Không dung tham nhũng

Hoàng Mai 19/07/2019 14:10

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Nội chính Trung ương, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 7 vụ/ 9 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ/ 148 bị cáo trong đó có nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc.

Không dung tham nhũng

1. Cuối giờ chiều ngày 8/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát đi thông cáo kỳ họp thứ 37 của Ủy ban này. Một lần nữa, những thông tin từ kỳ họp diễn ra hôm đầu tháng 7 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy: nỗ lực phòng chống tham nhũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ, hay nói cách khác là nỗ lực đấu tranh với các việc làm trái quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Có những vụ việc đã được nhắc đến hay nói cách khác đã được Ủy ban Kiểm tra của Đảng xem xét từ những kỳ họp trước, đến kỳ họp này mới đưa ra quyết định về mức kỷ luật hoặc đề nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức kỷ luật. Điều đó cho thấy: dù kỷ luật Đảng là nghiêm minh nhưng cũng phải được xem xét thấu tình, đạt lý và không làm oan người vô tội. Có những cá nhân lãnh đạo cao cấp buộc phải xem xét kỷ luật và được nhắc đến trong bản thông cáo là rất đáng tiếc giống như nhiều trường hợp cán bộ cấp cao được xem xét kỷ luật trước đó. Tiếc nhưng không có cách nào khác.

Trong số những cá nhân, tổ chức dính án kỷ luật được nêu trong thông cáo lần này có Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giai đoạn 2011-2016 và nhiều Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng hoặc cấp tương đương của Bộ này và một số cơ quan khác, đặc biệt có một nguyên Phó Thủ tướng đã bị xem xét trách nhiệm trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Cụ thể, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có “vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT”. Hay, một nguyên Phó Văn phòng Chính phủ đã có “khuyết điểm trong việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT”. Vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT và các cán bộ nêu trên đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. “Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan”- thông cáo của kỳ họp 35 nêu rõ.

Cũng cần nói thêm, chính từ “quyết sách” của vị nguyên lãnh đạo Chính phủ này mà từ chỗ là tài sản của Nhà nước, cảng Quy Nhơn đã về tay doanh nghiệp Hợp Thành, như vậy là thất thoát rất lớn. Đáng nói là tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT giai đoạn đó đã không những không can ngăn mà còn đồng thuận với chủ trương, khiến vốn Nhà nước thất thoát. Sai phạm ấy nặng đến mức Thanh tra Chính phủ đã kết luận và yêu cầu thu hồi 7% cổ phần Nhà nước bị bán sai về lại sở hữu Nhà nước

2. Tại kỳ họp thứ 37, ngoài vấn đề trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn xem xét, thi hành kỷ luật ông Đỗ Thế Nhữ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Đức Luyện, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông về trách nhiệm liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông trong công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, quản lý, bảo vệ rừng đã được kết luận tại kỳ họp 32 của UBKT Trung ương.

“Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm Tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Thế Nhữ và ông Nguyễn Đức Luyện” - thông báo kỳ họp thứ 37 nêu rõ.

Trở lại với câu chuyện giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng có dấu hiệu sai phạm ở Đắk Nông, có thể thấy chuyện đất đai đã khiến nhiều nông hộ ở thôn quê, nhiều gia đình ở các thành phố lớn phải khóc ra máu vì bị thu hồi đất với giá đền bù rẻ như cho không; rồi chuyện tái định cư thì gặp nhiều khó khăn, gia cảnh thì bết bát vì không có tiền trang trải cho cuộc sống. Vụ có dấu hiệu sai phạm trong giao đất, giao rừng ở Đắk Nông khiến chúng ta không thể không nhớ lại vụ việc Thủ Thiêm với nỗi đau của những người dân mấy chục năm trời mà ngay cả khi Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận, người dân Thủ Thiêm vẫn còn chưa thể nguôi ngoai.

Mới đây nhất là vụ khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cũng liên quan đến việc chuyển nhượng đất đai, bất động sản với mức giá thấp hơn giá thị trường mà không qua đấu giá; hay sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng" nhưng không xin ý kiến của UBND thành phố hoặc chưa được chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất như: dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (Bình Chánh) sử dụng hơn 89 ha đất; hai dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 452 ha (xã Phạm Văn Cội, Củ Chi) và 140 ha (xã Phạm Văn Hai, Củ Chi)…

3. Những vụ án, vụ việc vừa được đưa ra ánh sáng nhờ nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ của người dân, sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng cũng như sự quyết tâm cao độ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua đã giúp đưa ra ánh sáng nhiều vụ án, vụ việc nổi cộm và rất đụng chạm. Thực tế những vụ án ấy không phải chỉ là những vụ án tham nhũng vặt như kiểu “ngứa ghẻ”, mà sai phạm của nó quá lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân. Nếu không phải bây giờ thì sẽ rất khó để đấu tranh chống tham nhũng khi mà nó đã len lỏi vào “hang cùng ngõ hẻm” trong đời sống xã hội; làm tổn thương sâu sắc niềm tin của nhân dân vào Đảng và tổn thương sâu sắc đến hàng chục triệu người dân đang ngày đêm làm ăn chân chính. Chính vì thế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Nội chính Trung ương, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 7 vụ/ 9 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ/ 148 bị cáo trong đó có nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc.

Chắc chắn không thể dừng lại ở đây, các cơ quan chức năng sẽ bám vụ việc, vụ án. Thời gian tới, sẽ còn nhiều vụ án, vụ việc đang được tích cực điều tra để kết thúc sớm, thậm chí ban hành cáo trạng truy tố nhiều vụ án, đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm hàng chục vụ án khác liên quan đến tội danh tham nhũng. Như thế đủ thấy, chưa bao giờ, chưa khi nào Đảng ta - nhất là trong nhiệm kỳ khóa XII - lơ là công tác đấu tranh chống tham nhũng và đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục trong công tác xây dựng Đảng. Trong cuộc chiến ấy, nhân dân luôn đứng bên Đảng. Cũng vì thế, dù là thế lực nào, dù mong muốn đến đâu cũng rất khó có thể vượt qua được tai mắt của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không dung tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO