Du lịch Việt vượt khó

Thư Hoàng 16/03/2020 09:00

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu. Ước tính đến đầu tháng 3 năm nay ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh. Covid-19 cũng đặt ngành du lịch nước ta trước một phép thử lớn, đòi hỏi những sản phẩm du lịch, chiến lược du lịch mới để có thể trụ vững và tìm đường cất cánh…

Du lịch Việt vượt khó

Chưa năm nào lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) lại vắng khách như năm nay.

Cận cảnh

Cuối tháng 2 vừa qua, câu chuyện nữ quản lý chuỗi khách sạn ở Hà Nội bật khóc khi thông báo cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng, hưởng trợ cấp 1,5 triệu đồng/người/tháng được nhanh chóng lan truyền trên mạng. “Ở đây cũng buồn vì không biết phục vụ ai, như vậy nếu muốn chúng ta có thể về quê “lánh nạn” trong thời gian này”- nữ quản lý này chia sẻ trước nhân viên.

Đây là tâm sự trĩu buồn của một người có hơn 20 năm làm nghề này, đồng thời là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, bà đã không còn lựa chọn nào khác. Một chi nhánh trong chuỗi khách sạn chuyên phục vụ khách Hàn Quốc và Nhật Bản của vị quản lý này cũng đang cầm cự với số nhân sự cắt giảm một nửa so với trước, nhân viên đã chấp nhận mức lương “đồng giá” 4 triệu/người/tháng cho tất cả mọi vị trí trong khách sạn, kể cả bếp trưởng hay giám đốc.

Đi sâu tìm hiểu thì được biết clip lan truyền trên mạng ghi lại tại cơ sở Lò Sũ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - một chuỗi khách sạn do bà Phạm Thị Hằng làm giám đốc. Trước quyết định này, khách sạn đã có 2 tháng vật lộn với các phương án nhằm chống chọi với Covid-19 và cải thiện tình hình kinh doanh, song bất thành. Người quản lý khách sạn này cho biết, đã 10 ngày liên tiếp chuỗi khách sạn, nhà hàng của công ty không có khách đặt chỗ. Mỗi ngày, doanh thu của cả hệ thống chỉ từ 1-3 triệu đồng. “Gần 3 tháng nay, con số thiệt hại đã vượt qua ngưỡng 20 tỷ đồng. Đó là con số mà cả đời người nhiều khi chưa tích cóp được. Nếu tiếp tục mở cửa mà không có khách, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều”- nữ quản lý rớt nước mắt, chia sẻ trong đoạn clip.

Đó là một trong những câu chuyện tương đối điển hình của nghề dịch vụ du lịch khi dịch Covid-19 “quét” qua. Bởi khi dịch bệnh đang hoành hành, du khách quốc tế hạn chế đi tour, các hãng hàng không cũng phải từ chối vận chuyển ở một số đường bay qua những “tâm dịch” phức tạp, thì chuyện khách sạn vắng khách, nhà hàng ế ẩm là chuyện không khó để hình dung. Chính vì thế, đã xảy ra chuyện nhiều khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê tại Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn đồng loạt treo biển đóng cửa, nhượng lại hoặc trả mặt bằng...

Số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 ước tính đạt 1.242,7 nghìn lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%; từ châu Mỹ giảm 21,1%; từ châu Úc giảm 18,4%; từ châu Âu tăng 6,1%; từ châu Phi tăng 11,6%.

Thống kê cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, khách đến từ châu Á đạt 2.431,4 nghìn lượt người, chiếm 75,1% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc đạt 838,6 nghìn lượt người, giảm 5,8%; Hàn Quốc 790,4 nghìn lượt người, tăng 2,4%; Nhật Bản 163 nghìn lượt người, tăng 8%; Thái Lan 107,6 nghìn lượt người, tăng 34,5%; Singapore 41,8 nghìn lượt người, giảm 4%. Khách đến từ châu Mỹ đạt 206,8 nghìn lượt người, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 155,1 nghìn lượt người, giảm 1,9%. Khách đến từ châu Úc đạt 86,7 nghìn lượt người, giảm 2%, trong đó khách đến từ Australia đạt 78,4 nghìn lượt người, giảm 2,7%...

Riêng tại Hà Nội, báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn tới quyết định của khách du lịch trong việc hủy kế hoạch đi du lịch giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4. Tính đến ngày 2/3, theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp lữ hành như HanoiTourism, Kimlien Travel, Vietravel, Suntour, Phượng Hoàng, Vietrantour, Haseco: Có khoảng 19.846 khách quốc tế hủy tour tới Hà Nội, chủ yếu là khách Trung Quốc (17.120 lượt người), còn lại là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Indonesia, châu Âu, Mỹ… Ước có 15.125 lượt khách Việt Nam hủy tour đi nước ngoài, cũng chủ yếu đi tới thị trường Trung Quốc. Hơn 19.200 lượt khách nội địa hủy tour đến Hà Nội, đi lễ hội… Cũng tính đến ngày 2/3, số ngày phòng bị hủy, theo thống kê từ các cơ sở lưu trú là 55.900 ngày phòng, số lượng khách thông báo hủy là 77.960 lượt.

Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra con số dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành, cụ thể, tỷ lệ buồng phòng giảm 20-50%. Các điểm đến như Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM sụt giảm 50% lượng khách so với cùng kỳ. Dự kiến, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 và 3 sẽ giảm trên 60%. Con số này với khách nội địa có thể tới 80%.

Tìm đường cất cánh

Mấy năm qua, du lịch Việt Nam được đánh giá là có bước tăng trưởng tốt. Đặc biệt, năm 2019 vừa qua là năm đánh dấu nhiều thành tựu của du lịch Việt Nam thể hiện qua hàng loạt giải thưởng thế giới và khu vực. Cụ thể, du lịch Việt Nam được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 do World Travel Awards trao tặng và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 do World Golf Awards trao tặng. Cùng với đó là các giải thưởng tầm khu vực, bao gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á 2 năm liền 2018-2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Ngoài ra, rất nhiều các giải thưởng quốc tế danh giá cũng đã được trao cho các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, resort, các công trình, điểm du lịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, Covid-19 đã làm đảo lộn, khiến cho ngành du lịch lâm vào thế khó. Cũng có thể, du lịch là ngành dễ chịu tác động, lại dễ bị “tổn thương”.

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp du lịch, nhiều hãng hàng không đang cố gắng xoay trở để tìm hướng đi mới. Đáng chú ý, gần đây hàng loạt chương trình kích cầu hấp dẫn nhằm thu hút du khách, trước mắt là khách nội địa, liên tục được đưa ra. Các điểm đến được lựa chọn gồm có: Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Buôn Ma Thuột, Gia Lai…

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel, du khách hoàn toàn yên tâm khi đi du lịch thời điểm này. Các khách sạn, nhà hàng, phương tiện chuyên chở, hàng không đang thực hiện các biện pháp bảo vệ du khách khỏi nguy cơ lây nhiễm như vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc và tiếp đón khách, nhân viên trang bị khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn, kiểm tra thân nhiệt của khách...

Đặc biệt, nhiều công ty lữ hành, du lịch đang thực hiện bán tour không lợi nhuận để kích cầu du lịch. Nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa với các gói combo (bao gồm vé máy bay và khách sạn) giảm giá tới 70% đưowjc triển khai. Các hãng hàng không cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Vietnam Airlines chương trình “Chào mặt trời” để du khách có cơ hôi đi khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là những vùng tràn ngập nắng ấm như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo, Phú Quốc... Theo đó, hãng hàng không này giảm tối đa 50% giá vé khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người trên các hành trình nội địa khởi hành từ ngày 1/3 - 31/5…
Đây là những nỗ lực để thu hút du khách nội địa đang trong tâm lý bị dồn nén, bị kiềm tỏa bởi dịch bệnh. Theo nhiều chuyên gia ngành du lịch, nhu cầu đi du lịch của du khách chắc chắn sẽ tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, riêng khách nội địa sẽ “bùng nổ”.

Vẫn biết, xóa “tảng băng” mang tên Covid-19 là hoàn toàn không dễ, và một mình ngành du lịch khó mà làm ngay được. Tìm đường để du lịch Việt Nam cất cánh nhanh cũng không hề dễ. Tuy nhiên, những chiến lược để khôi phục cần được đặt ra ngay tức khắc. Đúng như Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã lưu ý các doanh nghiệp du lịch cần có phương án đón đầu thị trường ngay từ bây giờ, tập trung chuyển dịch, đa dạng hóa thị trường, trước mắt chọn những vùng an toàn, chủ động phối hợp với các địa phương không có dịch bệnh để đưa khách đến. Sau đó lên kế hoạch mở rộng ra tất cả các vùng miền sau khi hết dịch để vực dậy thị trường du lịch...

Còn nhớ tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam năm 2019 tổ chức tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, cần tập trung vào 3 chữ “C”. Thứ nhất, là “Con người”. Cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch của người dân, đặc biệt là dân bản địa. Thứ hai là “Cơ sở hạ tầng”. Hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm, đặc biệt là văn hóa và hạ tầng thông minh như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh là chữ “C” quan trọng để phát triển du lịch. Chứ “C” thứ 3 là “Chiến lược”. Bộ VHTTDL cần đưa tầm nhìn chiến lược dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm của ngành du lịch cùng với các ngành để thực thi tốt, cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, trong đó có chiến lược về đào tạo lao động, để không có lúc thừa lúc thiếu, nhất là số lượng đi liền với chất lượng.

Đặt trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, những gợi mở này vẫn còn nguyên giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch Việt vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO