Kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIV: Tranh luận cởi mở

Mai Loan 10/06/2018 09:00

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc ngày 21/5. Theo dự kiến, ở kỳ họp này Quốc hội chỉ làm việc trong thời gian 20 ngày (không tính ngày nghỉ) và bế mạc vào 15/6.

Kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIV: Tranh luận cởi mở

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn (chiều 6/6). Ảnh: TTXVN.

1. Chỉ còn vài ngày nữa kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ khép lại.

Trước kỳ họp, trong một phiên họp thường kỳ của TVQH, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, TVQH sẽ báo cáo Quốc hội cho áp dụng thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp 22 UBTVQH; đó là “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”.

Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ và người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi.

Vì sao tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội lại quyết định thí điểm hình thức chất vấn mới này.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau phiên chất vấn kéo dài 1 ngày tại phiên họp 22 TVQH, rất nhiều người dân gửi thư về đánh giá cao việc thí điểm cải tiến.

Do đó, Quốc hội muốn thí điểm cải tiến tại kỳ họp thứ 5 để làm cơ sở cho việc đổi mới hoạt động chất vấn sau này.

Cách chất vấn là đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/1 lần. Sau 3 người hỏi thì người bị chất vấn trả lời câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/1 lần.

Trên thực tế, trải qua 3 ngày chất vấn từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 6, thí điểm này đã cho thấy nhiều điều tích cực.

Thứ nhất, đòi hỏi cả người hỏi và người trả lời phải có khả năng khái quát vấn đề ở mức cao và phải có khả năng trình bày sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.

Với đòi hỏi này gần như tất cả các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ đã thực hiện rất thành công.

Thứ hai, qua các phiên chất vấn, có thể thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, bức xúc được đông đảo các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Nhìn chung các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.

Đánh giá về phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: “Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình, đánh giá cao. Tại các phiên chất vấn đã có hơn 250 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận.”

Thành công thứ 3 của phiên chất vấn là việc đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn.

Nhưng, nói thế cũng không có nghĩa không có những hạt sạn, tuy nhỏ, chẳng hạn việc: Một số đại biểu đặt nhiều câu hỏi hoặc hỏi nhiều nội dung trong câu chất vấn, chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi.

Nhận định về phần trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các ngành trong việc trả lời chất vấn, trong sự chỉ đạo, điều hành, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt yêu cầu như mong đợi.

“Do vậy cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo sự chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân”- Chủ tịch Quốc hội nói.

2. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV cùng với điểm nhấn chất vấn và trả lời chất vấn theo cách hỏi nhanh, đáp gọn, câu chuyện Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) cũng nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân quan tâm.

Nhiều ý kiến cả đồng tình ủng hộ; cả không ủng hộ đã làm nóng truyền thông thậm chí là cả mạng xã hội những ngày qua.

Nhiều ý kiến ủng hộ đã phân tích sâu sắc cả điểm lợi và điểm hạn chế của dự án luật ĐVHCKTĐB nhưng cũng có không ít ý kiến chỉ nhìn một chiều (hoặc khen hoặc chê).

Trước những ý kiến đa chiều và thậm chí là những quan điểm trái chiều với nhiều tranh luận nảy lửa, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí 1 lần bên hành lang Quốc hội với mong muốn làm rõ những vấn đề mà dư luận băn khoăn. Đây cũng là điều ít thấy đối với một dự luật được trình Quốc hội; mà lại không phải trình lần đầu.

Trả lời báo chí, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của nhân sĩ, trí thức, kiều bào và khẳng định Chính phủ lắng nghe và hoan nghênh các ý kiến hết sức sôi nổi.

Nói như Thủ tướng thì, tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy chúng ta không lo mất nước!

“Chúng ta phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh Luật, đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng phát triển bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do của đất nước, một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam của chúng ta.”, Thủ tướng nói.

Vậy điều gì khiến dư luận băn khoăn nhất trong Luật ĐVHCKTĐB- đó chính là việc luật quy định thời gian thuê đất kéo dài đến 99 năm và những ưu đãi cho 3 đặc khu- đối tượng được nhắc đến bởi luật này.

Thường trực UB Pháp luật vì thế cũng đã nhóm họp gấp trong ngày 7-6 để rà soát lại các nội dung, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Và theo như thông tin mà ông Bùi Văn Xuyền- ủy viên thường trực UB Pháp luật thì sau khi sửa, so với các quy định hiện nay, giờ giảm đi như vậy thì theo nhận định của Bộ trưởng KHĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo thì hầu hết các cơ chế đặc thù cũng không còn gì, không cao nữa.

Cũng vẫn theo ủy viên thường trực UB Pháp luật thì trong luật ĐVHCKTĐB sẽ xác định đưa ra một số ngành nghề được khuyến khích ưu đãi đầu tư vì nó mang tính đặc thù và được ưu đãi, ưu tiên ở đó.

Chẳng hạn, ngoài yếu tố đất đai còn được ưu đãi về thuế, ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo các quy định cụ thể.

Còn lại thì những nội dung nào không xác định thuộc ngành nghề khuyến khích ưu tiên thì được tự do hoạt động nếu pháp luật không cấm.

Vẫn theo ông Bùi Văn Xuyền trên cơ sở chắt lọc những góp ý, Quốc hội sẽ tiếp thu tối đa từ ý kiến các bộ ngành, kể cả Chính phủ. Và cái vượt trội trong dự luật là các ưu đãi về thuế và cơ chế thông thoáng về thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh.

“Cái đó là quan trọng nhất và môi trường sản xuất kinh doanh cũng như cơ chế tư pháp nhanh gọn thông thoáng phù hợp thông lệ quốc tế đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.”, ông Xuyền cho biết.

Cùng đó, nhà đầu tư phải cam kết thực hiện theo đúng quy hoạch.

Để tránh việc 1 quốc gia đầu tư vào một đặc khu, về cơ bản, dự luật không có một dự án tổng thể nào để 1 nhà đầu tư mua toàn bộ đặc khu đó được.

Vấn đề là thực hiện theo quy hoạch chứ không phải nhà đầu tư nào muốn vào làm gì ở đây cũng được.

Cùng với đó, còn nhiều luật khác ràng buộc, vì thế, theo như ông Bùi Văn Xuyền không cần quá lo ngại việc 1 quốc gia có thể thao túng đất đai từ đó thao túng nhiều vấn đề khác ở một đặc khu.

3. Một kỳ họp Quốc hội chuẩn bị khép lại với những điều vui và những lắng đọng.

Những cảm xúc đôi lúc được đẩy lên đến đỉnh điểm nhưng như thế mới thấy rõ không khí xây dựng trong tranh luận và sự cầu thị của Quốc hội và Chính phủ trong những nỗ lực không ngừng nhằm tạo ra một môi trường tốt nhất cho tiến trình phát triển ở ta.

Riêng với Luật ĐVHCKTĐB, nói như một đại biểu Quốc hội là “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có xử lý tiếp, tức là phải để đại biểu có thời gian nghiên cứu thêm và thảo luận xác đáng để bấm nút là phải yên lòng, bấm nút là phải an tâm.”

Như thế, sự lắng nghe của Chính phủ, của Quốc hội về những vấn đề trọng đại của đất nước chính là thể hiện trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIV: Tranh luận cởi mở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO