Hạnh phúc nhất đời người là sống trong yêu thương của Mẹ

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/03/2019 16:24

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường (sinh năm 1980) là người lính làm thơ, vì vậy, tâm trạng anh gửi gắm trong từng tự khúc đơn giản mộc mạc gần gũi mà cũng nhuần nhụy cảm xúc. Với tập thơ “Mắt đàn ông”, anh đã thể hiện được chất đàn ông cần có, rõ ràng mạch lạc không nhòe nhoẹt nửa vời. Trong thơ anh, dĩ nhiên không thể thiếu hình ảnh người phụ nữ, một nửa làm nên thế giới, và cũng là một nửa làm nên tâm hồn, con người anh.

Hạnh phúc nhất đời người là sống trong yêu thương của Mẹ

“Đêm qua mưa chảy ngang đồng
Tôi nghe
Lúa
Cõng
Ngọn giông đầu hè
Cái liềm cong một cơn mê
Sớm mai
Ướt
bóng
Mẹ về trước hiên

(Mẹ và đêm mưa)

Tất nhiên! Đấy là mẹ tôi, và cả bà nội tôi nữa, vì tôi còn bà nội, năm nay đã 90 tuổi rồi. Khi anh em tôi còn nhỏ, bố tôi là bộ đội xa nhà, chúng tôi lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ và bà. Em trai tôi ăn cơm bà nhá bằng hàm răng khi đó đã móm mém rồi… Thế rồi, chúng tôi lớn lên…

Bài thơ trên mang hình ảnh của bà tôi nhiều hơn. Một người phụ nữ nông dân tần tảo. Mẹ tôi thì lại là một nhà giáo, sự vất vả, lo toan của mẹ cho chúng tôi khác với hình ảnh ấy. Ông nội tôi đã ra đi tròn hai mươi năm rồi, và bà tôi vẫn ở vậy, bên chúng tôi cũng ngần ấy năm. Bây giờ sắp 40, nhưng mỗi lần về quê, bà vẫn coi tôi là “thằng cu Cường” thủa nào, vẫn vùi khoai lang mật cho tôi ăn, vẫn sẵn sàng che chở mỗi khi tôi bị bố tôi quở mắng (Cười)…

Ngày nhỏ, chúng tôi sống trong một căn nhà vách đất, lợp bằng rơm rạ. Khi học lớp 2, tôi đã biết giúp mẹ trông một cái bàn nhỏ để bán cho người lớn, trẻ con trong làng dăm cái kẹo bột, vài gói thuốc lào. Ngày ấy rất đói, có cái gì ngon, mẹ cũng mang về cho chúng tôi. Và ngược lại, tôi thì làm thay những việc của một đứa con gái như giúp mẹ nhổ tóc sâu chẳng hạn… Cũng vào năm lớp 2, lúc tôi đã đọc thông, viết thạo thì mẹ đưa cho tôi một món quà đặc biệt mà bố tôi, khi đó đang đóng quân ở Quảng Bình, gửi tặng. Đó là một bài thơ rất dài, mộc mạc, mà tôi nhớ mấy câu đầu thế này: “Nhân ngày sinh của con trai/ Cha làm quà tặng con bài thơ quê/ Đường làng hoa nở nhiều ghê/ Bông nào đẹp, mẹ mang về cho con…” Và từ bài thơ ấy mà tôi học bố để làm thơ. Rồi in nhiều thơ ở Báo “Nhi Đồng”, “Thiếu niên Tiền phong”, được nhiều bạn nữ viết thư làm quen. Mẹ tôi lại tỉ mẩn ngồi viết thư giúp tôi trả lời, vì tôi lúc ấy bé tí, ngại ơi là ngại. Không thể nào quên những ngày gian khó mà tuyệt vời đó. Ký ức của tôi luôn hiện về hình ảnh một mái tranh nghèo khó, hai ngọn đèn dầu, một bên mẹ tôi ngồi soạn giáo án, và một bên là tôi ngồi ê a…

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”? Lẽ đương nhiên là thời nay, không ai dám mặc định như thế cả. Cái việc xây nhà và xây tổ ấm là trách nhiệm không chỉ của đàn bà hay của đàn ông. Anh chị đã đến với nhau thì phải chung tay mà xây cả nhà, cả tổ ấm cho chính anh chị và cho con cái chứ? Nhưng ông bà ta đã dạy thế thì cũng có cái lý của nó. Tôi nghĩ dù là trách nhiệm chung đấy, nhưng mà nặng, nhẹ có khác nhau. Mỗi việc nêu trên nó đã ngầm xác định vai trò chính của mỗi người trong đó rồi. Giống như là thiên chức mà tạo hóa đã sinh ra vậy. Rất hiếm khi đảo ngược vai trò này mà gia đình có được hạnh phúc cả, nhất là đối với người Việt Nam của chúng ta.

Chữ tượng hình Hán Nôm vốn bao hàm nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Không phải vô cớ mà chữ “An” lại được viết bằng chữ “Nhà” bao quanh chữ “Nữ”. Rõ ràng chẳng một mái nhà nào thiếu vắng bóng dáng của người phụ nữ mà lại được an yên; và ngược lại, nó cũng mặc định rằng: phụ nữ ơi, các bạn chính là cái neo giữ cho mái nhà ấy được an yên đấy! Hãy vì sự an yên ấy mà dịu dàng thêm một chút, nhường nhịn thêm một chút! (Cười)

Với tôi, hạnh phúc chỉ có thể được xây nên từ một trái tim biết yêu thương! Xuất phát từ tình yêu thương, bạn sẽ thấy chồng mình bươn bả ngoài đời kia với muôn ngàn chướng ngại, dễ vấp, dễ ngã… Và khi ấy bạn sẽ như một lẽ tự nhiên trở thành một bờ vai thường trực cho anh ấy tựa vào.

Tôi rất thích bài hát “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, khóc như trẻ con”… Mà bạn biết không, câu hát hay nhất trong bài ấy là “Ngày xưa bên giường cha nằm, mẹ buồn xa vắng, nhìn cha, thương cha chí lớn không thành”. Nghe câu ấy tôi có thể rơi nước mắt đấy! Đàn ông ấy mà, hầu hết đều ôm một khát vọng lớn. Và khi thất bại, người mà anh ta không dám đối diện nhất, tôi nghĩ đó chính là người phụ nữ của mình, bởi anh ta muốn phải luôn luôn là người hùng trong mắt vợ kia. Cho nên, người mẹ ấy, với cái tình thương dành cho người chồng vì hiểu khi chí lớn không thành, anh ta đau khổ thế nào, đó thực sự là một tình thương vĩ đại của một người vợ có trái tim thấu cảm…

Và rõ ràng chỉ có tình yêu thương của phụ nữ mới nuôi dưỡng tâm hồn cho những đứa con. Thì các cụ chẳng bảo “Con hư tại mẹ…” đấy thôi! Tôi đùa đấy! Nhưng quả thực, đến một gia đình nào đó, bạn chỉ cần từ hình ảnh của người mẹ là có thể suy ra những đứa con trong gia đình ấy sẽ thế nào. Hạnh phúc nhất của đời người là khi được lớn lên trong tình yêu thương của những người mẹ!

Nếu có thể lựa chọn, họ hãy lựa chọn phần việc xã hội vừa với sức của mình. Một người phụ nữ tham vọng tiến thân thì rất khó có thể dành đủ thời gian giúp bếp lửa gia đình mình luôn cháy đượm. Muốn vẹn cả hai đường, rõ ràng họ phải cố gắng rất nhiều, và phải có một người đàn ông thấu hiểu, chia sẻ ở bên cạnh nữa…

Nhưng dù thế nào, thâm tâm tôi vẫn mong muốn những người vợ, những người mẹ trước hết là người xây tổ ấm, là sự ấm áp, chở che, là phần hồn của gia đình mình. Vì chỉ khi ấy, gia đình mới là nơi mà người ta “đi thật xa để trở về”, để thấy: “Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạnh phúc nhất đời người là sống trong yêu thương của Mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO