Anh 14/06/2018 09:00

Ký ức về những ngày thơ bé, trong sự khát thèm, thiếu thốn nhiều thứ về vật chất, có những cơn đói tinh thần dai dẳng là thiếu cái để đọc.

Tôi đọc bất cứ cái gì vớ được và đôi khi bây giờ nghĩ lại đã thấy thật buồn cười khi hình như độ đầu cấp 2, tôi đọc cả những cuốn ngôn tình sến súa nào đó của cái thời sau đổi mới các nhà xuất bản địa phương bung ra làm kinh tế in toàn tiểu thuyết mì ăn liền sex sến.

Đọc gì?

Ảnh minh họa.

Còn hình như lúc học lớp 3 tôi đã đọc Những người khốn khổ dày cồm cộp.

Từ hồi đó, tôi chủ trương không đọc lại nó một lần nào, trừ đoạn trích trong sách giáo khoa, để giữ nguyên ký ức rất mù mờ của mùa hè năm lớp 3 ấy.

Suốt những năm 1980, 1990, mỗi tháng bố mẹ đặt cho anh chị em chúng tôi 2 tờ báo Văn nghệ và Người giáo viên nhân dân.

Nó cũng là một sự buồn cười khi mà tôi bé nhất nhà vẫn đọc chung báo cùng người lớn, bởi vì không có báo dành cho thiếu nhi để đọc.

Nhưng dù thế nào, những tờ báo đó có lẽ vẫn là những món ăn tinh thần quý giá nhất thời ấy.

Tuần nào ngày nhận được tờ báo mới cũng là ngày rất được trông đợi để rồi sau đó cả tuần, chúng tôi truyền tay nhau đọc không sót một mẩu chữ nào trong 2 tờ báo ấy.

Tôi đọc truyện ngắn trên báo đã đành, tôi còn đọc và thuộc nhiều bài thơ qua các trang báo.

Tôi biết về đám tang Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ qua một số báo Văn nghệ rất đặc biệt, dành riêng rất nhiều trang để thương tiếc 2 nhà thơ tài hoa…

Sau này, khi đã đi làm báo, rồi nhất là vào những năm tháng này, khi báo giấy đã bị các làn sóng truyền thông khác áp đảo, lại thèm cái cảm giác trông đợi tờ báo giấy trong tuổi thơ của mình.

Và không ít lần đang ngồi viết bài bỗng ngơ ngác trước câu hỏi, liệu có ai đọc không?

Bởi vì ngay cả mình, với tư cách một độc giả cũng đang phải đứng trước những thách thức, khi mỗi ngày thường giở mạng ra trước khi cầm tới tờ báo giấy và ngay cả khi giở mạng thì cũng đầy hoang mang: Đọc gì?

Hình như truyền thông với nguyên nghĩa ban đầu là truyền tin, giờ đang là lúc trở về với đúng nghĩa nguyên thủy nhất. Không một thông tin nào trên khắp thế giới này, ở bất kỳ xó xỉnh xa xôi nào đó lại không ngay lập tức được truyền đi khắp toàn cầu.

Ngồi ngay tại nhà, bây giờ người ta đã có thể xem được hàng trăm kênh truyền hình từ khắp các quốc gia, đọc thông tin từ cơ man các trang mạng cả với tư cách những tờ báo điện tử, cả với tư cách "nhà báo” tự nhận và cả với chức năng là chỗ để "buôn dưa” (mạng xã hội).

Ở trên face book ai cũng có thể “tường thuật trực tiếp” bằng cách live stream.

Mỗi ngày rời công việc cơ quan về nhà, tôi không bao giờ tìm thấy cái khát khao xưa kia của những đứa trẻ ham đọc vẫn truyền tay nhau nát nhàu những tờ báo và cuốn sách vừa cũ, vừa xấu... ở con mình nữa. Khi mà chúng, dù đã cố gắng để thổi vào một tinh thần ham đọc sách, vẫn đang có quá nhiều thứ để lựa chọn.

Có rất nhiều người hay so sánh ngày xưa – ngày nay và luôn cho rằng tuổi thơ xưa kia thì hạnh phúc hơn tuổi thơ bây giờ. Bài viết này hình như cũng đang định trượt theo cái đà ấy.

Rồi bỗng dưng nghĩ lại, lại thấy thiếu thốn thì quá khổ, thiếu cả từ tờ báo thiếu đi. Mà ngày xưa – ngày nay cũng khác nhau lắm. Những tờ báo mà tôi chờ đợi ngày xưa cũng khác bây giờ.

Những người làm báo ngày xưa và những người làm báo ngày nay cũng đã khác rồi.

Trong khi chúng ta đang sống trong những bước tiến khổng lồ của nhân loại, trong bước đi tới văn minh.

Chỉ duy có hạnh phúc thì muôn đời vẫn thế, nhân loại vẫn phải nhọc nhằn kiếm tìm.

Đọc gì? Câu hỏi hoang mang hôm nay vẫn còn ở nguyên đấy, trong bước đường mỗi người đi về phía hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đọc gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO