Ký ức về những 'lần đầu tiên'

Phạm Quang Đẩu 27/12/2017 09:05

Tình cờ khi đến thăm Giáo sư vật lý Trần Xuân Hoài đang nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, tôi đã được giới thiệu với bác Trịnh Xương, một người anh em thân thiết hơn 60 năm về trước của GS Hoài từ hồi hai bác học ở Khu Học Xá, Nam Ninh, Trung Quốc (họ cũng tình cờ nằm chung buồng bệnh).

Được bác Trịnh Xương kể về những ngày này 55 năm trước, các bác đã bàn giao thiết kế con tầu không số đầu tiên cho bộ đội hải quân. Trịnh Xương cũng là người từng chủ trì thiết kế nhiều công trình phục vụ quốc phòng trên sông, biển và đều là “ lần đầu tiên” được ứng dụng rất kịp thời và hiệu quả trong thời chống Mỹ...

Ký ức về những 'lần đầu tiên'

Bác Trịnh Xương giới thiệu hình ảnh con tầu không số đầu tiên.

Lần đầu tiên thiết kế tầu không số

Tuổi đã ngoài “bát tuần”, nhưng bác Trịnh Xương trí nhớ vẫn rất tốt. Bác kể là vào năm 1961 sau khi học ngành đóng tầu ở Thượng Hải, Trung Quốc trở về, bác được giao giám đốc Phân viện Thiết kế tầu thủy, thuộc Cục Cơ khí, Bộ Giao thông vận tải, thì một hôm có giấy của Văn phòng Phủ Thủ tướng mời lên làm việc. Ngày đó địch bắt đầu đánh phá ác liệt nhằm chặt đứt tuyến đường vận chuyển của Đoàn 559 dọc theo dãy Trường Sơn. Cấp thiết phải mở thêm tuyến “đường mòn trên biển”. Việc cụ thể là đóng mới một loại tầu vỏ thép chuyên chở vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Hôm ấy, Phó Thủ tướng Phạm Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Văn Trà; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ... đã giao nhiệm vụ thiết kế tầu vỏ thép “không số” cho bác Trịnh Xương. Trước đó, Phân viện của bác đã thiết kế thành công tầu vỏ gỗ 35 tấn giả danh tầu đánh cá để chở vũ khí vào Nam Bộ. Bề ngoài con tầu giống hệt tầu đánh cá Gò Công của tỉnh Bến Tre, song có 2 đáy, đáy dưới chứa vũ khí và khi bị địch khám xét thì cán bộ đi theo cũng tránh xuống đấy. Bác Xương gọi con tầu gỗ này là “hầm bí mật trên biển”. Việc thiết kế tầu thép trọng tải gấp 3 lần tầu gỗ thì khó hơn nhiều. Và bác thực sự đóng vai trò của một tổng công trình sư thiết kế một con tầu chưa từng có, là sản phẩm đầu tiên thuở phôi thai ngành đóng tầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

“Tổng công trình sư” Trịnh Xương ngày ấy đã cùng các kỹ sư: Lương Văn Triết, Đào Vũ Hùng, Đinh Ngọc Liễn... một tuần liền làm việc, ăn, ngủ, nghỉ tại chỗ không bước chân ra khỏi căn phòng ở 120 Hàng Trống (Hà Nội). Nơi thiết kế gần trụ sở báo Nhân Dân, thời kỳ đó thấy có tăng cường công an canh gác, trên danh nghĩa là bảo vệ tòa báo, song sau này bác Xương mới biết, đội cảnh binh thực chất là bảo vệ việc thiết kế con tầu không số “tối mật” của Bộ Quốc phòng. Kích cỡ, thông số kỹ thuật con tầu đã được thể hiện đầy đủ trên bản vẽ: dài 32 m, rộng 6,4m, mớn nước 2,4m, số thuyền viên 12, trọng tải 100 tấn, máy 250 sức ngựa.Tầu có thể chịu được sóng gió cấp 8-9, nhiên liệu đủ cho 20 ngày đêm. Bản thiết kế vừa được duyệt xong, chuyển gấp về Xưởng 3, Nhà máy đóng tầu Tam Bạc, Hải Phòng.

Trong những ngày đóng con tầu mới, ông Đào Kim Quang giám đốc nhà máy, cũng ăn ngủ tại hiện trường giống như những người bạn thiết kế trên Hà Nội và con tầu đã được hoàn thành với thời gian kỷ lục, xong trên bờ là hạ thủy ngay. Còn chất lượng tầu đã được kiểm chứng sau này. Đoàn 759 Hải quân có chuyến vượt biển bằng tầu vỏ thép không số đầu tiên vào chiến trường, đã “đi đến nơi về đến chốn”. Thời kỳ đó, trong vòng 3 tháng Nhà máy Tam Bạc hạ thủy liền 13 con tầu đều không sơn số hiệu ngoài vỏ tầu. Nhờ đoàn tầu không số mà Đoàn 759 anh hùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vận chuyển an toàn hàng chục nghìn tấn vũ khí đạn dược, thuốc men đến tận miền Tây và Đông Nam Bộ. Hôm nay, con tầu không số đầu tiên đang được trưng bày trong Bảo tàng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Lần đầu tiên xuất hiện những cây cầu độc đáo

Thời chống Mỹ, Phân viện, mà sau này là Viện Khoa học công nghệ tầu thủy do bác Trịnh Xương làm giám đốc còn thiết kế được những cây cầu độc đáo, chưa hề thấy trong sách giáo khoa. Một lần Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ gợi ý: trong điều kiện chiến trường, nhiều khi cầu thép cứng mất nhiều công chế tạo, lắp ráp, lại dễ bị máy bay địch phát hiện, phải chi nên có cây cầu dùng tuyến dây cáp dẫn cho xe ô tô vượt qua những đoạn sông, suối hẹp. Từ ý tưởng ấy, Viện Khoa học công nghệ tầu thủy của bác Trịnh Xương đã kết hợp với kỹ sư Đặng Hương thuộc Bộ Tư lệnh Công binh; Tiến sĩ Nguyễn Văn Hường của Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế, thi công cây cầu cáp đầu tiên tại Cầu Diễn (Hà Nội). Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, cây cầu cáp giống như mô hình cầu cáp ở Cầu Diễn, đã được xây dựng ở ngầm vượt sông Tà Lê trên tuyến vận tải Tây Trường Sơn.

Cũng về cầu vượt sông, Viện trưởng Trịnh Xương còn có một sáng kiến khác cũng rất độc đáo. Máy bay địch dễ dàng nhận diện, thả bom, phóng tên lửa đánh hỏng cầu phao trên một số quốc lộ ở miền Bắc, nhóm nghiên cứu của bác đã thiết kế một loại cầu phao có cách ngụy trang đặc biệt. Khu vực cầu vượt sông được bố trí ở chỗ kín đáo, hệ thống tời, cáp, ròng rọc để có thể dìm cả tuyến phao xuống dưới mặt nước khoảng 0,4 mét. Như vậy ô tô dễ dàng lội qua, mà trên cao máy bay địch không thể phát hiện. Các năm 1970-1971 tại khúc sông gần thị xã Phủ Lý(Hà Nam) đã tồn tại một cầu phao ngụy trang bằng nước như thế.

Lần đầu tiên có những loại ca nô “lạ”

Thời chống Mỹ ở những bến phà Hàm Rồng, Bến Thủy, sông Gianh, bến Hầu, bến Ròn... trên quốc lộ 1 bộ đội, thanh niên xung phong hay bắt gặp những chiếc ca nô mang cái tên ngồ ngộ: ca nô con cóc, ca nô nòng nọc. Đó cũng là ý tưởng sáng tạo của Viện trưởng Trịnh Xương. Ca nô lai phà thường có chiều dài 12 hay 16 mét, khi đưa trên đường bộ đến nơi sử dụng khó đặt trên thùng xe tải thông thường, lại khó vào những “cua” gấp. Bác Xương tính toán cắt đôi vỏ ca nô thành hai nửa để dễ vận chuyển. Đến nơi hạ thủy thì dùng bu lông ghép lại, thành một chiếc ca nô “ngon lành”(Tất nhiên, sức lai phà của ca nô 90 hay 135 sức ngựa vẫn được giữ nguyên).

Những ca nô “cụt đuôi” như thế dân gian gọi là ca nô “con cóc” hay “con nòng nọc”. Mỗi chiếc phà ở nơi trọng điểm bắn phá của địch, cũng được bác tính toán cắt thành nhiều phao, rồi các phao cũng được ghép lại bằng bu lông. Điều này chẳng những dễ vận chuyển từng phao nhỏ, mà khi máy bay địch bắn thủng một phao, thì tháo ra thay thế ngay bằng phao khác, phà không thể bị chìm. Thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá ác liệt trên miền Bắc, xưởng chế tạo ca nô con cóc; con nòng nọc; phà cắt rời được đặt ngay dưới lùm cây trong công viên Thống nhất, Hà Nội, xong lô hàng nào là chở ngay vào tuyến lửa.

Còn một loại ca nô đặc biệt này nữa. Những năm 1971- 1972 Mỹ thả bom, mìn, thủy lôi từ trường phong tỏa cảng Hải Phòng và một số luồng lạch vận tải trên sông biển. Viện Khoa học công nghệ tầu thủy của bác Trịnh Xương đã kết hợp với một số cơ quan nghiên cứu trong quân đội chế tạo ca nô phóng từ phá mìn, thủy lôi rất hiệu quả. Sau này khi Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ đưa sang một loại ca nô phóng từ để cùng ta rà phá mìn, thủy lôi tuy trang bị hiện đại hơn, song tính năng, hiệu quả rà phá cũng không hơn những ca nô phóng từ tự chế trước đấy. Và công trình tập thể phá bom từ trường, thủy lôi đã được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996.

Tôi hỏi bác Trịnh Xương: Trong thời chiến, Viện của bác làm được nhiều việc thế, xứng đáng được phong anh hùng? Bác cười, bảo là khi tổng kết các công trình phục vụ chiến đấu, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã nhắc Viện làm hồ sơ tuyên dương anh hùng. Hoàn toàn xứng đáng thôi. Nhưng có một “sự cố” làm việc đó bị dừng lại. Chuyện là, có anh kỹ sư điện nọ của Viện, trong lúc vợ đẻ sống trong căn buồng chật hẹp quá, nóng nực quá đã không “xác định được tư tưởng” lấy một cái quạt “con cóc” 35 đồng của bếp ăn tập thể mang về nhà, thế là “con sâu làm rầu nồi canh”. Anh em ở Viện ngày ấy an ủi: Không sao thủ trưởng ạ, miễn là chúng ta thực sự đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp thống nhất đất nước!

Cuối câu chuyện, bác Trần Xuân Hoài bảo với người bạn già sau nhiều năm gặp lại: Ngày xưa bác hay làm thơ, chúng em muốn nghe sáng tác mới nhất của bác. Bác Trịnh Xương tủm tỉm cười, bảo hôm nhập viện mình có mấy vần thơ thế này, đọc cho các bạn nghe: Tuổi già sợ nhất “3 lờ”/Lẫn, Lòa, nằm Liệt đợi chờ đi xa/Luật trời đâu chỉ riêng ta/Sinh lão bệnh tử âu là nghiệp chung/Thà rằng vẫn cứ ung dung/Ung dung tự tại không trông, không chờ/Phớt lờ, đâu ngại “3 lờ”/Để tâm sáng mãi, chẳng mờ trăng soi...

Tôi thì chợt nghĩ: Đúng! Tâm của bác từ lúc trẻ đến già vẫn sáng như trăng đêm rằm!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức về những 'lần đầu tiên'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO