Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng: Vẽ như chơi, vẽ như không vẽ

An Vũ 05/06/2017 09:05

28 bức tranh trong triển lãm “Vùng nhiều mây” của hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng vừa được trưng bày tại Hà Nội là kết quả của hai nghìn giờ miệt mài làm việc. Đã có nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, lần này, với chất liệu sơn mài trên canvas mang phong cách bán trừu tượng, Nguyễn Thế Hùng một lần nữa khẳng định mình trên con đường hội hoạ.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng.

Sinh năm 1981 tại Tuyên Quang, tuổi thơ của hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng gắn liền với những trò chơi dân dã: từ bao trưa hè trốn bố mẹ ngủ trưa để đi bắt ve, bọ xít nghịch chơi, nặn bi đất xoáy bi đã bằng hai vỏ con ốc nhồi, đến nhiều lần chờ những cơn mưa chiều dội về trên đá núi, lại dầm mưa, câu cá. Từ hồn nhiên, chân chất, tình yêu với phong cảnh cũng như con người miền núi đã thấm đẫm trong anh. Mỗi khi nhìn tranh Hùng, có thể thấy sắc thái liêu trai được thể hiện rất nhẹ nhàng. Bóng nhà sàn ẩn khuất sau rặng lá, một vạt váy hoa xoè ngơ ngẩn giữa làn sương nhẹ buông, khung cửa gốc nhạt nhoà trong cơn mưa rừng run rẩy:

“Tất cả được thể hiện qua tranh tôi như những hạt những mầm chất chứa đầy kí ức và hoài niệm, như một phần những hạt vật chất của con người tôi”. Hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Là con trai thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em, bố mẹ của Hùng làm công chức bận rộn cả ngày, anh chị em Hùng thường tự chăm sóc và chơi đùa cùng nhau.

Mẹ của Hùng quyết định cho anh đi học vẽ ở cung văn hoá thiếu nhi của tỉnh. Thay vì lang thang ngoài đường dầm mưa dãi nắng, rảnh rỗi lại nghĩ ra trò quậy phá, Hùng bắt đầu ngồi tập vẽ trong căn phòng nhỏ của cung thiếu nhi. Kết thúc khoá học, anh lại xin bố mẹ được đi học tiếp. Nhưng lý do lại không phải vì mê vẽ, mà bởi thầy giáo dạy vẽ hay cho đi chơi để học trò làm các bài tập ngoài trời. Dần dà, kể cả những ngày nghỉ và lúc rỗi rãi, anh còn được thầy đồng ý cho tới nhà chơi và xem thầy làm việc. Theo một định hướng rất tự nhiên, năm 1997, sau khi tốt nghiệp cấp ba, Hùng thi vào trường Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc tại Thái Nguyên.

Học xong trung cấp, Nguyễn Thế Hùng mất đến 5 năm ôn luyện, mới thi đỗ được vào trường Yết Kiêu (Trường ĐHMT Việt Nam):

“Trong 5 năm, có rất nhiều lựa chọn, nhiều con đường dễ dàng hơn theo đuổi trở thành sinh viên trường đại học Mỹ thuật, nhưng tôi đã kiên trì để rốt cuộc cũng đỗ vào trường. Những năm đầu đại học, tôi bị thu hút và thích thú vô cùng với nghệ thuật đương đại: sắp đặt và trình diễn. Tôi tham gia với nhóm Nhà Sàn và làm thử nghiệm một số tác phẩm sắp đặt. Nhưng niềm đam mê hội họa đã kéo tôi ra, phải mất một thời gian để tôi bắt nhịp lại và sáng tác cho đến bây giờ.” Nguyễn Thế Hùng nhớ lại.

Như nhiều hoạ sỹ khác khi muốn theo đuổi con đường hội hoạ, buộc phải tìm tòi hướng đi riêng cho mình, Nguyễn Thế Hùng cũng phải “vật lộn khá lâu”, thử qua nhiều chất liệu, thể nghiệm bao ngôn ngữ tạo hình khác nhau để rồi nhận thấy mong muốn của anh là sử dụng chất liệu truyền thống để thể hiện tinh thần đương đại. Sau mười năm gắn bó đầy nhiệt huyết cảm hứng với chất liệu Nho mài, Giấy dó – một chất liệu dân gian, mang vẻ mộc mạc, thâm trầm, cổ kính đã được Nguyễn Thế Hùng lựa chọn tiếp tục:

“Giấy dó với tôi là cái gốc, nền tảng, để những màu sắc rực rỡ, những mảng màu, hình thể được thể hiện đa dạng. Nếu bạn quan sát, chắc bạn cũng biết, có một sự có thể gọi là tiến hóa trong những bức tranh của tôi. Những tác phẩm đầu tiên, tôi để nền giấy mộc mạc, đóng khung kính như trong series “Ngày rỗi”. Sau đó, tôi bồi giấy dó lên canvas như trong series “Và hoa đã mưa xuống”. Series “Miss Charming”, “Please, Handle with care”, … là một sự thể nghiệm hoàn toàn mới trên cái nền giấy dó với phong cách Pin-up. Gần đây nhất là series “Những bông hoa nhỏ” tôi sử dụng motif những chấm màu, hạt màu đã sử dụng trên chất liệu Nho mài trong serie “Không gian tròn” năm 2007 và rất hài lòng về hiệu quả của nó trên giấy dó”.

Với Nguyễn Thế Hùng, giấy dó là chất liệu không dễ để sử dụng, nhưng sẽ không quá khó nếu người nghệ sĩ muốn chú tâm vào việc khai thác cho sáng tạo. Chính vì thế, giấy dó tiếp tục được anh chọn tìm hiểu trong những năm tiếp theo:

“Đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều thay đổi, tìm tòi hướng đi, tôi đã định hình được con đường mà mình sẽ đi và nuôi dưỡng đam mê sáng tạo không ngừng. Đối với tôi, việc sáng tác là một công việc hàng ngày như mọi người, điểm khác biệt là tôi được thỏa thích sáng tạo theo ý mình.

Một số bức tranh của họa sỹ Nguyễn Thế Hùng tại một cuộc triển lãm.

Xem tranh của Hùng, có thể cảm nhận được các yếu tố tinh thần, mở ra một thế giới đẹp và sáng. Hùng đi sâu vào thế giới của thiền trong khi đang vẽ. Trong thế giới ấy, anh nhận ra bản thân mình chỉ là một hạt nhân bé nhỏ trong vô vàn những hạt nhân khác:

“Có thể bạn sẽ tìm thấy tôi, một phần của tôi hoặc thấy chính mình đâu đó lẩn khuất trong “thế giới chấm” của tôi đấy. Bạn chỉ cần mở rộng tâm trí, thả lỏng và để mình trôi nổi trong thế giới hờ hững và tĩnh lặng khi xem tranh của tôi”. Hùng chia sẻ.

Khác với những tác phẩm trong hai bộ tranh “Cơn mưa hoa mê ảo”, “Và hoa đã mưa xuống” được trưng bày năm 2011, trong triển lãm “Vùng nhiều mây” là những áng mây hờ hững trôi, bên miếng thổ cẩm, đóa sen, cùng các họa tiết trang trí truyền thống của người Việt, … Tất cả hòa trộn, ẩn hiện trong nền dày đặc những chấm màu lơ lửng như những hạt giống bay khắp không gian. Giống như hiện thân của giấc mơ, hình ảnh trong tranh Hùng là những lát cắt, những phần, những mảng, những diện của nhiều cuộc sống, của nhiều thế giới dưới những góc nhìn khác nhau, vừa mơ màng, hư ảo, của sự sống động và rực rỡ. Vẫn là những màu sắc tươi vui rộn rã, như những tiếng reo vang rì rầm, của những hạt mầm, của chuyển động của sự sống.

“Như một bước chuyển khác, tôi đang reo vui, hòa lẫn mình trong niềm hân hoan của hy vọng và tái sinh”.

Như nhiều hoạ sĩ đã chạm đến thành công, tranh được công chúng yêu thích, bán chạy trên thị trường với giá tốt, thì cách sống bản năng, điên cuồng trong thế giới mộng ảo không phải là lựa chọn của Nguyễn Thế Hùng. Anh làm việc theo ngày như những người công nhân viên chức. Thứ Bảy, Chủ nhật thì tự cho mình nghỉ.

“Cái hay của những người làm việc như tôi là có thể làm chủ quỹ thời gian của mình và ít bị phụ thuộc, chi phối bởi người khác hoặc ngoại cảnh. Tôi không gặp áp lực trong khi làm việc, vì với tôi, vẽ cũng giống như thở, tưới cây, uống nước, …nó lẽ một lẽ tự nhiên và đơn giản. Cũng có thể nói, khi tôi vẽ là lúc tôi đang thư giãn, vẽ tranh, tôi rơi vào không gian thiền, trạng thái thiền của riêng tôi”.

Với Nguyễn Thế Hùng, anh không thấy có sự khác biệt giữa công việc của một người họa sỹ vẽ tranh và một người nông dân trên đồng ruộng. Nghệ thuật nên mang đến cái đẹp, cái thư thái cho cuộc sống: “Công việc của tôi như những người dân lao động khác, lương thiện và hướng tới cái đẹp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng: Vẽ như chơi, vẽ như không vẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO