Một nhà tam đại tiến sĩ họ Ngô Diễn Kỷ và một gia đình hậu duệ sau 500 năm

Hồng Thái - Hà An 25/10/2017 16:37

Ngày 19/8/2017, huyện Diễn Châu, Nghệ An tổ chức lễ 1390 năm Diễn Châu có tên trong lịch sử nước Việt (627- 2017). Người ta nhắc đến đền thờ An Dương Vương (ở núi Mộ Dạ, Diễn Châu) với câu chuyện đẫm nước mắt tình yêu Trọng Thủy- Mỵ Châu và bài học mất nước do mất cảnh giác. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết nói về một gia đình họ Ngô, về các thành viên của gia đình Tiến sĩ Ngô Trí Tri thời Lê Trung hưng nổi tiếng với kỳ tích “Tam đại Tiến sĩ” và gia đình hậu duệ dòng trưởng gầ


Gia đình đại sứ Ngô Quang Xuân.

Những tiến sỹ mở dòng khoa bảng

Từ đời thứ nhất tính từ Thủy tổ Ngô Nhật Đại của họ Ngô Việt Nam, theo các trang phả và nhiều tài liệu chính sử, Tiến sĩ Thái bảo Ngô Trí Tri, thuộc đời thứ 26 (phân chi tính từ đời thứ nhất), con trai trưởng bậc danh sư – Hương cống, Đạo Nguyên bá Ngô Trí Trạch, dòng họ Ngô Lý Trai/Diễn Kỷ - Diễn Châu, sinh năm Đinh Dậu (1537), tại tổng Lý Trai, được cha dạy bảo từ thuở ấu thơ, vốn thông minh mẫn tiệp, thuộc lòng kinh sách, sớm nổi tiếng khắp vùng. Năm 22 tuổi, Khoa Mậu Ngọ (1558) thi đỗ tứ trường, cụ Ngô Trí Tri được triều đình cử làm quan Võ. Đến năm 38 tuổi, đời Lê Thế Tông hiệu Gia Thái thứ 2 (1574) được chuyển từ quan Võ sang quan Văn, giữ nhiều chức vụ và được cử làm quan ở nhiều vùng miền.

Phu nhân cụ Tổ là bà Cao Thị Ân, người xã Đào Hoa nổi tiếng. Cụ có công lớn trong việc đắp đê quai ngăn mặn cánh đồng Phủ dọc sông Bằng Giang (sông Bùng) từ Diễn Kỷ qua Diễn Hoa, lên Diễn Hạnh (Diễn Châu, Nghệ An). Đây là một công trình cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa kinh tế sống còn đối với nhân dân địa phương. Khoa thi Nhâm Thìn (1592), cụ Ngô Trí Tri đã đỗ Tiến sĩ đồng bảng với con trai Ngô Trí Hòa. Lúc đó cụ đã 56 tuổi, tuổi đỗ đại khoa cao nhất nước. Khoa thi năm đó chỉ lấy đỗ ba người mà họ Ngô Lý Trai có hai cha con cùng đỗ đồng khoa.

Vua Lê Thế Tông hiệu Quang Hưng thứ 15, cho là chuyện xưa nay hiếm, đã ban tặng 10 chữ vàng cho cha con vinh quy “Khoa danh thiên hạ hữu/ Phụ tử thế gian vô” (Thiên hạ đậu đại khoa có nhiều, nhưng cha con cùng đậu một khoa thì chưa thấy bao giờ). Hẳn muôn đời sẽ còn lưu truyền những đánh giá cao nhất về tài đức hai bậc danh nhân họ Ngô Lý Trai được ghi rõ trên một trong 82 bia đá Văn Miếu Quốc Tử giám để vinh danh các Tiến sĩ Khoa Nhâm Thìn, năm Quang Hưng 15 này: “Ai nấy đều lấy làm sung sướng được trông thấy cảnh thái bình, dưới thời vua Thánh có hai cha con cùng đỗ một khoa. Thật là thịnh hội văn minh vậy…” và: “Những người đỗ khoa này đều là bậc tài cao học rộng. Có người bày mưu hay ở nơi lầu rồng cửa cấm, có người sưu tầm văn chương hay ở trong kho đá tủ vàng, có người giúp vầng nhật nguyệt trở lại huy hoàng, có người làm trận mưa rào sau khi bổ nhiệm, có người hiến mưu trung để tham gia kế lớn, có người phò vận sang để đi tới trung hưng. Nhà nước sở dĩ tiêu trừ được ngụy mạc, khôi phục kinh thành sáu cõi, chung hưởng trời xuân, thiên hạ thu về một mối cũng là nhờ công phò tá của những người đỗ khoa này vậy…”.

Cụ Ngô Trí Tri đã để lại di sản công đức lớn lao, không những cụ là NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CÔNG DANH KHOA BẢNG cho dòng họ có 5 đời tiến sĩ, trong đó cụ cùng con trai Ngô Trí Hòa và cháu nội Ngô Sĩ Vinh (thi đậu tiến sĩ năm 1646) tạo thành huyền thoại Tam đại Tiến sĩ, tiếp đến các đời sau có hai anh em là Tiến sĩ Ngô Công Trạc (1694), Ngô Hưng Giáo (1710); Cụ cũng chính là NGƯỜI KHỞI PHÁT MỘT TRUYỀN THỐNG văn hóa, bản lĩnh hiếu học mạnh mẽ cho cả quê hương miền trung địa linh nhân kiệt. Trong cuộc đời quan trường, cụ đã từng giữ chức Giám sát ngự sử đạo Quảng Nam, một vùng đất lúc đó thuộc biên viễn phía Nam của đất nước, dân trí còn thấp, việc biên cảnh còn phức tạp, rối ren. Ở đây, trong vị trí của mình, cụ cũng là người nổi tiếng vì đức thanh liêm chính trực, hết lòng thương dân. Đức sáng trong thời kỳ làm quan này của cụ , sau đó hơn một trăm năm còn được Tiến sĩ Bùi Dương Lịch kính trọng ghi lại trong tác phẩm của mình với những lời tôn vinh nhất mực. Sau khi về hưu, cụ lại tiếp tục mở trường dạy học. nhiều học trò của cụ thành đạt, nổi tiếng, điển hình như Tiến sĩ Lê Kính, Tiến sĩ Phan Thúc Trực…

Cụ Ngô Trí Tri mất ngày 13 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1628), hưởng thọ 91 tuổi (trong một số bản phả ghi Cụ mất ngày 13 tháng 5 năm Canh Tý – 1600). Ngày cụ mất, nhà vua đã phong tặng cụ: “Nhâm Thìn khoa, đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Quảng Nam đạo, Giám sát ngự sử Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, gia tặng Tả thị lang Thái bảo Khánh Diễn bá” và đặc biệt phong “Trác vĩ thượng đẳng thần”.

Từ đó, các triều vua sau, Hoằng Định, Vĩnh Tộ, Thành Thái, Khải Định… đều có sắc phong, khẳng định vị thế tôn quý của cụ đối với nhân dân, đất nước. Cùng với nó, vượt lên trên sự kính tín, nhân dân còn lưu giữ hàng loạt giai thoại về cụ từ lòng nhân từ, tài chữa bệnh đến phong thái mô phạm, trí tuệ sắc sảo, mẫn tiệp rất đỗi hóm hỉnh, dung dị của cụ…

Với cốt cách thanh cao, sống liêm khiết hết lòng vì dân vì nước, cụ Ngô Trí Tri được nhân dân khắp nơi đều hết lời ca ngợi. Riêng nhân dân vùng quê hương Đông Thành hồi đó (nay là các vùng xung quanh huyện Diễn Châu/ Nghệ An) đã coi cụ Ngô Trí Tri như một vị thánh hiền tài, đức độ, luôn cứu nhân độ thế, đem lại cuộc sống yên ổn no ấm, thanh bình cho nhân dân. Vì vậy, nhiều di tích, đền thờ tưởng nhớ cụ được xây dựng ở nhiều nơi trên đất Đông Thành (theo Nghệ An kí của Bùi Dương Lịch, Nhà XB KHXH 1993).

Lăng mộ cụ Ngô Trí Tri, được con cháu tôn tạo lại khang trang vào năm Tân Mùi (1991), ngụ tại Chùa Nhãn, thuộc làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một ngôi làng có truyền thống văn hóa lịch sử nổi tiếng được nhiều thế hệ con cháu 12 dòng họ xây dựng nên. Cụ Ngô Trí Ý và con trai người là cụ Ngô Trí Văn - đời thứ 5 và thứ 6 của cụ Tổ Ngô Trí Tri - đã từng là những quân sư đầu tiên góp phần tạo nên truyền thống cốt cách truyền thống đó của làng.

Con trai cụ Ngô Trí Tri là Ngô Trí Hòa(1564-1625) là danh thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi của ông không chỉ được ghi trong sử sách mà còn được biết đến qua các văn học dân gian Việt Nam.

Năm 1592 đời Lê Thế Tông, hai cha con ông cùng đi thi. Năm đó ông 28 tuổi, cha ông 56 tuổi. Kết quả trong kỳ thi đó cả hai cha con cùng đỗ tiến sĩ: Ngô Trí Tri đỗ tam giáp tiến sĩ, còn Ngô Trí Hòa đỗ hoàng giáp thứ hai.

Ngô Trí Hòa được trao chức Án sát sứ Sơn Tây. Sau đó được chúa Trịnh Tùng để ý, ông được triệu về triều làm Đô cấp sự Lại Khoa

Khi Ngô Trí Hòa được thăng làm Hữu thị lang bộ Hình, ông ra nhận chức ở Thanh Hóa. Năm 1604, ông được triệu về làm Hữu thị lang bộ Lại, tước Phú Lộc bá. Năm 1606 ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc cống nhà Minh. Đọc lại bài thơ “Bành thành Hoài cổ” ông viết trong dịp đi làm sứ thần của triều đình sang phương Bắc, ta cũng hiểu được phần nào tâm tư, tình cảm và tầm vóc của một con người có sứ mạng phò vua giúp nước an dân (theo dịch thơ của Ngô Sĩ Phan Diễn Kỷ):

“Dưới thành thuyền sứ buông neo,
Tìm trong cảm khái nhớ triều vua xưa,
Cảnh buồn sông núi ngẩn ngơ,
Hưng vong kim cổ còn trơ hận lòng,
Đầy sông sương trắng xuôi dòng,
Đỉnh non mây cuốn hừng đông nhật triều,
Chiến trường năm ấy hoang phiêu,
Núi xanh chỉ có bích tiêu làm nền”.

Thành công sau chuyến đi sứ về, mùa đông năm 1608 ông được thăng làm Thượng thư bộ Hộ, kiêm Tế tửu Quốc tử giám. Ông làm giám thi trong ba kỳ thi 1612, 1613, 1616.


Các con cháu trước bàn thờ Tiến sỹ Ngô Trí Tri ở Diễn Châu.

Năm 1610 Ngô Trí Hòa được thăng làm Phú Xuân hầu. Trước chính sự đất nước xuất hiện nhiều nguy cơ do bọn cường hào ác bá triền miên sách nhiễu dân lành, đầu năm 1618 ông làm tờ khải trình chúa Trịnh Tùng đề nghị 6 việc:

1. Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp

2. Xin đè nén kẻ quyền hào để nuôi sức dân

3. Xin cấm phu dịch phiền hà để đời sống nhân dân được đầy đủ

4. Xin bớt xa xỉ để của cải nhân dân được thừa thãi

5. Xin dẹp trộm cướp để dân được yên

6. Xin sửa sang quân chính để bảo vệ tính mạng cho dân

Nội dung tờ khải xuất phát từ dũng khí của Ngô Trí Hòa, một tấm lòng vì nước vì dân, một sự kế thừa được bản tính người cha Ngô Trí Tri hết lòng thương dân, được Chúa khen và tiếp nhận, được đời sau ca ngợi bởi chính tính thời sự luôn nóng hổi của nó với mọi thời đại..

Năm 1623, ông có công dẹp loạn ở Sơn Tây, được gia phong Thiếu bảo, phong Hiệp Mưu tá lý dục vận tán trị công thần.

Do bệnh nặng, ngày 21 tháng 11 năm 1625 thời Lê Thần Tông (chúa Trịnh Tráng), Ngô Trí Hòa mất, thọ 62 tuổi, được truy tặng là Xuân quận công.

Ngô Trí Hòa phục vụ cho nhà Hậu Lê hơn 30 năm. Vua Lê Thần Tông hạ chiếu cho lập đền thờ ông tại quê nhà ở thôn Lý Trai, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để tưởng nhớ công lao của ông .

Tháng 9/2013, Tổ chức Kỷ lục gia đã công nhận và trao Bằng vinh danh Kỷ lục (Giness Reccord) cho Sự kiện vô tiền khoáng hậu hai bố con “Đồng khoa Tiến sĩ” Ngô Trí Tri – Ngô Trí Hòa.

Cháu nội Tiến sĩ Ngô Trí Tri, con Hoàng giáp Ngô Trí Hòa là Văn thần đời Lê Chân Tông Ngô Sỹ Vinh (1596-1673). Năm Bính Tuất 1646 ông đỗ Tam giáp Tiến sĩ. Vậy là từ đây họ Ngô Lý Trai trở thành dòng họ có Tam đại Tiến sĩ. Nhân dân có câu ca rằng: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”.

Là một trung thần văn võ song toàn, Tiến sĩ Ngô Sỹ Vinh đã làm đến Quang lộc tự khanh, tước Bá, được tặng phong: Đôn hậu tán trị công thần, Tả thị Lang, Tước Lý Hải Hầu.

Năm Phúc Thái thứ năm (1647) Ngô Sỹ Vinh được cử làm Chánh sứ tuế cống nhà Thanh. Ông đã có công gửi mật thư bày mưu giải thoát cho Vua nhà Thanh khi bị lực lượng “phục Minh phản Thanh” bao vây. Vua nhà Thanh cảm phục, sai sứ giả mang ba bức gấm và bức thư là một bài thơ sang cảm tạ “Thiên triều tuế công Lưỡng Quốc Tri Danh”. Ông trở thành “Lưỡng quốc Công thần” và họ Ngô Lý Trai trở thành họ Ngô Công thần từ đây.

Năm Ất Mùi (1655)-Bính Thân (1656) Đốc thị Ngô Sỹ Vinh lập công lớn trong việc ngăn chặn quân chúa Nguyễn tấn công ở phía Nam Hà Tĩnh, được phong làm Quang Lộc tự Khanh tước Lý Hải bá. Ngày 20/3 năm Kỷ Hợi (1659) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2, Lưỡng quốc Công thần Ngô Sỹ Vinh qua đời khi đang đương chức, được truy tặng tước Lý Hải hầu. Triều đình đã ban đất ở quê hương Lý Trai làm đền thờ để khói hương thờ cúng cụ. Đôi câu đối trong đền thờ: “Nam Bắc lưỡng triều quang thùy huân nghiệp, Đông Yên nhị nguyệt kính chúc kinh hương” một phần nào cũng nói lên được tài năng, công đức , sự nghiệp của cụ sống mãi với non sông đất nước và mang dấu ấn những chiến công của cụ. Quần thể hai đền thờ cổ của hai cha con cụ tọa lạc khang trang trên diện tích hơn một ha ở xã Diên Kỷ, huyện Diễn Châu. Điều kỳ diệu là trải qua các cuộc chiến tranh, bom đạn tàn khốc rải khắp vùng cầu Bùng-ga Chợ Si, hai đền thờ này, cùng với bốn cây thị khoảng 500 tuổi và mồ mả các cụ không hề hấn gì. Đây hẳn là phúc đức của Tổ Tiên dành cho con cháu muôn đời vậy.

Ngày 23/6/1992, Nhà thờ Ngô Trí Hòa-Ngô Sỹ Vinh được công nhận là di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia.

Trí tuệ hậu duệ thời hội nhập

Sau hơn 500 năm, họ Ngô có 4 vị Tướng, tên là Ngô Trí Nhân (1946), Cục trưởng Cục Tác chiến điện tử Bộ Quốc phòng, Ngô Văn Sơn sinh 1956, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ quốc phòng, Ngô Sỹ Quyết, sinh năm 1959, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Ngô Sỹ Hiền, sinh năm 1958, Viện trưởng Viện khoa học Hình sự, Bộ Công an.

Nói về Ngô Trí Nhân, ông sinh ngày 26/3 Bính Tuất (1946), là trưởng nam của ông bà Ngô Trí Tài (1913-1978) và bà Đậu Thị Nghiêm (1914-2000). Từ nhỏ Ngô Trí Nhân có tư chất thông minh, khi học lớp 10 (cuối cấp III- Phổ thông Trung học), ông đã thi lọt vào đội tuyển Nghệ An để dự thi hai môn Toán và Lý toàn miền Bắc (sau này là toàn quốc). Nhờ đạt thành tích học tập xuất sắc, mùa hè 1965, trong lúc Mỹ ném bom ác liệt toàn miền Bắc, ông được chọn đi học đại học ở Trung Quốc (Khoa Vật lý điện tử). Khi nước này bước vào cuộc cách mạng văn hóa khốc liệt, chính phủ Việt Nam chủ trương rút toàn bộ lưu học sinh về nước. Tháng 12/1966 ông về Hà Nội vào Đại học tổng hợp, sau đó ông nhập ngũ vào bộ đội Ra-đa và tham gia chiến đấu chống không quân Mỹ ở nhiều vùng miền Trung Việt Nam. Đến tháng 7/1967 ông được chọn cử sang Liên Xô học về vô tuyến điện tử tại Trường Đại học Quân sự ở Thành phố Ô-đét-xa cho đến tháng 7/1973 thì ông trở về nước. Ông trở thành Giảng viên Khoa Vô tuyến điện tử tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự Vĩnh Yên (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) trong 10 năm liền. Năm 1984, ông được lựa chọn đi học về tác chiến điện tử tại Học viện Quốc phòng Lê-nin-gơ-rát, Liên Xô. Trở về nước cuối 1985, ông được chuyển về Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Cục Tác chiến Điện tử (chiến tranh công nghệ cao).

Năm 2002, với quân hàm Đại tá, ông được cử làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu I. Một năm sau, năm 2003, ông được thăng chức Cục trưởng Cục Tác chiến Điện tử. Năm 2004, ông được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông Ngô Quang Xuân sinh ngày 1/1 năm Kỷ Sửu (1949), thứ nam trong gia đình ông Ngô Trí Tài và bà Đậu Thị Nghiêm ở làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu. Từ khi bước vào ghế nhà trường, ông luôn học giỏi, đã từng thi đậu ở huyện để lọt vào đội tuyển tỉnh Nghệ An dự thi môn văn toàn miền Bắc khóa học 1967-1968 (Khóa 1964-1965, anh trai ông là Ngô Trí Nhân dự thi miền Bắc môn Toán và Lý). Thời đó, bà con họ hàng đã cho rằng hai con trai ông Ngô Trí Tài xứng đáng là hậu duệ nối dõi của một dòng họ khoa bảng. Với thành tích học tập xuất sắc, mùa hè 1968, ông được chọn cử sang Liên Xô học trong 6 năm. Trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp Đại học bằng ưu, ông được lựa chọn vào làm việc ở Bộ Ngoại giao từ tháng 10/1974.

Ông tâm sự việc được vào làm nghề ngoại giao là bất ngờ, không phải lựa chọn của ông, nhưng có thể cái duyên này có sự chỉ bảo dẫn dắt nào đó của hai Sứ thần là hai bố con các cụ Tổ Ngô Trí Hòa - Ngô Trí Tri. Khi trên đường bay sang phía tây trái đất nhận nhiệm sở, cảm kích nhớ tới bài thơ “Bành thành hoài cổ’ của cụ tổ Ngô Trí Hòa khi đi sứ nhà Minh, ông đã viết bài thơ “Cảm xúc đi sứ” với từ ngữ khá “khẩu khí” (bài này đã được dịch ra tiếng Anh trong quyển thơ xuất bản kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp quốc), có những câu như:

Bồng bềnh giữa chín tầng mây

Sứ cùng phái bộ sang Tây bán cầu

Thái Bình dương sóng bạc đầu

Dệt thêu thảm rộng đượm màu quê hương

Nâng ta vững bước lên đường

Kết giao bè bạn bốn phương đất trời

Tổ tiên Ngô tộc nhiều đời Sứ

“Đem chuông đánh nước người” lừng vang…


Đại sứ Ngô Quang Xuân và con gái Ngô Phương Lan ở nước ngoài.

Cuối năm 2002, ông nhận nhiệm vụ Đại sứ / Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc và các Tổ chức quốc tế tại Genève Thụy sĩ với trọng tâm là tăng tốc để kết thúc đàm phán đưa Việt Nam vào WTO. Cuối năm 2006, khi cuộc đàm phán gian nan vất vả kéo dài 11 năm này thành công, ông trở thành Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu này. Với sự thông minh, hiếu học, giàu bản lĩnh, được tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa Đông-Tây, thông thạo các ngoại ngữ Anh. Pháp, Nga, có thể nói Ngô Quang Xuân là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp tầm cỡ quốc tế.

Ngày 20/9/2008, Đại sứ Ngô Quang Xuân và nguyên Tổng thống Thụy sĩ Joseph Daiss đã vinh dự được Đại học kinh doanh Lausanne nổi tiếng trao bằng Tiến sĩ danh dự rất danh giá của hệ thống Đại học Quốc tế, công nhận những đóng góp to lớn của họ trên nhiều lĩnh vực.

Đến lượt con gái của ông Ngô Quang Xuân là Hoa hậu Thế giới người Việt đầu tiên Ngô Phương Lan lại là một cái tên của người con gái trong gia đình họ Ngô.

Đêm mùng 2 tháng 9 năm 2007, tại cuộc thi chung kết Hoa hậu Thế giới người Việt lần đầu tiên được tổ chức tại Hòn Ngọc Việt, Thành phố Nha Trang, Ngô Phương Lan - cô sinh viên năm thứ 3 Khoa quan hệ quốc tế Trường Đại học Tổng hợp Genève đã được vinh danh ngôi vị cao nhất: Đăng quang Vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt! Báo giới đưa tin: ”Ngoài chiều cao hơn 1m70, hình thể cân đối, gương mặt sáng, đôn hậu, Ngô Phương Lan còn giành thiện cảm với khán giả bằng phần thi ứng xử. Trả lời câu hỏi: ”Vì sao các hoa hậu luôn gắn với việc làm từ thiện?”, cô trả lời: ”Cái thiện chính là cái đẹp. Chân-Thiện-Mỹ là phẩm chất cao cả của người phụ nữ Việt Nam và cũng là đỉnh cao khát vọng mà mỗi con người đều muốn vươn tới. Khi cái đẹp gắn liền với với sự hảo tâm, trái tim nhân hậu và sự chân thành thì cái đẹp được tôn vinh lên rất nhiều. Vì vậy em nghĩ rằng hoạt động từ thiện làm tăng thêm vẻ đẹp của một Hoa hậu.” Ngô Phương Lan cũng giành luôn giải “Ứng xử hay nhất”.

Có thể nói, là hậu duệ trong dòng chảy lịch sử bắt nguồn từ các bậc hiền tài Tổ Tiên họ Ngô cách đây hàng 500 năm, anh em, cha con, bác cháu Tướng Ngô Trí Nhân, Đại sứ Ngô Quang Xuân và Hoa hậu Ngô Phương Lan đang góp phần viết tiếp truyền thống và làm giàu thêm hành trang của quê hương Diễn Châu, Nghệ An một miền đất địa linh nhân kiệt- trong thời đại hội nhập để không ngừng phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một nhà tam đại tiến sĩ họ Ngô Diễn Kỷ và một gia đình hậu duệ sau 500 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO