Hoặc là luật pháp, hoặc là văn hóa

Nguyễn Hòa 14/09/2018 17:10

Vẫn có một số quy định luật pháp khá kỳ cục, và đó là những công việc có lẽ con người không bao giờ làm, chẳng hạn một số địa phương ở Mỹ quy định: “lái xe bịt mắt là vi phạm pháp luật” (Alabama), “gửi một chiếc pizza bất ngờ tới ai đó là phạm pháp” (Louisiana), “đặt một đồng xu trong tai của ai đó là phạm pháp” (Hawaii), “để một chiếc đi-văng ở thềm nhà là phạm pháp” (Colorado), “phụ nữ không được đeo răng giả khi không được chồng cho phép” (Vermont), “cấm lừa ngủ trong bồn tắm” (Arizona), thậm

Hoặc là luật pháp, hoặc là văn hóa

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, không rõ lần ấy thầy trò bàn luận về chuyện gì nhưng tôi nhớ thầy Từ Chi kể với tôi về hồi thầy làm việc ở Guinée. Một hôm tới vùng nọ là nơi sinh sống của một tộc ít người, thầy thấy một nam giới đứng nói chuyện với một phụ nữ ngoài đường, hai tay liên tục xoa lên ngực của người phụ nữ. Thầy buồn cười, thắc mắc không biết tại sao họ lại “tự nhiên như ruồi”. Lần thứ hai gặp việc như vậy, thầy bắt đầu tò mò. Đến lần thứ ba thì thầy dò hỏi tìm hiểu để biết tại sao. Thì ra tộc người này có tục: nếu nam - nữ là bạn bè thân thiết thì gặp nhau ngoài đường, nam giới có thể thoải mái xoa ngực của phụ nữ để bày tỏ lòng quý mến. Còn nếu nam - nữ là người cùng trong một gia đình, là vợ chồng, người yêu thì không được như vậy, ai cố tình làm sẽ bị xử phạt. Chuyện thầy kể làm tôi nhớ tới tục “tháo khoán” vào đêm rã hội ở làng La ngày trước qua hai câu ca dao “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy - Vui thì vui vậy chẳng tầy rã La” mà cụ Toan Ánh đã nhắc tới trong cuốn Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, thầy Từ Chi cũng đề cập, phân tích trong cuốn Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người.

Dần dà tôi thấy, chuyện như thầy Từ Chi kể, tục “tháo khoán” trong đêm rã La, tục “cướp” bánh giầy,… và rất nhiều phong tục, tập quán nữa đều có một điểm chung là hầu như không có quy định thành văn, chỉ là quy ước không văn bản trao truyền từ đời này sang đời khác nhưng vẫn luôn được cộng đồng nghiêm túc thực hiện, nếu không bị xử lý nghiêm khắc thì chí ít người vi phạm cũng phải xấu hổ vì bị cộng đồng chê cười, thậm chí coi thường.

Có thể nói từ xa xưa, nhìn chung các hoạt động có tính cộng đồng luôn đi kèm những quy định cụ thể và người tham gia cần phải tuân thủ. Nói nôm na thì mọi việc đều có luật chơi. Ngay cả trò chơi của con trẻ từ thả đỉa ba ba, chi chi chành chành, bịt mắt bắt dê, ô lò cò, chơi chuyền,… đến ô ăn quan, chơi khăng, nhảy dây,… đều có luật riêng, trẻ nào vi phạm sẽ bị coi là “ăn gian”, có trẻ “ăn gian” nhiều quá bị bạn bè tẩy chay, không cho chơi cùng! Tôi nhớ trong các trò chơi như vậy, người tham gia không chỉ cần phải tuân thủ luật chơi, mà còn phải tuân thủ các tiêu chí văn hóa. Thí dụ, ngồi chơi ô ăn quan, chơi chuyền mà cánh con gái ngồi dạng chân thiếu kín đáo là bà, hoặc mẹ, hoặc chị, thậm chí phụ nữ lớn tuổi hơn đi qua sẽ nhắc ngồi cho gọn ghẽ, hoặc nhắc nhở qua câu nhận xét: “Con gái sao lại ngồi như thế!”.

Mới rồi, dư luận lại ồn ào quanh việc một cô “hoa hậu” chụp ảnh hở hang tại một nơi gọi là “tuyệt tình cốc” ở Đà Lạt. (Tôi để hoa hậu trong ngoặc kép vì tôi chỉ đánh giá cao vẻ đẹp tự nhiên của con người, không ấn tượng với vẻ đẹp có được nhờ dao kéo. Đơn giản vì tôi nghĩ, với dao kéo, người ta có thể biến Thị Nở, Chung Vô Diệm trở thành… hoa hậu!). Sự kiện này khiến tôi nhớ tới những hiện tượng na ná như vậy từng xuất hiện trước đó. Nào ảnh mấy cô gái ăn mặc hở hang đang loay hoay bên cụ thợ gốm! Nào là ảnh hoa hậu tồng ngồng uốn éo giữa rừng để bảo vệ môi trường! Nào là ảnh cô gái mặc yếm hớ hênh đang bốc thuốc bắc!... Và kỳ quặc là mấy cái đề tài để các cô dựa vào đó để chụp ảnh lại chẳng yêu cầu và cũng chẳng liên quan đến việc hở hang, khỏa thân. Chưa xem xét phạm luật hay không, dư luận lập tức lên tiếng phê phán những bức ảnh này trước hết từ quan niệm văn hóa, thậm chí có người coi là dung tục. Tức là trong những trường hợp như thế, văn hóa là tiêu chí đầu tiên đã được sử dụng để đánh giá, kết luận và đưa ra ý kiến.

Sống trong cộng đồng, hành vi của con người rất phức tạp, có tích cực lẫn tiêu cực, lương thiện lẫn bất lương, đẹp lẫn xấu, hay lẫn dở…. Luật pháp ra đời là công cụ xã hội giúp con người tự ý thức để điều chỉnh hành vi, đồng thời xử lý các việc làm gây hại cho cộng đồng, hoặc gây hại cho người khác. Tuy nhiên hành vi của con người thường thiên biến vạn hóa, và dù cố gắng đến đâu thì luật pháp cũng khó có thể đề cập tường tận mọi chi tiết, khó có thể theo kịp hoặc cập nhật những biến thiên thời sự của hành vi con người. Ấy là chưa nói trên thực tế, vẫn có một số quy định luật pháp khá kỳ cục, và đó là những công việc có lẽ con người không bao giờ làm, chẳng hạn một số địa phương ở Mỹ quy định: “lái xe bịt mắt là vi phạm pháp luật” (Alabama), “gửi một chiếc pizza bất ngờ tới ai đó là phạm pháp” (Louisiana), “đặt một đồng xu trong tai của ai đó là phạm pháp” (Hawaii), “để một chiếc đi-văng ở thềm nhà là phạm pháp” (Colorado), “phụ nữ không được đeo răng giả khi không được chồng cho phép” (Vermont), “cấm lừa ngủ trong bồn tắm” (Arizona), thậm chí là “cấm vật nhau với gấu” (Missouri)… Và như đã nói, vì luật pháp khó có thể bao quát và theo kịp mọi hành vi của con người nên mới có kẽ hở để người ta lách luật. Và thường thì thủ pháp lách luật được sử dụng trong những trường hợp như: bao biện cho một hành vi mà nhìn từ góc độ khác “có thể” là phạm pháp, làm cho bản án nhẹ hơn…

Tôi nghĩ, dẫu sao lách luật vẫn ít nhiều còn biết sợ luật, nhờn luật mới là việc đáng lo, đặc biệt là nhờn luật đến mức không còn coi luật pháp ra gì, để sẵn sàng làm cả việc vốn bị luật pháp ngăn cấm. Đó là việc từ đi xe vào đường cấm ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vu khống và xúc phạm nhân phẩm người khác, hành hạ trẻ em,... đến vác dao kiếm chém người, cướp phương tiện giao thông, cướp ngân hàng, buôn bán hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, rồi tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền… Thậm chí có cả trường hợp cố tình phạm luật, chẳng hạn một số cuốn sách, chưa hết thời hạn 10 ngày nộp lưu chiểu đã cho phát hành, đến khi cơ quan chức năng “tuýt còi” thì làm ầm ĩ lên là sách “bị cấm”, thế là thiên hạ đổ xô đi mua, mua rồi mới biết sách đâu có gì xuất sắc, cũng chẳng có gì đáng bị cấm! Hẳn là vì sự phức tạp của hành vi phạm pháp mà luật pháp của một quốc gia là một hệ thống đồ sộ, nhưng vẫn liên tục bổ sung, hoàn thiện (tôi nghe nói và chưa tìm hiểu thì ở Mỹ hiện có hàng nghìn bộ luật, luật, văn bản dưới luật, chưa kể luật riêng của các tiểu bang?). Và tôi luôn nghĩ, một khi đã đề cao vấn đề “thượng tôn pháp luật” thì phải thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, còn khi luật pháp bị “bẻ cong” theo ý muốn của con người thì chỉ dung túng cho sự nhờn luật, và vội đừng nghĩ đến chuyện “thượng tôn”.

Song như đã đề cập, trong cuộc sống lại có nhiều hành vi không liên quan luật pháp mà con người vẫn phải tự mình điều chỉnh, nếu không sẽ bị cộng đồng chê cười, nhắc nhở. Hôm mới rồi, tán chuyện với mấy ông anh đã nghỉ hưu, thấy một anh đưa thẻ đi xe buýt ra khoe, cho biết lâu nay chỉ đi xe buýt, một anh bảo: “Đi thế cho yên tâm, lên xe lại được bọn trẻ nhường chỗ ngồi. Sướng nhé!”. Anh có thẻ xe buýt gật đầu công nhận, nhưng vẫn bổ sung: “Thi thoảng thôi, có cháu thấy mình đến đứng bám vào thành ghế thì chăm chú lướt web trên điện thoại, say sưa đọc sách, hoặc nhìn ra cửa sổ rất đăm chiêu!”. Mấy anh em phá ra cười. Chuyện lại khiến tôi nghĩ đến tiêu chí văn hóa. Không có điều luật nào quy định trên xe buýt người trẻ phải nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai hay có con nhỏ, chỉ có tiêu chí văn hóa trong ứng xử giữa người với người mới đòi hỏi nên (cần) hành xử như vậy. Đáng tiếc càng gần đây, các tiêu chí đó như đã bị nhiều người xem nhẹ, lãng quên, thậm chí đôi khi có ai thực hành còn bị coi là hâm, gàn, cổ hủ, rách việc…

Càng nhìn rộng ra càng thấy gần đây một số tiêu chí văn hóa tối thiểu dường như không còn tồn tại trong nhiều người. Đó là khi được giúp đỡ mà không có một lời cảm ơn; làm phiền người khác mà không có lấy một lời xin lỗi; chưa cần biết phải trái ra sao đã chửi bới, hoặc vung nắm đấm với cả người già; xông vào trường học đánh đập cả thầy cô giáo; thấy người gặp nạn không giúp đỡ mà đứng xem, bàn tán, bình phẩm, hoặc lấy điện thoại quay video đưa lên facebook… Trong báo chí, giới hạn của văn hóa xem ra cũng bấp bênh, khi một số điều vốn được coi là tế nhị về văn hóa trong sinh hoạt xã hội lại xuất hiện la liệt đến mức kinh ngạc. Bởi, có một số nhà báo hình như chỉ hành nghề bằng việc săm soi xem “sao” nào bụng lùm lùm, “sao” nào có vòng một bất thường; “sao” nào váy áo hớ hênh, thậm chí chuyện tình của một “anh hề” và một diễn viên điện ảnh đã trở thành một thứ “thực phẩm chức năng” giúp nuôi dưỡng bàn phím để họ hành nghề, và nếu muốn làm một thống kê các bài báo về chuyện tình của hai người này, chắc chắn cũng phải mất hàng ngày!

Rốt cuộc thì trong thế giới hiện đại, để xã hội an bình, mọi người có cơ hội sinh sống và làm việc tử tế, chỉ có một phương cách duy nhất là “thượng tôn pháp luật”, mỗi người đều nhập tâm về vai trò điều chỉnh của văn hóa. Nên khi xã hội có nhiều người nhờn luật, có nhiều người buông lơi vai trò điều chỉnh của văn hóa thì cuộc sinh tồn đã phát ra tín hiệu SOS cần phải sớm được cảnh tỉnh.

NH - 8/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoặc là luật pháp, hoặc là văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO