Làng Bùng hiếu học

Phùng Khắc Đăng 05/12/2018 14:45

Làng Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội), lịch sử ghi nhận làng đã có cách đây trên 2000 năm. Làng xưa có tên là An Hoa Trang, nằm trên một dải đất hơi nhô lên so với cánh đồng màu mỡ. Làng được bao quanh bởi một quần thể ao, chuôm lớn nhỏ. Làng như 1 con rùa khổng lồ đang trườn mình bơi lội.

Làng Bùng hiếu học

Có lẽ vậy mà các cụ thường nói với con cháu: làng ta thế đất hình rùa. Bốn góc làng là bốn cái giếng tròn được quây bằng đá ong rất đẹp, tượng trưng cho 4 chân rùa. Ngày nay không còn nữa, thật tiếc, biết làm sao được khi dân số gia tăng và nhu cầu đất ở đặt ra.

Phùng Xá gồm 2 làng Bùng và Vĩnh Lộc, cả 2 làng này đều nổi tiếng từ xưa là làng học, làng nghề. Chả thế mà đã có những câu ca dao lưu truyền lại đến nay.

"Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Bùng Xá với anh thì về
Bùng Xá có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề cửi canh"

Trải qua những biến thiên của lịch sử, làng xã đã qua nhiều cuộc đổi tên. Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng người dân của làng vẫn quen gọi làng Bùng.

Vì sao vậy? Theo Đại việt sử ký toàn thư, mùa xuân năm 546 nhà Lương sai hai bộ tướng là Trần bá Phiên và Dương Phiêu mang quân sang xâm lược nước ta. Thế giặc mạnh chống đỡ không nổi, vua Lý Nam Đế phải rút quân về Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chờ thời. Tại đây vua ra lời kêu gọi các anh hùng hào kiệt ra đánh giặc cứu dân. Phùng Thanh Hoà quê quận Nam Xương đất Giao Châu đã tập hợp thanh niên trai tráng tòng quân theo vua đánh giặc. Ông được vua giao giữ chức hữu Tướng quân cùng với tả Tướng quân Triệu Quang Phục hợp quân tiến đánh giặc Lương. Vua mất, triều đình phân ly. Triệu Quang Phục đưa quân về dựng nghiệp tại đầm Dạ Trạch xưng Vương. Phùng Thanh Hoà tuổi cao sức yếu giã từ binh nghiệp lui về An Hoa Trang trú ngụ. Ở đây ông đã dạy dân làm ruộng, xây nhà, chỉnh trang làng xóm, mở mang việc học hành. Ông mất, để tỏ lòng thương nhớ và ghi nhận công lao dân đã lập đền thờ tôn ông là Thành Hoàng làng. Cái tên Phùng Gia Trang thay thế An Hoa Trang có từ thủa đó. Đến thế kỷ thứ XV chính quyền đương thời đặt tên là Phùng Xá gồm 2 thôn Bùng và Vĩnh, riêng Bùng có lúc gọi là Phùng thôn. Tại sao lại gọi là làng Bùng? Có nhiều cách lý giải khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử. Có ý kiến cho rằng dân gọi làng Bùng để kiêng huý cụ Phùng Thanh Hoà. Cũng có ý kiến do nguồn nước nên dân làng Bùng phát âm tiếng Phùng và Bùng lơ lớ giống nhau. Các quan viên nghe không rõ đã viết chệch chữ Phùng thành chữ Bùng và cái tên Bùng, làng Bùng cứ thế mà tồn tại từ đó đến nay.

Là một làng cổ lại gắn bó với vùng đất giầu truyền thống học hành, Thạch Thất - xứ Đoài. Thạch Thất cũng là cái tên huyện rất hay, nó được hiểu theo nghĩa: Ngôi nhà chứa sách, ý muốn nói đây là một vùng quê hiếu học. Thật vậy, theo sách Đăng Khoa Lục, các văn bia của làng và tộc phả các dòng họ thì Sơn Tây xưa có 6 phủ, 70 người thi đỗ tiến sĩ nho học, riêng Thạch Thất có 25 vị. Tính riêng thời nhà Nguyễn, Sơn Tây có 104 vị thi đỗ cử nhân, Thạch Thất chiếm 37 vị.

Hương Ngải và Phùng Xá là hai xã có tiếng về học hành. Văn bia của làng Hương Ngải còn ghi rõ có 6 vị đỗ Đại Khoa. Tổng có 17 vị Tiến sĩ nho học thì Phùng Xá có đến 8 vị.

Làng Bùng có 8 di tích được xếp hạng cấp thành phố và cấp quốc gia, điều đặc biệt là làng vẫn còn giữ được cả 2 công trình Văn chỉ và Võ chỉ. Theo thần phả của làng thì Văn chỉ, Võ chỉ được xây từ thời Lê Chính Hoà (1680 - 1704) để làm nơi thờ Khổng Tử, ghi danh các nhà Khoa Bảng và Võ tướng của làng. Bia Văn chỉ của làng còn ghi lại: Thám hoa sĩ lịch Đô đài ngự sử, Hàn lâm viện kiểm thảo Nguyễn Đăng Đạt Triều Trần. Nhị giáp tiến sĩ Quốc Tử Giám Tế Tửu (như Hiệu trưởng ngày nay) Thượng thư Bộ hộ, Thái tể Mai Quận công Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan Triều Lê Trung Hưng đệ tam giáp tiến sĩ hình bộ Hữu thị lang Phùng Lĩnh Hầu Vũ Đình Dung Triều Lê. Bia cũng ghi 12 cụ đỗ trung khoa và 23 cụ đỗ tiểu khoa. Bia Võ chỉ của làng lưu danh Tiến sĩ Đại Tư Mã Nguyễn Cảnh Câu triều Lý. Đại hành khiển phụ quốc Thượng tướng quân Hương Sơn Bá Nguyễn Bá Lân triều Trần (không phải Nguyễn Bá Lân giữ chức Lục bộ Thượng Thư ở Ba Vì).

Thái thường tự Khanh Hào lưỡng Hầu Phùng Khắc Trung triều Lê và 7 cụ có phẩm trật thấp hơn. Làng Cũng ghi nhận ở các triều đại cũ còn có cụ làm đến Tri huyện, kiểm học, làm thầy dạy chữ nho, sau này nhiều người làm thầy giáo từ cấp 1 cho đến bậc đại học. Dân làng Bùng tự hào về một vùng quê vừa có văn vừa có võ. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương từ sau Cách mạng Tháng tám năm 1945 đến nay, nhiều thế hệ con em người làng Bùng dù ở quê hay lập nghiệp nơi xa đều luôn động viên con cháu học hành vượt khó vươn lên. Theo thống kê của huyện khuyến học làng Bùng, làng hiện có hơn 500 người tốt nghiệp đại học, có 2 phó giáo sư, 9 tiến sĩ, 59 thạc sĩ và đang có 154 sinh viên theo đang theo học các trường cao đẳng và đại học.

Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của làng, những người con quê Trạng tự hứa với lòng mình noi gương tiên tổ, học giỏi, rèn chăm, nâng cao kiến thức năng lực xứng đáng là những công dân tốt của làng có ích cho gia đình và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng Bùng hiếu học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO