Đừng buông những gì cần nắm, đừng nắm những gì cần buông

Trần Hữu Thăng 06/09/2019 10:05

Ngày xưa có một cậu bé đánh rơi chiếc kẹo vào trong một chiếc bình cổ rất quý. Cậu bé thò tay vào bình, nắm được chiếc kẹo thì không rút tay ra được nữa vì bàn tay nắm to hơn bàn tay duỗi. Cậu bé sợ quá, kêu khóc ầm ĩ. Mọi người bảo cậu buông chiếc kẹo ra thì sẽ rút được tay. Cậu bé sợ mất kẹo nên không buông tay ra. Để cứu cậu bé khỏi cảnh sợ hãi, kêu khóc vì không rút được tay, người nhà phải đập vỡ chiếc bình quý để cứu cậu.

Đừng buông những gì cần nắm, đừng nắm những gì cần buông

Câu chuyện kể trên đã được đưa vào sách giáo khoa, sách dạy làm người từ hàng trăm năm nay để giáo dục con người về hai kỹ năng sống cơ bản là nắm và buông. Trường hợp cậu bé kể trên là dạy cho ta bài học: Đừng nắm những gì cần buông.

Theo Từ điển tiếng Việt, trang 596 thì: “Nắm là: 1/ Co các ngón tay vào lòng bàn tay và giữ chặt lại cho thành một khối. Thí dụ: Nắm tay lại mà đấm, to bằng nắm tay. 2/ Giữ chặt trong bàn tay. Thí dụ: Nắm lấy sợi dây, nắm tay nhau cùng nhảy. 3/ Làm cho mình có được để sử dụng. Thí dụ: Nắm vững kiến thức, nắm lấy thời cơ”.

Ở trang 81 thì: “Buông là để cho rời khỏi bàn tay, không nắm giữ nữa. Thí dụ: Buông đũa đứng lên, mềm nắn rắn buông; Sự đời nghĩ cũng nực cười / Một con cá lội mấy người buông câu (ca dao)”.

Buông và nắm, nắm và buông, ngoài nghĩa đen thông thường như trường hợp cậu bé nắm và buông chiếc kẹo ra thì các sách giáo khoa dạy làm người hướng đến một ngữ nghĩa rộng hơn, bao quát hơn, bao trùm hơn... trong cuộc sống đời thường. Dân gian ta có câu rất hay: “Ai nắm tay đến tối, ai duỗi tay đến sáng” cũng để ám chỉ một lẽ sống rất bình thường, rất giản dị, rất dễ hiểu là: Làm gì có ai cứ mãi thế này, mãi thế kia, nhất định phải có sự thay đổi dù theo hướng tích cực hay tiêu cực.

Cũng có người coi việc nắm thời cơ có một không hai, nắm cơ hội kiếm tiền, nắm cơ hội làm giầu, nắm cơ hội tiến thân... như là một sự đạt được, kiếm được, chụp giật được... như là một việc ngắn ngủi, không lâu bền, nên cần phải nhanh tay nhanh mắt lên. Một nhà thơ trào phúng ở thế kỷ trước đã có bài thơ chế giễu để đời: “Chúng rủ nhau đi cướp của Trời / Trong khi Trời ngủ của Trời rơi / Cướp nhanh đi nữa không Trời dậy / Trời dậy thì bay chết bỏ đời”. Đấy là cái động từ “nắm” được hiểu theo ý nghĩa không tốt đẹp gì. Nhưng trên thực tế cuộc sống nhiều người biết “nắm” được quy luật tiến hóa, nắm được đạo lý làm người, nắm vững luật pháp hiện hành vẫn tạo được sự nghiệp ổn định, vững vàng.

Đến đây có thể khu trú lại: Cái cần nắm nhất định không được buông bỏ, còn cái cần buông bỏ nhất định không nên nắm lấy làm gì.

Những cái cần nắm suốt đời:

Đó là sự học hỏi, sự tu thân, học thầy, học bạn, học nhân dân, tu tâm dưỡng tính thành người tốt, thành người lương thiện.

Trước hết phải suốt đời đọc sách. Song vì trong cuộc đời mỗi con người vấn đề cơm áo gạo tiền chiếm nhiều thời gian nên ta phải chọn sách tốt, sách của các danh nhân mới đáng dành thì giờ để đọc. Có người đọc ít sách mà ngộ ra được nhiều điều, có người đọc nhiều sách mà cách cư xử yếu kém. Đó là do sự suy nghĩ kém cỏi khi đọc sách. Đúng như nhà văn, nhà hùng, nhà lý thuyết học chính trị, và nhà triết học người Ireland Edmon Burke (1729–1797) đã dạy: “Đọc sách mà không có sự suy đi, nghĩ lại thì có khác gì ăn vào mà không tiêu hóa được” (To read without reflecting is like eating without digesting).

Sách tốt là thầy giỏi, là tiếng vọng ưu tú của ngàn xưa, không bao giờ phản bội ta.

Sách tốt là bạn thân, luôn an ủi, chia sẻ với ta, không bao giờ bỏ rơi ta.

Sách tốt là thú vui êm đềm của người trí thức, của người lương thiện.

Chớ nên đọc các thông tin chưa được kiểm duyệt trên mạng, làm mệt óc, mệt thân xác một người bình thường.

Nhà triết học Anh Catherall đã khuyên con người cần nắm suốt đời: “Ba nền tảng của học thức là: Nhận xét nhiều, từng trải nhiều và học tập nhiều” (The three foundations of learning: seeing much, suffering much and studying much).

Cái nền tảng phải nắm suốt đời không bao giờ được buông bỏ đó là: Óc quan sát, hay còn gọi là tư duy phản biện (Critical thingking) để phân biệt được cái gì phải, cái gì trái, cái gì đúng, cái gì sai. Trong tác phẩm đang bán chạy trên toàn cầu “21 bài học cho thế kỷ XXI” (21 leçons pour le 21e siècle) của tác giả nổi tiếng người Israel - Yuval Noah Harari, do nhà xuất bản Albin Michel phát hành tháng 12/2018, cũng đã yêu cầu con người của thế kỷ XXI muốn tồn tại được thì phải có đủ kiến thức để phân biệt đúng - sai, phải - trái. Vì sao? Vì toàn thế giới đang bị phát động để cuốn vào sự ồn ào, sôi nổi mang tính “tẩu hỏa nhập ma” trong một “trò chơi cân não” của một đám học giả với một mê hồn trận “Ảo ảnh tri thức” (The knowledge illusion).

Thật là khó, thật là phức tạp cho việc học hành, cho việc lập thân trong thế kỷ XXI này.

Từ rèn luyện bộ óc quan sát và tư duy phản biện, ta đem vào kinh nghiệm sống đời thường và việc học tập suốt đời sẽ giúp ta biết cách tập trung vào cái cần, cái thiết thực hơn là cái lan man vô ích, phí thời giờ, phí tiền, phí sức.

Các cụ có câu: “Một người hay lo bằng một kho người hay làm” là rất có lý. Vì ta có lấy sức lực của một đám đông hùa theo phong trào mà không tính toán kỹ, chuẩn bị không chu đáo thì thất bại là cái chắc chắn!

Khổng Tử nói rất đúng: “Học mà không suy nghĩ thì cũng vô ích. Suy nghĩ mà không học thì gặp hiểm nguy” (Học nhi bất tư tắc vong, tư nhi bất học tắc đãi).

Khép lại phần “không bao giờ được buông bỏ”, phải nắm chặt suốt đời là sự học thì chỉ cần nhớ lời dạy của triết gia Cổ đại Sénèque: “Hãy cố mà học, không phải để biết nhiều hơn người khác mà cốt để biết rõ hơn người khác” (Etudiez, non pour savoir plus, mais pour savoir mieux que les autres).

Đã là con người lương thiện, tử tế, thông thái thì ngoài việc học suốt đời như đã nêu trên cần phải tâm niệm suốt đời: Lòng biết ơn con người và lòng kính trọng, yêu thương đồng loại.

Tại sao phải có lòng biết ơn? Đây là điều kiện bắt buộc để phân biệt người trưởng thành và người còn non nớt. Khi ta có lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ và xây dựng non sông gấm vóc, ta mới có trách nhiệm đóng góp, dựng xây cho chuyên môn, chuyên ngành mà ta đang theo đuổi. Khi ta biết ơn người nông dân làm ra hạt gạo nuôi sống con người, người thợ dệt cho ta cái áo để mặc, ta mới xác định được việc phục vụ những người lao động, cần cù vất vả là nhiệm vụ hàng đầu của con người có chuyên môn trong một xã hội hiện đại.

Tại sao phải có lòng kính trọng, quý mến, yêu quý người khác? Vì đây là tiêu chuẩn để đánh giá một con người biết suy nghĩ, luôn khiêm tốn, luôn hạ mình xuống dưới quyền lợi của tập thể, của cộng đồng. Từ đó bớt lòng tham lam, bớt sự ghen tức, bớt sự so bì hơn thiệt đối với người khác. Do đó ta bằng lòng, ta yên tâm với cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng mọi người đã có cơm ăn, áo mặc, được bảo hiểm y tế chăm sóc, được bảo hiểm xã hội bảo trợ ngày một tiến bộ, ngày một hạnh phúc hơn.

Những cái cần buông bỏ:

- Nếu muốn không phải đập vỡ chiếc bình quý thì cậu bé trong câu chuyện kể lúc đầu chỉ cần buông bỏ cái kẹo là xong. Đơn giản, gọn nhẹ.

- Nếu muốn buông bỏ những rác rưởi của những thói hư tật xấu vốn là bản năng, có nguồn gốc động vật của mỗi cá thể, ta cần loại trừ: Tham lam, ích kỷ, ghen tức, đố kỵ, mù quáng trước tiền tài, địa vị, tình cảm. Đó là tránh ba tội lớn mà Phật đã dạy: Tham, sân, si.

Cụ thể hàng ngày tránh xa ba việc xấu:

+ Nghĩ trong đầu những việc xấu.

+ Nói ra miệng những lời xấu (cay độc, mỉa mai, ghen tức, chê bai ...).

+ Làm những việc xấu.

Nếu buông bỏ được ba điều xấu này, tinh thần ta ngày càng minh mẫn, dễ dàng tiếp thu cái hay, cái đẹp.

- Trong đời sống hàng ngày phải lấy tinh thần “biết đủ” làm tiêu chuẩn hạnh phúc. Người biết đủ là người biết cân bằng “cái tôi” và “cái chúng ta”, biết cân bằng nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân trong tập thể.

Lẽ dĩ nhiên ta phải tranh đấu với chính bản thân để buông bỏ hàng ngày những thói xấu, việc xấu, dần dần rồi sẽ sạch sẽ, tinh tươm. Nhớ kỹ câu của Platon (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên): “Chiến thắng được chính mình là một vinh quang lớn lao nhất trong những vinh quang” (Self conquest is the greatest of victories).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng buông những gì cần nắm, đừng nắm những gì cần buông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO