Giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa: Thuận lợi và thách thức

Thái Phan Vàng Anh 22/05/2019 14:15

Sống chỉ vì mình, bỏ qua dư luận hay kìm nén, hi sinh, vì ngại các bàn luận không phải không có phần xưa cũ/cổ hủ, liệu đâu mới là phản ứng, biểu hiện theo tinh thần nhân văn? Chú trọng cái tôi tự do, chủ động lựa chọn các giá trị vì mình, cho mình, phải chăng cũng khiến giới trẻ ích kỉ và thực dụng?

Giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa: Thuận lợi và thách thức

Vì con người, hướng đến các giá trị sống nhân văn là điều nhân loại hằng tìm kiếm từ cổ chí kim. Tuy vậy, vẫn có những thời kì, những quan niệm khắc kỉ, những trói buộc nhân danh đạo đức, tôn giáo khiến các “giá trị người”, các khát vọng chính đáng của con người không được tôn trọng. Đó là lí do nhân loại đã có một thời kì trỗi dậy, “phục hưng” để khẳng định vẻ đẹp của con người từ thể xác đến tâm hồn, trí tuệ; từ ý nghĩ đến hành động, lời nói. Từ đó đến nay, nhiều giá trị nhân văn đã được xác lập và thừa nhận. Song, cũng từ đó đến nay, cùng với sự vận động, biến đổi của xã hội, những đụng độ văn hóa, những xung đột giá trị giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, những va chạm trong quan niệm giữa các sắc tộc, các tôn giáo…, câu hỏi “Đâu mới là những giá trị nhân văn có tính phổ quát mà con người hôm nay cần hướng tới?” vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Ngay cả khi đã xác lập được những giá trị nhân văn hiện đại cho nhân loại trong thời kì toàn cầu hóa, làm thế nào để hướng con người, nhất là lớp trẻ, chủ nhân của thế giới, đến những giá trị cốt lõi ấy vẫn là câu chuyện cần nghĩ suy, trăn trở.

Trong vòng hai thập niên trở lại đây, xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ để hòa chung vào tiến trình vận động của nhân loại thời toàn cầu hóa. Làm thế nào để hội nhập với thế giới mà không mất đi bản sắc dân tộc, để vừa tiếp thu những hệ giá trị mới của nhân loại vừa kế thừa những giá trị “chân tủy” của truyền thống… cũng là một câu hỏi cần được trả lời rốt ráo. Đã đến lúc phải xác định những giá trị nhân văn cốt lõi mà dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam cần hướng đến. Cũng đã đến thời điểm cần có những định hướng trong giáo dục nhân văn cho sinh viên, cho giới trẻ, bởi sự loạn chuẩn, loạn giá trị đã đến mức báo động trong một thời đại của internet, của kĩ trị… thời đại mà con người khó còn có thể kiểm soát thông tin.

1. Toàn cầu hóa và những cơ hội cho giáo dục nhân văn

Khái niệm toàn cầu hóa chỉ thực sự được nhắc đến nhiều ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, ứng với làn sóng toàn cầu hóa lần thứ ba của thế giới vốn diễn ra vào hai thập niên cuối thế kỉ XX. Lúc này, xã hội Việt Nam đã có đủ điều kiện để hội nhập, điều mà trước đó, do những hoàn cảnh lịch sử dân tộc đặc thù, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội nhập cuộc ở làn sóng toàn cầu hóa lần thứ 2 (từ 1950 đến 1980), cũng như không tính đến sự khởi đầu manh nha của làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất vào cuối thế kỉ XIX vốn chưa thể gây ảnh hưởng đến một đất nước Việt Nam thuộc địa. Như vậy, phải đến đầu thế kỉ XXI, những hệ quả của toàn cầu hóa mới được hiển lộ rõ rệt trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam... Từ chỗ thầm lặng đến quyết liệt, tiến trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi quan niệm về giáo dục, trong đó có giáo dục nhân văn khi Việt Nam đã từ bị động đến chủ động tham gia vào sân chơi hội nhập thế giới. Những pha trộn văn hóa, những hấp lực từ cái lạ, cái mới khiến toàn cầu hóa trở thành cơ hội để câu chuyện giáo dục nhân văn ngày càng được chú ý, được định hình theo hướng tìm kiếm, xác lập các giá trị phổ quát, hiện đại và mang tầm nhân loại

Vậy toàn cầu hóa đã đem lại những cơ hội gì cho giáo dục nhân văn ở Việt Nam?

“Là một quá trình xác lập, phổ biến, quốc tế hóa các giá trị, các chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu”, toàn cầu hóa hướng đến những điểm chung, khiến những cái mang bản sắc riêng bị thay thế bởi những cái chung phổ quát. Đây chính là cơ hội để giới trẻ Việt Nam, sinh viên Việt Nam, bộ phận “phản ứng” nhanh nhất với cái mới, lạ, có cơ hội tiếp thu những giá trị tinh hoa của nhân loại đã được chắt chiu, sàng lọc qua thời gian. Những giá trị nhân văn hiện đại cũng có cơ hội được chú ý, dù không phải bước đầu không ít nhiều va chạm với các giá trị truyền thống. Khẳng định chủ thể, cá nhân, bản ngã trở thành một định hướng trong giáo dục sinh viên nhằm tạo ra những thế hệ tuổi trẻ tràn đầy niềm tin vào chính bản thân. Năng lực, cá tính cá nhân không còn bị nhìn nhận như những gì đối lập, cản trở sức mạnh của giá trị tập thể mà trở thành những nền tảng cơ bản thúc đẩy hợp tác, phát huy sức mạnh của cộng đồng. Giáo dục, trang bị những kiến thức, kĩ năng, thái độ cần thiết theo hướng tự tin, chủ động cũng sẽ giúp sinh viên đủ bản lĩnh tham gia vào các sân chơi toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để hình thành ý thức tự chịu trách nhiệm và khả năng tự lập cho giới trẻ Việt Nam khi những đòi hỏi của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng khắt khe, khi những nhân tố lỗi nhịp, chậm bước dễ dàng bị thay thế, đào thải.

Hướng tới xác lập những giá trị chung, toàn cầu hóa cổ vũ những đối thoại, tương tác văn hóa. Điều này khiến những giá trị nhân văn truyền thống, mang tính dân tộc có cơ hội được khẳng định lại và được đề cao, nếu nó không đối lập với các tiêu chuẩn, quan niệm của chủ nghĩa nhân văn hiện đại. Yêu nước, yêu dân tộc hỗ trợ việc yêu nhân loại, yêu một nền hòa bình cho toàn thế giới. “Chính danh” trong quan niệm đạo đức Nho giáo, “thầy cho ra thầy, trò cho ra trò” không những không mâu thuẫn mà còn góp phần khẳng định ý thức tự nhiệm của sinh viên, của giới trẻ, đối với cộng đồng. Lúc này, mở rộng ra thế giới là cơ hội để nhìn sâu hơn về bản sắc dân tộc. Bị/được lôi kéo vào nhịp chảy sôi động của nhân loại ở hiện tại cũng là một dịp để quay trở về tìm kiếm và giữ gìn những giá trị truyền thống. Nhiều người lo ngại rằng toàn cầu hóa sẽ khiến thế giới bị nhất thể hóa, dẫn đến các bản sắc dân tộc, các cái riêng bị xóa bỏ, thay thế. Thật ra, cùng với việc bị thu hút bởi cái mới, con người còn có xu hướng chối bỏ, đào thải cái lạ, cái khác. Sự dè chừng, e ngại ấy khiến tính bản địa, tính truyền thống trong các quan niệm về giá trị, trong các định hướng về giáo dục nhân văn cho sinh viên, cho giới trẻ lại càng được ý thức sâu sắc hơn. Các môn học trong nhà trường về giáo dục đạo đức, tư tưởng; giáo dục thẩm mĩ, hay khái quát hơn, giáo dục công dân, suy cho cùng là để giáo dục nhân văn cho học sinh, sinh viên Việt Nam, trên tinh thần phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc trong một bối cảnh mới với nhiều thách thức về quan niệm giá trị sống, những giá trị của con người, vì con người.

Từ không gian nhỏ hẹp của gia đình, trường lớp, quê hương, dân tộc, nhờ vào sự lan tỏa của ý thức về một thời kì toàn cầu hóa, khái niệm cộng đồng đã ngày càng được nới rộng ra. Trách nhiệm với cộng đồng không còn chỉ được thể hiện qua nhiệm vụ, bổn phận đối với những con người cá nhân, những không gian cụ thể mà phải được xác lập qua những hành vi nhân văn đối với một lớp người, một kiểu người, trải rộng trên phạm vi toàn thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ, những nhóm thiện nguyện xuyên biên giới ngày đêm đấu tranh vì con người ở mọi nơi. Cũng không còn lạ việc các trường đại học gởi sinh viên đi thực tập, giao lưu với nhiều trường đại học, nhiều tổ chức, công ty bên ngoài biên giới, châu lục. Có thể nói, toàn cầu hóa đã đem lại cơ hội mở rộng tầm nhìn và cọ xát cho sinh viên, cho giới trẻ, giúp họ ý thức rõ hơn về việc cần trở thành một công dân toàn cầu như thế nào, cần phấn đấu vì những giá trị nhân văn cụ thể gì của nhân loại, để con người ngày càng thân thiện với môi trường tự nhiên, trở thành một phần của tự nhiên, chứ không còn là kẻ khống chế, bóc lột, ông chủ của tự nhiên, khi quan niệm “trái đất trung tâm” đang thay thế dần quan niệm “con người trung tâm” vốn bám rễ sâu trong nếp nghĩ lâu nay của loài người.

Giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa: Thuận lợi và thách thức - 1

2. Giáo dục nhân văn trước những thách thức của thời toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa đã đem lại nhiều cơ hội để giáo dục sinh viên và giới trẻ Việt Nam, trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, hướng đến những giá trị, phẩm chất căn cốt nhất của con người, vì con người. Tuy vậy, liệu các trường đại học đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể gì để câu chuyện giáo dục nhân văn theo xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa không chỉ là dự định, hướng triển khai, mà thật sự làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên Việt Nam, giúp các thế hệ chủ nhân mới của đất nước có được những phẩm chất cơ bản của công dân toàn cầu, nhất là khi toàn cầu hóa cũng đồng thời đem lại không ít thách thức?

Thay vì “ổn định” từng hàng thập kỉ như những giai đoạn trước, diện mạo đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đang thay đổi dần từng tháng, năm. Tính cách dân tộc cũng ít nhiều bị biến đổi theo hướng Âu hóa, Mĩ hóa, quốc tế hóa... bởi những pha trộn văn hóa, những hấp lực từ cái mới, cái lạ. Vấn đề đánh mất bản sắc là một thách thức hiển hiện khi các quan niệm về giá trị đã ít nhiều khác trước cùng với quá trình hội nhập, mở cửa. Lấy Âu Mĩ làm chuẩn, sính ngoại, sùng ngoại với quan niệm “dĩ Âu vi trung” trở thành mặt trái của toàn cầu hóa, khi bản lĩnh dân tộc chưa đủ lớn để giữ vững những giá trị “dân tộc tính”, để phân biệt giữa tiếp thu và tiếp biến, giữa rập khuôn, học đòi, bắt chước hay vận dụng, học hỏi. Đây chính là lí do khiến không ít giá trị nhân văn truyền thống đã bị mai một khi đụng độ, va đập với những quan niệm “khác”. Tôn trọng cá nhân, phát huy dân chủ khiến các chân lí “kính lão đắc thọ”, “cá không ăn muối cá ươn/ con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, “thương cho roi, cho vọt”… trong nhiều trường hợp đã bị lung lay. Sự bình đẳng ngày càng cao giữa con người với tư cách những chủ thể, những cá nhân, khiến các mối quan hệ trở nên rời rạc, thiếu gắn kết. Sống chỉ vì mình, bỏ qua dư luận hay kìm nén, hi sinh, vì ngại các bàn luận không phải không có phần xưa cũ/cổ hủ, liệu đâu mới là phản ứng, biểu hiện theo tinh thần nhân văn? Chú trọng cái tôi tự do, chủ động lựa chọn các giá trị vì mình, cho mình, phải chăng cũng khiến giới trẻ ích kỉ và thực dụng? Không thể không nhận thấy rằng, sự thực dụng ấy đang ngày bành trướng và làm méo mó nhân cách lớp trẻ Việt Nam, đến mức đã chen vào cả đời sống tâm linh, chi phối cả niềm tin tôn giáo.

Toàn cầu hóa đã khiến thế giới trở thành một ngôi nhà chung. Vì thế, phụng sự cho nhân loại thay vì cho gia đình, dòng tộc, quê hương là sự lựa chọn phổ biến của sinh viên, của giới trẻ. Tuy vậy, cũng cần lo ngại đến những đứt gãy văn hóa khi con người ngày càng có ít ràng buộc với gia đình, đất nước. Không thể không lưu tâm đến việc chảy máu chất xám, đến sự quên lãng trách nhiệm với đồng bào, dân tộc, dù nhiều sinh viên rời quê hương, chọn lựa một môi trường sống không biên giới, xuyên biên giới với lời hứa như môt liệu pháp tâm lí “đi xa để trở về”. Liệu giới trẻ có thể chạm đến những giá trị nhân văn mang tầm nhân loại khi lãng quên nhiều giá trị cơ bản của dân tộc tính, khi có thể bị mất gốc trong xu hướng hội nhập? Và liệu những thói xưa, nếp cũ trong tâm thức dân tộc có cản trở sinh viên, thế hệ trẻ Việt Nam trở thành những chủ nhân mới, không phải chỉ của dân tộc, đất nước mà của cả thế giới? Có thể nói, những thuận lợi và thách thức của toàn cầu hóa đối với việc giáo dục nhân văn cho sinh viên, giới trẻ Việt Nam, luôn tồn tại song song, như hai mặt của một tờ giấy.

Giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa: Thuận lợi và thách thức - 2

Giáo dục nhân văn phải được hiểu là giáo dục tinh thần, lối sống nhân văn, nhân ái, mà “có đạo đức” vẫn là chưa đủ.

3. Giải pháp nào cho giáo dục nhân văn, nhìn từ các trường đại học?

Đặt vấn đề về giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam ở thời điểm bây giờ liệu có còn cần thiết và có hợp lí khi các trường đại học đã có các môn học về giáo dục tư tưởng, thẩm mĩ; khi giáo dục đạo đức, giáo dục công dân trở thành mục tiêu giáo dục bắt buộc ở các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông? Liệu có là quá muộn khi mọi “uốn nắn” chỉ thật sự có hiệu quả khi cây còn non, khi các em còn nhỏ? Dễ thấy, câu trả lời là muộn vẫn còn hơn không, nhất là khi giáo dục vốn không bao giờ có điểm dừng, điểm kết thúc, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi những chân giá trị đang ngày bị mai một, nhường chỗ cho cái “ngụy”, cái giả.

Giáo dục nhân văn thực chất là giáo dục những giá trị gì cho sinh viên? Giáo dục nhân văn có phải chỉ là giáo dục đạo đức? Không thể phủ nhận rằng, giáo dục đạo đức, trọng tâm của bộ môn giáo dục công dân trong nhà trường ở nhiều cấp học là một trong những nhiệm vụ của giáo dục nhân văn. Song giáo dục nhân văn không nên chỉ được hiểu giản đơn như thế. Giáo dục nhân văn phải được hiểu là giáo dục tinh thần, lối sống nhân văn, nhân ái, mà “có đạo đức” vẫn là chưa đủ. Giáo dục nhân văn còn là giúp nhận ra các giá trị nhân văn, nhân bản để con người biết ý thức hơn về những phẩm chất, giá trị “người”, không phải để tự đề cao “con người là kiểu mẫu của muôn loài” như quan niệm nhân văn thời tiền hiện đại, mà để yêu thương và bảo vệ con người, với tư cách là một thành viên của môi trường sinh thái. Hiểu như thế, giáo dục nhân văn khá gần với “giáo dục khai phóng”, một hướng đi của nhiều trường đại học khi đề cao các môn khoa học xã hội nhân văn, giúp học sinh có một tầm nhìn khai phóng, nhân bản, nhân văn thông qua việc được trang bị các hiểu biết cùng các kĩ năng thực hành/vận dụng về văn hóa, nghệ thuật.

Vậy các trường đại học phải làm gì và đã làm được những gì để hướng tới giáo dục khai phóng, giáo dục theo tinh thần của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, một mặt tận dụng được các cơ hội, mặt khác vượt qua các khó khăn, thách thức của thời toàn cầu hóa? Điều này cần được đánh giá toàn diện từ chương trình học với các hệ thống môn học cụ thể cho từng ngành nghề, từ các hình thức, cách thức triển khai các hoạt động giáo dục nhân văn. Hiện nay, đa phần các trường đại học đều ít nhiều trang bị cho sinh viên một số kiến thức xã hội nhân văn qua các môn (triết học, tâm lí học, xã hội học, mĩ học, nghệ thuật học, cơ sở văn hóa Việt Nam, lịch sử văn minh thế giới…). Tuy vậy, các môn học này vẫn nặng về cung cấp kiến thức, vẫn chỉ giúp sinh viên học để biết chứ không phải học để làm, học để khẳng định mình và học để cùng chung sống như quan niệm về việc học của UNESCO trong thế kỉ XXI.

Thực hành lối sống nhân văn chưa được đề cao. Đó là lí do khiến sinh viên được học về tâm lí học song không biết ứng xử hợp tình hợp lí; học mĩ học, nghệ thuật học song vẫn không có một trình độ thẩm mĩ cao, không có đủ hiểu biết và nhạy cảm nghệ thuật để vận dụng, để có được những hành vi, những lối sống văn minh, chuẩn mực… Việc thiết kế các môn học xã hội nhân văn giống nhau cho những ngành học khác nhau cũng khiến khả năng tích hợp giáo dục nhân văn cho sinh viên ở các ngành học cụ thể khó phát huy hiệu quả. Nên chăng, cần xây dựng môn học giáo dục nhân văn ở trường đại học, và nội dung môn học này phải được thiết kế cụ thể theo từng chuyên ngành, bám sát vào các chuẩn đầu ra. Có như thế, sinh viên sau khi ra trường không chỉ có thể làm nghề mà còn có đủ các phẩm chất để tồn tại và thành công với nghề, để thực sự là những công dân nhanh nhạy, thích ứng với một thế giới mở thời toàn cầu hóa.

Khác với giáo dục nhận thức, giáo dục hành vi, lối sống cần được thực hiện qua các hoạt động mang tính thực hành. Giáo dục nhân văn cho sinh viên, vì vậy, sẽ là không đủ nếu chỉ chú trọng đến lí thuyết, thông qua các môn khoa học xã hội nhân văn. Các trường đại học cần đưa hoạt động này vào các chương trình ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm liên quan đến nghề nghiệp. Chẳng hạn ứng xử như thế nào là nhân văn cần được thể hiện qua hoạt động giới thiệu về các địa danh, các đặc điểm văn hóa của dân tộc khi sinh viên thực hành hướng dẫn du lịch; khi phục vụ, chăm sóc khác hàng. Chăm sóc người bệnh ra sao, thăm khám sao cho nhẹ nhàng, thân ái cũng cần được rèn luyện trong các giờ thực tập của sinh viên các ngành y khoa, điều dưỡng… Các trường đại học cũng nên có nhiều diễn đàn, nhiều câu lạc bộ để sinh viên giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ quan niệm sống, sở thích về thể thao, nghệ thuật hay để rèn luyện các kĩ năng mềm… Nói cách khác, luôn có thể triển khai giáo dục nhân văn ở mọi hoạt động của nhà trường, bằng mọi hình thức, một khi giáo dục nhân văn trở thành mục tiêu của giáo dục đại học. Đây chính là mấu chốt của việc giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam.

Để giáo dục nhân văn, trường đại học và đội ngũ giảng viên phải là những hình mẫu của việc thực hành nhân văn trên giảng đường và trong đời sống. Các thầy cô cần có cái nhìn và sự đối xử với sinh viên theo tinh thần bình đẳng về giới; tôn trọng sự tự do, dân chủ và quyền được hạnh phúc của sinh viên; chấp nhận những khác biệt trong quan niệm và lối sống của giới trẻ; vị tha và khoan dung trong xét đoán các sai lầm của người học… Việc được thụ hưởng những đối xử nhân văn cũng là một yếu tố quan trọng để sinh viên có các hành xử nhân văn với người khác trong nhà trường và ngoài xã hội. Chỉ lúc đó, giáo dục nhân văn mới thực sự có hiệu quả và có sức lan tỏa rộng lớn.

***

Không cần bàn cãi thêm về những cơ hội và thách thức mà toàn cầu hóa đem lại cho giáo dục và giáo dục nhân văn ở Việt Nam. Điều cần thiết lúc này là triển khai giáo dục nhân văn như thế nào trong các trường đại học khi vẫn còn có những cách nhìn khác nhau về giáo dục nhân văn, khi chưa một trường đại học nào ở Việt Nam xem giáo dục nhân văn là mục tiêu của giáo dục đại học. Đây sẽ còn là một câu chuyện cần được nghĩ tiếp, bàn tiếp. Tuy vậy, để câu chuyện giáo dục nhân văn sớm được thực hiện có hiệu quả, không thể không lưu ý đến việc vừa tôn trọng quá khứ, vừa nắm bắt tương lai; vừa giữ gìn bản sắc dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Giáo dục nhân văn thời toàn cầu hóa phải nhằm hướng đến xác lập bản sắc bên cạnh kiến tạo sự đa dạng, tìm kiếm sự đồng thuận ngay từ những khác biệt tất yếu. Vì thế, giáo dục nhân văn ở bậc đại học chỉ thật sự thành công khi mỗi sinh viên Việt Nam đều có đầy đủ những phẩm cách của một công dân toàn cầu, để vừa biết đặt tổ quốc lên trên hết vừa biết phụng sự chung cho nhân loại. Lúc đó, chúng ta sẽ có quyền nghĩ xa hơn về một xã hội dựa trên nền tảng của lẽ sống tình thương, của sự tôn trọng và bảo vệ quyền được hạnh phúc của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa: Thuận lợi và thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO