Kể chuyện Sơn Trà

Miên Thảo 03/11/2017 10:15

Việc mới đây Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình về thanh tra việc chấp hành pháp luật với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà; cũng như việc sai phạm trong sử dụng đất đai, công sản; việc cả Bí thư lẫn Chủ tịch TP Đà Nẵng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật- đã làm cho câu chuyện tưởng như đã cũ: bán đảo Sơn Trà, nóng lại. Không nóng sao được khi “cuộc chiến Sơn Trà” đến nay đã và đang tiế


Các dự án xây dựng tại Sơn Trà đã phải tạm dừng.

Nỗi lo bê tông hóa

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng... thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án tại Sơn Trà. Đây là các dự án đầu tư xây dựng đã được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép trong giai đoạn từ năm 2003 đến hết năm 2016.

Cần nhắc lại, theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng trình Chính phủ, đến thời điểm tháng 12/2012, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực bán đảo này. Quy mô lưu trú của các dự án theo quy hoạch tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn. Hiện có 3 dự án đã triển khai, 3 dự án đã triển khai một phần và đã tạm dừng; 1 dự án khác cũng đã tạm dừng triển khai là khu nghỉ dưỡng sinh thái biển Tiên Sa sau khi phát hiện 40 móng biệt thự không phép; 11 dự án còn lại chưa triển khai.

Để bảo vệ quan điểm của mình, Đà Nẵng đưa ra các nguyên tắc phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà, như: giữ lại dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động có hiệu quả; các dự án phải do nhà đầu tư trong nước thực hiện và không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ, khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh... Với 6 dự án không phù hợp với các tiêu chí đã nêu, Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú; xem xét cắt giảm quy mô của 10 dự án để phù hợp với các tiêu chí đã đưa ra; giữ nguyên 2 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Câu chuyện thực sự nóng lên sau khi quy hoạch Sơn Trà được công bố. Lúc đó, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng, thay vì 5.600 phòng hay 1.600 phòng).

“Cuộc chiến” của ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Sáng 30/5, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà”. Tại tọa đàm cũng như ngoài hành lang, ông Huỳnh Tấn Vinh- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối bản quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

Lý do ông Vinh lớn tiếng là theo ông, Sơn Trà có 3 điểm rất quan trọng: Thứ nhất, Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng. Thứ hai, là nơi đa dạng sinh học của TP Đà Nẵng và thứ ba, Sơn Trà là mắt thần an ninh của khu vực. Trong khi Sơn Trà là rừng nguyên sinh duy nhất còn lại tại Việt Nam, nó tạo nên một thiên đường mà không nơi nào trên thế giới có được.

Ông Vinh nói: “Theo quan điểm của tôi, bản quy hoạch Sơn Trà của Bộ VHTTDL đưa ra chưa giải quyết được vấn đề đa dạng sinh học, nó chưa đề ra các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học trên một khu rừng nguyên sinh duy nhất của nước ta hiện nay”. Ông Vinh đặt vấn đề: “Hãy tự hỏi rằng, du khách nước ngoài đến với Sơn Trà nói riêng và đến với Việt Nam nói chung để làm gì? Họ không cần các công trình tráng lệ, xa hoa, họ tìm đến đất nước ta bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã, vì báu vật Sơn Trà chứ không phải cái gì khác”.

Đáng chú ý, theo ông Vinh bản quy hoạch Sơn Trà dựa trên những quyết định thu hồi đất chưa rõ ràng, chưa nhất quán. Sơn Trà là đất của toàn nhân dân TP Đà Nẵng, không thể tùy tiện khi thì nói rằng tổng diện tích là 4.000m2, lúc lại 2.000m2 rồi lúc lại chữa thành 3.000m2. Từ đó ông Vinh đề nghị tạm dừng cấp phép, tạm dừng thi công bất cứ dự án nào trên Sơn Trà vì rằng “Quy hoạch bán đảo Sơn Trà sẽ mở đường cho doanh nghiệp phá hủy Sơn Trà, bê tông hóa Sơn Trà. Chúng tôi kiên quyết phản đối đến cùng”.

Ngay sau đó, ngày 2/6, một văn bản do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái ký cho rằng: tại tọa đàm "Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà", ông Huỳnh Tấn Vinh đã phát biểu các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà "thiếu chính xác", "chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề", từ đó đề nghị Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh giải trình, trả lời Bộ trước ngày 15/6. Nhưng chỉ 2 ngày sau, cũng chính Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã ra quyết định thu hồi văn bản ngày 2/6 do có một số nội dung "chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm". Còn vào ngày 6/6, trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã nói về việc tham mưu cho Bộ VHTTDL ban hành văn bản đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh vì những phát biểu tại một hội thảo. Theo ông Tuấn, "thể hiện trong công văn, chúng tôi đã có sai sót về chữ nghĩa" và mong nhận được sự thông cảm.

Cũng cần nhắc lại rằng, trong “tình thế” đó, vị Chủ tịch hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng khẳng định sẽ bảo vệ Sơn Trà cho đến cùng dù có công văn của Bộ VHTTDL. “Bảo vệ báu vật Sơn Trà cho con cái chúng ta là lẽ phải nên tôi không lùi bước”- ông Vinh nói.

Những diễn biến quan trọng

“Câu chuyện Sơn Trà” không dừng lại ở một cá nhân, một tổng cục hay một bộ - mà đã làm nóng nghị trường.

Chiều 13/6, tham gia giải trình về Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã yêu cầu lãnh đạo Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội du lịch thành phố để bàn tất cả khía cạnh liên quan. Theo Phó Thủ tướng, tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng là Đà Nẵng cần rà soát tất cả các dự án, làm việc với nhà đầu tư, với Hiệp hội để thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà xuống. “Nếu thành phố thống nhất với Hiệp hội là giữ nguyên trạng Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh”- Phó Thủ tướng nói.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới tận nơi tự mình khảo sát, đánh giá. Ông cho biết, đã đọc mấy trăm trang tài liệu, làm việc với kiến trúc sư thực hiện quy hoạch... nên đã chỉ đạo tạm dừng quy hoạch du lịch Sơn Trà, nghĩa là chưa triển khai trên thực tế để việc tiếp thu ý kiến được khách quan.

Cũng tại diễn đàn này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng, do đó khi có vấn đề thì Chính phủ cần vào cuộc. Ông Nghĩa nói: “Yêu mến Sơn Trà thì không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà dân cả nước, cũng giống như Hạ Long, Sơn Đoòng, Cát Bà… Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này, chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau”. Ông Nghĩa cũng đặt vấn đề phải hỏi ý kiến rộng rãi.

Tới nay, câu chuyện Sơn Trà đã có thể coi là đang dần đến hồi kết bằng việc Chính phủ chỉ đạo thanh tra việc chấp hành pháp luật với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà. Câu trả lời Sơn Trà sẽ ra sao chỉ có được sau thanh tra. Nhưng thực tế thì việc bảo vệ một vùng đa dạng sinh thái, cùng thái độ “giữ lại của cải cho con cháu” là hết sức ý nghĩa. Hy vọng rằng, sẽ là một cái kết có hậu cho bán đảo này để không thể nhân danh phát triển mà làm hỏng thiên nhiên cũng như lợi dụng tình thế để làm giàu cho nhóm lợi ích nào đó.

Sơn Trà là một bán đảo và ngọn núi thuộc quận Sơn Trà TP Đà Nẵng, cách trung tâm TP chừng 10 km về hướng Ðông Bắc. Diện tích 60 km2, dài 13km, rộng 5km, nơi hẹp nhất 2km. Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng.

Sơn Trà có gần 4.000ha rừng, là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam-Bắc. Tại đây, 4.400ha được công nhận là khu vực bảo tồn thiên nhiên vào năm 1992. Đáng chú ý, đây là nơi sinh sống của loài Voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Thông tin tại hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng”, ngày 22/5 do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm GreenViet tổ chức cho biết khảo sát mới nhất của GreenViet, hiện trên bán đảo Sơn Trà có khoảng 1.335 con với 237 đàn Voọc chà vá chân nâu, trung bình có 7,91 đàn/km2. Tuy nhiên, chúng đang đối diện với nguy cơ giảm diện tích vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái; nguy cơ chia cắt vùng sống; nguy cơ gia tăng nạn săn bắn, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát; nguy cơ truyền bệnh từ người sang Voọc qua việc cho động vật ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kể chuyện Sơn Trà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO