Giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác Mặt trận

Hải Nhi (ghi) 06/01/2020 17:53

Năm 2019, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Hoà Bình chủ trì tổ chức được 303 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh chủ trì tổ chức được 20 cuộc giám sát, cấp huyện - 48 cuộc giám sát và cấp xã - 235 cuộc giám sát. Đặc biệt các nội dung kiến nghị sau giám sát được cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời có văn bản phúc đáp và nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài  trong công tác Mặt trận

Bà Nguyễn Thị Oanh - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình (phải) - ký kết phối hợp hoạt động trong giám sát.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ được nhiều kết quả đáng khích lệ tỉnh Hoà Bình trong năm 2019, đó là hoạt động giám sát. Đặc biệt, năm 2019 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh; đã chủ trì tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong hoạt động giám sát. Việc ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp, thống nhất về nội dung, chương trình giám sát đã tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giám sát. Đáng chú ý, Mặt trận các cấp đã mở rộng hình thức và đối tượng giám sát, triển khai các hoạt động giám sát trên nhiều lĩnh vực được cử tri và nhân dân quan tâm. Năm 2019, MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức được 303 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh chủ trì tổ chức được 20 cuộc giám sát, cấp huyện - 48 cuộc giám sát và cấp xã - 235 cuộc giám sát. Các cuộc giám sát của Mặt trận đều được cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Các nội dung kiến nghị sau giám sát được cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời có văn bản phúc đáp và nghiên cứu, xem xét giải quyết. “Đặc biệt, những kết quả tích cực trong hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát Đầu tư của cộng đồng đã góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Ban Thanh tra Nhân dân đã thực hiện 524 cuộc giám sát, trong đó 75,4% số vụ việc kiến nghị được xử lý và trả lời. Ban Giám sát Đầu tư của cộng đồng thực hiện 853 cuộc giám sát, trong đó 97,8% số vụ được xem xét, giải quyết” - bà Nguyễn Thị Oanh nhấn mạnh và khẳng định: “Giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác Mặt trận. Vì vậy MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, thực hiện có hiệu quả hơn nữa hoạt động giám sát để đáp ứng với sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng và nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động phản biện xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng và hình thức phản biện còn hạn chế. Do đó trong năm 2020, Mặt trận các cấp cần đẩy mạnh hoạt động phản biện xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án, dự thảo văn bản chuẩn bị được ban hành, phấn đấu cấp tỉnh tổ chức được ít nhất hai hội nghị phản biện, cấp huyện và cấp xã phấn đấu tổ chức ít nhất một hội nghị phản biện”.

Bên cạnh hoạt động giám sát, thời gian qua, Mặt trận các cấp tỉnh Hoà Bình đã tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí và đồng thuận trong nhân dân, huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để xây dựng nông thôn mới. chỉ tính riêng trong năm 2019, đã vận động nhân dân hiến được trên 9.000 m2 đất, huy động trên 7.000 ngày công lao động, ủng hộ bằng tiền mặt, vật tư, vật liệu… quy đổi bằng tiền được trên 366 tỷ đồng. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động và có các hình thức hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết", sửa chữa nhà dột nát, tặng quà Tết, tặng cặp sách, xe đạp, trao học bổng cho các em học sinh, hỗ trợ khám chữa bệnh… Mặt trận các cấp còn tập trung tư vấn về phương thức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững… Để góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Mặt trận các cấp đã tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện đời sống văn hóa trong nhân dân, nhất là việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp trong các dân tộc, thực hiện văn minh, tiến bộ trong việc cưới, việc tang. Hàng năm, đều tổ chức cho các hộ gia đình, khu dân cư đăng ký đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa. Vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Mặt trận các cấp đã chủ trì, phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình như: mô hình tổ liên gia tự quản bảo vệ môi trường; mô hình đồng bào tôn giáo bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; mô hình đoạn đường nở hoa; mô hình khu dân cư nói không với rác thải nhựa; mô hình tuyến phố văn minh, khu dân cư không rác… góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp.

Với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bà Oanh cho rằng: Mặt trận các cấp tạo môi trường dân chủ để nhân dân tham gia góp ý với cán bộ đảng viên, với chi bộ, chi đoàn, chi hội các đoàn thể; vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt quyền và trách nhiệm công dân trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, thực hiện giám sát đối với các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết những mâu mắc ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện phức tạp, đông người, tạo không khí hòa thuận, cởi mở, đoàn kết ở khu dân cư. Riêng năm 2019, Hòa Bình đã tổ chức hòa giải 580 vụ, trong đó hòa giải thành công 498 vụ, đạt tỷ lệ 85,9%; bên cạnh đó phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, tích cực phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn sự bình yên, đảm bảo an ninh, an toàn của khu dân cư.
Nhiều mô hình được Hòa Bình triển khai và nhân rộng như: mô hình tiếng kẻng bình yên, mô hình tổ liên gia tự quản, mô hình khu dân cư không có tệ nạn xã hội, mô hình dồn điền đổi thửa, mô hình khu dân cư tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, mô hình giúp nhau phát triển kinh tế …

Mặt trận các cấp tỉnh Hòa Bình đã tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới, kết quả tỷ lệ hài lòng của người dân đối với từng tiêu chí đều đạt trên 87%. Từ sự tham gia có hiệu quả, trách nhiệm của Mặt trận các cấp đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến hết năm 2019, đã có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Hòa Bình) về đích nông thôn mới, 1 đơn vị cấp huyện (huyện Lương Sơn) đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới, có 82/191 xã về đích nông thôn mới, có 11 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 98 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, không có xã dưới 10 tiêu chí.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố Mặt trận các cấp đã phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân, kết quả đến nay đã giảm được 576 thôn, xóm, tổ dân phố (từ 2.058 xuống còn 1.482). Đặc biệt, thực hiện NQ của UBTV QH về sắp xếp lại đơn vị hành chính , cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền vận động nhân dân, tỷ lệ đồng thuận với chủ trương sắp xếp đạt rất cao, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 59 đơn vị hành chính.

Để đạt được những kết quả trên, bà Nguyễn Thị Oanh nhấn mạnh: “Muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết bản thân cán bộ Mặt trận phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Muốn hiểu được dân thì phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Với phương châm hướng về cơ sở, ở các khu dân cư, chúng tôi luôn chỉ đạo cán bộ Mặt trận phải thường xuyên bám sát cơ sở, xuống từng địa bàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của nhân dân để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO