Gương mặt của làng

Miên Thảo 23/01/2018 11:39

Việt Nam từng tự hào về nền văn minh lúa nước. Nhiều năm qua, nông nghiệp thực sự là “vịnh tránh bão”, là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Từ chỗ thiếu ăn, tới vị trí là cường quốc xuất khẩu gạo- đó là bước tiến rất dài. Tuy nhiên, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì chúng ta không thể “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Vậy, có thể hình dung gì về gương mặt của làng trong thời gian tới?

Gương mặt của làng

(Ảnh minh họa: Phú Hương).

1. Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam có thành công thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thành công.

Thủ tướng cũng “uốn nắn” ý kiến cho rằng, nông nghiệp hữu cơ chỉ phục vụ người giàu, cho xuất khẩu- đó là ý kiến chưa đúng, chưa đủ. Bởi yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới là yêu cầu lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.

Như vậy, quan điểm chung cho sản xuất nông nghiệp của đất nước thời gian tới chính là hướng tới nền kinh tế phát triển xanh và bền vững, một nền nông nghiệp thông minh. Đây cũng là đòi hỏi của thực tế nằm trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nông nghiệp cần phải chuyển mình thực sự, để có được những sản phẩm chất lượng chứ không chỉ là số lượng, và trên hết những sản phẩm đó không được gây tác hại tới sức khỏe con người.

Tuy nhiên, như ý kiến của không ít chuyên gia lĩnh vực này thì việc thay đổi cung cách làm ăn đã trở thành “thói quen” của nông dân và những đối tượng “ăn theo” nông nghiệp không dễ. Không phải một sớm một chiều người ta bỏ được ngay chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng”- thực phẩm sạch thì để mình ăn, thực phẩm “bẩn” thì mang bán kiếm lời. Cũng không dễ dàng bỏ được thói quen dùng phân bón hóa học, chất bảo vệ thực vật nhiều dư lượng hóa chất độc hại; cũng như không dễ bỏ cái cách dùng thuốc tăng trưởng, chất tạo nạc... giúp ai đó kiếm tiền nhanh, nhưng nguy hại thì cộng đồng chịu.

Khó nhưng không thể không làm. Nếu trong quá khứ chúng ta tự hào về nền văn minh lúa nước, tự hào về làng thì không lý gì tới đây ta lại không thể làm nông nghiệp hữu cơ, như một sự tiếp nối truyền thống rất mạnh về nông nghiệp của người Việt Nam. Vì thế, tại hội nghị kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng: “Thay mặt Chính phủ, tôi kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, bà con nông dân, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cả nước. Đó chính là quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, vì môi trường sống trong lành, vì sức khỏe tốt và hạnh phúc của từng người dân Việt Nam chúng ta”. Và điều đó cũng chính là để xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới.

2. Thời gian gần đây, nhiều hội thảo, hội nghị lớn về lĩnh vực nông nghiệp nối nhau mở ra, càng cho thấy tầm quan trọng của vấn đề cũng như chủ trương “xoay trục” đầu tư. Nói xoay trục là bởi nhiều năm nông nghiệp - nông thôn - nông dân không được đầu tư đúng mức. Doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này tuy rằng tuyệt đại đa số doanh nhân thành đạt đều có ông bà, cha mẹ là nông dân.

Nếu doanh nghiệp không đầu tư vào đây thì rất khó xoay chuyển tình thế. Bởi khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì không chỉ là tăng thêm dòng vốn dồi dào trước đó không có, mà còn thay đổi cả cách nghĩ, cách làm, hướng người ta tới giá trị thương mại của sản phẩm nông nghiệp nhiều hơn. Cũng may là năm 2017, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng đáng kể, trong đó cả những tập đoàn lớn. Nông dân không chỉ sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, mà số lượng lẫn chất lượng sản phẩm đã có sự đột biến về chất; trong đó khâu chế biến được tăng cường, từ sản phẩm thô sang sản phẩm tinh với giá trị thương phẩm tăng cao.

Tuy nhiên, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 4-1-2018) thì chúng ta "đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế" vì thành tích mới chỉ ở bước đầu.

Thủ tướng chỉ rõ, hiện nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Ở đây còn nổi lên vấn đề cơ cấu lao động cần sớm được giải quyết. Đây cũng chính là một yếu tố làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam trong tương lai.

Nếu ai từng có “dây mơ rễ má” với nông thôn hẳn không khỏi suy nghĩ mỗi khi có dịp về làng. Làng bây giờ khác lắm. Thôi thì hãy khoan nói về kiến trúc bởi giờ đây khó tìm được “cây đa, bến nước, sân đình” và lũy tre bao quanh làng, mà hãy nói đến người ở làng. Nhiều năm qua, đất nước có bước chuyển mình rất lớn. Việc đô thị hóa đẩy mạnh, phố thị “tiến về làng” ngày càng nhanh và mạnh. Nhiều người dời làng ra đi. Có làng vãn cả dân, ngay cả ngày hội hè, lễ tết cũng thưa người. Họ ra đi tìm tương lai ở đô thị, ở những khu công nghiệp. Tâm lý “chán làng” xuất hiện khá phổ biến.

Những người dời làng ra đi, chán làng chủ yếu là người trẻ, những người trong độ tuổi lao động, sức dài vai rộng có khả năng tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào công cuộc sản xuất mới. Thế là “lực lượng lao động chính” của làng lại là những người đã cạn sức lao động, tuổi tác cao, còn trẻ con đang đi học thì không tính. Khi thiếu lao động trẻ, khỏe thì đương nhiên không thể nói đến chuyện “tăng tốc phát triển”. Trẻ khỏe mới chạy được nhanh, mới dám chạy; người già chiêm nghiệm ngẫm nghĩ thì làm sao “tăng tốc” cho được.

Cũng chính vì làng hôm nay vắng bóng người trẻ nên có vẻ buồn. Đi tìm gương mặt của làng và định hình gương mặt mới không dễ.

3. Để gương mặt của làng sáng láng cần quá nhiều yếu tố. Tới nay, không thể quay lại với một hình ảnh nông thôn cũ, cho dù nó rất thơ mộng. Nhưng “vẽ” nên gương mặt mới như thế nào và định hình nó ra sao lại là vấn đề không dễ.

Có vẻ như lâu nay người ta hay “kêu” về làng, nhưng làm gì để nó phát triển, trù phú và ấm cúng thì lại là... chuyện của người khác. Ấy vậy nên khi nói chuyện với cán bộ nông nghiệp, Thủ tướng mới nói “Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết, chứ không phải mình nghiên cứu giấy tờ suốt”. Không gần nông dân, không hiểu rõ thực chất sự xoay chuyển của làng xóm, không đặt mình vào họ thì không thể có được giải pháp tốt. Lại nhớ chuyện xưa kia Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với bà con ngay tại bờ ruộng. Người còn cùng bà con tát nước chống hạn. Người không chỉ rất gần gũi với bà con nông dân mà còn rất coi trọng nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Vậy nên, trong cuộc kháng chiến cam go ác liệt giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người nông dân mới xả thân cùng sự nghiệp vĩ đại ấy. “Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”. Những cánh đồng 5 tấn xuất hiện trên miền Bắc, nơi chịu đựng không biết bao lần máy bay địch trút bom bắn phá. Trên cánh đồng xuất hiện những cô thôn nữ tay cày tay súng, để cánh đàn ông ra trận...

Hôm nay, cùng với việc xoay trục đầu tư vào nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch chất lượng cao và bền vững thì việc giữ chân được lực lượng lao động trẻ ở lại với làng là vấn đề rất quan trọng. Cơ cấu lực lượng lao động nông nghiệp mấu chốt là ở đây. Họ ở lại làng với niềm tin vào tương lai, vào những mùa quả ngọt ngay trong tầm tay với chứ không phải là ở lại với tâm trạng chán làng, càng không phải là cảnh vừa ly nông vừa ly hương. Tương lai thuộc về người trẻ và gương mặt của làng rồi sẽ ra sao cũng chính do họ “vẽ” nên. Làng trong tình thế mới không chỉ là vườn - ao - chuồng mà còn phải là làm dịch vụ, phát triển thương mại. Mà như thế, phi người trẻ không xong.

Tới thời điểm này, không chỉ lúa gạo mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác đã có giá trị xuất khẩu lớn. Năm 2017, trái cây xuất khẩu tăng hơn 40% so với năm 2016, giá trị xuất khẩu đã đạt 3,45 tỷ USD - cao hơn cả lúa gạo (2,6 tỷ USD). Đối với thủy sản chỉ tính riêng xuất khẩu tôm cũng đã tăng hơn 22% so với năm 2016. Với con số này, nông sản là ngành hiếm hoi đạt thặng dư tuyệt đối 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá. Nhưng, nói như GS Võ Tòng Xuân- vị chuyên gia nông nghiệp hàng đầu thì cần phải bỏ ngay tư duy “vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long”, không nên đua theo trồng thật nhiều lúa mà phải chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, phải chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn. Trong quá trình chọn lựa cây, con, cần thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu, vì họ là người sau cùng sẽ đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gương mặt của làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO