Kinh doanh, nghề phụ của nhà báo

Việt Quỳnh 15/07/2019 10:13

Với mức lương cơ bản và nhuận bút hiện nay, để có thể chăm lo được cho gia đình cũng như giữ vững được sự khách quan trong mỗi bài, nhiều nhà báo cần làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập.

Một số gương mặt nhà báo thân quen được lên vinh danh nhận Giải thưởng Báo chí Quốc gia ngày 21/6 vừa qua với những đóng góp tích cực qua các tuyến bài điều tra, phóng sự, dù là làm việc ở một tờ báo chính trị uy tín nhất, cho đến tờ báo có lượng bạn đọc nhiều nhất, thì họ vẫn làm nghề phụ, từ bán hàng trên mạng, cho đến mở spa, kinh doanh mỹ phẩm hay buôn bất động sản. Nếu may mắn hơn, thì có chỗ dựa về tài chính phía sau, hoặc là chồng, hoặc là vợ.

Việc nhà báo làm thêm nghề phụ ngày một phổ biến. Trong một số trường hợp nhà báo, cộng tác viên… lợi dụng chức vụ để tống tiền doanh nghiệp, hoặc cấu kết với doanh nghiệp để “đánh” doanh nghiệp đối thủ khác mà báo chí đã nêu, thì việc nhà báo có nghề phụ rõ ràng lại là một minh chứng cho việc nhà báo có sự công tâm, khách quan trong nghề chính.

Nhà báo Nguyễn Thu Trang, chuyên về mảng điều tra, hiện là Trưởng Ban Đại diện của báo Phụ nữ TPHCM tại Hà Nội, là một trong năm mươi Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố. Chị là tác giả của loạt bài có ảnh hưởng lớn đến xã hội, từ những khuất tất liên quan đến trẻ em tại chùa Bồ Đề đến những lò gạch gây ô nhiễm môi trường vùng xung quanh Hà Nội, “cò” chạy công chức tại Sóc Sơn… và gần đây nhất là bảo kê tại chợ Long Biên… Có một thời gian dài nhà báo Nguyễn Thu Trang cùng một số đồng nghiệp mở cửa hàng và kinh doanh online nông sản sạch để sử dụng tiền vào việc từ thiện, dần dà chị chuyển hướng sang hẳn kinh doanh, từ bán cây hồng cổ, bán lan, các loại hoa khác, đến thiết kế vườn cho nhà vườn, biệt thự, rồi mở nhà hàng…

Nhà báo Từ Nữ Triệu Vương, từng tốt nghiệp Khoa Sáng tác Lý luận và Phê bình Văn học, Trường Đại học Văn hóa, đã làm thơ và viết một số truyện ngắn in tuyển tập, từng tổ chức nội dung tuyển tập “Truyện ngắn 8X” (NXB Hội Nhà văn) khá đình đám, đồng thời, chị là người đã viết nhiều bài báo liên quan đến showbiz, thời gian qua kinh doanh trên mạng ban đầu là một số đặc sản Hà Nội như cốm… đến nay thì chị tập trung vào phân phối tổ yến Cần Giờ.

Nhà văn - nhà báo Trần Nhã Thụy ngoài trách nhiệm Trưởng Ban Đại diện NXB Hội Nhà văn tại TP HCM, quản lý tổ chức nội dung cho một tờ báo, khi rảnh, anh còn bán nước mắm trên mạng.

Nhà thơ- Nhà báo Hồ Huy Sơn, hiện đang làm tại Báo Sài Gòn Giải phóng, tự hài hước nhận mình là “Doanh nhưn” khi anh cũng bán hàng thường xuyên trên mạng, chủ yếu là sản vật quê nhà, từ lạc do mẹ trồng đến giò me.

Nhà báo Lê Thúy Hằng, ngoài việc viết bài cho Tạp chí Truyền hình (VTV) còn kinh doanh thêm vé máy bay trên mạng.

Một Trưởng Ban Đại diện tại TPHCM, để duy trì được công việc làm báo điều tra, anh sản xuất, tổ chức kinh doanh và phân phối cà phê cũng như mở chuỗi quán bán cà phê. Một Trưởng ban của trang mạng lớn thì mở chuỗi cửa hàng bán trà sữa. Một Phó trưởng Ban Đại diện của một tờ báo chính trị lớn khác thì mua một mảnh đất xây phòng trọ cho thuê. Phó Trưởng ban một tờ báo chính trị khác nữa thì làm trang trại trồng cà phê và kinh doanh thêm một số nông sản… Đó là những người quản lý mà còn làm thêm việc phụ để thêm nguồn tài chính, còn những phóng viên khác, họ tranh thủ luôn trong công việc, vừa đi tìm hiểu viết bài, vừa tìm kiếm thêm sản vật để bán… Với những nhà báo nhanh nhẹn và tháo vát cũng như đã tích lũy được ít tài chính, khi có thông tin về quy hoạch, họ sẽ chọn đầu tư vào bất động sản.

Nhà báo Phạm Ngọc Dương (báo Điện tử VTC News) chia sẻ: “Xưa nay hay có quan niệm nghề văn nghề báo toàn chém gió nói phét chẳng làm được gì, nhưng tôi thấy nghĩ như thế là sai. Vì nhà báo vừa có tri thức, vừa có trí tuệ lại nắm trong tay các thông tin và phương tiện truyền thông, có ảnh hưởng đến cộng đồng. Nên nhà báo làm kinh doanh là tốt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh doanh, nghề phụ của nhà báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO