Hồ Chủ tịch yêu cầu điều tra lại một bản án

Phạm Quang Đẩu 19/05/2018 11:00

Cụ Vũ Quang Triệu ở phố Đội Cấn, Hà Nội hiện tuổi đã ngót “bách tuế” vẫn còn minh mẫn. Vị đại lão nguyên là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Văn hóa-Thông tin; nguyên là thư ký của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thời kỳ năm 1948-1949 ở chiến khu Việt Bắc.

Cụ quê Hương Canh, Vĩnh Yên, thuở nhỏ ra Hà Nội học, đỗ tú tài Triết, cách mạng tháng Tám 1945, cụ tham gia Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội. Nhân ngày sinh lần thứ 128 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2018) cụ đã kể câu chuyện dưới đây, về việc Hồ Chủ tịch đã yêu cầu điều tra lại một bản án liên quan đến thân phụ của cụ...

Hồ Chủ tịch yêu cầu điều tra lại một bản án

Ông Vũ Quang Triệu (người đeo kính đứng giữa) cùng 10 người con trai và con dâu của cụ giáo Thao
đã tham gia quân đội sau cách mạng tháng 8/1945.

Thân phụ tôi tên là Nguyễn Văn Thao (Cụ Vũ Quang Triệu tên thật là Nguyễn Văn Tuyết), thời trẻ dạy chữ nho dân làng thường gọi là ông giáo Thao. Thân phụ tôi thừa hưởng của cụ cố, nhà có nhiều ruộng đất.

Nhưng sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thân phụ tôi được Việt Minh giác ngộ, đã chia hầu hết gia sản cho dân nghèo trong vùng, chỉ giữ lại hơn chục mẫu ruộng để nuôi gia đình, bản thân cụ tham gia cướp chính quyền là chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời huyện Bình Xuyên (Vĩnh Yên).

Và ngày đó cụ có 10 người con trai, con dâu đều nhập ngũ. Bản thân tôi học ở Hà Nội được giác ngộ cách mạng.

Toàn quốc kháng chiến nổ ra tôi theo cơ quan chính phủ kháng chiến lên chiến khu, được kết nạp Đảng và từ năm 1948 làm thư ký cho anh Phạm Văn Đồng lúc đó là Phó Thủ tướng (Thời kỳ này Bác Hồ là Chủ tịch nước, kiêm Thủ tướng).

Vào đầu năm 1953 ở nông thôn bắt đầu cuộc cải cách ruộng đất, phóng tay phát động quần chúng, cuối năm ấy trên chiến khu Việt Bắc tôi nghe tin thân phụ bị quy địa chủ Quốc Dân đảng và bị bắt giam, đang chờ ngày đưa ra xét xử.

Thời gian này trong lòng tôi lúc nào cũng như có lửa đốt, mà bề ngoài vẫn phải giữ được sự điềm tĩnh để làm việc. Một hôm tôi thấy ở văn thư có một phong bì do Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương trình lên Chủ tịch nước.

Tôi đã linh cảm ngay, nội dung bên trong có thể liên quan đến thân phụ tôi. Ngày hôm sau, anh Hoàng Hữu Kháng, một cận vệ của Bác Hồ vốn chơi thân với tôi, đã nói nhỏ vào tai tôi một tin rụng rời: Đúng là công văn có liên quan đến vụ xử ông giáo Thao địa chủ ở Hương Canh, đề nghị mức án tử hình, nhưng còn xin ý kiến Bác.

Ngày đó văn phòng Chủ tịch nước và Phủ Thủ tướng cùng trong một khu vực của An toàn khu (ATK), anh em của văn phòng có sáng kiến nuôi mấy con dê vắt sữa để bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo cấp cao.

Một lần tôi đi ngang qua văn phòng chủ tịch, Bác Hồ vừa cầm cốc sữa lên, thấy tôi liền vẫy tay gọi vào và bác lấy thêm một cốc không, xẻ đôi sữa đưa tôi bảo: Chú uống đi cho khỏe. Tôi có chút bối rối, nhưng không dám từ chối.

Thế rồi đến ngày hôm sau, anh Kháng chủ động tìm tôi báo tin: Bác đã bút phê vào đầu công văn: Gửi chú Phạm Văn Đồng, cử người về quê điều tra rõ trường hợp này rồi báo cáo lại Bác. Anh Đồng đã cử anh Trần Quý Kiên đi điều tra.

Tôi cảm thấy nhẹ nhõm được phần nào, dẫu nỗi lo vẫn còn canh cánh. Tôi yên tâm chút ít còn vì người được cử đi điều tra là anh Trần Quý Kiên.

Tôi biết khá rõ về anh, một nhà cách mạng đàn anh của tôi. Anh từng đảm nhiệm Bí thư Thành ủy Hà Nội một giai đoạn ngắn, từ cuối năm 1938 đến tháng 9/1939.

Đó lại là điểm nút của thời kỳ chuyển hướng chiến lược quan trọng của Đảng ta, từ hoạt động công khai, hợp pháp sang bí mật. Anh đã góp phần giữ vững ngọn lửa cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội trong những ngày tháng đấu tranh của cao trào 1936-1939. Ngọn lửa đó âm ỉ cháy mãi đến ngày toàn dân vùng lên giành chính quyền trong cuộc Cách mạng mùa thu năm 1945.

Đầu năm 1949, anh là Trưởng ban Căn cứ địa Việt Bắc, đến giữa năm 1950 thì kiêm chức Bí thư đảng ủy Khối cơ quan dân-chính-đảng Trung ương, đồng thời là Phó văn phòng Thủ tướng phủ.

Quê gốc anh ở thôn Thượng Vũ, xã Nguyễn Huệ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (cũ). Do nghèo đói mà cha mẹ ông sớm bỏ quê ra Hà Nội kiếm sống, gia đình thuê trọ ở nhà số 58 đường Yên Phụ (nay thuộc quận Ba Đình), Hà Nội.

Chính tại căn nhà này vào giữa năm 1911, cậu bé Trần Quý Kiên ra đời (Anh hơn tôi 9 tuổi), lớn lên đi hoạt động lấy tên khác là Đinh Xuân Nhạ.

Khi Trần Quý Kiên học trường tiểu học Yên Phụ đã kết thân với một người bạn hơn tuổi là Nguyễn Đại Phát, được bạn giác ngộ, đưa vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hà Nội từ rất sớm.

Những năm 1925-1926, anh tham gia phong trào học sinh, sinh viên đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Anh bị buộc thôi học, đi làm thợ và tháng 5/1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 11/10/1930 Trần Quý Kiên trực tiếp phụ trách một tổ tuyên truyền xung phong mang cờ, biểu ngữ đến treo trước cổng Trường Bách nghệ ở phố Caro (nay là phố Lý Thường Kiệt).

Nhằm lúc tan học, học sinh đổ ra đông, anh đã nhảy lên diễn thuyết và tung truyền đơn kêu gọi ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngay sau đó, anh bị địch bắt, kết án 5 năm tù giam ở Hỏa Lò, sau đày lên Sơn La.

Đầu năm 1936, hết hạn tù, anh trở về Hà Nội tìm bắt liên lạc ngay với tổ chức. Đến tháng 10 năm ấy, tại một địa điểm ở Gia Lâm, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì nhóm họp hội nghị, thành lập “Ủy ban sáng kiến”, như một ban cán sự của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội khi chưa có đủ điều kiện để thành lập cấp ủy xứ và thành.

Trần Quý Kiên đã tham gia ủy ban này. Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được tái lập, anh được cử vào Xứ ủy và Thành ủy. Cuối năm 1938, anh được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Như vậy, ở thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trần Quý Kiên là Bí thư thứ tư của Thành ủy Hà Nội, sau các đồng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư Thành ủy lâm thời từ tháng 3 đến tháng 5-1930); hai Bí thư Thành ủy chính thức là Nguyễn Ngọc Vũ và Lương Khánh Thiện.

Anh Trần Quý Kiên rời ATK được khoảng một tuần, rồi anh trở về, việc đầu tiên anh tìm tôi vỗ vai nói: Triệu yên chí nhé, ông cụ là địa chủ kháng chiến. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tảng đá bấy lâu đè nặng lên tim tôi nay đã được gỡ bỏ! Chỉ sau đó một ít ngày tôi được tin từ quê nhà, thân phụ tôi đã ra tù. Trong đợt sửa sai đầu tiên, thân phụ và gia đình tôi được phục hồi mọi danh dự, quyền lợi.

Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho thân phụ tôi vì “Có 10 người con tòng quân”.

Tiếp theo mấy năm sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tặng gia đình tôi Bằng có công với nước vì “Đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám”.

Vậy là Bác Hồ và người trực tiếp thi hành mệnh lệnh của Người là anh Trần Quý Kiên chính là ân nhân cứu mạng thân phụ tôi, phục hồi danh dự cho gia đình tôi!

Một lần tôi đi ngang qua văn phòng chủ tịch, Bác Hồ vừa cầm cốc sữa lên, thấy tôi liền vẫy tay gọi vào và bác lấy thêm một cốc không, xẻ đôi sữa đưa tôi bảo: Chú uống đi cho khỏe. Tôi có chút bối rối, nhưng không dám từ chối. Thế rồi đến ngày hôm sau, anh Kháng chủ động tìm tôi báo tin: Bác đã bút phê vào đầu công văn: Gửi chú Phạm Văn Đồng, cử người về quê điều tra rõ trường hợp này rồi báo cáo lại Bác. Anh Đồng đã cử anh Trần Quý Kiên đi điều tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ Chủ tịch yêu cầu điều tra lại một bản án

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO