Khi sự sống được sẻ chia, cuộc đời sẽ tiếp diễn

Trần Hữu Thăng­ 05/03/2019 19:01

Cả hội trường mấy trăm người, từ bà Phó Chủ tịch nước, bà Bộ trưởng Bộ Y tế, các vị Linh mục, các bệnh nhân mù lòa đã được cấy ghép giác mạc và nhìn lại được ánh sáng cuộc đời đến các phóng viên, các nhà khoa học đều giàn giụa nước mắt vì cảm động, vì con tim của từng người đang bị lay động. Tại sao vậy? Chính vì họ được nhìn thấy tận mắt những người có ân nhân đã hiến giác mạc sau khi qua đời đang ngồi trên hàng ghế đầu với nét mặt tự hào, nét mặt dâng hiến nhân ái cao cả.

Khi sự sống được sẻ chia, cuộc đời sẽ tiếp diễn

Trong khi đó, trên sân khấu, các em học sinh nam nữ xinh tươi, khỏe mạnh, ngập tràn sức sống - trong đoàn ca nhạc của Giáo đoàn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - đang trình bày bài hát “Hãy yêu nhau đi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn một cách dìu dặt, thiết tha, như bồng bềnh giữa thực và mộng, lay động hồn người.

Đó là buổi lễ trọng thể của Bộ Y tế được tổ chức tại nhà Văn hóa huyện Kim Sơn - Ninh Bình để tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng hàng trăm giác mạc của bà con giáo dân, là tấm gương dẫn đầu cả nước trong phong trào hiến tạng nhân đạo cao cả này. Đây là một trong những hoạt động đầy tính nhân văn để kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2014.

Tiếng hát của các em học sinh vẫn vang vọng, dìu dặt, thiết tha, trong sáng khắp không gian lễ hội: “Hãy yêu nhau đi, quên ngày u tối / Dù vẫn biết mai đây, xa lìa thế giới”...

Hoan hô và biết ơn Trịnh Công Sơn đã đề cao triết lý sống quá hay, quá đẹp, quá yêu thương con người!

Thực tế, khi đo chiều dài của cuộc sống nhân sinh, nhạc sĩ bậc thầy họ Trịnh đã khái quát: “Cuộc sống là chuỗi tiếp diễn từ chiếc nôi tới nấm mồ”. Chuỗi tiếp diễn này không thể đảo ngược vì nó là quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của muôn đời. Một triết gia danh tiếng Hy Lạp cổ đại đã viết: “Các bậc vĩ nhân cần nhớ rằng: Cái thân xác dù có cao sang bao nhiêu cũng có ngày bị ruỗng nát trong lòng đất”. Nhưng, tại hội trường này, ngày hôm nay, hàng trăm con người khi dự lễ tôn vinh trọng thể này đã thực sự thảng thốt đến nghẹn ngào khi nghe lời phát biểu của bà Trần Thị Thành, một công dân công giáo có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Bà vừa nói vừa giàn giụa nước mắt, vừa nghẹn ngào, xúc động: “Kính thưa các quý vị, tôi vẫn được gặp mẹ tôi sau khi cụ qua đời, - cả hội trường im phăng phắc, bà Thanh tiếp tục thổn thức: - Mẹ tôi vẫn còn sống trong đôi mắt của người đã được cấy ghép giác mạc của mẹ tôi”. Cả hội trường lặng đi trong một phút, rồi đồng loạt đứng lên vỗ tay hồi lâu theo tiếng nhạc đệm, cảm động, vui mừng và tin tưởng vào con người!

Bà Phó Chủ tịch nước đứng dậy, tiến nhanh về phía bà Thanh, thân ái ôm lấy bà và cảm ơn cống hiến quý báu, đầy tính nhân văn của gia đình bà đối với phong trào nhân đạo này. Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói:

- Thưa các quý vị, khi sự sống được sẻ chia, cuộc đời sẽ tiếp diễn.

Tôi nhìn sang linh mục Nguyễn Hồng Phúc - Chánh xứ Cách Tâm - thấy ngài trầm ngâm như đang theo đuổi một suy nghĩ xa xôi, trầm lắng. Đã đến lượt ngài lên phát biểu, ngài nói:

- Nếu ai cũng lo lắng giữ cho thân xác người thân được trọn vẹn thì những người mù lòa sẽ mãi mãi sống trong đêm tối. Khi ta đã nghe theo lời Chúa dạy, biết rõ được rằng “từ cát bụi ta lại trở về với cát bụi”, nên nếu ta khéo léo tận dụng được phần nào bộ phận cơ thể trước khi rữa nát trong lòng đất để có cơ hội giúp đỡ cho đồng loại, cho đồng bào mình bớt được khổ đau, bớt được tật nguyền thì thật là cao cả, thật là trọn vẹn tuân theo ý Chúa. Những người tu hành chúng tôi đã vận động đồng bào giáo dân làm theo ý Chúa, nên trong số 204 người hiến giác mạc trong cả nước, tỉnh chúng tôi đã đóng góp tới 105 giác mạc, đó là minh chứng cho sự dâng hiến cúa đồng bào chúng tôi.

Toàn thể hội trường lại đứng dậy vỗ tay hồi lâu để ghi nhận những đóng góp to lớn của giáo dân Ninh Bình.

Trên đường về, chúng tôi cứ xúc động mãi về những tấm gương cao đẹp của những người giáo dân đã tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Chúng tôi thầm cảm phục cách giáo dục con người làm việc thiện của các vị linh mục. Có vị đã đến tận giường bệnh người sắp ra đi, giảng giải, động viên người nhà bệnh nhân làm việc gì để cho người ra đi còn có cơ hội cuối cùng cống hiến cho đồng loại. Thật đáng kính trọng biết bao nhiêu những tư tưởng bác ái, từ bi, hỷ xả của những người nông dân, những người lao động chân lấm tay bùn, vất vả với ruộng đồng quanh năm suốt tháng mà vẫn luôn mang trong mình “trái tim Thiên chúa”.

Tôi chợt nhớ đến lời dạy của nhà hiền triết vĩ đại Sophocles (năm 497–406 trước Công nguyên): “So với thế giới, bạn chỉ là một người. Nhưng có thể đối với một người, bạn là cả thế giới” (To the world you may be just one person, but to one person you may be the world). Thực đúng như thế, người bị mù lòa suốt đời sống trong bóng tối âm u, lạnh lẽo, sợ hãi, nay lại được nhìn thấy ánh sáng, lại được vui vẻ hạnh phúc bên người thân, bạn bè, thì rõ ràng đối với họ người hiến tặng giác mạc là cả một thế giới ánh sáng, một thế giới ngập tràn hạnh phúc.

Khi giáo dục về lòng yêu thương, quý trọng và giúp đỡ người khác, ai ai cũng nên học lấy lời dạy bao nhiêu năm nay của nhà triết học vĩ đại Jean de La Fontaine (1621–1695): “Phải tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đó là Luật của Trời Đất” (Il faut s'entraider, c'est la loi de Nature). Đã là Luật của Trời Đất thì thử hỏi ai dám không vâng lời! Đã là Luật của Trời Đất, như sinh, như tử, thì hễ ai là con người cũng phải động tâm đến những nỗi đau khổ của người khác mà tìm cách giúp đỡ trong phạm vi có thể của mình. Ai hay ngoảnh mặt đi trước nỗi đau của đồng loại cũng nên có lúc nhớ đến lời dạy nhân từ này của La Fontaine.

Ở Việt Nam ta cũng có những câu danh ngôn để đời về nghĩa đồng bào như “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Rồi các câu “Lá lành đùm lá rách”, “Tình làng, nghĩa xóm”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”... Đó chẳng phải là những câu nhắc nhở chúng ta từ lúc ấu thơ hay sao!

Cũng nên nhắc đến nhà triết học thiên tài Félicité Lamennais (1782–1854). Khi ông viết ra những đoạn văn chương triết lý sau đây đã chạm vào bao trái tim con người trong suốt mấy trăm năm qua trên toàn thế giới: “Nếu có ai hỏi ta: Các anh có mấy người? Chúng ta đáp lại: Chúng tôi có một, vì đồng bào chúng tôi tức là chúng tôi, chúng tôi tức là đồng bào chúng tôi” (Si l'on vous demande: Combien être-vous? Répondez: nous sommes un, car nos frères, c'est nous et nous, c'est nos frères).

Mãi mãi trân trọng cảm ơn Lamennais vì cách ông dạy chúng ta thương yêu đồng bào mình, đúng như câu tục ngữ của cha ông ta đã dạy: “Người trong một nước phải thương nhau cùng” !

Khi những dòng này được viết ra thì mùa xuân mới 2019 đang đến và tin vui về tình hình ghép tạng trong cả nước cũng đến dồn dập. Tại bệnh viện Việt - Đức, trong tháng cuối cùng của năm 2018 đã có một kỳ tích: Cùng một lúc ghép thành công 5 phủ tạng cho 5 người bệnh, lấy từ một bệnh nhân chết não hiến tặng. Đáng kể là ca ghép phổi phức tạp nhất đã thành công. Đáng kể nhất là cùng một lúc hàng trăm bác sĩ Việt Nam đã tổ chức thành công và hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật mổ xẻ ở các phòng điều trị khác nhau trong cả nước với các phẫu thuật phức tạp, không cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài như trước đây nữa.

Mùa xuân đến, ngày “Thầy thuốc Việt Nam“ đang đến, xin chúc cho ngành Ghép tạng Việt Nam có nhiều thành tích mới, nhiều kỳ tích mới, nhiều cống hiến mới trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi sự sống được sẻ chia, cuộc đời sẽ tiếp diễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO