Mạng xã hội: Ứng xử với những tiêu cực

Nhóm PV (thực hiện) 22/07/2017 08:35

Nhà văn nổi tiếng người Ba Lan chuyên viết về chủ đề khoa học viễn tưởng Stanislaw Lem (1921-2006) ở đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi được hỏi về triển vọng của mạng Internet lúc đó đang trong giai đoạn bắt đầu được phổ cập, đã nói ngắn gọn: “Mới trong nôi đã làm tôi phát khiếp!”

Con mắt tinh đời của một nhà văn lớn đã sớm nhìn ra những bất cập có thể tới cùng với thành tựu kỹ nghệ kỳ vĩ này. Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, chúng ta không thể nào hình dung ra được cuộc sống hiện đại mà lại thiếu vắng mạng internet và các diễn đàn xã hội. Và cũng như thực tế cho thấy, đã và đang xuất hiện rất nhiều hiện tượng không lành mạnh trong không gian ảo. Làm gì để ứng xử với những hiện tượng đó để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thế giới mạng?

Đó là chủ đề của cuộc trò chuyện giữa nhà báo Lê Đức Sảo, Phó Tổng Biên tập tạp chí điện tử Viettimes, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 với ba vị khách mời là ông Lê Doãn Hợp, ông Nguyễn Thanh Lâm và ông Hồng Thanh Quang. TS Lê Doãn Hợp, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, vừa được bầu là Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022. Ông Nguyễn Thanh Lâm hiện đang giữ cương vị Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT. Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang hiện là Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(Ảnh: Viettimes).

Dân trí phải được nâng cao

Nhà báo Lê Đức Sảo:Các mạng xã hội đóng góp vai trò lớn. Ngoài tính liên kết, đây còn là nơi giải trí, nơi thể hiện bản thân. Tuy nhiên, truyền thông xã hội có mặt trái là mang lại nhiều thông tin xấu độc và tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người. Các tiêu chí về thông tin xấu độc đã được quy định cụ thể tại khoản 1 điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư 38, tuy nhiên, quan niệm về thông tin xấu độc không hẳn đã đồng nhất, vì nó có thể xấu độc với nhóm người này nhưng không xấu độc với nhóm người khác. Thưa TS. Lê Doãn Hợp, ông quan niệm như thế nào là thông tin xấu độc?

TS Lê Doãn Hợp: Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển thần tốc, mạng xã hội là thành quả của khoa học công nghệ. Thông tin độc hại, như bịa đặt xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ,... là những thông tin mặt trái phải ngăn ngừa. Mạng xã hội mang lại nhiều thông tin, với tính chất như là “báo chí công dân”, xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi thông tin đều có thể đưa lên mạng.

Tôi cho rằng, để giải quyết thông tin xấu độc, chúng ta nên học tập thế giới, họ có 4 giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, quản lý báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ,... Cái gì báo chí chính thống không theo kịp thì mạng xã hội sẽ bổ sung. Vì vậy báo chí truyền thống phải bám sát đời sống.

Thứ hai, hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh hơn, luật pháp phải tạo ra khung pháp lý ủng hộ người tốt, thông tin tốt; nhưng ngược lại cũng phải răn đe người không tốt, xử lý người xấu đưa tin xấu, độc.

Thứ ba là nâng cao dân trí để phòng vệ trên mạng xã hội. Việc tìm hiểu thông tin trên mạng cũng phải tự phòng vệ, trình độ khác nhau sẽ có những nhận thức khác nhau vì vậy nâng dân trí sẽ là cách phòng vệ tốt nhất.

Thứ tư, mỗi cá nhân đều phải có ý thức ngăn chặn cái xấu, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục. Chúng ta không thờ ơ trước mạng xã hội nhưng nếu chúng ta không có cách xử lý điềm tĩnh, trí tuệ, khoa học trước thông tin từ mạng xã hội thì cũng không thể đẩy lùi được thông tin xấu độc.

Vì vậy, cơ quan quản lý phải tập trung nhiều hơn, như Báo in hiện chỉ còn hơn 4 triệu người đọc nhưng chúng ta quan tâm nhiều hơn, trong khi đó báo mạng gấp 10 lần là 40 triệu người theo dõi chúng ta quan tâm chưa đúng mức.

Ngay như trường hợp trúng cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump cũng vậy, tuy có bất ngờ nhưng là bất ngờ với báo chính thống chứ hoàn toàn không bất ngờ với mạng xã hội. Khi chúng ta nói bất ngờ có nghĩa là chúng ta không có thông tin.

Vì vậy, bám sát xã hội mạng vừa ngăn chặn cái xấu, đồng thời khai thác cái tốt là định hướng để chỉ đạo, quản lý dẫn dắt đất nước tiến bộ nhanh hơn trong môi trường cởi mở, đa dạng, phong phú mà tôi nghĩ là phần ưu nhiều hơn.

Nhà báo Hồng Thanh Quang.

Nhà báo Lê Đức Sảo: Thưa anh Hồng Thanh Quang, có lần anh nói, không có gì là không đưa tin được vấn đề là đưa tin như thế nào? Vậy anh có phân loại thông tin xấu độc không?

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Tôi vẫn giữ quan điểm như vậy, cái gì tồn tại thì sẽ được loan tin. Theo quan điểm của tôi, tin xấu, độc là những tin không đúng sự thật, là những tin vi phạm điều cấm của pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với xã hội và các cá nhân.

Hiện nay, cái chính không phải việc ngăn tin xấu, độc xuất hiện trên mạng xã hội vì chúng ta không bao giờ ngăn được mà chúng ta phải có điều luật để quản lý, xử lý những tin có thể trở thành tin xấu, độc. Nếu làm tốt điều ấy, việc đưa tin trên không gian mạng sẽ ổn định trở lại.

Chúng ta đừng quá hốt hoảng mà bình tĩnh xử lý cụ thể, dần dần xây dựng quy định quản lý chặt chẽ mạng xã hội, để mỗi người sử dụng mạng xã hội trở thành một người sử dụng có trách nhiệm. Có như vậy mới không làm mất sức sống của mạng xã hội mà vẫn hạn chế được tác động tiêu cực của nó.

Nhà báo Lê Đức Sảo:Thưa ông Thanh Lâm, đứng dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước ông đã nhiều lần nói về những hành vi bị nghiêm cấm lan truyền trên mạng xã hội. Thực ra thông tin xấu độc là gì đã được pháp luật quy định rõ - đó là những điều kiện cần nhưng cũng có lần ông nói là chỉ có cơ quan nhà nước thì không làm được việc đó mà cần phát huy được vai trò xã hội hơn nữa. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã làm gì, và điều kiện đủ là gì để quản lý loại trừ thông tin xấu độc?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc làm việc với đại diện cấp cao của hai mạng xã hội lớn nhất thế giới, là Youtube và Facebook, yêu cầu họ gỡ bỏ những thông tin xấu độc tồn tại trên 2 nền tảng này. Họ đã phối hợp ở mức tốt, tuy chưa phải ở mức như chúng ta mong muốn nhưng cũng đã gỡ hàng ngàn video có nội dung xấu độc, xuyên tạc, gây hại.

Tính đến sáng 18/5/2017, đại diện Facebook thông báo đã gỡ được hơn 100 tài khoản giả mạo của những chính khách, vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, hàng trăm tài khoản rao bán động vật hoang dã, tài khoản đưa thông tin giả mạo để lừa khách hàng, lừa người tiêu dùng,... cũng đã được gỡ bỏ. Với Facebook, chúng tôi cũng đã tiếp tục gửi hơn 4.000 đường link và đang tiếp tục trao đổi, thuyết phục, thậm chí đấu tranh để bảo vệ quan điểm. Và việc này sẽ được tiếp tục thực hiện.

Với Youtube, họ đã xử lý gần xong hơn 2.000 link video xấu độc, và tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp các link xấu độc để họ xử lý tiếp.
Như vậy, cơ chế phối hợp, xử lý là đã có. Đại diện các mạng xã hội này cho biết, cơ chế này đang được thực hiện trên quy mô chưa từng có, họ chưa bao giờ nhận được yêu cầu gỡ nhiều đường link xấu độc từ một quốc gia đến như thế.

Thực tế, đó không phải chuyện riêng của Việt Nam mà thế giới cũng lên tiếng. Như việc nhiều doanh nghiệp ngừng quảng cáo trên Youtube khi thấy việc quảng cáo có thể bị gắn ghép với thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến thương hiệu.

Ngay như với Facebook, cách đây không lâu, chính phủ Thái Lan đã đưa ra một tối hậu thư nếu không gỡ những đường link xấu độc với quan điểm chính trị của Thái Lan thì họ có thể chặn Facebook vĩnh viễn trên lãnh thổ Thái Lan.

Thứ hai, theo tôi cuộc trao đổi về thông tin xấu độc rất nên được tổ chức trên quy mô trên toàn xã hội, bởi thông tin xấu, độc không chỉ ảnh hưởng tới các cơ quan quản lý, mà gây ảnh hưởng cho toàn xã hội. Cơ quan quản lý căn cứ vào đó để hành động.

Cá nhân tôi là người đang sử dụng mạng xã hội cũng được giao quản lý mảng việc này, chúng tôi mong muốn chuyện tranh luận về thông tin xấu, độc được trao đổi trên toàn xã hội, tìm giải pháp giải quyết sao cho thật thấu đáo. Mặc dù tôi hình dung cuộc trao đổi này cũng không tránh khỏi việc được lan truyền, chia sẻ trên mạng, comment, bình luận...

Nhà báo nên là "con dao phẫu thuật"​

Nhà báo Lê Đức Sảo: Gần đây, có rất nhiều thông tin đưa ra mang tính cá nhân như liên quan đến vụ việc của Bí thư tỉnh Thanh Hóa và cô Quỳnh Anh, hay xung quanh chuyện xe biển số xanh, tài sản cá nhân của một số nhân vật,... họ cũng đưa những bằng chứng rất cụ thể trên mạng xã hội về sự việc. Như vậy, khi nhận được những thông tin như vậy ông Quang có băn khoăn không và ông đã xử lý như thế nào?

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Đối với tôi, yêu cầu đầu tiên đối với thông tin là phải đúng, đảm bảo đã được kiểm chứng, xác thực,... Trước bất cứ thông tin nào, chúng tôi không bao giờ “đua” theo tốc độ, đưa thông tin không chắc chắn là sự thật.

Đây chính là đặc tính tạo nên sự khác biệt của cơ quan báo chí, của truyền thông chính thống so với truyền thông xã hội. Khi tốc độ là ưu thế của mạng xã hội trước công chúng luôn khát khao, tò mò, luôn muốn biết cái mới thì một cơ quan báo chí chính thống luôn có trách nhiệm đưa tin chính thống, thông tin đã được kiểm chứng, giúp “gạn đục khơi trong", giúp định hướng thông tin cho độc giả, cho xã hội. Trước những vấn đề phức tạp, nhà báo phải là con dao phẫu thuật chứ không phải là con dao để chém.

Thực tế hiện nay, trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt xuất phát trong chính xã hội của chúng ta, nhiều mô hình phát triển vẫn đang ở giai đoạn đầu, nên cái bất cập và cái tiêu cực rất dễ nảy sinh.

Tôi cho rằng thế nào là xấu, thế nào là độc hại còn khó xác định trong cuộc sống đời thường, nói gì đến việc định nghĩa nó trên môi trường mạng. Điều đó cũng là bởi chúng ta trong nhiều tình huống đang bị mất phương hướng, nhiều giá trị bị đảo lộn. Sự đảo lộn này, căn nguyên không phải ở trên mạng mà ở chính trong xã hội, chính trong cuộc sống của chúng ta, trong mô hình phát triển của chúng ta, trong định hướng, cách ứng xử của chúng ta. Muốn để cho mạng xã hội phát triển lành mạnh thì xã hội phải tốt. Như anh Hợp nói, người tốt thì dùng mạng tốt, cái đó tất nhiên đúng, nhưng cái chính muốn mạng tốt, con người phải tốt, xã hội phải tốt trước đã.

Không im lặng

Nhà báo Lê Đức Sảo: Thưa TS. Lê Doãn Hợp, trước các đại hội, hay trước các sự kiện lớn, chúng ta có những trang mạng rất nhiều người xem, như trang “quan làm báo”, “dân làm báo”, đưa ra rất nhiều thông tin liên quan đến các vị lãnh đạo. Vậy cách ứng xử với chúng ta như thế nào? Nếu chúng ta gỡ bỏ các thông tin trên thì để lại trong lòng công chúng sự nghi ngờ. Vậy, là một người làm công tác quản lý truyền thông lâu năm, lại là người đứng đầu hội truyền thông số, theo ông, chúng ta nên cư xử như thế nào trong những trường hợp như thế này?

TS. Lê Doãn Hợp: Tôi rất thấm thía câu nói của cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Bulgaria, Todor Zhivkov: “Điều quan trọng nhất của thế giới chúng ta là niềm tin cậy vào sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới”.

Tôi nghĩ, câu nói này phải đi qua thực tiễn cay đắng mới đúc rút được. Vì thế, người ta có thể nói được đủ cách nhưng không ai che dấu được sự thật, cuối cùng thì sự thật cũng bộc lộ, sự thật vẫn toàn thắng.

Ta hay nói đến vấn đề "thông tin nhạy cảm". Quan điểm của tôi là tất cả những gì nhạy cảm đều phải được làm rõ. Thông tin cứ dán mác "nhạy cảm" rồi không làm rõ thì nó mãi mãi nhạy cảm. Và chính điều đó làm cho xã hội nhận thức khó khăn.

Thực tiễn ngoài đời như thế nào sẽ được phản ánh vào trong mạng như thế. Vì thế, những vấn đề trên mạng chúng ta sẽ giải quyết bằng cách giải quyết chính những vấn đề ngoài đời.

Chẳng hạn, ngay trước kỳ đại hội, nếu có ý kiến về một cán bộ nào đó, hay trên mạng có những thông tin xấu về một đồng chí cán bộ nào đó thì cái quan trọng nhất là cơ quan quản lý cán bộ đó phải lên tiếng. Anh quản lý cán bộ mấy chục năm chứ đâu phải một ngày, hai ngày, anh dám đứng ra chỉ rằng thông tin về cán bộ này không đúng, nếu anh dám nói: “Với tư cách là thường vụ thành ủy/ tỉnh ủy, tôi đảm bảo thông tin đó là không đúng,…” thì những tin đồn ấy sẽ bị dập tắt ngay.

Tôi nói một ví dụ, tại Đại hội 17 Đảng bộ TP Vinh, trong đại hội có tình trạng nhiễu thông tin về đồng chí Nguyễn Bá Dũng, lúc đó là Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo lúc đó, là có tư tưởng đa nguyên. Căn nguyên là vì anh Bá Dũng nói câu rất chuẩn, nhưng bị hội nghị hiểu sai. Đêm hôm đó Thành ủy họp, Ban thường vụ ra một thông báo cung cấp đến đại hội, nhận xét đồng chí Bá Dũng, bác bỏ những thông tin không đúng. Hôm sau, đồng chí Bá Dũng vẫn trúng cử với số phiếu tín nhiệm rất cao, mặc dù trước đó tín nhiệm rất thấp.

Rõ ràng, các cơ quan quản lý cán bộ phải vào cuộc, chứ không thể để thông tin xã hội trôi nổi, kể cả thông tin đó là đúng hay sai. Chính điều đó sẽ làm triệt tiêu thông tin nhạy cảm. Điều đó còn chứng tỏ công tác quản lý cán bộ của mình là một tập thể quản lý rất sát sao, rất chính xác, rất kịp thời. Chúng ta thấy thông tin trôi nổi trên mạng mà im lặng thì nguy hiểm, càng im lặng, càng nguy hiểm.

Như vậy, trách nhiệm trước tiên khi cán bộ đứng trước các thông tin nhạy cảm, trước thời điểm nhạy cảm là của các cơ quan quản lý cán bộ. Các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm về cán bộ mà mình quản lý, chịu trách nhiệm cung cấp thông tin trước dư luận. Việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy trách nhiệm là cách tốt nhất để phòng ngừa những thông tin nhiễu, những thông tin độc hại.

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Tôi rất tâm đắc với những điều anh Hợp vừa nói. Tôi nghĩ rằng, trong hoạt động quản lý cán bộ, chúng ta đã “gừng cay muốn mặn” với nhau, chả nhẽ chúng ta lại không hiểu nhau? Mà phải chờ đến một bức thư nặc danh, chờ một thông tin được cho là “vạch trần” nào đó ta mới hiểu nhau?! Đây hoàn toàn là sai lầm trong việc đánh giá cán bộ. Nếu chỉ đến khi trước đại hội, trước dịp chuẩn bị đề bạt cán bộ lên những cương vị khác mới hiểu nhau qua vài thư nặc danh thì đó hoàn toàn là một sự nhầm lẫn. Thực sự, chúng ta phải đánh giá con người qua những công việc thường ngày.

Còn ngay cả thánh nhân cũng có những giây phút trong khoảng tối, nhưng cũng phải bổ sung rằng, mặt trời cũng có vết đen, nhưng không có nghĩa là vết đen là bản chất của mặt trời. Việc đánh giá cán bộ trong tình hình hiện nay cũng thế.

Thực tế cho thấy, những người mắc khuyết điểm bao giờ cũng có ưu điểm, thậm chí ưu điểm cực kỳ lớn. Còn đa số những người không mắc khuyết điểm thì chủ yếu đều do không làm gì cả, vô dụng, “nhạt như nước ốc”. Đấy là chuyện thực tế rất “thường ngày ở huyện”...

Nếu để những thông tin xấu độc hoành hành, lan rộng như nấm sau mưa, vu oan giá họa cho những người tốt, những người làm việc tích cực, thì có nghĩa là chúng ta đang làm mất sức sống của chính xã hội mình, một xã hội đang cần rất nhiều động lực để phát triển. Chúng ta đang nhìn mặt trời và bảo: Mặt trời cũng có vết đen à? Nhưng chuyện mặt trời còn có những vết đen là chuyện bình thường. Và chúng ta phải nhìn mặt trời với giá trị là ánh sáng và đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận có những hố đen trên mặt trời, để tìm ra biện pháp kiềm tỏa tác động tiêu cực, chứ đừng lấy đó làm trọng, đừng lấy đó làm lý do để phá vỡ mặt trời. Làm như thế rất có hại cho sự phát triển lành mạnh của một xã hội lành mạnh mà chúng ta cần vươn tới.

Học cách chung sống

Nhà báo Lê Đức Sảo:Không gian mạng là một thế giới tin tức khổng lồ. Thưa TS Lê Doãn Hợp, theo ông thì, mỗi cá thể khi lên facebook cần có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?

TS. Lê Doãn Hợp: Với Việt Nam, vốn là nước đi sau, ta có cái thuận lợi là có thể tiếp cận văn minh của các nước đi trước, cùng với đó, chúng ta phải tiếp thu tinh hoa của dân tộc, tinh hoa của loài người.

Quan điểm chung trên thế giới hiện nay, đồng thuận lợi ích là bạn, mâu thuẫn lợi ích là thù. Vì thế, tôi đề cao sự đồng thuận cả lợi ích và nhận thức và mong muốn không chỉ “thêm bạn bớt thù” mà còn thêm bạn hết thù.

Còn thực tế, chỉ tính riêng Facebook hiện nay có đến gần 5 triệu trang cá nhân, đó là 5 triệu cách sống, 5 triệu nhận thức, 5 triệu mô hình. Chúng ta phải có lựa chọn sẽ đọc cái gì, sẽ học theo ai.

Chúng ta phải thừa nhận đã có nhiều lúc thiếu trách nhiệm, như khi đọc một thông tin dù biết là không đúng nhưng lại không lên tiếng. Có thể tổng kết những việc không chuẩn, không tốt phát triển là vì chúng ta không ngăn ngừa một cách tích cực, chủ động. Vì thế, hữu khuynh cũng là môi trường dung dưỡng những cái không tốt. Cũng vì thế, nghiêm túc sẽ tạo ra môi trường mà người tốt dựa vào, người xấu không dám lộng hành.

Xã hội mạng đang phát triển rất nhanh, rất phong phú, đa dạng và không thể ngăn cấm được. Vấn đề đặt ra là chúng ta chung sống với xã hội mạng và đảm bảo được cái tốt nhiều hơn, ngăn ngừa được cái xấu nhiều hơn là điều cần thiết cho thời đại mới, thời đại mà thông tin càng thông thoáng bao nhiều thì càng giải phóng tư tưởng và định hướng tốt bấy nhiêu.

Nhà báo Lê Đức Sảo: Chúng tôi muốn quay trở lại ý kiến của nhà báo Hồng Thanh Quang về việc tung những thông tin về đời tư cá nhân. Ông có nói, chả nhẽ, với đồng chí mình, chúng ta quen biết bao nhiêu lâu mà chỉ vì một vài thông tin đồn thổi lại nghi ngờ nhau. Thưa ông, đây là ông mới xét trên khía cạnh là những đồng đội với nhau, nhưng công chúng nhìn chính trị gia thì khác. Hình ảnh, hoạt động của họ đều bị công chúng theo dõi. Đó là vấn đề thứ nhất.

Thứ 2, ở nước ngoài, khi bị tung thông tin về đời tư, nếu là vu khống, bịa đặt thì người bị tung tin sẽ kiện ra tòa. Một chính trị gia, một nghệ sĩ hay một công dân bình thường khi cho là bị xúc phạm cá nhân thì hoàn toàn có quyền kiện ra tòa. Và nếu, thông tin ấy sai sự thật thì người tung tin có thể bị xử lý hình sự. Vậy, chúng ta có nên khuyến khích hình thức kiện ra tòa không và kiện ra tòa sẽ phức tạp như thế nào?

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Theo tôi, tâm lý người Việt nói chung đều mong muốn chọn phương pháp thỏa hiệp. Nhưng trong xã hội văn minh, xã hội mà tâm hồn con người ngày càng mang tính công nghệ như hiện nay thì chúng ta xác định: Về lâu về dài, phải tạo được sự minh bạch bằng cách khuyến khích những người bị chà đạp nhân phẩm, bị vu cáo tự đứng lên bảo vệ danh dự của mình ở những nơi công đường, yêu cầu tòa án các cấp vào cuộc để bảo vệ nhân phẩm, danh dự của chính họ.

Tôi nghĩ, đây gần như là cách duy nhất để Việt Nam phát triển văn minh, vừa đảm bảo được tự do thông tin, vừa ràng buộc được trách nhiệm của người viết, người nói khi động chạm tới những vấn đề liên quan đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

Ngoài ra, phần lớn chúng ta đều có xu hướng tự xử lý với nhau. Việc này, vô hình trung, đang tạo sự đắc chí cho những người không tốt.

Khi trên mạng có người nói xấu bạn thì sẽ nhiều người khác hùa theo, dù trước đó họ không biết bạn là ai. Việc này trở thành sự khủng bố tinh thần. Đại đa số những người tham gia ném đá bạn không có thù ghét với bạn mà chỉ là ném đá vào hình tượng mà bạn đang bị gán ghép. Và những ai có đầy đủ thông tin sẽ hiểu rằng việc ấy thật là oan uổng, người tử tế hầu như không có phương thức gì để tự vệ cả. Cực kỳ tội nghiệp cho những ai bị chọn làm đối tượng của những chiến dịch như thế!

Ứng xử có trách nhiệm

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Facebook hay mạng xã hội nói chung đều là những công cụ, những thành tựu công nghệ, nên sẽ rất dại dột nếu từ chối. Vì thế, tôi nghĩ chính nhà báo càng phải tham gia đón nhận một cách tích cực nhất, một cách nhanh nhạy nhất để trước tiên là phục vụ cho việc tác nghiệp của mình. Trên Facebook, một nhà báo vẫn có thể “hành nghề”, miễn là anh ứng xử một cách có trách nhiệm với cộng đồng mạng và ngay cả với cả bản thân mình. Còn nếu những thành tựu công nghệ tuyệt vời ấy bị sử dụng vào những mục đích xấu thì nó sẽ gây hậu quả cho toàn xã hội.

Tôi cho rằng nhà báo khác với tất cả những người đưa tin khác: Cần có trách nhiệm với thông tin mình đưa. Một nhà báo luôn xác định bản thân sẽ trung thành với sự thật, nhanh nhạy kịp thời, nhưng bao giờ cũng phải hình dung trước thông tin mình đưa ra sẽ mang lại lợi ích hay gây ra tác hại đối với xã hội. Cái này là lựa chọn của từng nhà báo, không ai có thể cấm đoán hay bắt buộc.

Hiện nay, mới nổi lên khuynh hướng làm báo theo kiểu bất chấp mọi giá, miễn là thành công, miễn là chương trình mình có rating cao, thậm chí có thể hi sinh cả đồng chí, đồng đội, hy sinh cả lý tưởng, hy sinh cả nội dung. Tôi nghĩ làm báo như thế là vô đạo. Có những việc ta biết chắc có thể mang lại rất nhiều tiền nhưng chúng ta vẫn không làm bởi một lý do duy nhất: Đạo đức. Vì lý do ấy, ta không thể bóp méo hình ảnh của đồng chí, đồng đội mình được, không thể bóp méo sự thật chỉ để tăng sự “ăn khách”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm.

Nhà báo Lê Đức Sảo:Ở các tòa báo lớn trên thế giới, như BBC – cơ quan truyền thông hiện nay có khoảng 325 triệu người theo dõi, họ có nguyên tắc hết sức chặt chẽ là nguyên tắc bất thiên vị. Họ yêu cầu tất cả các nhà báo không thể hiện quan điểm chính trị. Trên mạng xã hội, các nhà báo, phóng viên có thể nói về đời sống cá nhân nhưng không được nói chính kiến của mình. Có những người làm 20 năm ở BBC kể rằng họ không biết quan điểm chính trị của bạn mình. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có cơ quan báo chí nào ra những quy định như vậy. Thưa ông Thanh Lâm, vừa là người làm công tác quản lý, vừa là nhà báo lâu năm, quan điểm của ông thế nào về việc nhà báo tham gia mạng xã hội?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Vấn đề chính cần phải làm rõ là nhà báo nên tham gia mạng xã hội như thế nào chứ không phải có nên tham gia mạng xã hội hay không. Thực tế, rất nhiều nhà báo và các cơ quan báo chí ở trong nước và các nước trên thế giới tương tác mạng xã hội rồi.

Tôi nói thẳng vào xu hướng đáng lo ngại hiện nay là có nhiều phóng viên, nhà báo tham gia mạng xã hội nhưng quên mất mình không chỉ là một công dân bình thường mà còn là nhà báo, nên đã bộc lộ rất nhiều các quan điểm cá nhân trái ngược với quan điểm của cơ quan báo chí nơi họ làm việc. Khi lên mạng xã hội, nhà báo có tác động nhất định thậm chí là khá lớn trong việc dẫn dắt cộng đồng mạng, dẫn dắt những nhà báo xung quanh mình. Từ đó mà có những vụ việc nhà báo gây ảnh hưởng đến những người bạn bè xung quanh một cách tiêu cực, đưa những quan điểm vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và những quy định nội bộ của toà soạn.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ việc nhà báo bị xử lý kỷ luật, bị thu hồi thẻ nhà báo. Gần đây nhất cũng có trường hợp nhiều nhà báo, sau khi phát ngôn trên mạng xã hội những quan điểm lệch lạc thì đã bị kỷ luật, bị đình đình chỉ chức vụ hoặc đã viết đơn xin thôi việc và nộp lại thẻ nhà báo… Đó là những trường hợp rất cụ thể và cũng rất đáng tiếc.

Rõ ràng, có một vấn đề mà cơ quan quản lý, Hội nhà Báo Việt Nam quan tâm là các hành vi, phát ngôn của các nhà báo trên mạng xã hội có vi phạm 10 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam hay không, có vi phạm những quy định khác của pháp luật hay không, có vi phạm bản thân những quy định nội bộ của cơ quan báo chí hay không. Một bộ phận những người làm báo đang tham gia mạng xã hội hiện nay thường xuyên vi phạm những quy định trên và biết mình vi phạm mà vẫn làm. Họ làm vậy bởi họ cảm thấy mình có một dạng quyền lực khác trên mạng xã hội, có thể chỉ là cảm giác được nhiều “like” trong chốc lát, nhưng quyền lực đó, ảnh hưởng đó cũng có thể được quy ra những lợi ích vật chất rất cụ thể. Có nhiều nhà báo coi việc tham gia mạng xã hội là hoạt động chính và thậm chí là mang lại thu nhập chính.

Các cơ quan báo chí cần củng cố bộ quy tắc ứng xử, những quy định nội bộ liên quan tới việc phóng viên tham gia mạng xã hội, để các phóng viên, nhà báo không bao giờ quên được rằng khi tham gia mạng xã hội, họ có những giới hạn do đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ do cơ quan quy định.

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Tôi cũng cho rằng BBC không phải là khuôn mẫu mà chúng ta nên noi theo, BBC vẫn chỉ là BBC thôi, dù có bao nhiêu người theo dõi chăng nữa.

Tôi rất đồng ý quan điểm của anh Lâm. Cá nhân tôi ủng hộ quyền tự do ngôn luận của các nhà báo trong đời thường cũng như trên mạng xã hội. Nhưng tự do ngôn luận không thể bị nhầm lẫn với loạn ngôn, lộng ngôn. Chúng ta cần hiểu rằng sự tự do kết thúc khi chúng ta xúc phạm đến những người khác, khi chúng ta vi phạm vào những quy chế của cơ quan, khi chúng ta vi phạm những quy tắc, quy định đã thống nhất. Bởi những việc ấy vi phạm nguyên tắc đạo đức của một người bình thường chứ chưa nói đến nhà báo. Anh phải trung thực và nhất quán dù anh xuất hiện ở bất cứ chỗ nào. Anh không thể chỗ này một vai, chỗ kia một vai khác.

Mạng xã hội dù có là riêng tư chăng nữa thì nó cũng đã mang tính xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm xuất hiện trên mạng xã hội một cách lịch sự như xuất hiện trong đời thường, trong công sở. Tôi nghĩ những điều đó rất dễ làm với những người tử tế, không có tà tâm, những người không chủ đích sử dụng truyền thông xã hội để tạo ảo giác về giá trị thật của mình.

Nhà báo Lê Đức Sảo: Có cái khó như thế này thưa anh Quang, mỗi người quan niệm xã hội khác nhau, đương nhiên những tin khống, tin sai sự thật thì không được rồi nhưng ví dụ hồ sơ đầy đủ về một cá nhân nào đấy như do vấn đề nhạy cảm không đưa được thế thì theo anh là nên đưa nó ở đâu?

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Nếu nhà báo có những tài liệu đóng góp cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực và muốn đóng góp cho công cuộc làm trong sạch đội ngũ thì có thể công bố ngay trên báo chí. Nếu ấn phẩm mà nhà báo đó đang công tác từ chối đăng thì hoàn toàn có thể đăng ở những chỗ khác. Không ai đánh giá việc đó là vi phạm nếu anh có tài liệu chuẩn xác và thực sự có tác dụng tích cực đối với xã hội. Câu chuyện chỉ đơn giản là không nói ở tờ báo này mà nói ở tờ báo khác. Đó là chuyện bình thường và tôi bảo vệ điều đó…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạng xã hội: Ứng xử với những tiêu cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO