Khi một câu chuyện riêng tư trở thành chuyện của đám đông

Nhóm PV 29/05/2019 15:37

Trong bối cảnh cuộc sống thời hiện đại đang ngày càng trở nên áp lực thì mạng xã hội trong rất nhiều trường hợp đã giống như “phao cứu sinh” để người ta giải quyết rất nhiều vấn đề. Ví dụ như xả stress bằng cách cùng lên đồng tập thể, bình phẩm về một câu nói, một hành vi, một người nào đó…

Khi một câu chuyện riêng tư trở thành chuyện của đám đông

Ở nhiều trường hợp khác, kiểu muốn “bóc mẽ” một ai đó, cũng có thể đưa lên thân thế, đời tư mạng xã hội, đưa lên các diễn đàn để cùng bình phẩm, ném đá…

Trong số những việc có thể “giải quyết” trên mạng xã hội, có một vũ khí không ít phụ nữ từ bình dân đến nổi tiếng đang sử dụng là đánh ghen trên mạng. Từ hình tượng người phụ nữ đánh ghen lừng lẫy trong lịch sử văn học là Hoạn Thư đến cách đánh ghen của phụ nữ hiện đại ngày nay đã là một bước tiến xa không phải chỉ của khoa học công nghệ, m à còn là nhận thức và quan điểm xã hội.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà trong xã hội đã có thể thống nhất với nhau những tiêu chí, như: Mạng xã hội có phải là nơi bất cứ cái gì cũng có thể xả ra không? Có nên đưa chuyện “cơm không lành canh không ngọt” ra công khai?

Đánh ghen trên mạng, dù không giống với đánh ghen ngoài đời - thực là xé quần xé áo, đánh đập, xâm hại cơ thể… - thì vẫn có một thứ “đánh” là kiểu gì cũng phải “vạch mặt” người thứ ba, chửi bới và thậm chí là xúc phạm nhân phẩm, danh dự.

Về mặt “tổn thương” không biết cái cảnh “người ngoài cười nụ người trong khóc thầm” của người xưa hay bị đánh đập lột quần lột áo giữa phố như nhiều vụ việc xảy ra gần đây với việc “bóc phốt”, lăng mạ trên mạng xã hội cái nào đau đớn hơn?

Nhưng đứng ở góc độ xã hội học, nói gì thì nói, những việc như đánh ghen trên mạng đang dấy lên những lo âu về thời buổi mà đời sống gia đình đầy rẫy bấp bênh và ứng xử giữa người với người đã không còn phải e dè nữa. Chúng ta đang sống trong một đời sống hiện đại với sự cởi mở, tiến bộ về bình đẳng giới. Tuy nhiên điều này cũng không đồng nghĩa với việc không cần phải giữ những khuôn phép về đạo đức, về văn hoá mà hệ quả của việc phá bỏ đó đang tạo ra sự mong manh trong đời sống tinh thần không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, không phân biệt nạn nhân hay là kẻ gây ra lỗi.

Có vẻ như thời buổi này, nhiều người chọn cách “đánh ghen trên mạng” là bởi vì ở đó luôn luôn sẵn đám đông sẵn sàng hùa theo ủng hộ những người được coi là nạn nhân của một kẻ thứ ba nào đó “dám” chen chân vào phá vỡ hạnh phúc. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi những hành vi sai trái thì luôn luôn bị lên án. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, sự hùa theo và cổ vũ của số đông người làm “cơn say” của người đánh ghen được thỏa mãn cũng rất dễ đẩy hành vi đi quá xa. Cũng giống như hành vi đánh ghen “lột đồ” ngoài phố, đánh ghen trên mạng thoạt nghe tưởng chỉ là ảo, là cạnh khóe lời qua tiếng lại bằng câu chữ, lời nói ấy cũng có những ngưỡng vượt quá sự cho phép của luật pháp nếu như sự việc bị đẩy tới mức là thóa mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Hạnh phúc suy cho cùng khó có thể gìn giữ chỉ bằng những hành vi nông nổi, làm thỏa mãn cơn tức giận nhất thời. Đánh ghen trên mạng giống như con dao hai lưỡi khi một câu chuyện được public thì cũng đi kèm với sự tổn thương, hố sâu ngăn cách ngày càng sâu sắc hơn của những người trong cuộc.

Tình yêu đích thực phải là sự tự nguyện từ các phía, là sự trân trọng giá trị thực của mỗi người. Chỉ khi nào người ta biết trân trọng nhau, thực lòng yêu thương nhau mới tạo ra tình yêu và hạnh phúc. Người ta mới cố gắng để xây dựng một cuộc sống đẹp, biết tha thứ, biết độ lượng, biết xoa dịu vết thương của người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi một câu chuyện riêng tư trở thành chuyện của đám đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO